Doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong tỉnh ngày càng chủ động, linh hoạt hơn trong các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm cơ hội hợp tác, xuất khẩu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tham gia xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, HTX còn có cơ hội tự đánh giá, nhìn nhận lại sản phẩm của mình, thấy được những mặt còn hạn chế, thiếu sót để khắc phục, hoàn thiện, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Là một trong số hơn 70 doanh nghiệp, HTX tham gia hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Hà Nam năm 2023 do Sở Công thương tổ chức vào cuối tháng 11/2023, HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng (xã Thanh Sơn, Kim Bảng) đã mang tới hội nghị nhiều sản phẩm do HTX sản xuất như cá trắm kho niêu, cá trắm kho hút chân không, ruốc cá, chả cả... Thông qua hội nghị, Hải Đăng không chỉ có cơ hội giới thiệu, quảng bá tới khách hàng, các doanh nghiệp phân phối trong và ngoài tỉnh về sản phẩm của mình mà còn được giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp, HTX có kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực kinh doanh về công tác quản lý, điều hành HTX; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh; nhu cầu của thị trường các tỉnh đối với sản phẩm cá kho và các sản phẩm chế biến từ cá…
Tại hội nghị, HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng cũng đã được Sở Công thương kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong nước. Phấn khởi là trong dịp này, Hải Đăng cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với siêu thị Go! (Hà Nội). Đây chính là cơ hội để các sản phẩm của Hải Đăng thâm nhập vào chuỗi các cửa hàng của siêu thị Go! tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng khẳng định: Thông qua các hội chợ, triển lãm thương mại, Hải Đăng có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt rõ hơn nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh đối với sản phẩm của mình để nghiên cứu, hoàn thiện, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước mở rộng đối tượng khách hàng tiềm năng. Cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng phương thức truyền thống, Hải Đăng còn chủ động đưa sản phẩm của mình lên bày bán tại các sàn thương mại điện tử; lập website quảng bá sản phẩm và bán hàng; đẩy mạnh giới thiệu về HTX trên các trang mạng xã hội… Nhờ đó, thương hiệu “Hiếu cá” cũng như các sản phẩm chế biến từ cá của HTX ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết tới. Hiện nay, sản phẩm của Hải Đăng đã có mặt tại hệ thống cửa hàng của siêu thị Winmart và các cửa hàng tiện ích lớn trong và ngoài tỉnh.
Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, tỉnh Hà Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, ngành nghề nông thôn. Tại các làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp, HTX thành lập và hoạt động có hiệu quả trên các lĩnh vực, ngành nghề: thủ công mỹ nghệ; chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất gỗ; dệt vải… Nhiều nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, tiêu biểu như: Bánh đa nem làng Chều; cá kho Nhân Hậu; gốm Quyết Thành; rượu làng Vọc; bánh đa Kiện Khê; sừng mỹ nghệ Đô Hai; mây giang đan Ngọc Động; chuối ngự Đại Hoàng; lụa Nha Xá; các sản phẩm từ gỗ, mật ong, kẹo lạc, bún phở khô, đông trùng hạ thảo, sữa chua…
Sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hay sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đều chú trọng nâng cao chất lượng, công khai tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, địa chỉ cơ sở sản xuất, thời gian sản xuất, thời hạn sử dụng, cải tiến mẫu mã. Đặc biệt là chủ động hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại bằng cả hình thức truyền thống và trực tuyến để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ và bày bán phổ biến trong các siêu thị, trung tâm thương mại lớn như kẹo lạc Cham Cham; sản phẩm mật ong miền Bắc; rượu Vọc; bồn tắm gỗ; bún phở khô Khánh Linh; sữa chua Mộc Bắc; phở chùm ngây Morice, đông trùng hạ thảo…
Bà Đỗ Thị Phương, Giám đốc HTX Thảo dược Minh Đức (xã Công Lý, huyện Lý Nhân) cho biết: Từ khi thành lập và hoạt động đến nay, được sự quan tâm, hỗ trợ của Sở Công thương, các ban, ngành của huyện Lý Nhân, HTX Dược thảo Minh Đức đã tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đó là cơ hội để sản phẩm của Minh Đức đến gần hơn với người tiêu dùng. Đến nay, sản phẩm đông trùng hạ thảo của Minh Đức đã có mặt ở rộng khắp các tỉnh, thành từ Bắc và Nam. Kinh doanh ngày càng phát triển, Minh Đức đã mở rộng quy mô nhà xưởng sản xuất từ diện tích 200m2 lên 500m2 với số lao động làm việc thường xuyên và thời vụ hiện là 25 lao động, tăng 17 lao động so với năm 2019 – thời điểm HTX mới thành lập. Năm 2023, doanh thu của HTX đã đạt trên 3 tỷ đồng.
Để giúp doanh nghiệp, HTX trong tỉnh tìm kiếm thị trường, mở rộng kênh phân phối hàng hóa, giai đoạn 2021-2023, Sở Công thương Hà Nam đã hỗ trợ trên 600 lượt doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia khoảng 70 hội trợ, triển lãm thương mại, hội nghị kết nối cung cầu tại Hà Nam và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng với đó, Sở Công thương Hà Nam còn thường xuyên phối hợp với Sở Công thương các địa phương rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn để phối hợp tổ chức hội nghị kết nối cung cầu trực tuyến cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tham gia.
Hằng năm, Sở Công thương có công văn gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hà Nam. Trên cơ sở đó, Sở Công thương các tỉnh: Hải Phòng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai… đã xây dựng kế hoạch đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, các cửa hàng bán sản phẩm OCOP trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Nam. Riêng đối với thị trường Hà Nội, đến nay, Sở Công thương Hà Nam đã phối hợp với Sở Công thương Hà Nội hỗ trợ kết nối vào hệ thống phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội 79 sản phẩm OCOP của Hà Nam.
Theo đánh giá của ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương, những năm gần đây, doanh nghiệp trong tỉnh đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của xúc tiến thương mại, từ đó tích cực, chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, các hội chợ triển lãm. Hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung cầu giữa Hà Nam với các địa phương trong cả nước theo đó cũng được đẩy mạnh triển khai, góp phần thúc đẩy hàng hóa lưu thông trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Tham gia hội chợ, triển lãm, hầu hết các doanh nghiệp, HTX đã nhận thức được rằng, mục đích lớn nhất không phải ở doanh số bán hàng mà là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm của mình, để từ đó tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường tiêu thụ. Thông qua các hoạt động kết nối, giao thương còn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế, văn hóa, du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực và trên cả nước.
Nguyễn Oanh