Khát khao làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, nhiều thanh niên trẻ đã khẳng định được khả năng trở thành những ông chủ có trong tay bạc tỷ khi tuổi đời mới 30 - 40. Họ xứng đáng là những công dân của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.
Làm giàu từ các loại máy nông nghiệp
Những năm trước, cứ đến mùa gặt, mùa cấy, tình trạng thiếu lao động đã ảnh hưởng ít nhiều đến kế hoạch gieo cấy và thu hoạch của nhiều hộ nông dân. Thế nhưng, vài năm gần đây, tại nhiều xã trong tỉnh, cứ đến mùa vụ, những cánh đồng bát ngát chỉ còn lại những chiếc máy cấy, máy gặt đập liên hoàn làm việc thay thế sức lao động của người nông dân trên đồng ruộng.
Gia đình anh Trần Văn Quang Vinh, xóm 6, xã Văn Xá (Kim Bảng) thu hoạch dưa chuột.
Là một thanh niên nông thôn năng động, năm 2015, anh Trần Văn Quang Vinh, sinh năm 1982, xóm 6, xã Văn Xá (Kim Bảng) mạnh dạn đầu tư mua 2 máy cày, 1 máy gặt đập liên hoàn và 2 máy cấy nhãn hiệu Kubota (Nhật Bản) với tổng số vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng.
Sau khi đi vào hoạt động, số máy móc này dần thay thế sức lao động của người dân địa phương cũng như vùng lân cận trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình cũng như giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Khi được hỏi về ý tưởng đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, anh Trần Văn Quang Vinh cho biết: Giấc mơ đưa cơ giới vào đồng ruộng thay thế sức lao động của nông dân đã được tôi ấp ủ nhiều năm, nhưng đến năm 2015 mới thành hiện thực. Vốn là một cán bộ khuyến nông đang làm việc tại HTX dịch vụ nông nghiệp xã Văn Xá, nhiều năm qua, tôi luôn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi vụ, anh Vinh nhận hợp đồng trọn gói từ 250-300ha với 64 thôn, xóm trên địa bàn huyện từ khâu làm mạ khay, vận chuyển ra đầu bờ, cấy bằng máy cấy, làm đất, gặt bằng máy với giá bình quân từ 400-420 nghìn đồng/sào. Sau khi trừ chi phí mỗi năm cho lãi từ 600-650 triệu đồng. Tổ hợp của anh còn thường xuyên giải quyết việc làm cho 8 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5,5-6 triệu đồng/người theo mùa vụ.
Không dừng lại ở đó, tận dụng số máy móc sẵn có, năm 2017, anh còn mạnh dạn nhận khoán của một số hộ dân trong xóm 3,3 ha đất để mở rộng sản xuất vùng rau sạch. Sau khi tiến hành cải tạo đất, nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng, vụ đông 2017, anh thí điểm trồng trên 3 mẫu dưa chuột. Vụ sản xuất năm nay do dưa chuột "được mùa, được giá" nên gia đình anh đã thu được trên 200 triệu đồng. Hiện, gia đình anh đang vào bầu, làm đất dự kiến trồng khoảng 6 mẫu dưa chuột để phục vụ Tết. Nếu thuận lợi, với diện tích như vậy, anh dự kiến toàn bộ diện tích dưa cho sản lượng từ 65-70 tấn dưa phục vụ thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.
Không chỉ tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Vinh còn tích cực tham gia phong trào thi đua do các cấp hội nông dân (HND) phát động. Anh đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp và đặc biệt trong năm 2017, anh được HND tỉnh đề nghị Trung ương HND Việt Nam công nhận "Nông dân khởi nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2017".
Người đưa bếp trấu xuất ngoại
Nếu như anh Trần Văn Quang Vinh mạnh dạn ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp thì anh Vũ Duy Cương, hội viên nông dân Chi hội nghề nghiệp phố Nguyễn Hữu Tiến, thị trấn Đồng Văn (Duy Tiên) lại vươn lên từ ý chí và niềm đam mê với việc sản xuất thiết bị điện dân dụng. Nhiều năm qua, anh được nhiều người nhắc đến với danh hiệu "Người đưa bếp trấu xuất ngoại".
Vốn là người năng động, ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), anh Cương đã mạnh dạn cùng một số anh em, bạn bè tự góp vốn mở một tổ sản xuất quạt lò than.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1993, xác định quê hương có nhiều thế mạnh, bà con chủ yếu làm nông nghiệp nên lực lượng lao động nhàn rỗi khá nhiều, anh quyết định trở về quê hương để lập thân, lập nghiệp.
Ngày đầu khởi nghiệp tại quê hương anh cũng gặp không ít khó khăn do thiếu vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Song với kiến thức học được và sự năng động dám nghĩ, dám làm, cơ sở sản xuất bếp khò của anh ngày càng phát triển, dần được nhiều người biết đến nên ngày càng đông khách. Sản phẩm được bán ra thị trường, cơ sở sản xuất của anh thường xuyên giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định.
Từ sản xuất quạt điện 12V, anh tự nghiên cứu và lắp ráp chế tạo thành công sản phẩm bếp trấu có sử dụng khò điện vừa tiện lợi, hiệu quả và an toàn cho người sử dụng, được thị trường chấp nhận và đánh giá cao. Thời điểm đó, mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất khoảng 500 chiếc, sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó.
Bên cạnh sản xuất mặt hàng truyền thống, anh còn tìm tòi nghiên cứu ra những sản phẩm mới như quạt điện, quạt khò công nghiệp, khò thổi trấu, than, củi có độ bền cao, mẫu mã đẹp. Bên cạnh sản xuất, anh còn chú trọng đến việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hiện nay, sản phẩm do cơ sở anh sản xuất đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa.
Không dừng lại ở đó, khi có thị trường, năm 2008, với số vốn tích lũy được cùng với sự hỗ trợ của ngân hàng, anh Cương đã thành lập Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cương Thịnh. Với diện tích nhà xưởng trên 500 m2 cùng dây chuyền sản xuất hiện đại, mỗi năm công ty sản xuất khoảng 10 vạn sản phẩm ra thị trường, đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, anh còn mở rộng thị trường xuất sang các nước như: Thái Lan, Philippines thêm 3 vạn sản phẩm, trừ chi phí đầu tư cho lãi từ 700-800 triệu đồng/năm. Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 25-30 lao động với mức thu nhập 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ làm tốt việc kinh doanh, anh còn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện ở địa phương. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay, gia đình anh đã ủng hộ gần 300 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông, hỗ trợ vốn cho hộ nghèo. Với thành tích đó, anh được Trung ương HND Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Năm 2016, anh được Trung ương HND Việt Nam công nhận danh hiệu "Nông dân khởi nghiệp tiêu biểu toàn quốc".
Trần Ích
Trần Ích