Nhiều ngành dịch vụ phục hồi hiệu quả

Năm 2023, trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng ở nhiều ngành như bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; dịch vụ vận tải, kho bãi; lưu trú, ăn uống; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ… với giá trị tăng thêm đạt mức tăng trưởng từ 5,5% đến 15% so với năm 2022. Đây được xem là mảng màu sáng trong toàn cảnh bức tranh kinh tế của tỉnh trong thời điểm nền kinh tế phải đối mặt với liên tiếp những khó khăn, thách thức.

Theo Cục Thống kê tỉnh, năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 50.201,9 tỷ đồng, tăng 9,41% so với năm 2022. GRDP của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao thứ 5 trong khu vực đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 8 toàn quốc. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ tăng 6,59%, đóng góp 1,54 điểm phần trăm; thuế sản phẩm tăng 2,79%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm. Con số này cho thấy, khu vực dịch vụ có đóng góp quan trọng trong mức tăng chung của nền kinh tế và có sự phục hồi đáng kể trong năm 2023 nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh…

Cụ thể, trong khu vực dịch vụ, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có giá trị tăng thêm đạt mức tăng trưởng 10,5%; dịch vụ vận tải kho bãi tăng 15,08%; lưu trú và ăn uống tăng 5,49%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 41,35%... so với năm 2022. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh ước đạt 47.428,5 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Trong đó, quý I/2023 đánh dấu sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động thương mại, dịch vụ với mức tăng lên tới 43,8% so với cùng quý năm 2022.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Lan Chi, thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân. Ảnh: Hân Hân

Theo nhận định của ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng từ nửa cuối năm 2022 trở lại đây, nhiều nhóm ngành hàng, dịch vụ trên địa bàn tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhất là chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội đối với nhiều mặt hàng; sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của tỉnh trong việc bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu nhằm kiềm chế lạm phát, bảo đảm nguồn hàng luôn được cung ứng dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Là một trong những ngành dịch vụ bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch Covid-19 và chính sách thắt chặt chi tiêu, mua sắm của người tiêu dùng, ngành bán lẻ phải đối mặt với nhiều thời điểm hàng hóa ế ẩm, sức mua ì ạch ngay cả trong dịp lễ, Tết, nhất là trong giai đoạn 2020-2021. Năm 2023, ngành bán buôn, bán lẻ hoạt động sôi động trở lại với giá trị tăng thêm đạt mức tăng trưởng 10,5% so với năm 2022, đặc biệt là trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2024. Bà Đỗ Lan Hương, chủ cửa hàng tự chọn Hưng Hương (đường Lê Công Thanh, thành phố Phủ Lý) cho biết: Năm 2023, sức mua đối với các mặt hàng hóa có sự cải thiện đáng kể so với những năm trước, nhất là hàng hóa ở phân khúc bình dân. Tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sức mua hàng Tết tăng cao đột biến trong tháng giáp Tết, ước tăng trên 20% so với dịp Tết năm 2023. Hầu hết các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, các loại hạt dinh dưỡng… dùng để làm quà biếu và tiêu dùng trong dịp Tết đều được tiêu thụ hết. Một số sản phẩm còn bị “cháy hàng” trong những ngày cận Tết.

Kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng ăn uống, năm 2023, nhà hàng Đào Hồng, đường Lý Thường Kiệt (thành phố Phủ Lý), ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 20% về doanh thu so với năm 2022. Lượng khách đông nhất là trong quý IV/2023 và dịp đầu năm 2024. Theo chia sẻ của ông Đào Văn Hồng, chủ nhà hàng Đào Hồng, trong những năm trước đây, do tác động của đại dịch Covid -19, tiếp đến là sự bất ổn về tình hình chính trị, khủng hoảng kinh tế, tổng cầu thế giới sụt giảm khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó, vấn đề việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm mua sắm, sử dụng các dịch vụ không thật sự cần thiết, trong đó có dịch vụ ăn uống ngoài gia đình. Lượng khách đến nhà hàng khá thưa thớt.

Tuy nhiên, khoảng 5-6 tháng trở lại đây, cùng với sự phát triển bùng nổ của hoạt động du lịch, lượng khách trong tỉnh và ngoại tỉnh đến Hà Nam tăng cao. Với nhiều nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng bữa ăn với giá dịch vụ hợp lý, cạnh tranh nhất, nhà hàng Đào Hồng đã đón nhiều đoàn khách du lịch vào sử dụng dịch vụ của nhà hàng, đông nhất là vào những ngày cuối tuần. Riêng trong dịp trước, sau Tết Nguyên đán 2024, ngoài lượng khách hàng tại chỗ, Đào Hồng còn nhận đặt cỗ cho nhiều đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, tổ dân phố tổ chức tổng kết năm, liên hoan tất niên và gặp mặt đầu xuân.

Tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2023, trong tháng đầu tiên của năm 2024, nhiều nhóm hàng, ngành dịch vụ vẫn phát triển sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh trong tháng 1/2024 ước đạt 4.336,5 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng tháng năm 2023. Doanh thu của hầu hết các nhóm hàng trong tháng đều tăng so với tháng trước với mức tăng từ 1,5% đến 6,6%.Để đạt mục tiêu, năm 2024, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 10,5% so với năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tỉnh đạt 52.265 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2023, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 20230; thu hút đầu tư, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại; tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch tâm linh theo định hướng gắn kết, hình thành các chuỗi du lịch – dịch vụ nội tỉnh, liên tỉnh; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, tăng cường hợp tác du lịch với các tỉnh và các thị trường du lịch quốc tế.

Cùng với đó, tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh; chú trọng phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cho sản xuất cũng như đời sống nhân dân; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… 

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy