kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Bảo đảm nguồn thực phẩm dịp cuối năm

Bảo đảm nguồn thực phẩm dịp cuối năm

Dịp cuối năm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Với năm nay, nguồn cung thực phẩm được quan tâm hơn do dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng cho đàn lợn. Để hiểu rõ về tình hình nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT xung quanh vấn đề này.

P.V: Xin ông cho biết tình hình nguồn cung thực phẩm hiện nay trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết, cần phải nhìn nhận với nguồn lợn thịt thời gian qua đã bị thiệt hại nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi. Số lợn mắc dịch phải tiêu hủy lên đến 132 nghìn con, chiếm gần 30% tổng đàn. Cùng với đó, phần lớn số hộ phải tiêu hủy lợn bệnh đều không tái đàn trở lại. Hiện có đến 9.500 hộ từng chăn nuôi lợn để trống chuồng. Ngoài ra, một số hộ chăn nuôi lợn chưa bị dịch nhưng sau khi xuất chuồng không tái đàn trở lại do lo ngại dịch bệnh. Như vậy, có thể thấy chắc chắn nguồn lợn thịt cung cấp cho thị trường sẽ bị thiếu hụt đáng kể.

Tuy nhiên, với các đối tượng vật nuôi khác đều tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhiều hộ dân chuyển hướng phát triển gia cầm hoặc tăng đàn. Hiện tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt 7 triệu con, tăng  hơn 10% so với cùng kỳ năm trước; đàn trâu, bò tăng 5%; đàn dê cho sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 2%. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá mạnh, sản lượng dự tính tăng 15% so với năm 2018.

Lợn thịt của tỉnh đưa ra chợ đầu mối thuộc xã Bối Cầu (Bình Lục) hiện nay giảm đáng kể so với trước.

Như vậy, có thể thấy về cơ bản lượng thực phẩm chung trong tỉnh không bị thiếu hụt nhiều khi người dân chuyển từ thói quen ăn thịt lợn sang các loại sản phẩm thịt khác. Tuy nhiên, về giá cả các loại thực phẩm đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng giá lợn thịt tăng. Điển hình, giá gia cầm tăng khoảng trên 10%. Giá gà thả vườn hiện đạt gần 100 nghìn đồng/kg…

P.V: Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang xuất hiện ở một số nơi và tình hình chăn nuôi lợn trở lại gặp khó khăn. Ngành nông nghiệp có những biện pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi lợn, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo thói quen tiêu dùng thực phẩm của người dân, thịt lợn vẫn đóng vai trò quan trọng trong bữa ăn hằng ngày. Đặc biệt, dịp cuối năm càng tăng cao. Chính vì thế, việc chăn nuôi lợn sẽ phải thực hiện theo phương châm vừa chống dịch, vừa tái đàn để bảo đảm nguồn cung ra thị trường. Trong đó, hướng đến việc tăng đàn sẽ tập trung chính vào hơn 70% số hộ còn đang duy trì đàn lợn. Với những hộ trước đây có dịch nếu đủ điều kiện thì khuyến khích tái đàn trở lại. Ngoài ra, ngành hướng dẫn người chăn nuôi lợn tại thời điểm hiện tại nên sử dụng biện pháp kéo dài thời gian nuôi để tăng trọng lượng lợn xuất chuồng. Cụ thể, trước đây lợn thịt xuất chuồng có trọng lượng 100 kg, nuôi trong 5 tháng, nay thời gian nuôi kéo dài thêm để đạt 130 – 140 kg/con. Như vậy, sẽ tăng được sản lượng trong thời gian ngắn hơn bù đắp được nguồn cung lợn thịt bị thiếu hụt do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

P.V: Để bảo đảm tốt nguồn thực phẩm dịp cuối năm về phía người chăn nuôi cần phải thực hiện và đáp ứng được yêu cầu gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo nhận định, nếu giữ được ổn định và phát triển chăn nuôi như hiện nay thì lượng thực phẩm thiếu hụt dịp cuối năm sẽ không nhiều. Đồng thời, giá cả không tiếp tục tăng quá cao, như giá lợn hơi xuất chuồng sẽ ở mức 74 – 75 nghìn đồng/kg… Tuy nhiên, dịp cuối năm thời tiết khắc nghiệt rét đậm, rét hại sẽ ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi. Nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm có thể phát sinh, như: cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc...

Do vậy, vấn đề chính là người chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đồng thời, áp dụng các biện pháp chăm sóc, giữ ấm giúp vật nuôi nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt, cần lưu ý và phòng chống thật tốt dịch tả lợn châu Phi, không để tái phát trở lại ở những nơi đã được công bố hết dịch, góp phần ổn định nguồn cung và thị trường thực phẩm dịp cuối năm.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mạnh Hùng (Thực hiện)

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy