Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cá nhân trong những năm qua đã trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào đầu tư sang tiêu dùng nội địa.
Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng, đó cũng là thời điểm các tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng cho vay tiêu dùng. Nắm bắt cơ hội này, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã mở rộng nguồn vốn cho khách hàng vay nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng trưởng tín dụng.
Nhóm đối tượng các TCTD hướng tới cho vay tiêu dùng là cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người hưởng lương hưu và công nhân lao động có thu nhập ổn định trong các doanh nghiệp. Nhiều TCTD đã mở rộng cho vay tiêu dùng trung hạn với mức 20 tháng lương (tương đương với khoảng 300 – 400 triệu đồng). Nhiều công chức, viên chức, cán bộ, công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có mức thu nhập ổn định đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư mua sắm phương tiện, sửa chữa nhà ở nhằm cải thiện cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, ở phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) cho biết: Tổng thu nhập một tháng 2 vợ chồng tôi được 35 triệu đồng, chi phí sinh hoạt cho 4 người trong gia đình mất 18-20 triệu đồng, một tháng tiết kiệm được 15 -17 triệu đồng. Vào dịp cuối năm gia đình vay vốn ngân hàng 300 triệu đồng để thêm vào mua ô tô 5 chỗ ngồi trị giá 700 triệu đồng, để đi lại cho thuận tiện. Với mức vay trên, một tháng tôi phải trả cả gốc và lãi ngân hàng khoảng 13- 15 triệu đồng (tương đương với thời gian vay 36 tháng), bảo đảm khi vay vốn không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Thông qua nguồn vốn cho vay tiêu dùng gia đình tôi mới có điều kiện mua ô tô đi lại cho an toàn.
Cũng như gia đình chị Nguyệt, vào dịp cuối năm, nhiều người dân đã chủ động tìm hiểu các gói cho vay tiêu dùng ở các TCTD để chọn gói phù hợp đầu tư cải thiện cuộc sống. Nắm bắt nhu cầu trên, các TCTD đã mở rộng cho vay tiêu dùng với mức lãi suất từ 8- 10%/năm. Hiện các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, SHB, VIB... đều đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng và thường xuyên quan tâm đến nhu cầu sử dụng vốn của khách hàng. Một số TCTD còn có những hệ thống để đánh giá, chấm điểm khách hàng dựa trên lịch sử tín dụng, lịch sử tiêu dùng, thu nhập và một số yếu tố khác để ra quyết định cho vay nhanh. Trên cơ sở đó, kiểm soát được chất lượng tín dụng và nhanh chóng mở rộng tín dụng cho vay tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Hà Nam II, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cá nhân trong những năm qua đã trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của chi nhánh, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào đầu tư sang tiêu dùng nội địa. Hiện nay dư nợ của đơn vị đạt khoảng hơn 8.500 tỷ đồng, trong đó có 60% cho vay kinh tế hộ. Trong tổng nguồn vốn cho vay kinh tế hộ có khoảng 25 – 30% là vay tiêu dùng. Việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là rất cần thiết, góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy sản xuất phát triển.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hoạt động tín dụng tiêu dùng những năm qua có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng TCTD với mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ của các NHTM trên địa bàn tỉnh đạt 82.500 tỷ đồng, trong đó cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tương đương khoảng 15 - 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Đầu tháng 7 vừa qua, NHNN Việt Nam đã ban hành các thông tư hướng dẫn, trong đó có Thông tư số 12/2024/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) của NHNN về hoạt động cho vay của TCTD đã bổ sung quy định về các khoản vay có giá trị nhỏ. Cụ thể, các khoản vay tối đa dưới 100 triệu đồng thì TCTD chỉ cần yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tối thiểu về mục đích sử dụng vốn vay và khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cho vay. Nhờ đơn giản hóa thủ tục vay tín dụng tiêu dùng, đã có nhiều khách hàng được tiếp cận với vốn ngân hàng.
Thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam tiếp tục phối hợp với các ngành, chỉ đạo các TCTD công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm (nếu có) trên website của ngân hàng; giúp khách hàng có thêm thông tin tham khảo khi tiếp cận vốn vay; phối hợp với các cơ quan chức năng khai thác dữ liệu “sạch” để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng; kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.
NHNN cũng yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Các TCTD cần tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ vay vốn của khách hàng, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn. Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, thông tin rộng rãi, đầy đủ, rõ ràng và kịp thời các chương trình, sản phẩm cho vay, cũng như cách thức tiếp cận vốn để người dân nắm bắt và tiếp cận chính sách. Các ngành chức năng kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân trá hình, mạo danh hoạt động tín dụng tiêu dùng bất hợp pháp; nghiêm cấm và xử lý tình trạng đòi nợ xã hội đen; triệt phá tín dụng đen và các hoạt động làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào các TCTD, công ty tài chính, các hoạt động tín dụng tiêu dùng được cấp phép kinh doanh chính thức.
Trần Thoan