Hướng đến xanh hóa sản xuất trong các doanh nghiệp

Sản xuất xanh hay xanh hóa sản xuất đang là mô hình được các doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm xây dựng, áp dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tài nguyên, chi phí sản xuất mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong và ngoài nước, tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021; trong đó, đề ra các mục tiêu về thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát huy lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sống. Tại Hà Nam, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xi măng, clinker đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 

Hướng đến xanh hóa sản xuất trong các doanh nghiệp
Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (Kim Bảng) thực hiện xanh hóa văn phòng làm việc.

Đơn cử như Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành (xã Thanh Nghị, Thanh Liêm) - doanh nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng với công nghệ sản xuất xi măng hiện đại hàng đầu trong cả nước. Xác định rõ, sản xuất xi măng tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nếu không có giải pháp phù hợp, thời gian qua, công ty đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, khai thác tài nguyên, đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.

Đặc biệt, gần đây, công ty đã mạnh dạn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất xi măng không khói bụi. Trong đó, nổi bật là ứng dụng máy thu phát điện nhiệt dư, thực hiện thu toàn bộ nhiệt thừa trong quá trình sản xuất clinker để tạo ra điện năng với công suất 24.800 kWh. Lượng điện  tạo ra được sử dụng để phục vụ cho quá trình sản xuất, đáp ứng 30% tổng lượng điện tiêu thụ của toàn nhà máy. Nhờ đó, Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành tiết kiệm được hàng tỷ đồng mỗi năm. Thêm vào đó, việc thu hồi nhiệt từ tháp trao đổi nhiệt và lò nung còn làm giảm phát thải khói bụi và các chất có hại như CO2, NOX và SO2 phát tán ra không khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ của công nhân lao động và môi trường xung quanh. 

Ông Vũ Duy Khiêm, Quản đốc phân xưởng Năng lượng, Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành cho biết: Để thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công ty đã ứng dụng hệ thống thu phát điện nhiệt dư lớn nhất cả nước trong khối doanh nghiệp sản xuất xi măng. Qua đó, không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường. Trong năm 2021, công ty đã tiết kiệm được khoảng 5% sản lượng điện tiêu thụ trên một tấn sản phẩm. Xi măng Xuân Thành định hướng sản xuất xanh là nhiệm vụ quan trọng và là quá trình xuyên suốt trong quá trình vận hành nhà máy. Theo đó, dự án tiếp theo của Xuân Thành là đầu tư thêm một dây chuyền đồng bộ nhằm duy trì sản xuất xanh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Với quan điểm, phát triển sản xuất, kinh doanh phải gắn liền với bảo đảm quyền lợi, sức khỏe cho người lao động và người dân địa phương, ngoài việc đầu tư hệ thống máy thu phát điện nhiệt dư, Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành còn đặc biệt quan tâm giải quyết tốt các vấn đề về khói bụi, khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Công ty đã đầu tư các loại xe hút bụi, xe tưới nước, lắp đặt hệ thống phun nước tự động nhằm dưỡng ẩm thường xuyên bề mặt các tuyến đường xung quanh nhà máy; lắp đặt camera an ninh giám sát bụi, khí thải để có giải pháp khắc phục kịp thời. Ngoài ra, công ty cũng thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải; lắp đặt, vận hành hệ thống xịt rửa xe cao áp tự động khi ra vào khu khai thác sét. Mới đây, công ty còn phối hợp với UBND xã Thanh Hương (Thanh Liêm) trồng cây xanh trên các tuyến đường trục xã. 

Hướng đến xanh hóa sản xuất trong các doanh nghiệp
Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại và đầu tư VHT (TP Phủ Lý) xanh hóa văn phòng làm việc bằng nhiều chậu cây xanh.

Phát triển sản xuất xanh là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới,  giúp các doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng của sản xuất xanh là sản xuất ra những sản phẩm an toàn cho sức khỏe con người và môi trường sống. Vì vậy, cũng như Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng hơn đến vấn đề sản xuất xanh, đầu tư dây chuyền, máy móc, công nghệ, trang thiết bị sản xuất hiện đại, ít tiêu hao năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường. Công ty Honda Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hà Nam là một ví dụ. Thực hiện xanh hóa sản xuất, Honda Việt Nam đã triển khai các giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm điện năng trong sản xuất. Cùng với đó, ưu tiên sử dụng nguyên liệu sạch, thân thiện môi trường, tích cực thực hiện quy trình 5S trong sản xuất. 

Bà Kiều Thị Hải, cán bộ phụ trách môi trường, Công ty Honda Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hà Nam khẳng định: Phát triển một nền kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh sản xuất đi kèm với bảo vệ môi trường là một xu thế, là yêu cầu tất yếu để doanh nghiệp hội nhập sâu hơn vào sân chơi quốc tế. Mục tiêu xanh hóa sản xuất của Honda Việt Nam là hướng đến cuộc sống tốt đẹp cho người dân. Theo đó, việc triển khai các biện pháp nhằm xanh hóa sản xuất tại công ty không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn tác động rất lớn đến nhận thức của mỗi người lao động, xa hơn là mỗi người dân trong vấn đề sử dụng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường sống.

Có thể khẳng định, lợi ích mà mô hình sản xuất xanh mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng và phát triển rộng rãi tại các doanh nghiệp lại là vấn đề không dễ dàng. Bởi lẽ, doanh nghiệp cần phải có nguồn kinh phí lớn để đầu tư máy móc, thiết bị, đào tạo nhân lực... Ngoài một số doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, thực tế tại các doanh nghiệp ở Hà Nam hiện nay cho thấy, doanh nghiệp thực hiện xanh hoá sản xuất mới chủ yếu dừng lại ở việc sử dụng máy móc hiện đại để tiết giảm điện năng; xanh hóa khuôn viên; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường và đa phần ở quy mô nhỏ. Vì vậy, để sản xuất xanh lan tỏa rộng rãi, phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thực hiện.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy