Cần sớm sửa đổi cách tính thuế thu nhập cá nhân

Thời gian qua, mức giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc đã không còn phù hợp trong bối cảnh lạm phát gia tăng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn khiến người lao động đề xuất sớm sửa đổi cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tiền lương.

Thuế TNCN được coi là công cụ giúp điều tiết kinh tế vĩ mô, góp phần tăng phúc lợi xã hội thông qua việc giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho những người thu nhập thấp hơn. Thực tế trong 10 năm qua cho thấy, tính từ khi áp dụng Luật Thuế TNCN (sửa đổi năm 2012), lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch COVID-19 nên không tăng), từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được một lần vào giữa năm 2020. Nhiều người cho rằng, việc tính thuế TNCN hiện nay không còn phù hợp với mức tiêu dùng trong thời điểm giá cả hàng hóa tăng đột biến.

Anh Nguyễn Văn Thế, làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài tại KCN Đồng Văn II (thị xã Duy Tiên) đang có mức thu nhập khoảng 18 triệu đồng/tháng. Anh Thế cho biết: Với mức tính giảm trừ gia cảnh, giảm trừ người phụ thuộc được 15,4 triệu đồng/tháng không còn phù hợp với giá cả tăng đột biến. Đơn cử như bản thân tôi được tính giảm trừ 11 triệu đồng/tháng, bao gồm phải chi phí tiền ăn, tiền đi lại, tiền đình đám… sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đối với người phụ thuộc con, hoặc bố mẹ nếu trừ 4,4 triệu đồng/tháng sẽ không đủ chi phí cuộc sống. Bởi một học sinh, sinh viên, chi phí học tập, ăn uống, sinh hoạt thường xuyên một tháng đã phải mất từ 5- 8 triệu đồng/tháng. Nếu là sinh viên học ở xa nhà mức chi phí còn cao hơn, có thể lên đến 10 – 12 triệu đồng. Tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần tính thuế TNCN từ tiền lương cho phù hợp với chi phí hiện nay. Với mức thu nhập trên, ngoài mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân và được trừ mức nộp cho một người phụ thuộc, một năm nếu tính cả tiền thưởng Tết và các khoản thu nhập khác tôi còn phải nộp thuế TNCN khoảng hơn 3 triệu đồng là không phù hợp.

Cán bộ thuế khu vực huyện Thanh Liêm - Bình Lục hướng dẫn người dân kê khai thuế.
Ảnh: Trần Thoan

Cũng như anh Thế, rất nhiều người dân phản ánh về việc tính thuế TNCN từ tiền lương hiện nay không còn phù hợp. Theo quy định, thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cho cá nhân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho một người phụ thuộc khi tính thu nhập chịu thuế TNCN được áp dụng từ ngày 1/7/2020 đến nay. Theo ý kiến của một số công nhân, lao động làm việc tại các doanh nghiệp cho biết, chỉ số lạm phát tăng hằng năm và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, do đó, đề nghị các cấp có thẩm quyền có phương án xét tăng mức giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế TNCN thời gian tới.

Còn theo nhiều chuyên gia kinh tế, mức giảm trừ gia cảnh hiện đang áp dụng đã quá lạc hậu, bất cập song chậm được xem xét, điều chỉnh. Mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng đã duy trì từ tháng 7/2020. Mức này không còn phù hợp so với biến động liên tục của mặt bằng giá chung, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế. Hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng, khoảng 20-30% trong 4 năm trở lại đây, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên, trong khi thu nhập không tăng, thậm chí giảm. Khi thay đổi thuế TNCN, cần phải đề cập và tính toán luôn các khoản giảm trừ làm cơ sở tính khoản thu nhập chịu thuế của người lao động.

Tại các khu đô thị, nhiều người dân phải thuê nhà trọ, khi tiền điện, tiền nước, chi phí xăng xe và giá cả hàng hóa đều tăng, thì áp lực lên đời sống là quá lớn, lại phải nộp thuế TNCN thì sẽ rất khó khăn. Nếu như một gia đình tại thành phố cho con học trường tư thì mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng này không thể đủ, trong khi hệ thống trường công không đủ. Những người phải nộp thuế TNCN mà có con học trường tư rất thiệt thòi vì không được hưởng giáo dục miễn phí từ các cấp học phổ thông, trong khi đó tiền học phí ở trường tư có nơi thu 6 triệu đồng/tháng.

Một số ý kiến khác cũng chỉ ra, cách tính mức giảm trừ gia cảnh chỉ căn cứ vào biến động CPI là chưa đủ mà còn phải tính theo xu hướng phát triển nhu cầu tiêu dùng của người dân. Từ thực tế nêu trên, nhiều người đề nghị, các cơ quan chức năng cần cân nhắc thêm những yếu tố khác như mức tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỉ lệ lạm phát hằng năm, để sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp. Thiết nghĩ, từ những phân tích nêu trên, việc đề ra các phương án xét tăng mức giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế TNCN thời gian tới và các bậc lũy tiến của các bậc thuế cần được nhanh chóng triển khai trong xây dựng chính sách là rất cần thiết, để động viên, khuyến khích được người có thu nhập cao và phù hợp với điều kiện thực tế của người dân.

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy