Ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ

Hành lang an toàn giao thông (ATGT) có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự ATGT và bảo vệ công trình đường bộ. Thực tế thời gian qua cho thấy, các cấp, ngành, lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp lập lại trật tự ATGT, song việc lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, là một trong những nguyên nhân gây mất trật tự ATGT, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Để giải quyết dứt điểm tình trạng này rất cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên của ngành chức năng và chính quyền cơ sở.

Thời gian gần đây, khi đi trên một số tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, không khó để bắt gặp trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và ATGT đường bộ. Tại TP Phủ Lý vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm trên các địa bàn phường, xã. Trong đó, phổ biến là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, ăn uống, để vật liệu xây dựng như: Tuyến đường Lê Duẩn, Lê Chân, Đinh Công Tráng… Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để họp chợ diễn ra hầu khắp, có thể kể đến như tại cổng KCN Châu Sơn (phường Châu Sơn), chợ Cầu Gừng (phường Thanh Tuyền), chợ Đầm (xã Liêm Tuyền).

Cá biệt, tại một số địa phương xuất hiện một số hộ gia đình tự ý xây dựng, cơi nới công trình nhà trái phép trên diện tích đất bảo vệ hành lang ATGT làm che khuất biển báo tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, biển chỉ dẫn giao thông. Đơn cử, tại tuyến đường tỉnh lộ (ĐT) 491, đoạn qua địa phận thôn Bích Trì, xã Liêm Tuyền (TP Phủ Lý), một số hộ đã tự ý xây lấn trái phép vào hành lang ATGT làm che khuất biển báo tuyên truyền Luật ATGT đường bộ. Sự việc này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm.

Ngăn chặn xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ
Người dân lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán gây mất an toàn giao thông. Ảnh chụp tháng 7/2022, tại chợ cóc khu vực Thôn 2 Cát Lại, xã Bình Nghĩa (Bình Lục). Ảnh: Quang Huy

Hay như tại điểm chợ cóc nằm trên tuyến ĐT 491 (khu vực Thôn 2 Cát Lại, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục) luôn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào mỗi buổi sáng, chiều thường ngày, nhất là cuối tuần, lễ, Tết. Những phản thịt, xe chở hoa quả, rau… thi nhau bày bán tràn lan dọc hai bên đường, gây cản trở giao thông. Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã nhiều lần tiến hành giải tỏa, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại tái diễn.

Còn trên tuyến ĐT 496B (khu vực Thôn 4 Thượng Vĩ, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân) thường xuyên xuất hiện một số điểm tập kết gỗ, được chất thành đống lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ che khuất tầm nhìn của người, phương tiện khi lưu thông qua tuyến đường này. Với chiều dài khoảng 500m nhưng có đến 5-6 điểm tập kết gỗ lấn chiếm hành lang ATGT. Điều đáng lo ngại hơn, tuyến đường này có trường tiểu học và mầm non của xã và các doanh nghiệp hoạt động nên lưu lượng người, phương tiện khi đi qua đoạn đường này khá lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Ngăn chặn xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ
Lực lượng Thanh tra (Sở Giao thông vận tải) phối hợp với chính quyền xã Liêm Cần (Thanh Liêm) tiến hành giải tỏa vi pham hàng lang ATGT trên địa bàn.

Nhằm khắc phục tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ, góp phần bảo đảm trật tự ATGT và giảm thiểu TNGT trên địa bàn, những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn chặn và kiên quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm. Trong 11 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã giải tỏa 1.218m2 nhà, ki ốt, lều quán; 1.857m2 mái che các loại; 1.612 biển quảng cáo; 259 điểm kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng và 2.816m3 vật liệu xây dựng… Ban ATGT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương liên quan, tuyên truyền, vận động các hộ dân tự tháo dỡ công trình vi phạm; tổ chức cưỡng chế 18 hộ vi phạm hành lang ATGT. Tuy nhiên, kết quả đạt được rất hạn chế và tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ vẫn diễn ra ngày càng phức tạp. Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, xây dựng lều quán bán hàng, xây dựng tường rào, lắp đặt biển quảng cáo, san lấp mặt bằng trái phép trong hành lang đường bộ gây mất ATGT vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức của một số người dân còn hạn chế, không tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, cố tình vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ. Thậm chí có những trường hợp khi đã vi phạm nhưng không chấp hành yêu cầu xử lý vi phạm của cơ quan chức năng gây phức tạp tình hình. Nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông để xử lý các vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ. Công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ công trình đường bộ và hành lang ATGT đường bộ cho người dân chưa sâu rộng, chưa đa dạng về hình thức tuyên truyền. Việc giải tỏa các công trình xây dựng trong hành lang ATGT đường bộ trong thời gian qua hầu như chỉ thực hiện thông qua việc tuyên truyền, giải thích mà chưa có chế tài xử lý quyết liệt, triệt để. Công tác phối hợp giữa các địa phương trong thực hiện lập lại trật tự vỉa hè, hành lang ATGT đường bộ có lúc, có nơi chưa được thường xuyên…

Ngăn chặn xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ
Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố Phủ Lý phối hợp với phường Châu Sơn tiến hành giải tỏa vi phạm hành lang ATGT trên địa bàn.

Có thể nói, việc chấn chỉnh tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ là việc làm cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cơ sở. Bởi thực tế, lực lượng chức năng giải tỏa xong sẽ bàn giao cho chính quyền cơ sở quản lý, cụ thể là cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã). Mặc dù vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng tái lấn chiếm lại diễn ra, nguyên nhân chính là do chính quyền cấp xã quản lý chưa sát sao. Để giải quyết triệt để tình trạng này, chính quyền cấp xã cần thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, xử lý các điểm mới phát sinh vi phạm hành lang ATGT đường bộ và những vị trí đã cưỡng chế, giải tỏa, tổ chức cắm cọc tiêu, đặt biển báo hiệu. Bên cạnh đó, các ngành có liên quan, chính quyền cơ sở, lực lượng chức năng cần phối hợp triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ tuyên truyền, vận động, đến ra quân tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm, bảo đảm duy trì kết quả đã đạt được và chống tái lấn chiếm, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm mới.

Chính quyền cơ sở lập các tổ công tác đến từng hộ gia đình nằm dọc các tuyến đường giao thông để tuyên truyền, xác định chỉ giới hành lang; thực hiện rà soát, thống kê, phân loại đối tượng vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ và các hành vi khác để thông báo, đồng thời, tổ chức ký cam kết với các hộ vi phạm; vận động, thuyết phục để người dân tự giác tháo dỡ các công trình sai phép, trả lại mặt bằng ban đầu. Đi đôi với đó, các địa phương cần triển khai, bố trí các khu buôn bán tập trung để tạo thói quen kinh doanh buôn bán văn minh, lịch sự cho người dân. Đồng thời, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm, tái phạm việc lấn chiếm, sử dụng hành lang ATGT đường bộ.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy