kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Thợ lặn Nina Sokolova-Nữ anh hùng đầu tiên của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai

Thợ lặn Nina Sokolova-Nữ anh hùng đầu tiên của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai

“Một nữ thợ lặn trẻ, năng động, không ngừng nâng cao kiến ​​thức và trau dồi kinh nghiệm. Kiên quyết và kiên trì để đạt được mục tiêu của mình; thẳng thắn và dũng cảm; quan tâm sâu sắc đến các vấn đề hải quân... Là người luôn đặt yêu cầu cao cho chính mình, cô đã tạo sự ảnh hưởng lớn đối với đồng đội và cấp dưới của mình”, đó là cách Chuẩn đô đốc Foti Krylov từng nhận xét về Nina Sokolova-nữ thợ lặn đầu tiên của Liên Xô.

Khởi đầu thành công

Nina Sokolova thực hiện chuyến lặn chuyên nghiệp đầu tiên vào năm 1938, trong quá trình xây dựng cảng ở Sochi. Là một kỹ sư thủy lực, cô được cử đến để chỉ huy một nhóm thợ lặn.

Thợ lặn Nina SokolovaNữ anh hùng đầu tiên của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai
Nina Sokolova trong bộ đồ lặn. Ảnh: Russia Beyond 

Ngày đó, nghề thợ lặn được coi là một nghề dành cho nam giới. Nina lẽ ra phải luôn ở trên mặt đất. Tuy nhiên, cô không đồng tình với quy định đó. Do đó, Sokolova đã yêu cầu cấp trên cấp cho cô một bộ đồ lặn để cô có thể đích thân giám sát công việc dưới nước. Nhiệm vụ không hề dễ dàng: Bộ đồ lặn nặng hơn 80kg, trong khi bản thân cô gái trẻ 26 tuổi này chỉ nặng khoảng 50kg.

Nhưng cuối cùng, Sokolova không chỉ vượt qua mà còn yêu môn lặn bằng cả trái tim. Với sự kiên trì và quyết tâm, Sokolova đã được nhận vào các khóa học lặn chuyên nghiệp. Để làm được điều này, cô phải nhận được sự đồng ý của Mikhail Kalinin, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô.

Một bộ đồ lặn đặc biệt đã được chế tạo cho cô gái trẻ nhưng nó vẫn khá nặng đối với cô. Năm 1939, Sokolova chỉ huy xây dựng một bến đỗ ở thị trấn Polyarny trên Biển Barents và thường xuyên ngâm mình trong nước lạnh.

Trong quá trình làm việc này, Sokolova suýt mất mạng. “Mẹ tôi phải nhảy từ đuôi tàu xuống nước. Sau đó, bà nhanh chóng được đưa lên khỏi nước, nhưng cơ thể đã bị đóng băng. Chúng tôi bắt bà uống một ly rượu”, Marina, con gái của Sokolova, kể lại.

Những “con đường sống” ở Leningrad

Khi Đức quốc xã xâm chiếm Liên Xô vào mùa hè năm 1941, Nina Sokolova lúc đó là kỹ thuật viên thủy văn thuộc đội kỹ thuật dưới nước của Cơ quan cứu hộ khẩn cấp Hạm đội Baltic ở Leningrad. Đến ngày 8-9-1941, thành phố Leningrad (nay là thành phố Saint Petersburg thuộc Liên bang Nga) bị địch bao vây.

Suốt 16 tháng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Leningrad chật vật để tồn tại trong vòng vây siết chặt do quân đội Đức và Phần Lan thiết lập. Sợi dây duy nhất kết nối thành phố này với phần còn lại của Liên Xô là “Con đường sống” chạy qua mặt hồ Ladoga đóng băng nối liền Leningrad, nơi bị quân Đức phong tỏa, với phần còn lại của đất nước. Chính nhờ “Con đường sống” này mà thực phẩm và đạn dược đã được vận chuyển đến thành phố và người dân được sơ tán.

Thợ lặn Nina SokolovaNữ anh hùng đầu tiên của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai
 Nụ cười rạng rỡ của nữ thợ lặn Nina Sokolova. Ảnh: Russia Beyond

Công việc của các thợ lặn trong những điều kiện này là rất quan trọng. Họ là những người đã đặt dây cáp điện thoại dưới đáy hồ và tìm cách lấy ngũ cốc từ những chiếc sà lan bị chìm.

Mùa xuân năm 1942, Sokolova đề xuất ý tưởng đặt một đường ống dẫn dầu dưới đáy hồ Ladoga để cung cấp nhiên liệu cho Leningrad. Thành phố chịu phong tỏa kéo dài, nhiên liệu chỉ còn đủ cầm cự khoảng ba tháng rưỡi. Không ai trên thế giới có kinh nghiệm xây dựng cơ sở hạ tầng dưới nước trong bối cảnh như vậy. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã chấp thuận ý tưởng của Sokolova.

Sokolova đã tham gia thăm dò dưới đáy hồ và tìm kiếm con đường tốt nhất để đặt đường ống. Cô thậm chí còn cho phá hỏng một sà lan bị chìm vì nằm chắn lối đường ống dẫn dầu trong tương lai.

Việc lắp đặt đường ống dẫn dầu được thực hiện ngay trước mũi kẻ thù, dưới những đợt pháo kích và hỏa lực pháo binh không ngừng. Ngoài ra, điều kiện thời tiết không thuận lợi: Ngay ngày đầu tiên, một cơn bão đã đổ bộ vào Ladoga, sóng tàn phá và cuốn trôi một đoạn đường ống dài 1km.

Ngày 16-6-1942, sau 43 ngày thi công, đường ống được đưa vào sử dụng. Đường ống có chiều dài 29km, trong đó, 21km nằm dưới nước ở độ sâu 35m. Công suất của đường ống đạt khoảng 350 tấn nhiên liệu mỗi ngày. Tổng cộng, nó đã cung cấp cho Leningrad hơn 40.000 tấn xăng.

Trong mùa hè và mùa thu năm 1942, Nina Sokolova cũng tham gia lắp đặt một tuyến cáp điện cao thế để cung cấp điện cho thành phố đang bị bao vây, được gọi là “Cáp của sự sống”. Trong quá trình làm việc, cô bị chấn động và bị thương ở chân và vai.

Tuy nhiên, “Con đường sống” chạy qua hồ Ladoga vẫn chưa cung cấp đủ nhu yếu thiết yếu cho người dân ở một thành phố lớn như Leningrad. Nhiều nỗ lực gỡ bỏ phong tỏa thành phố Leningrad đều thất bại. Ngày 18-1-1943, trong “Chiến dịch Tia lửa”, quân đội Xô viết đã đột phá bờ Nam hồ Ladoga, thiết lập một hành lang đất dài 33km và rộng 11km, nối thành phố bị vây hãm thời gian dài này với đất liền. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng tuyến đường sắt mang tên “Đường chiến thắng” để vận chuyển lương thực tới thành phố Leningrad.

Trong quá trình xây dựng, không có ngày nào là không có hàng chục người hy sinh dưới làn đạn quân Đức. Nhiều thợ xây, công nhân và bảo vệ của tuyến đường sắt đã gọi tuyến đường này là “Hành lang tử thần”. Thậm chí, ngay cả khi tuyến hậu cần quan trọng này hoạt động đầy đủ thì vẫn có người thiệt mạng. Để giảm tổn thất xuống mức thấp nhất, các nữ nhân viên điều tiết giao thông đã sử dụng đèn lồng để che mắt kẻ địch, cảnh báo lái tàu về đoạn đường ray bị hư hại hoặc có đoàn tàu bị địch phá hủy ở phía trước. Phần nguy hiểm nhất của tuyến đường nằm ở kilomet thứ 30, nơi chuyển tiếp giữa rừng và cánh đồng nhiều bụi cây thấp. Tại đó, những đoàn tàu Liên Xô hiện lên rõ mồn một, buộc các lái tàu phải lái thật nhanh qua đây.

Chuyến tàu vận chuyển lương thực đầu tiên đến được thành phố Leningrad vào ngày 7-2-1943. Các chuyến tàu xuất phát vào ban đêm và hàng hóa cũng được vận chuyển theo hướng ngược lại - các nhà máy còn hoạt động trong thành phố Leningrad không ngừng cung ứng hàng hóa quân sự cho tiền tuyến. Một chuyến tàu qua tuyến đường sắt này mang đến cho thành phố thực phẩm nhiều hơn mức được vận chuyển theo “Con đường sống” trong cả một ngày.

Từ tháng 2-1943 cho đến khi dỡ bỏ hoàn toàn thế phong tỏa thành phố (tháng 1-1944), đã có 4.729 chuyến tàu chạy dọc qua tuyến đường sắt độc nhất vô nhị này. Nó chiếm đến 75% tổng lượng hàng hóa được vận chuyển đến thành phố, 25% còn lại được vận chuyển thông qua hồ Ladoga. “Đường chiến thắng” ngưng hoạt động sau khi dịch vụ đường sắt được khôi phục trên các vùng lãnh thổ giải phóng vào tháng 3-1944.

Thợ lặn Nina SokolovaNữ anh hùng đầu tiên của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai
 Trung tá, kỹ sư hải quân Nina Sokolova. Ảnh: Russia Beyond

Trở lại với nữ thợ lặn Nina Sokolova, sau khi chiến tranh kết thúc, Trung tá Sokolova trở thành một kỹ sư hải quân. Bà đã tham gia khôi phục những cây cầu và cơ sở hạ tầng cảng bị hư hỏng ở Leningrad và Tallinn. Sau đó, bà cống hiến hết mình cho việc giảng dạy.

Với những thành tích ghi được trong quá trình công tác, Nina Sokolova đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội Liên Xô trao tặng Huân chương Sao Đỏ, Huân chương Chiến tranh yêu nước hạng Nhất và hạng Nhì, các huy chương “Vì bảo vệ Leningrad” và “Vì công trạng quân sự”.

Tổng cộng, bà đã dành 644 giờ, hay gần 27 ngày, dưới nước trong suốt cuộc đời của mình.

TIẾN ĐẠT (theo Russia Beyond)

Theo qdnd.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy