Tăng cường kiểm soát bình ổn giá cả thị trường

Sau Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa tiếp tục sôi động do nhu cầu mua sắm hàng hóa phục vụ lễ hội, du xuân, mừng thọ, hội họp… của người dân. Đây cũng là thời điểm các đối tượng dễ lợi dụng để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, sản xuất hàng cấm, hàng giả, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các ngành chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ thị trường hàng hóa.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT và UBND tỉnh, Cục QLTT tỉnh đã  ban hành Kế hoạch số 619/KH-QLTTHNA về cao điểm chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, Cục yêu cầu các đội QLTT trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp trước, trong và sau Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm. Trong đó, tập trung vào địa bàn trọng điểm, có hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi, những địa phương có nhiều lễ hội, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ…

Đặc biệt, trước thực trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong và ngoài tỉnh đóng cửa, ngừng bán lẻ xăng dầu không có lý do trong dịp Tết Nguyên đán năm trước, dịp Tết năm nay, Cục QLTT tỉnh đã siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, ban hành văn bản chỉ đạo các đội làm tốt công tác giám sát, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm theo quy định, không thực hiện hành vi đầu cơ, găm hàng, dừng bán hàng, không để xảy ra tình trạng “đứt gãy” nguồn cung phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân trên địa bàn dịp Tết và đầu xuân năm mới.

Trao đổi làm rõ hơn về nội dung này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Trong dịp Tết và đầu xuân năm mới, nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất, đi lại của người dân và doanh nghiệp tăng cao. Vì vậy, Cục rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo đẩy mạnh triển khai giám sát, kiểm tra thường xuyên đối với tất cả các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh trong suốt kỳ nghỉ Tết và đầu năm mới. Bên cạnh đó, Cục cũng duy trì tốt công tác phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng, UBND cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, tình trạng cung ứng xăng dầu trên địa bàn thời gian trước, trong, sau Tết cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu nguồn xăng dầu, không phát hiện vi phạm. Trong thời gian trước, trong và sau Tết, Cục đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ vi phạm về gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung. Đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kể từ khi triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024 (cuối tháng 11/2023) đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện, xử lý 147 vụ vi phạm, xử phạt hành chính số tiền trên 1,1 tỷ đồng.

Khách hàng mua sắm hàng hóa thiết yếu tại siêu thị Winmart thành phố Phủ Lý. Ảnh: Hân Hân

Do nhu cầu mua sắm hàng hóa phục vụ liên hoan, hội họp, du xuân, lễ hội đầu năm tăng cao, nhất là đối với mặt hàng bánh kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thực phẩm, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Công thương đã và đang tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm bình ổn thị trường hàng hóa trong những ngày Tết và đầu năm. Trong đó, Sở chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tập trung theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để có biện pháp cụ thể đảm bảo cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Sở cũng yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp phân phối mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp... nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình và thấp. Cùng với đó, Sở tích cực phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường về lĩnh vực giá, chất lượng sản phẩm, đo lường, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu, hàng hóa thiết yếu…

Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Vào những ngày đầu năm mới, Sở đề nghị phòng kinh tế, kinh tế - hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, gửi báo cáo diễn biến thị trường, tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa các mặt hàng thiết yếu theo từng ngày, từng tuần để có giải pháp bình ổn thị trường. Kết quả cho thấy, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả các mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng so với các tháng khác trong năm và tăng cao nhất vào ngày 30 Tết, mồng 1 và mồng 2 Tết. Từ mồng 3 Tết đến nay, giá bán các mặt hàng này giảm nhẹ và duy trì giữ ở mức ổn định. 

Thời điểm này, các ngành chức năng của tỉnh vẫn đang tiếp tục thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu và hàng hóa thiết yếu. Qua đó, không chỉ góp phần ổn định thị trường sau Tết mà còn giúp người tiêu dùng mua sắm được các mặt hàng chất lượng, bảo đảm an toàn.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy