Làm thế nào để phát huy vai trò “cầu nối” của các HTX trong chuỗi giá trị nông sản?

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, đến thời điểm này, hầu hết các HTX trong tỉnh đều tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp, từ khâu cung ứng các dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Qua đó, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đem lại giá trị thu nhập cao trên một đơn vị diện tích canh tác. Tuy nhiên, bên cạnh những HTX hoạt động hiệu quả thì hiện vẫn còn những HTX chưa thực sự phát huy được vai trò “cầu nối” trong chuỗi giá trị nông sản. Vậy đâu là giải pháp? Đó chính là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên (P.V) Báo Hà Nam với ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nam.

P.V: HTXDVNN đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; trong đó, HTX đóng vai trò kết nối. Thực tế hoạt động của các HTXDVNN trên địa bàn thời gian qua đã chứng minh điều đó, thưa ông!

Ông Đỗ Xuân Trường: Đúng vậy! Thực tế phát triển của khu vực kinh tế nông nghiệp ở các địa phương trong tỉnh nhiều năm qua đã chứng minh: Sản xuất nông nghiệp muốn đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao thì tư duy sản xuất phải thay đổi, người nông dân phải đoàn kết “bắt tay nhau” để sản xuất theo quy mô lớn, đồng bộ, tập trung và có sự liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu tiêu thụ giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp (DN).

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 241 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 77,24% tổng số HTX và quỹ tín dụng trên địa bàn (gồm: 153 HTXDVNN, 39 HTX trồng trọt, 24 HTX chăn nuôi và 25 HTX thủy sản). Ngoài việc đảm nhận các dịch vụ thiết yếu và thỏa thuận phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều HTXDVNN đã mạnh dạn xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị và bao tiêu sản phẩm cho thành viên.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đỗ Xuân Trường. Ảnh: Thu Minh

Năm 2023, tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của UBND tỉnh và Đề án hỗ trợ xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX Hà Nam đã triển khai nhiều giải pháp, nhiều hoạt động thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét chất lượng hoạt động của các HTX. Đi đôi với công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, tổ chức điều hành sản xuất của các HTX, nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực đã được UBND tỉnh ban hành và triển khai hiệu quả ở các địa phương. Do đó, đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới sản xuất gắn chuỗi giá trị, HTXNN ứng dụng công nghệ cao, như: HTX nông nghiệp sạch Bảo An (Lý Nhân); HTX hữu cơ Phù Vân (Phủ Lý); HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp (Kim Bảng); HTX nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du (Bình Lục); HTX thủy sản “sông trong ao” (Kim Bảng), HTX nông sản sạch Đại Thắng... Doanh thu của HTX và thu nhập của người nông dân vì thế đã tăng lên đáng kể, mang lại lợi ích cho các thành viên và đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao. Nhiều HTX đã tổ chức sản xuất và liên kết hiệu quả với các doanh nghiệp từ các dịch vụ cung ứng đầu vào đến khâu sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng.

Hiện, toàn tỉnh đã hình thành trên 20 HTX có sản phẩm thế mạnh thuộc 6 nhóm sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó, đã phát huy được tiềm năng thế mạnh của các địa phương với những sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao như: các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, các loại nấm và rau màu, hoa quả...

P.V: Tuy nhiên, bên cạnh những HTX thực hiện tốt vai trò liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần chuyển dịch và cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng chung của tỉnh, thì vẫn còn những HTX hoạt động yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung?

Ông Đỗ Xuân Trường: Phải khẳng định rằng, việc liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản của các địa phương trong tỉnh thời gian qua đã có bước chuyển tích cực. Tuy nhiên, do có những khó khăn, hạn chế nhất định nên việc liên kết trong chuỗi giá trị nông sản chưa khai thác hết tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp. Các hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, thiếu chế tài xử lý khi một bên vi phạm hợp đồng. Khi giá thị trường tăng cao so với giá thỏa thuận trong hợp đồng thì bên bán (thường là nông dân) sẵn sàng “quay xe” bán cho đối tác khác thay vì đơn vị đã cam kết; ngược lại, khi giá nông sản xuống thấp, một số DN cũng quay lại ép giá nông dân, HTX để mua với giá thấp hơn. Đây là khó khăn lớn trong quá trình liên kết. Vì muốn sản xuất hiệu quả, bền vững thì phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các nhân tố tham gia chuỗi liên kết giá trị (người sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ), nhưng đa số liên kết hiện nay thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro.

Thêm nữa, mối liên kết giữa nông dân và HTX chưa thật sự bền vững; nhiều nông dân chưa chú trọng đến liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất manh mún nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm quy mô lớn, ổn định, do đó HTX không thể liên kết với DN khi yêu cầu sản lượng hàng hóa lớn. Ngược lại, có những HTX liên kết với DN để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhưng vẫn bị hạn chế về đầu ra, DN không bao tiêu hết.

P.V: Vậy, theo ông đâu là nguyên nhân?   

Ông Đỗ Xuân Trường: Nguyên nhân trước hết là do quy mô sản xuất nhóm sản phẩm nông nghiệp của Hà Nam còn hạn chế nên việc đáp ứng các đơn hàng lớn nhiều thời điểm chưa kịp thời. Hiện, Hà Nam vẫn thiếu doanh nghiệp đầu mối mua gom hàng hóa cho bà con nông dân, các cơ sở sản xuất và cầu nối với các doanh nghiệp phân phối, các siêu thị từ các địa phương khác nên phần nào hạn chế việc đặt hàng tiêu thụ của các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị. Hơn nữa, các hộ, HTX sản xuất nông sản vẫn chủ yếu canh tác theo tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, thu gom, bảo quản, vận chuyển… hoặc mùa này đạt chất lượng tốt nhưng mùa sau lại kém hơn dẫn tới khó thâm nhập vào các hệ thống phân phối, kênh phân phối hiện đại.

Đặc biệt, năm 2023, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, chiến sự bùng phát dữ dội tại miền Nam Israel và Dải Gaza dẫn đến các loại vật tư thiết yếu đầu vào cho sản xuất đều tăng giá: phân bón, thức ăn chăn nuôi..., trong khi đó giá cả sản phẩm đầu ra có xu hướng giảm; do vậy đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các HTX, hộ thành viên. Công tác quản lý thị trường tiêu thụ nông sản có nơi chưa chặt chẽ, trong khi đó người kinh doanh chưa có ý thức chấp hành những quy định của Nhà nước dẫn đến một số sản phẩm có thương hiệu bị lạm dụng về danh tiếng, có xuất hiện hàng không đúng chất lượng đăng ký làm giảm uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sự phối hợp của các địa phương (thông qua các Sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…) chưa thường xuyên, đôi khi chưa kịp thời (đặc biệt là đối với các sản phẩm có tính thời vụ) nên các hoạt động triển khai còn thiếu tính kế hoạch và hệ thống...

P.V: Những hạn chế, vướng mắc trên chính là những “rào cản”, những thách thức mới của sản xuất nông nghiệp trong hội nhập và chuỗi giá trị nông sản. Vậy, để giải quyết tốt những thách thức trên, theo ông, vai trò của các HTXDVNN cần phải được thể hiện như thế nào? Đâu sẽ là giải pháp trọng tâm, thưa ông?

Ông Đỗ Xuân Trường: Để phát huy vai trò của HTX trong chuỗi giá trị nông sản, HTX cần thay đổi tư duy về tổ chức hoạt động, tăng cường chức năng HTX kiểu mới, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm - con đường HTX tiến tới để hội nhập, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, HTX cần tạo bước đột phá - hợp nhất các HTX cùng lĩnh vực để tập trung nguồn lực sức mạnh phát triển, củng cố Liên hiệp HTX là các bước đi cụ thể cho phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới ở Hà Nam một cách hiệu quả trong thời gian tới.

Về phía các sở, ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp về tổ chức sản xuất tại từng doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ nông dân theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; tuân thủ các quy trình sản xuất tiên tiến; áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng hiện đại nhằm sản xuất được các sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, uy tín của mỗi doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ. Xây dựng thị trường lành mạnh, bảo vệ người sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thiết thực nhằm xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà "Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà sản xuất - Nhà doanh nghiệp" tạo sự gắn kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ nghiên cứu - ứng dụng - sản xuất - phân phối tới tiêu dùng.

Đặc biệt, đối với các địa phương, HTX có nhu cầu kết nối cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể xác định rõ những sản phẩm, hàng hóa cần kết nối, chất lượng, số lượng, thời điểm cung cấp,... để trao đổi với các doanh nghiệp, địa phương đầu mối ngay từ đầu năm, đầu vụ để các doanh nghiệp, địa phương đầu mối tổng hợp xây dựng các hoạt động kết nối mang tính tổng thể, gắn kết giữa nhiều doanh nghiệp và địa phương nhằm nâng cao hiệu quả, giảm chi phí thực hiện các chương trình, hoạt động kết nối. Cùng với đó, phải đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp, trao đổi thông tin về đầu tư, sản xuất giữa các địa phương trong vùng nhằm khai thác được lợi thế so sánh của mỗi địa phương, hạn chế lãng phí trong đầu tư, góp phần định hướng cung - cầu trong từng địa phương và trong toàn vùng. Lựa chọn, mời và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh của địa phương tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác kinh doanh, phối hợp liên kết để hình thành chuỗi sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.

Tuy nhiên, để các HTX phát huy được vai trò cầu nối trong chuỗi giá trị nông sản thời gian tới, thiết nghĩ, Liên minh HTX Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho Liên minh HTX các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện mô hình điểm HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao, quy mô lớn... Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục ưu tiên hỗ trợ ngân sách trong những năm tiếp theo để phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà. Về phía Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để bình ổn giá vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra, để các HTX, người dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Thu (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy