Thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp

Năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine, tổng cầu thế giới sụt giảm mạnh… là những yếu tố gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, dưới sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh ủy, sự điều hành sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh, sự cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, bức tranh sản xuất công nghiệp của Hà Nam vẫn ghi nhận nhiều gam màu sáng. Đó chính là những tín hiệu khả quan cho thấy hướng đi đúng của tỉnh Hà Nam trong phát triển công nghiệp bền vững.

Những gam màu ấn tượng

Năm 2023 tiếp tục là năm vượt khó của cả nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, duy trì thực hiện có hiệu quả 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư.

Cùng với đó, quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ logictics; tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, phục vụ thu hút đầu tư, điển hình là việc triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh trên các tuyến đường giao thông của KCN, hoàn thành kiên cố hóa các kênh phục vụ tiêu thoát nước tại KCN; triển khai hoàn thiện bãi đỗ xe tập trung của KCN Đồng Văn II; đầu tư xây dựng khu đất dịch vụ, nhà ở công nhân, hoàn thiện trạm xử lý nước thải giai đoạn 2 và bãi đỗ xe tập trung ở KCN Đồng văn IV…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư thông qua việc tổ chức nhiều đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Sigapore, Malaysia, Mỹ và một số nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Hungary nhằm giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, cơ chế thu hút đầu tư của tỉnh và kêu gọi các doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh, nhất là dối với ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.

Thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp
Sản xuất dây dẫn điện ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Khu công nghiệp Thanh Liêm. Ảnh: Hân Hân

Sự nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã tạo nên những gam màu sáng cho bức tranh công nghiệp của tỉnh. Năm 2023, tỉnh đã thu hút được 47 dự án (trong đó 25 dự án FDI và 22 dự án trong nước). Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.156 dự án đầu tư còn hiệu lực (tăng 3,7% so với cùng kỳ). Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2023 ước đạt 195.058,7 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2022. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN ước đạt 152.000 tỷ đồng, chiếm gần 78% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Trong bức tranh công nghiệp, các ngành công nghiệp khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện đều tăng trưởng so với năm 2022. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như dây điện các loại; linh kiện, thiết bị điện tử; xi măng và clinker… cũng đều có sự tăng trưởng so với năm trước. Nhiều doanh nghiệp trong các KCN có doanh thu, sản lượng hàng hóa tiêu thụ tăng trưởng khá, từ 20-40% so với năm 2022 như Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina, Công Ty TNHH YKK Việt Nam, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam, Công ty TNHH Number one Hà Nam, Công ty TNHH Wistron Infocomm, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật AVC Việt Nam…

Nhận định về kết quả đạt được trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp năm 2023, ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ đạt 98% kế hoạch nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì kết quả đạt được vẫn là con số đáng ghi nhận. Kết quả này góp phần quan trọng đưa mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2023 ước đạt 9,41%, đứng thứ 5 của vùng đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 8 toàn quốc. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong điều kiện hiện nay chính là sự kiểm định tốt nhất đối với các chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh. Đồng thời thể hiện sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, làm tiền đề cho sự phát triển của tỉnh những năm tiếp theo.

Cần có giải pháp đột phá

Mặc dù, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023 được ghi nhận là có sự chuyển biến tích cực, một số ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh gặp khó khăn trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 cũng đã dần đi vào ổn định, lấy lại đà tăng trưởng vào những tháng cuối năm 2023 nhưng theo nhận định của ngành chức năng, các chuyên gia kinh tế thì trong bối cảnh hiện nay, khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó, mục tiêu của tỉnh đề ra năm 2024, toàn tỉnh sẽ có 750 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 219.441 tỷ đồng, tăng 12,5% so với thực hiện năm 2023; giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8.705 triệu USD, tăng 17,6% so với năm 2023.

Thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp
Sản xuất đồ gia dụng tại Công ty cổ phần Elmich (Bình Lục). Ảnh: Lê Yến

Để đạt được mục tiêu đề ra, hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp cần sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa từ Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Trên cơ sở xác định rõ những khó khăn, thách thức tác động đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế nói chung, sản xuất công nghiệp nói riêng, tỉnh Hà Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tập trung thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 11-NQ ngày 15/9/2012 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên thu hút phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao gắn với công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh, sạch, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như: sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghệ thông tin, vật liệu mới, lắp ráp ô tô, xe máy…

Bên cạnh đó, tập trung tổ chức lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghệ cao Hà Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh; hỗ trợ, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Năm 2024, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án có vốn đầu tư lớn, dự án nhà ở công nhân và các thiết chế văn hóa tại các KCN hoàn thiện thủ tục, sớm đi vào khởi công, đầu tư xây dựng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Malaysia và các nước châu Âu.Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng phải chịu sự tác động nặng nề từ hậu quả kéo dài của đại dịch Covid -19; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát ở mức cao…

Theo đó, việc tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh phát triển sản công nghiệp có ý nghĩa quan trọng, góp phần quyết định khả năng thực hiện và hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 đề ra. Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2024 và  những năm tiếp theo sẽ tiếp tục tạo điểm nhấn ấn tượng trong bức tranh kinh tế của tỉnh.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy