Thời gian qua, huyện Lý Nhân đã tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến các địa phương, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Hiện toàn huyện có 9 sản phẩm đặc sản, đặc trưng, tiêu biểu được công nhận OCOP. Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận OCOP phát huy tốt thế mạnh, hiệu quả. Lý Nhân đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Sản phẩm trà đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã (HTX) dược thảo Minh Đức, xã Công Lý (Lý Nhân) được công nhận OCOP, xếp hạng 3 sao từ năm 2020 đến nay, đã có bước phát triển mới. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, từ 2 đại lý chính tại thành phố Phủ Lý và tỉnh Bắc Ninh trước đây, lên 7 đại lý hiện nay. HTX đặt đại lý tại một số tỉnh, thành trọng điểm: Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Ninh Bình… Sản phẩm đạt chất lượng, có bao bì, mẫu mã đẹp được nhiều đơn vị, cá nhân lựa chọn làm quà biếu. Sản phẩm được bán trên các trang thương mại điện tử, trang fanpage… Sản lượng sản xuất và doanh thu tăng 30% so với trước do được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận nhiều hơn.
Thực tế, sau khi sản phẩm được công nhận OCOP, HTX có điều kiện được tham gia rất nhiều các hội chợ, trưng bày, quảng bá của nhiều cấp, ngành cả trong tỉnh, khu vực và quốc gia. Đây là cơ hội để sản phẩm tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng. Tại mỗi sự kiện hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm HTX tiêu thụ lượng sản phẩm trà đông trùng hạ thảo đáng kể và mở rộng lượng khách sử dụng thường xuyên.
Từ hiệu quả đạt được, HTX dược thảo Minh Đức đã đăng ký và được UBND tỉnh phê duyệt ý tưởng tham gia nâng hạng lên OCOP đạt 4 sao cho sản phẩm trà đông trùng hạ thảo. HTX đã đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm bằng việc tiếp tục đổi mới từ khâu nguyên liệu, giống đến quy trình sản xuất… Bà Đỗ Thị Phương, Phó Giám đốc HTX cho biết: Khi sản phẩm được công nhận OCOP tạo bước phát triển mới trên tất cả các mặt từ sản xuất đến tiêu thụ đòi hỏi HTX phải luôn cố gắng, nỗ lực để giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.
Với sản phẩm phở khô gia truyền của cơ sở Khánh Linh, xã Công Lý sau khi được công nhận OCOP và xếp hạng 3 sao năm 2021 đã thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh hơn trước. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn và giúp mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Sản phẩm đặc sản truyền thống chuối ngự Đại Hoàng của hộ ông Trần Huy Kỳ, xã Hòa Hậu được công nhận OCOP năm 2020 đã phát triển tốt thị trường thông qua các chương trình hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sàn thương mại điện tử. Sản phẩm bán ra thị trường được gắn tem OCOP nâng giá trị lên 5 – 7% so với trước. Theo ông Kỳ, được công nhận OCOP, sản phẩm được tạo điều kiện tham gia nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm khắp cả nước giúp người tiêu dùng biết đến chuối ngự Đại Hoàng nhiều hơn. Sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng được tiêu thụ mạnh tại thị trường Hà Nội nâng cao giá trị so với việc tiêu thụ nhỏ lẻ trước đây.
Thực hiện Chương trình OCOP, huyện Lý Nhân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu, rộng bằng nhiều hình thức đến người dân, cộng đồng dân cư, tổ chức kinh tế; đồng thời, hướng dẫn các chủ thể có các sản phẩm đăng ký ý tưởng tham gia Chương trình OCOP. Trong năm 2023, huyện có 8 sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt ý tưởng và 2 sản phẩm được phê duyệt đánh giá, phân hạng lại và nâng hạng sao. Bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Lý Nhân cho biết: Chương trình OCOP đã thu được hiệu quả tích cực đối với các sản phẩm tiêu biểu, truyền thống, đặc trưng trên địa bàn. Các cơ sở, hộ sản xuất chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa. Một số sản phẩm, dây chuyền công nghệ, quy mô sản xuất được mở rộng hơn. Bao bì đựng sản phẩm OCOP cũng được quan tâm đầu tư, cải tiến. Hầu hết các sản phẩm OCOP đều mở rộng được thị trường tiêu thụ, được nhiều người tiêu dùng biết đến…
Huyện Lý Nhân đặt ra mục tiêu trong thời gian tới, tiếp tục tập trung công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP. Trong đó, chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở, hộ sản xuất tham gia những chương trình kết nối cung cầu, hội chợ thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP. Đồng thời, huyện tuyên truyền, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng xây dựng ý tưởng tham gia Chương trình OCOP trong những năm tới.
Mạnh Hùng