Sống mãi như những cây trắc bách hương - Lina

Sống mãi như những cây trắc bách hương - Lina

Những hình ảnh mới lạ xuất hiện qua cửa kính của đoàn tàu. Lina Ruz González lớn lên như cây thủy tiên, dán mũi vào cửa kính trong suốt.

Cho đến lúc bấy giờ, cô bé 7 tuổi chỉ biết có rừng và ngôi nhà khung gỗ cao vút, lợp ngói Tây Ban Nha tại Catalinas, nơi cô đã ra đời ngày 23/9/1903, một thị trấn được lập ra vào năm 1900, bên bờ sông Cuyaguateje, giữa những cây song tử diệp và những cánh đồng thuốc lá, không khí đượm mùi gia vị, dầu ăn, mật ong và cà phê bay đến tận mấy dặm xa, đến tận Camino de Paso Real de Guana, tỉnh Pinar de Río. Cuba trông ra Vịnh Mêhicô từ chỗ đó.

Chủ tịch Fidel Catro cùng đoàn đại biểu Cuba sang thăm chính thức Việt Nam ngày 21/2/2003. Ảnh: laodong.com.vn

Pinar de Río, cái tên có tiếng vang của nước tràn trên bãi đá và cây cối cao vút, thay thế cho cái tên Philipinas Mới, nơi được người ở tất cả vùng miền Tây tìm đến, phần đất thuộc địa đầu tiên của chính phủ khi lập ra trên lãnh thổ này vào năm xa xưa 1774. Để đến được nơi ấy, từ La Habana, người ta phải đi theo con đường từ Vuelta Abajo, đi vào giữa những cánh đồng thuốc lá mà những người xứ Canarias nhập cư đã vun trồng và chăm sóc đến mức chuyển thành nghệ thuật kỳ diệu, cho tới khi có được loại thuốc lá quý nhất, để quấn những điếu xì gà Habana nguyên chất.

Las Catalinas ở cuối tỉnh Guanes, thành phố quan trọng nhất ở miền Tây Nam của tỉnh lỵ, mở rộng từ năm 1596 cho tới 1896, khi những lực lượng quân sự Cuba, dưới quyền của trung tướng Antonio Maceo, đốt cả tỉnh lỵ, chỉ còn sót lại một số thân cây gỗ còn bốc khói và một gác chuông lặng lẽ run lên bởi chiến tranh.

Cô bé chưa bao giờ mơ tưởng đến một ngôi nhà rộng rãi, đông vui và xanh ngắt như nhà ga xe lửa. Những ngôi nhà làm thuốc lá cũng có vẻ bên ngoài gần như thế, nhưng vì những tàu lá cần phải căng rộng ra trên cây cuje và để trong bóng tối, nên kết cục, những phòng làm lá thuốc cũng trở thành những phòng tối om không người ở.

Theo như bà mẹ cô, Dominga del Rosario González Ramos, nhà thờ cũng đạt được tầm cao và ánh sáng như trời. Bà Dominga lấy chồng giữa những bông hoa huệ trắng và hương nến tại nhà thờ của xứ đạo San Idelfonso ở Guane, và rửa tội vào thứ bảy, ngày 26/2/1900, sau khi mọi người thoát khỏi những cơn sợ hãi, vì không thấy có sự phán xét cuối cùng, cũng không có sự hủy diệt toàn cầu như đã nhiều lần báo trước, và bao giờ thì kết liễu thế kỷ này. Francisco Ruz Vázquez lúc đó 32 tuổi, còn cô, 28 tuổi. Cô thuộc dòng dõi của Domingo Mancos González Arenas, một người Tây Ban Nha ở San Andrés de los Tacones tại Oviedo, Asturias; và cô Isabel del Rosario Ramos y Ramos, một cô gái Cuba ở Guane, mà gia đình đã sống ở đấy từ lâu, không còn ai có thể khẳng định từ lúc nào, từ nơi nào những ông tổ đầu tiên đã đặt chân lên bán đảo. Trong cuốn sách trắng của nhà thờ xứ đạo, những giấy khai sinh ghi chép từ trước rất lâu, cũng chẳng còn ai có đủ sức tò mò tìm về quá khứ, như để tìm một sự liên kết chằng chịt giữa những con người phức tạp với những cuộc hôn nhân và những hậu duệ của họ, cho tới những sự bắt đầu cũng như thế từ trước nữa, cùng với vị trí kiến lập đầu tiên trên những mảnh đất miền Tây của hòn đảo này.

Bà Dominga mồ côi từ bé; cả bà và chị Nieves của bà đã được nuôi dưỡng chu đáo bởi một người cô, bao giờ cũng mặc một bộ quần áo vải màu sáng. Trong nhà bà cô, từ cây mỏ hạc trong chậu sứ, bóng dâm mát và cây dương xỉ rậm rạp trong sân sau, hai chị em bình thản bất kể giờ giấc, học viền những chiếc khăn tay hoặc đan những đôi tất. Bà cô này là một phụ nữ ngọt ngào, từ con người đến tư thế, không có di sản tiếng tăm của tổ tiên để lại, nhưng đủ sung túc để nuôi dưỡng những đứa cháu của mình. Dominga suốt đời nhớ ơn cái thiên chức làm mẹ của bà cô, và không biết từ cảm xúc sâu thẳm, mỗi khi nhìn thấy phụ nữ lớn tuổi mặc áo bờ lu và quần vải trắng, ký ức của bà quay trở lại tuổi ngây thơ và vô lo của thời thơ ấu. Khi bà Dominga đã trở thành một bà già gầy yếu, lưng còng xuống, chịu đựng những điều bấp bênh và nỗi lo âu về số phận của những đứa cháu đang tham gia chiến đấu ở Sierra Maestra, bà đã tìm trong số những di vật thân thiết nhất một tấm ảnh chụp theo kiểu Daguerres của bà cô, người mà bà vẫn ngẩng lên trời cầu nguyện và xin che chở.

Francisco Ruz Vázquez vốn to khỏe từ khi chào đời năm 1867, một năm trước khi nổ ra cuộc chiến ở một xưởng đường ở tỉnh miền Tây của đất nước, nơi vị chủ điền trang Carlos Manuel de Céspedez tuyên chiến với Tây Ban Nha và giải phóng cho các nông nô của ông, những người trung thành chỉ nghe theo lời ông nói mà không hiểu rõ tất cả những điều ấy, và không biết làm gì, không theo lệ tục quen thuộc của điền trang La Demajahua, nên họ đã lao vào cuộc chiến đấu ở trên rừng, theo sự cổ vũ và khích lệ của những chiến sĩ du kích tự do.

Francisco được sinh ra từ cuộc hôn phối của Rafaela Vázquez Rivera với Francisco Hipólito Ruz Acosta. Bà mẹ ông, theo bản trích lục khai sinh của những đứa con, là người ở Candelaria, một cái tên gợi nhớ đến thứ ánh sáng bắt nguồn từ những người ở phía bên kia đại dương đến những hòn đảo Canarias. Nhiều năm sau đó, lời khai có tuyên thệ mà bà làm khi đăng ký khai sinh cho một đứa cháu gái mà bà không biết đã xác nhận thuộc dòng tộc Canaría. Cứ liệu ấy được đăng ký trong giấy chứng sinh của Augustina Isabel Ruz González tức Belita, trong quyển 13, chứng sinh, tờ số 155, được tìm thấy trong tài liệu lưu trữ của Xứ đạo San Antonio de Sibanicú.

Rafaela là một phụ nữ bất khuất và cương nghị, chỉ có đau khổ, thiếu thốn của việc tái tập trung mới có thể làm bà ủ rũ, tựa như một người thợ săn với con chim én giữa trời cao và hầu như không sao bay tới được.

Đại tướng Valeriano Weyler thống lĩnh ở hòn đảo Cuba, muốn cắt đứt hệ thống cung cấp nhân lực, vũ khí, lương thực và thực phẩm cho quân giải phóng, đã công bố: trước tiên, ra lệnh đóng cửa tất cả những cửa hiệu ở xa quá 500m so với đô thị La Habana và Pinar del Río; nếu làm thế cũng chưa đủ khốn khổ, thì tiếp theo, sẽ cắt khẩu phần lương thực của vợ con những người vũ trang quật khởi, sẵn sàng trưng tập tất cả ngựa trong dân, để chuyển hết ngô vào trong các thành phố La Habana, Matanzas và Piner del Río, vào ngày 21/10/1896 đau khổ ấy, quyết định việc tái tập trung toàn thể nhân dân trong các thị trấn do quân đội Tây Ban Nha chiếm giữ, tất cả người dân ở nông thôn, ở bên trong hoặc ở bên ngoài tuyến phòng ngự của các đô thị.

Những người yếu ớt nhất không chịu nổi sự khắc nghiệt của những con đường, nóng bức và sự đói rét trong các làng hoặc đường phố trong đô thị. Những người già cảm thấy có một gánh nặng trong tâm hồn và chết vì buồn bực, bọn trẻ con sinh ra ốm đau, những người phụ nữ quyết định không sinh nở nữa, sau khi con cái họ đã bị chết, và những người đàn ông thích gia nhập hàng ngũ đội quân khởi nghĩa trước khi bị chìm ngập trong nỗi nhục bị lôi vào làm lính cho quân đội Tây Ban Nha. Stephen Bonsal, phóng viên tờ báo The New York Herald Tribune kể trong ký sự của mình năm 1897 về những bất hạnh trong địa ngục:

"Tại Pinar de Río, những trạm cứu đói phần lớn tập trung suốt 180km của đường xe lửa hướng tây, đi từ La Habana tới thị xã Pinar de Río. Duy chỉ trong những trạm Guanajay, Mariel, Candelaria, San Cristóbal và Artemisa đã chứa 60.000 người đói và không nhà, còn số người đã bị chết một cách thảm hại nhất trong cuộc tàn sát khổng lồ đã được cho phép này, người ta tính đã lên đến 10.000, kể từ đầu năm đó".

Rafaela biểu thị tất cả sức lực và tính cách cương quyết của mình, cho tới khi tinh thần và sự chuẩn bị lu mờ rồi biến mất, không bao giờ còn có thể lấy lại được. Những người đàn ông trong gia đình Rafaela đều chuyên trách vào công việc chuyên chở hàng hóa trên những con đường bụi bay mù mịt và nhiều chỗ bùn lầy, trên những chiếc xe kéo bằng đôi bò nhẫn nại và cố gắng. Mỗi một người con của bà có một cỗ xe như thế, và tất cả tập trung lội bùn, gạt cát, vượt qua những con đường nhỏ xuyên qua những bụi cây và biết bao rủi ro xảy ra trong cả hai mùa, nắng cũng như mưa.

Ở giữa cuộc chiến năm 1895, một sĩ quan của Hoàng gia Tây Ban Nha ra lệnh tất cả người và xe bò của gia đình Rafaela phải chuyên chở lương thực cho quân đội Tây Ban Nha, từ nơi này đến nơi khác. Chỉ vì Quintín, một trong những người con của Rafaela đã chống lại, cắt gân chân bò rồi bỏ chạy, nên viên đại tá bắt giữ hai người con còn lại là Nieves và Francisco. Bà mẹ gan dạ liền tìm cách cứu con ra khỏi nhà giam ngay lập tức.

Buổi chiều hôm đó, trạm gác của quân Tây Ban Nha rung chuyển như vừa bị một cơn giông bão đi qua. Rafaela đã xông tới cùng với một loạt sấm rền của hàng nghìn thiên binh thần tướng sà xuống, làm khiếp đảm tên sĩ quan, khiến hắn bị chìm trong nỗi sợ hãi trước những lời phản kháng mà người phụ nữ này đã gào lên đến tận bốn phương trời, nếu không trả tự do cho các con bà trong một phút. Rafaela đã chiến thắng được biện pháp độc đoán trong cuộc chạm súng chớp nhoáng này, nhưng chỉ ít lâu sau đó, đã không chịu nổi nỗi buồn và cái tin rụng rời vì bị bỏ rơi và chính sách tàn nhẫn của Weyler đã gieo vào số phận của gia đình bà, cũng như chính sách đối với cư dân và tất cả những người đã bị thiệt hại lớn trên chính mảnh đất của mình. Vẻ chán trường đã lộ rõ trên các khuôn mặt và làm khô héo cái nhìn của những người vô tội đang lang thang, cùng với niềm hy vọng có thể trút bỏ cảnh cùng cực và nỗi đau thương. Khi chết, có thể Rafaela không còn nhớ đến cái gì, kể cả cái tiếng vang hiển hách và cái tên Candelaria, nơi bà đã sinh ra, đã làm bà thức tỉnh khi nghe nói đến mình.

Francisco Hipólito Ruz Acosta, chồng của Rafaela tự nhận là hậu duệ của một số người gaditano định cư tại San Juan và Martínez, một thị xã nhỏ của Pinar del Río, trên đường Vuelta Abajo. Dòng họ của Francisco còn lại mãi trong trí nhớ gia đình những bậc cha mẹ kể lại cho những đứa con, và những đứa con truyền lại cho những đứa con chúng, trong một câu chuyện về những kỷ niệm về Cádiz, ý muốn nói đến khuynh hướng kinh doanh và tinh thần thủy thủ của đô thị và những giọt mồ hôi từ cơ thể con người bốc lên trong những ngày nóng dữ dội nhất tại thành phố Andalucia trông ra Địa Trung Hải.

Sau khi thành hôn với Francisco Ruz Vázquez, con trai út của hai vợ chồng Francisco và Rafaela, bà Dominga, vóc người nhỏ nhắn, chắc chắn và rất sùng đạo, nhưng hầu như không thể đến lễ cầu kinh trước bàn thờ lớn, vì trang trại ở quá xa nhà thờ Guane, cho nên phải thỏa thuận đến dự vào những ngày bà tới làm lễ rửa tội cho những đứa con của mình và dán đầy nhà những bức tranh in tay, để thắp sáng trái tim của Chúa Jesus và những vị thánh khác.

Rất sùng kính và ngoan đạo, bà thuộc lòng những bài kinh và gìn giữ cuốn Kinh Thánh của mình như một di vật thực thụ của Chúa. Bà theo đạo bằng một sự sùng kính nội tâm, quỳ gối trước bàn thờ nhỏ đặt ở một góc nhà, nơi không bao giờ thiếu một bông hoa lan. Dominga bắt đầu một ngày với lời cầu nguyện: "Con tin vào Đức Chúa, sức mạnh Tối cao/Người đã tạo ra trời và đất/Và con tin vào Jesu Christ, người con duy nhất, Đức Chúa của chúng con (…) Amen". Khi làm dấu chữ thập, bà đưa cây thánh giá nhỏ đeo ở cổ lên môi. Sau đó, tiếp tục mải mê ngắm những bức tranh thánh có những đứa trẻ bao quanh khiến bà nhắc lại những lời cầu nguyện và trong giây phút trang nghiêm đó, bà bày tỏ sự tôn trọng những dự báo về tấn thảm kịch và sự trừng phạt.

Bởi thiếu một công viên nên cái ke cuối cùng trở thành nơi dạo chơi ưa thích nhất của lũ trẻ con, tại đấy, chúng nhìn thấy những đoàn tàu chạy đến và đoán qua tiếng còi tàu để biết đầu tàu hồng hộc ầm ĩ chạy từ bến cảng San Cayetano phá vỡ cái tĩnh lặng của Guane từ năm 1898, khi Công ty Đường sắt miền Tây trải dài thêm từng cung đường, từ từ tiến dần lên một cách chậm chạp, cho tới lúc tất cả mọi vùng trong tỉnh đều có đường xe lửa chạy qua.

Trước khi bước lên tàu, Lina đã ngồi một lúc trên chiếc ghế băng chắc khỏe bằng gỗ cao ba, xếp băng nọ trước băng kia, thành từng hàng, đầy phòng khách. Cô vuốt lại bộ quần áo vải sợi bông và mỉm cười nhớ lại điều mà mẹ cô nói thầm tận tai, dặn mua cho bà thứ vải của những hành khách bán "chính là vải của thánh đấy". Cái chất mềm mại và mịn màng của vải này rất hợp để mặc ở giữa nơi nắng nóng gay gắt của hòn đảo.

Ở trong nhà, mặc dù nó nóng hơn vải sợi bông, người ta vẫn thích loại vải muxơlin để may áo bờ lu, bởi cái vẻ mịn màng của mặt vải và những màu sắc nổi trội sẵn có của người bán hàng. Trong số hàng nghìn thứ hàng mà những chủ hàng trải ra trước mắt, khi họ mở những chiếc vali đầy hàng hóa, Lina thấy thích thú với những kim thêu, móc và những chiếc kim gài đầu có mũ màu xanh ngọc. Những chị em gái nội ngoại và bạn bè cô chắc phải để mắt hau háu vào những dải lụa, những đôi hoa tai, những hộp nạm xà cừ đựng phấn gạo và những chiếc váy satanh. Việc mua bán cứ như một ngày hội bất thường, bởi những người bán hàng trên đường đi từ Las Catalinas thỉnh thoảng mới đến, và ở trong thị trấn cũng không có nhiều những tay tài hoa đã quấy nhiễu những cô gái nhỏ của ngôi trường nhỏ ở nông thôn, nơi Lina đã học vỡ lòng.

Chủ tịch Fidel Castro thăm căn cứ Tân Lâm và Dốc Miếu trên vành đai Mc Namara bị quân dân miền Nam phá hủy, trong chuyến thăm Vùng giải phóng miền Nam ngày 15/9/1973. Ảnh: TTXVN

Cô nhớ đến ngôi nhà của Chúa, luôn luôn lặng lẽ và thanh bình như thể một nghĩa trang của giáo dân. Ở đấy, thời giờ trôi qua chậm chạp và bất kỳ buổi lễ nào cũng tiến hành chậm chạp như bất tận. Trái lại, ở nhà ga xe lửa, thời gian trôi qua gấp gáp, người ra vào, tiếng rao bán vé xổ số ngoài cửa kính phòng thầy ký bán vé, người hỏi giờ và nơi đi, đến của những chuyến tàu, người từ biệt gia đình, hoặc ngồi đọc báo, không chú ý đến những con chó chạy loanh quanh, hoặc những người cùng khổ đứng ở cửa ra vào.

Trong thế giới của tuổi thơ, từ rất sớm, Lina chỉ rất ấn tượng trước một chiếc chum sành cũ của người bà, chiếc chum bao giờ cũng ẩm, giữ được nước mát, và khi ăn quả me, cô thường tựa lưng vào chiếc chum sành mát lạnh. Không gì sánh được chiếc chum sành miệng nhỏ và bụng to, thật cổ kính, trang nghiêm.

Ngày mà cô tiếp xúc với những điều mới mẻ tại nhà ga xe lửa, Lina đã nhận xét môi trường xung quanh với một vẻ bối rối. Cái nhìn phân vân đó của cô bị phụt tắt ngay ở những giây phút phấn khởi trong cuộc dạo chơi này và sự hiểu biết điều mình chưa biết. Một nhóm phụ nữ đang rửa những bức tường lấm bùn bởi trận lũ quét mới đây của con sông Cuyahuateje, và cứ tại một thời điểm nhất định lại tràn bờ. Bao giờ cũng vậy, cái nóng như thiêu đốt của của buổi trưa rồi cũng làm khô bức tường mà sau đó, một người nào đấy sẽ quét cho mấy nhát chổi nước vôi. Lina buồn rầu nghĩ có lẽ mình không bao giờ còn quay trở lại miền Las Catalinas của thời thơ ấu. Bụi bay lên từ chiếc xe kéo của cha lơ lửng và xoáy vòng trong ký ức, đã xóa mờ đi những tàn tích của những mái nhà và hàng giậu ở phía chân trời.

Một số năm trước đó, Las Catalinas đã từng phồn vinh, đông vui nhộn nhịp như những địa trận trù phú, dù cho cũng còn những cảnh ngộ bất hạnh. Nó đã nổi lên sau những năm chiến tranh gian khổ, đến năm 1900, cùng với bến cảng của con sông Cayaguateje, từng đoàn tàu thuyền chở đầy hàng hóa đến và sau đó, từng đoàn xe tải chuyên chở tới tận trung tâm của tỉnh, hoặc tới tận Vịnh Guadiana, để nhét đầy vào những chỗ trống của đoàn xe toàn thuốc lá, trong một cuộc lừa lọc lộn sòng ngoạn mục về kinh tế và phần lãi được chia theo mức đã định trước. Những căn nhà được xây dựng nhờ vào số mệnh may mắn và nỗi khắc khoải trông chờ sự phát triển đi lên. Tuy nhiên, sự may mắn không đi cùng sự phát triển được lâu dài, vì năm 1910, những cơn bão kéo dài 5 ngày 5 đêm đã làm ngập lụt mọi vùng đất, nhấm chìm mất 700 người và cuốn trôi hàng đàn bò và cày cuốc, xe cộ trong mấy ngày, từ 13-17/10, tháng của những trận cuồng phong và mưa như trút nước mà tất cả mọi người ở đảo đều khiếp sợ.

Những cơn lốc ghê gớm của trận cuồng phong đã cuốn đi tất cả mọi tài sản. Con sông không thể qua lại được và những con tàu không bao giờ còn có thể đến được chốn này. Mọi con đường mất hết khả năng vào được Vịnh Guadiana, hải cảng ở mé tây bắc miền duyên hải, nơi những nhà buôn đã ra đi hết, người ta không còn cách gì khác là bị chìm trong nghèo khổ hoặc bỏ ra đi. Trước khi có quyết định cuối cùng, người ta sống và thử tìm vận may trong một thời gian ngắn tại El Cayuco, một địa danh còn ở xa hơn Las Catalinas, một vùng đang khai thác rừng, ở đấy, mọi việc cũng chẳng thể phồn vinh, nên không còn cách nào khác là hy vọng có những thông báo tuyển dụng người làm của những chủ thầu từ Camaguey và Oriente mới đến.

Kỷ niệm về El Cayuco, nơi hẻo lánh nằm giữa rừng cây, thật mơ hồ đến độ hầu như không tồn tại trong ký ức của Lina.

Đó là lần đầu mà mọi người ra đi với ý định không quay trở lại. Vì vậy, tất cả đều đi, kể cả Alejandro, đứa con mới đẻ luôn khóc ở một nơi thật là nhộn nhịp. Không có thời gian, kể cả để đăng ký khai sinh cho nó tại nhà thờ xứ đạo mà Francisco và Dominga sau đấy phải làm. Về các đứa trẻ, chỉ có Alejandro theo Lina làm việc canh gác ban đêm. Cô ngồi chung ghế với cha, ông mặc một bộ quần áo đi lễ ngày chủ nhật, và khi ông ngủ gật, cái mũ cầm trong tay rơi xuống đất một vài lần, Lina nhặt lên mà ông cũng không hay biết.

Panchita, cô gái đầu lòng, ngồi nghỉ một cách điềm tĩnh; có lẽ là từ trước tới nay, chưa bao giờ thấy cô có được trạng thái như thế. Ở trong nhà, tất cả mọi người từ chối không đi theo cô vì sau khi mất ngủ liên tiếp, sau những câu chuyện đùa cợt cho tới tận khuya, đôi khi đến tận sáng, mới thấy cô ló đầu bên cửa sổ, hoặc như một hồn ma lảng vảng quanh mảnh sân sau, và giờ đây thì cô đang ngủ ở giữa một nơi nhộn nhịp và nóng như hỏa ngục của Diêm Vương. Mãi sau, khi đến chỗ xe đỗ, mọi người ăn trưa, Panchita mới thức dậy, ghi trong ký ức trạm đỗ xe này tại Santa Clara, để sau đó, đi liền một mạch tới tận Tana, tỉnh Camaguey, tại đó, theo như những lời hứa hẹn về việc làm và nhà ở, những hy vọng về một cuộc sống sung túc, đầy đủ tiện nghi và có thể nhiều hơn.

Panchita, Antonia và Enrique chiếm chỗ ngồi phía trước mặt, đứa nọ dựa vai đứa kia, mồ hôi đổ như tắm, bởi cái nóng như nung của mặt trời đổ xuống nóc sắt của đoàn tàu. Bà Dominga an ủi Alejandro đã kiệt sức vì chống chọi với sự chậm chạp và không chính xác về giờ giấc.

Lina ngồi yên tại chỗ của mình và chú ý đến tất cả mọi chi tiết ở xung quanh: buồng của bưu chính ở cuối đoàn tàu, một người đàn ông lên xe không có vé, rồi người ta sẽ đuổi ông xuống nơi nào có nhà ở dọc đường… ông già khốn khổ chỉ còn biết khóc! Ở trong cùng toa xe, có một cô gái mắt xanh và da rất trắng, đội một chiếc mũ và quần áo đều bằng nỉ rất nóng, khiến cho mặt mũi cô đỏ bừng. Bằng một giọng nói nước ngoài, cô khó khăn nói mấy tiếng Tây Ban Nha khi đưa vé cho người kiểm soát, người đó xem vé của cô và nói với một hành khách:

- Đây là một cô gái Na Uy muốn trở về sum họp với gia đình ở Oriente, tại đó, cha mẹ cô đã có một trang trại trồng cam.

-"Bất kể cô là ai, xin Chúa hãy đưa cô đi!" - người kia đáp, và mọi người xung quang cười phá lên.

Ở hàng ghế bên kia, một phụ nữ thờ ơ nghe một anh chàng ngồi bên cạnh nói về số mệnh. Anh ta vừa vung tay, vừa nói rằng: "Những con sông chảy ngược lại phía sau, cây gỗ cong queo, thú vật chết, và người mất tích trong trận bão lớn, mưa như trút nước xuống khắp tỉnh Pinar del Río. Thủ phạm ở đây là sao chổi Halley, một luồng ánh sáng sấm sét ở trên trời đã gieo rắc biết bao đau khổ…".

Người phụ nữ bên cạnh từ lúc trước vẫn chưa nói gì. Cô ta ăn vận nhã nhặn, có vẻ là một nhà giáo, tính cách dường như quá lạnh lùng, cứng nhắc. Đột nhiên, cô ta quay mình về phía anh chàng nói:

- Ai mà lại tin vào những câu chuyện dọc đường đó của anh?

Lina không thể chịu đựng được nữa, nhớ lại trận bão, cô nói:

- Nếu thực sự như thế, tôi đã trông thấy những con cú ở gần nhà đêm hôm qua, và nghe thấy tiếng chó sủa…

Bà Dominga ngăn cô lại, vẻ bực bội rõ ràng:

- Này con đã bạo mồm quá đấy. Im cái miệng đi. Trong khi con trai nói, con gái đã cười vang lên!

Lina cúi đầu và ngay lập tức, trong óc cô nghĩ ngay đến trận bão năm ngày năm đêm, khi rất nhiều người bắt đầu sợ hãi: bên ngoài gió rít kinh khủng, chim chóc chết dúi dụi trên mặt đất, những mái lá panma bay mất hút, cùng những đám mây mênh mông trên cao, tường nhà đổ vỡ kêu ầm ầm, ẩm ướt ngấm vào đến xưởng của mọi người, những cánh đồng thuốc lá tựa như những đô thị ngập nước, xác người trôi nổi như từng mũi đất và nỗi đau tràn ngập mọi nhà, mọi chỗ.

Cô gái nhỏ giữ im lặng và chú ý đến phong cảnh ở ngoài xa, qua khung kính đầy bụi. Thoạt đầu, cô định lau sạch cửa kính bằng chiếc khăn tay, cho tới khi cô thấy kính đã mờ phía bên ngoài không có cách nào lau sạch được. Cô phải bằng lòng nhìn lờ mờ như mây phủ của thời gian và những vật bên ngoài. Con tàu dừng lại tại các ga của những thị trấn bị bỏ quên, nói lời từ biệt với những căn lều lẻ loi ở bên này hoặc bên kia đường sắt và những đoạn trồng một loại hồng xiêm, chạy qua một đoạn có đội công nhân mệt mỏi, vượt qua nhiều cây cầu và đến giữa trưa thì tới Santa Clara, thành phố mà Panchita sẽ không bao giờ quên. Tại đấy, mọi người ăn cơm trưa, sau đó, tiếp tục đi đến Tana, thuộc tỉnh Camaguey.

Con đường từ Santa Clara tới Camaguey và từ đấy tới Santiago de Cuba thuộc quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác. Công ty Đường sắt hợp nhất đã kết thúc việc xây dựng con đường sắt trung tâm vào những năm 1900 và 1902. William Van Horne, một nhà doanh nghiệp và xây dựng quả cảm của Công ty Đường sắt xuyên đại dương của Canada, người đề xướng sáng kiến xây dựng tại nhiều phần đất rộng của hai tỉnh Camaguey và Oriente những cung đường sắt ở những nơi còn thiếu đường giao thông và đã dự tính xây dựng nhiều nhà máy đường mới. Van Horne hoàn thành các dự án chỉ trong 18 tháng với sự ủng hộ của chính phủ quân sự chiếm đóng Mỹ vốn đang rất quan tâm đến việc xâm chiếm Cuba.

Đến Tana, mọi người xuống tàu, bởi vì ở đó có việc làm trong mùa thu hoạch mía. Người chủ hợp đồng đợi họ đến, chỉ đường cho mọi người đi tới căn nhà nhỏ, nơi trú ngụ của họ. Những nhà cung ứng nhân công nhìn thấy ở Camaguey và Oriente miền đất hứa, và rút đi những khả năng có thể của miền tây nhiều hơn, sau cơn bão năm 1910 tại Pinar de Río.

Mặc dù đã cố gắng hết sức trong những năm 1912 và 1913, đối với ông cũng chẳng đáng giá gì, nên Pancho vẫn phải làm việc cật lực giúp gia đình mà của nả vẫn thiếu thốn, và không thấy cái giờ hạnh phúc của sự phồn vinh. Sự du nhập của những người làm công Haiti và Giamaica khiến tình hình thêm rắc rối, vì họ chấp nhận đồng lương thấp, và những người Cuba cuối cùng phải chuyển đi nơi khác, nếu không muốn nhận đồng lương chết đói.

Khi có dịch sốt rét tại Tana, Pancho quyết định di chuyển luôn tới Ignacia, tại đó, có lẽ sẽ khá hơn. Nhưng nơi đó cũng chẳng làm thay đổi số phận và ông lại cùng gia đình đi thẳng tới Hatuey, một thị trấn có những dãy nhà sắp xếp theo lối mái ngói đối xứng theo đề xuất của những nhà thầu. Niềm vui mừng trước sự ra đời của María Julia và María Isabel cùng Alejandro ở El Cayuco đã bù đắp cho nỗi khổ phải ra đi không đường hướng, chẳng hy vọng. Với những đứa bé gái, họ đăng ký khai sinh cho chúng tại xứ đạo Sibanicú, cùng với giai điệu thường dùng của những cái tên kép. Những người viết thuê ghi những lời làm chứng trong cuốn sổ khai sinh của những người da trắng bằng nét chữ nghiêng, theo thủ tục như lề thói đã quen. Trong thị trấn Hatuey đó, những đứa con gái lớn lên của gia đình sẽ là tấm gương về học tập tốt và tập quán đúng đắn.

Tất cả thời gian ấy, ông Pancho chở mía bằng những chiếc xe có đôi bò kéo. Đôi lúc mệt mỏi, ông thấy trời xanh như khép lại, mắt chẳng còn nhìn thấy, tai thì ù ù, còn dạ dày thì trống rỗng, không thể làm dịu đi những bất hạnh về kinh tế. Trong lúc đó, bà Dominga và những đứa bé gái lớn vẫn giữ cho thật sạch đẹp những tấm vải trải giường, những chiếc quần đi ngựa, những chiếc sơ mi mặc đi làm và những bộ quần áo của người khác. Bà kết thúc công việc hàng ngày cùng đôi chân sưng phồng và xương đau nhức, vì đã phải trải qua hàng giờ đứng trước bếp dầu, để đốt nóng những chiếc bàn là, rồi lau sạch chúng sau đó, đặt trên chúng một miếng vải hồ, khiến cho không dính vào quần áo và những thứ được hồ bằng những miếng vải hồ đó bóng loáng lên.

Lina không biết tại sao một hôm cả nhà dọn dẹp tất cả mọi thứ, rồi chuyển đến những đồn điền trồng mía khác, tại đó, cha cô và ông chú Perfecto Ruz Vázquez bắt đầu làm việc với ông Ángel Castro Argiz, một người Tây Ban Nha chủ một khách sạn và một số trang trại ở trong vùng Birán, tỉnh Oriente.

Lina nhìn qua khe cửa những tấm ván cọ hổ với một sự phấn khích của một người chợt trông thấy những sự nguy hiểm và phải thủ thế để chống lại nột cách gan dạ.

Trong gia đình, mọi người cho rằng cô có thể làm được bất cứ việc gì, bởi vì ở tuổi 14, cô chưa hề biết thế nào là sợ hãi. Thân hình uyển chuyển và đôi mắt ngây thơ của cô chưa biểu lộ đầy đủ cá tính quả cảm của mình.

- Con bé này, quái lạ! Có lẽ có một sức mạnh như một đám mây đuôi mèo, cha cô vừa rít một hơi thuốc xì gà vào một ngày chủ nhật năm 1917, khi vừa xảy ra cuộc nổi dậy của những người trong Chambelona, với sự đe dọa sẽ tàn phá tất cả. Người dân gọi phong trào nổi dậy ấy như vậy, vì họ nhớ lại một điệu nhảy conga cùng tên, mà những người theo chủ nghĩa tự do hát trong những cuộc mít tinh chính trị của họ. Trong cuộc bầu cử ở La Habana, trước những khoản tiền lớn vận động cho ứng cử viên bảo thủ, họ thường hát bản hợp xướng như sau: "Aspiazo cho tôi chai rượu, và tôi bỏ phiếu cho Varona, aế, aế, aế, La Chambelona…".

Chủ tịch Fidel Castro trong chuyến thăm Đông Hà, tỉnh Quảng Trị năm 1973. Ảnh: cand.com.vn

Lina luôn giữ được điềm tĩnh, không thể lay chuyển được và khiến cho mọi người phải sửng sốt bởi sự gan dạ của mình.

Gia đình Lina đã sống trên đất của Ángel Castro một thời gian khi việc đó xảy ra. Đầu tiên, họ sống ở tầng trệt của ngôi nhà lớn khi còn đang xây dựng tường và đóng cọc nhà sàn, sau đó, đi đến một bước xa hơn. Ông chủ khách sạn và trang trại đề nghị gia đình họ quay trở về Guaro Tres một thời gian ngắn, vì mọi sự đã biến chuyển phức tạp và tốt hơn hết là tránh những điều xấu. Với khí thế hung hăng, hết bọn cướp này đến bọn cướp khác đều như nhau.

Trong thị trấn, người ta bàn tán rằng Ángel Castro là một người dũng cảm, có họ hàng với cả hai phái, điều đó cho phép ông tránh được sự đối chọi sắp xảy ra đến nơi, ngay cạnh nghĩa địa của thị trấn Guaro.

Không ai biết điều đó có thật không, nhưng người ta cũng gắn cho ông một câu kiểu văn bia: "Không thể để cho những người ấy giết lẫn nhau".

Ángel, với một nụ cười mỉa mai và giọng nói nhỏ nhẹ, thú thật với những người xung quanh rằng mình có giấy thông hành của cả hai phái, và thư giới thiệu của cả bên này lẫn bên kia, cho phép ông có thể di chuyển không có gì phải lo lắng.

Rất sửng sốt bởi sự liều lĩnh của Ángel, những người nghe ông nói vậy đều cảnh báo và khuyên ông phải cẩn thận.

Qua những câu chuyện của người lớn ở trong nhà, Lina cảm phục Ángel và tôn trọng ông với một lòng sùng kính, hầu như sùng đạo. Khi ngắm nhìn ông từ xa, cô nhận thấy một cảm giác là lạ, vừa lo lắng, vừa vui vui. Cô là một thanh nữ 19 tuổi còn Ángel là một người đàn ông đứng tuổi, đầy nhiệt tình và khát vọng thanh niên, người mà những nông dân ở đây thổi phồng lên bởi sự thẳng thắn như cây bạch đàn và lòng tốt âm thầm của ông ta.

Những thanh nữ ở địa phương đều công nhận ông rất hấp dẫn, thân hình rất oai vệ, ngồi trên mình ngựa, mặc âu phục, đội mũ phớt. Vầng hào quang của ông chủ điền trang hào hiệp đã phù hộ giúp cho quanh vùng thuận lợi. Tất cả mọi người đến để gặp ông, bởi vì ông bao giờ cũng sẵn sàng nghe, và không khó khăn gì để nói chuyện với ông ở bất kỳ đâu, ở giữa đường, ở trong phòng làm việc, hoặc ở ngoài cổng của ngôi nhà. Đôi lông mày đen rậm được xoa dầu thơm bóng làm tăng vẻ đẹp của đôi mắt nhìn trong sáng. Bọn con gái rì rầm với nhau về sự cô đơn của ông và mỉm cười chào. Lina thì không. Cô không thể giải thích nổi vì sao. Đó là một tình cảm mới, nó khiến cho cô ngây ngất, không biết làm gì trước mặt ông. Nhìn ông, cô cảm thấy trong ngực rộn ràng một niềm vui thích đang toát ra ngoài qua lỗ chân lông mà cô phải khó khăn để che giấu đi. Đôi khi cô phải chuyển thư từ hoặc hàng hóa vào trong ngôi nhà lớn, nhưng bao giờ cô cũng muốn không để ai trông thấy mình từ trong các phòng hay trong hành lang, để không phải gặp ông.

Ángel Castro Argiz không để ý hay đeo đuổi cô. Ông đã biết cô - tại sao không? - từ khi cô là con nít, nhưng không nhìn thấy sự thay đổi của cô cho tới buổi khi ông ngửi thấy rất gần mùi thơm của gỗ trắc bách hương và chú ý thấy sự căng phồng của đôi vú và đường viền của hai bên háng mà áo bờ lu và chiếc váy rộng đã che lấp.

Nếu Ángel là hiện thân của quyền lực nghiêm khắc và lòng nhân ái, thì Lina là bão táp, là thiên tài và nghị lực. Ông lắng nghe Pancho tự hào nói về con gái, như là một tấm gương hiển nhiên của dòng họ.

Cô gái cưỡi ngựa rất giỏi, thuần phục được nhiều con ngựa vào loại tốt. Người ta tìm cô để nhờ chữa cho họ những vết thương, hoặc những khó chịu trong người và bao giờ cô cũng sẵn sàng giúp đỡ, chứ không bao giờ ngần ngại. Đó là cô gái quyết đoán, chỉ rụt rè và lúng túng, lo âu trong những vấn đề tình yêu.

Để đưa được cô gái đi, Ángel đã phải vận dụng tất cả sự dịu dàng, trìu mến, nài nỉ không nản lòng, dùng đến những bí thuật quyến rũ, gợi ra những chuyện ngạc nhiên, đương đầu với những thành kiến và những lời đồn đại, chứng minh lòng nhân từ, vuốt ve cô với sự ngọt ngào không thể tưởng được bằng đôi bàn tay chai sạn, và dẫn dắt cô đi giữa tiếng ríu rít của những con chim họa mi đã làm tổ ở những góc tối, lỗ nhỏ ở bức tường ngăn của bậc thang lên phòng áp mái, nơi hai người yêu nhau lần đầu tiên vào một đêm trăng non, trong sự tĩnh lặng của ngôi nhà bằng gỗ thông.

(Còn nữa)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.