Sau 7 năm triển khai thực hiện Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Ðề án 939), các cấp hội phụ nữ (HPN) trong tỉnh đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ thực hiện ý tưởng kinh doanh, vươn lên làm giàu, khẳng định vai trò của phụ nữ với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Được hỗ trợ thành lập hợp tác xã (HTX) theo Ðề án 939, chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Bún phở khô Khánh Linh (Thôn 3 Phú Đa, Công Lý, Lý Nhân) chia sẻ: Đầu năm 2021, sau khi được tham gia lớp tập huấn cho phụ nữ khởi nghiệp thuộc Đề án 939, tôi đã mạnh dạn thành lập HTX Bún phở khô Khánh Linh. Hằng năm HTX xuất ra thị trường hơn 570 tấn sản phẩm các loại; trừ chi phí, lợi nhuận mỗi năm thu trên 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 40 - 50 lao động địa phương...
Với sự hỗ trợ của các cấp hội, sự linh hoạt, nhạy bén của mình, chị Nguyễn Thị Hoa và một số sản phẩm do HTX Bún phở khô Khánh Linh đã liên tục giành nhiều kết quả đáng mừng. Cuối năm 2021, sản phẩm của HTX do chị Hoa đại diện đạt giải Nhì tại Hội thi Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Hà Nam; năm 2022, sản phẩm phở khô của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao; năm 2023, HTX được chọn tham gia cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" cấp vùng do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức và dự án của HTX đã lọt vào vòng chung kết, được trao giải Khuyến khích... Niềm vui đến với chị Hoa càng được nhân lên khi vào tháng 6/2023 sản phẩm phở khô Khánh Linh của HTX được chọn là sản phẩm đại diện của Hội LHPN tỉnh Hà Nam tham gia trưng bày tại Chương trình "Chợ quê an toàn" và Hội thi nấu ăn "Bữa cơm gia đình - Ấm áp yêu thương" tại Hải Phòng... Những kết quả đó đã khẳng định vai trò định hướng, hỗ trợ của các cấp hội cũng như nỗ lực không ngừng của chị Nguyễn Thị Hoa trong việc mở rộng, phát triển sản xuất.
Những năm qua, để giúp hội viên khởi sự, khởi nghiệp thành công, các cấp HPN trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Qua đó, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sáng tạo của phụ nữ; thúc đẩy hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ quản lý. Đặc biệt, thông qua chương trình Ngày phụ nữ khởi nghiệp hằng năm, hội đã tổ chức giới thiệu, tư vấn, kết nối cho những phụ nữ có ý tưởng kinh doanh tham gia các lớp đào tạo nghề, đào tạo kiến thức khởi sự kinh doanh, hỗ trợ pháp lý về xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, kết nối với hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng về vốn vay…; giúp nhiều hội viên phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp học hỏi kiến thức, kinh doanh hiệu quả.
Năm 2024, hội thi Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Hà Nam tiếp tục được tổ chức và hướng tới chủ đề: “Phụ nữ Hà Nam khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”. Theo đó, các cấp hội đã phát động cuộc thi tới 100% hội viên, phụ nữ, các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ... và đã có 17 ý tưởng/dự án tham gia dự thi. Các ý tưởng/dự án tham gia hội thi năm nay tập trung vào những sáng kiến trong sản xuất nông nghiệp an toàn; sử dụng hiệu quả tài nguyên bản địa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; các sản phẩm an toàn, tốt cho sức khoẻ con người, thân thiện với môi trường; giải quyết những vấn đề cấp bách, cần thiết của xã hội và tạo ra giá trị thực tiễn cho cộng đồng với mục tiêu là phát triển kinh tế, bảo đảm bền vững về môi trường. Qua vòng sơ loại, ban tổ chức đã lựa chọn 12 ý tưởng/dự án từ 6 huyện, thành phố, thị xã tham gia hội thi, trong đó 6 ý tưởng/dự án lọt vào vòng chung kết.
Sau 7 năm triển khai Ðề án 939, các cấp hội HPN trong tỉnh đã hỗ trợ 249 nữ chủ doanh nghiệp, nữ tham gia quản lý doanh nghiệp mới thành lập được hỗ trợ kiến thức về sản xuất, kinh doanh; quản lý điều hành; quản lý tài chính, maketing; lập website bán hàng; hướng dẫn quy trình xây dựng sản phẩm OCOP và giao dịch thương mại điện tử. Cùng với đó, 32 mô hình HTX, 14 tổ hợp tác được các cấp hội hỗ trợ thành lập; 1.248 thành viên tổ hợp tác, HTX, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được kết nối vay 43,9 tỷ đồng từ các nguồn vốn… Đặc biệt, các cấp HPN trong tỉnh đã hỗ trợ hơn 100 ý tưởng khởi nghiệp/kinh doanh sáng tạo; trong đó một số ý tưởng/dự án đã thành công, đạt giải, như: Dự án “Sản xuất sản phẩm trà sen và các sản phẩm từ hoa sen, hoa súng” của chị Trần Thị Thu Thuỷ (Phù Vân, Phủ Lý), Dự án “Phát triển các sản phẩm từ sữa Hà Nam” của chị Trần Thị Thanh Thoan (Mộc Nam, Duy Tiên), Dự án “Chăn nuôi bò sữa khép kín gắn với thương mại trực tiếp” của chị Nguyễn Thị Thịnh (Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Mục Đồng, Trác Văn, Duy Tiên), Dự án “Sản xuất lụa tơ tằm truyền thống Nha Xá gắn với chuỗi du lịch sinh thái đền Lảnh Giang” của chị Phạm Thị Ngọc Liên (Mộc Nam, Duy Tiên); Dự án "Cải tiến cá kho Vũ Đại" của chị Phạm Thị Ánh Ngọc (Hòa Hậu, Lý Nhân); Dự án “Sản xuất tỏi đen Linh An” của chị Nguyễn Thị Huyên (Công Lý, Lý Nhân)…
Thời gian tới, để phát huy hiệu quả Đề án 939, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tuyên truyền vai trò, vị trí của phụ nữ đối với phát triển kinh tế, xây dựng mô hình; hỗ trợ để các mô hình tập thể, cá nhân có nhiều sáng tạo, đổi mới và phát triển trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua nhằm huy động nội lực của các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn tỉnh giúp nhau khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể sản xuất, kinh doanh, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm đặc sản OCOP của địa phương; đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, kết nối với các ngân hàng hỗ trợ cho hội viên phụ nữ vay vốn đầu tư khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
Xuân Tuân