Với mong muốn cho con em mình được giải trí, có thêm trải nghiệm, rèn luyện sức khỏe, phát triển kỹ năng và kết nối bạn bè, nhiều gia đình đã lựa chọn đến những khu vui chơi có không gian rộng rãi cả ở ngoài trời và trong nhà. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn cho trẻ tại nhiều khu vui chơi vẫn chưa được quan tâm đúng mức, do đó còn tiềm ẩn mối lo thường trực về mức độ an toàn.
Những năm gần đây, trong các khu trung tâm thương mại, siêu thị, nhà sách hay không gian ngoài trời thuộc thành phố Phủ Lý xuất hiện ngày càng nhiều các khu vui chơi, giải trí được thiết kế đa dạng, đủ thể loại từ vận động đến nghệ thuật, trí tuệ... đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ em.
Dạo quanh thành phố, có thể nhận thấy rất nhiều điểm kinh doanh dịch vụ vui chơi của trẻ em trong nhà với đa dạng loại trò chơi phổ biến như: đu quay, nhà bóng, nhà phao, cầu trượt, xúc cát, leo núi,... Tuy nhiên, do hầu hết chủ đầu tư các khu vui chơi đều khai thác tối đa diện tích để tích hợp nhiều trò chơi trong cùng một không gian, nên một số điểm hạn hẹp về không gian, dễ gây va chạm trong quá trình vui chơi. Nhiều điểm vui chơi chỉ bố trí nhân viên làm nhiệm vụ kiểm soát vé nhưng không thực hiện nhiệm vụ giám sát, hướng dẫn trẻ vui chơi để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi không an toàn của trẻ khi sử dụng đồ chơi, nhất là thực hiện cứu hộ khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Mặc dù có các biển nội quy, quy định của từng trò như: đội mũ bảo hiểm, đi tất chống trượt; biển báo lưu ý giới hạn độ tuổi tham gia ở từng khu vực nhưng hầu hết các trẻ đều không thực hiện đúng chỉ dẫn, một số cha mẹ lại tận dụng thời gian con chơi để trò chuyện, lướt điện thoại, đi mua sắm,... Đặc biệt, trò chơi xúc cát trọng lực, sỏi, chơi hạt xốp trắng giả tuyết thường thu hút sự thích thú của nhiều trẻ nhỏ,... nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi chính những đồ chơi đó rất dễ trở thành dị vật gây hại, khi trẻ hiếu động bốc ném. Bên cạnh đó, các khu nhà bóng, nhà phao còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh do những quả bóng, sàn nhà phao ít được lau rửa, vệ sinh; một số phụ huynh, trẻ em tự ý mang đồ ăn, thức uống vào khu vui chơi làm vương vãi, mất vệ sinh gây nuôi dưỡng mầm bệnh.
Tại một số điểm vui chơi ngoài trời còn kinh doanh loại dịch vụ cho thuê xe mô tô mini, ô tô điện, xe điện drift 3 bánh,... Đây là những loại xe có hình dáng nhỏ gọn, tiện lợi, màu sắc bắt mắt, dễ điều khiển nhưng tốc độ đi khá nhanh. Các loại xe này chỉ phù hợp với lứa tuổi thanh, thiếu niên nhưng tại các điểm vui chơi này lại không quy định, giới hạn độ tuổi nên ngay cả những trẻ em mầm non cũng được tham gia chơi, tiềm ẩn rất nhiều tình huống nguy hiểm. Cùng với đó, số lượng trẻ tham gia trò chơi này rất đông; nhiều trẻ phóng nhanh, xe lao vun vút nên đã xảy ra không ít va chạm gây thương tích.
Có thể nói, các khu vui chơi tư nhân cho trẻ được mở ra, không chỉ là loại hình dịch vụ kinh tế tư nhân đơn thuần, mà còn giải tỏa được phần giải quyết vấn đề tìm sân chơi cho con em của nhiều gia đình. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho trẻ em ở các khu vui chơi, cần sự quan tâm từ phía cơ quan chức năng và gia đình. Trong đó, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những ảnh hưởng tiêu cực của các loại trò chơi thiếu an toàn; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động tại các điểm, khu vui chơi. Ban quản lý khu vui chơi cần đầu tư sửa chữa, thay thế, kiểm tra các loại đồ chơi xuống cấp; thường xuyên kiểm tra, vệ sinh khu vui chơi, phòng chống dịch bệnh và bố trí nhân viên túc trực để theo dõi trẻ. Các bậc phụ huynh chủ động tìm hiểu và lựa chọn cho con những trò chơi phù hợp với độ tuổi, trang bị đầy đủ kiến thức về bảo đảm an toàn khi cho trẻ vui chơi tại các khu tập trung đông người trong nhà và ngoài trời; thường xuyên giám sát, không để con chơi một mình để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra;...
Trần Giang