Đó là thời kỳ của giông bão và bóng tối của rừng cây rỉ nước ẩm ướt cùng tiếng rì rầm của tiếng chim vỗ cánh. Lúc bấy giờ Lina đã hơn mười chín tuổi, còn Ángel, đã qua tuổi bốn mươi lăm. Trong chốc lát, chỉ trong chốc lát, ông nghĩ mình đã già, chịu đựng quá nhiều trước đây, những nỗi buồn trong tâm hồn và những nếp nhăn trên cơ thể.
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro Ruz tới chào Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng nhân dịp sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày mùng 8 - 12/12/1995. Ảnh: TTXVN
Cô ấy thơm như trắc bách hương, thứ gỗ dùng đóng tủ, hòm và những hộp xì gà, một hương thơm kín đáo của những nơi ấm áp, thân mật hoặc thanh cảnh cô đơn, gợi nhớ đến thân cây với những bộ rễ chìm sâu dưới đất, còn cành tán vươn rộng lên không. Hương thơm ấy làm say mọi giác quan của Ángel. Ông không biết đó là hương của tóc cô gái vừa mới gội bằng nước mưa và cuốn theo kiểu vành trăng lên cho những điềm lành, hoặc có thể là của làn da mượt như nhung màu trắng xanh, bay đến. Có lẽ đó là ông. Ông tưởng tượng ra nhiều điều, ông bịa ra hoặc tự cảm thấy như thế, chẳng cần tìm hiểu xem lý do hoặc lẽ phải ấy có giá trị không.
Trời vừa rạng sáng khi ông trông thấy cô gái, vào thời kỳ ấy, một cô gái mới lớn, bụng thon như thân cây trắc bách hương, đôi mắt đen lấp lánh đầy nghị lực mà không một cô nông dân nào khác ở quanh vùng có được. Ông ngắm nhìn cô từ xa một cách thận trọng, không làm cô sợ hãi với cái dáng vẻ dữ dằn của mình, đôi mày cau lại và một thân hình vóc dáng khỏe như vâm. Hai bàn tay ông cầm chiếc roi ngựa, ra dấu hiệu báo trước cho con ngựa, để cho nhẹ bớt sự sốt ruột chờ đợi, trong lúc cô gái lặng lẽ đủng đỉnh đi không dừng bước.
Đó là thời kỳ của giông bão và bóng tối của rừng cây rỉ nước ẩm ướt cùng tiếng rì rầm của tiếng chim vỗ cánh. Lúc bấy giờ Lina đã hơn mười chín tuổi, còn Ángel, đã qua tuổi bốn mươi lăm. Trong chốc lát, chỉ trong chốc lát, ông nghĩ mình đã già, chịu đựng quá nhiều trước đây, những nỗi buồn trong tâm hồn và những nếp nhăn trên cơ thể.
Mưa rất to kể từ lúc ông ra đi từ San Pedro de Lancara, một thị trấn mùa Đông rét như cắt, và đồi núi kéo dài đến Galacia (Tây Ban Nha cũ), tại nơi đó, ông đã ra đời vào ngày thứ tư của tháng cuối cùng trong năm 1875. Ở tuổi trên 20, ông đã bỏ ra 1.000 pesata (25 xu, đơn vị tiền tệ Tây Ban Nha) mong muốn đi tìm vận may ở một nơi nào mà ai đó không sẵn sàng gánh chịu sự rủi ro như ở Cuba, hòn đảo chết tiệt ở mãi đầu bên kia đại dương, tại đó, cuộc chiến tranh năm 1895 và dịch sốt rét vàng da đã hủy hoại người ta như trong một trận dịch tả.
Ông quyết định chuyển thành một tân binh thay thế, một trong số khá nhiều thanh niên con của những người đủ giàu để chạy chọt để không phải đưa chúng lên những con tàu của Công ty vượt Đại Tây Dương, lên đường tham chiến tại những miền đất ác liệt, gay go và xa lạ ở vùng nhiệt đới. Hai nghìn peseta là cái giá phải trả để cho một người thoát khỏi động viên sang Cuba. Người ta cũng có thể thoát khỏi chiến tranh bằng một số tiền từ năm trăm đến một nghìn hai trăm năm mươi peseta, nếu người ta mang một người nào đó thay thế, qua cuộc rút thăm lấy một phần năm những người được chọn vào quân đội mỗi năm, hoặc một trong số những người mà số phận không phải ở hải ngoại.
Từ năm 1764, bưu chính hàng hải được thiết lập giữa Tây Ban Nha và Tây Âu đã tạo điều kiện cho việc di cư của người Galicia sang các nước châu Mỹ. Nhưng may thay, thời bấy giờ không còn những chiếc thuyền buồm chuyên chở hành khách chạy từ Tây Ban Nha sang Cuba, với hành trình chậm chạp từ tám mươi đến một trăm ngày. Trong những ngày ấy, say sóng, nôn ọe và muối ngập ngụa sườn tàu, còn tinh thần của hành khách bị lăng nhục và phỉ báng chẳng khác kẻ tội đồ. Bấy giờ, đã có những con tàu mớn nước cao và tốc độ nhanh, những con tàu vượt đại dương, để lại đằng sau một đám mây đen bồ hóng giữa sóng gió ngoài khơi.
Chàng trai trẻ Ángel ngồi lặng yên trong lúc con tàu vươn lên bị sóng biển quất vào theo điệu van rất thuận lợi cho sự trầm tư mặc tưởng. Đương nhiên, sự yên tĩnh ấy không thể xóa hết cảm giác bồn chồn, lo lắng đang ngự trị trong anh; anh không chịu đựng nổi mùi hôi bốc lên của nhiều người chồng chất lên nhau bao nhiêu ngày. Trong không khí ngột ngạt ấy, lần đầu tiên anh được nghe một người nói đến Trocha de Júcaro ở Morón, một hàng rào bảo vệ, có đài quan sát, dây thép gai và những bốt gác quân sự nhỏ dựng lên từng đoạn bên cạnh đường miền Đông đất nước, để tránh những cuộc tấn công của những người Cuba vũ trang nổi dậy tiến về phía Tây. Ai đó đã khẳng định rằng họ đã nổi bật ở đấy, trong tâm cơn giông bão và nói đến nhát mã tấu đầu tiên vung ra của Máximo Gómez, lúc ông chưa làm Tổng Tư lệnh của quân đội Cuba, và hầu như vừa mới kết thúc một tháng mở đầu cuộc chiến tranh lần thứ nhất. Lịch sử được kể như một huyền thoại bóng ma trong đêm của những pháo đài vây quanh bởi rừng rậm dây leo, dế gáy râm ran, chim kêu rúc rúc, hoặc dấu hiệu của kẻ thù. Trong lúc Ángel nghe người ta kể rõ đến từng chi tiết của đoạn nói về chiến tranh năm 1868, khi những người Tây Ban Nha bảo đảm nền độc lập của những nghĩa quân Cuba. Những người Cuba khởi nghĩa liều mạng chống lại những viên đạn súng môde và kết thúc thắng lợi cuộc chiến chống Tây Ban Nha bằng quyết tâm mãnh liệt, làm tan rã chúng, cùng nhiệt huyết hoàn toàn giải phóng và khinh miệt áp bức, bất công.
Người kể chuyện như thầm thì tái tạo từng chi tiết kèm theo cử chỉ tay chân chầm chậm. Người ấy biết rằng mình hiểu rõ một sự thật mà những người khác không hề biết, ông ta đã tạo ra một cách tế nhị không chỉ sự chờ đợi, mà cả sự sợ hãi của những người nghe. Thình lình, người đó ngừng nói, thở sâu và đi vào cái ký ức làm cho ta run sợ. Ông Ángel lắng nghe thú vị từng lời.
Khi tìm thấy chàng lính trẻ Tây Ban Nha, mắt ngơ ngác với bộ đồng phục rách vá, vì đã chui rúc không ngừng là len lỏi trong rừng rậm, không dừng lại xem thật sự có ai đuổi theo mình. Với một cái nhìn lơ đãng, anh ta lúng búng một đôi lời, trí nhớ neo đậu vào ngày bước chân trên con đường bụi đỏ mù mịt và đầy bóng rợp, với vị trí một người lính pháo binh của một đội quân dưới quyền Đại tá Quirós, gồm bảy trăm người và hai khẩu pháo. Anh ta phều phào nói đứt quãng, hầu như khó có ai hiểu được anh ta nói gì. Anh ta không biết chắc chắn những câu nói quàng xiên của trí nhớ, có chút gì như sức nóng của hòn đảo rực cháy trong lòng những con người đã quen với khí hậu lạnh ở phía bên kia Đại Tây Dương. Anh ta nghĩ đến những người Cuba như một hiện hình ma quái và hỗn loạn. Họ cởi trần khi được lệnh xuất quân lên đường để mổ bụng, chặt đầu và tay người, với một tốc độ nhanh như gió, giữa cảnh lộn xộn, bất ngờ.
Anh ta rủa thầm: "Không bao giờ nên tới cái đất nước có hàng nghìn thứ ma quái này nữa", trong khi một nỗi sợ hãi thức dậy, làm biến sắc mặt anh trước những hình ảnh mà chỉ mình anh ta trông thấy. Từ nơi vô thức tỉnh dậy, anh ta đã sáng tỏ được vài nghi ngờ và sau đó, lại rơi ngay vào trạng thái thiu thiu ngủ, giữa một vòng vây ảo giác.
Lúc đó là tháng 11/1868, người ta không nói gì ngoài chuyện ở vùng lân cận Baire, miền Oriente. Đó là chuyện về Gómez, một người Đôminica hơn 30 tuổi, đã có kinh nghiệm quân sự trong chiến tranh chống quân Pháp trên mặt trận biên giới với Haiti, trước đó ít lâu được thăng cấp đội của Quân Giải phóng Cuba bởi một nhà thơ mambí.
Đại tá Quirós vượt qua Venta de Casanova và chiếm đóng Baire, tại đấy, lực lượng nổi dậy đã quấy rối liên miên đến khi giáng trúng một trận mã tấu tàn phá ở cửa hiệu Cây thông, ngày 4/11. Gần 40 người tới tấp tấn công ngài đại tá, khiến cho ngài chỉ đủ thì giờ tẩu thoát, để lại trên đường của thị trấn đầy xác chết của quân lính.
- Thật cứ như trò ma quỷ! - Quirós kêu trời kêu đất.
Chủ tịch Fidel Castro thăm UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị năm 1973. Ảnh TTXVN.
Hầu như ngài đại tá không thể tin được, bởi những người Cuba không có nhiều súng đạn đủ để chống cự với họ, mà chỉ có mỗi một cách đánh như tự vẫn; ngài linh cảm thấy hiệu quả của cách đánh ấy đã làm cho quân đội Tây Ban Nha thương vong nhiều hơn là những phát súng đinh tai nhức óc của những cây súng trường ở rất gần. Ngài đã không thể quên, không thể nào quên cách đánh không thể tưởng tượng được với những đòn khô sắc, lặng lẽ của những nhát mã tấu sâu đến đứt xương.
"Chẳng ai có thể đánh thức người lính trong cái đám ầm ĩ những tiếng kêu và những cơn co giật của anh ta trong lúc đang ngủ, kiệt sức vì những cuộc đấu tranh chống lại những kỷ niệm. Anh ta đã trải qua rất nhiều giờ rên la và toát mồ hôi đầm đìa, nhiều giờ ngủ lịm và cô đơn vô hạn, cách xa với quá khứ của mình. Anh ta chửi rủa chế độ quân địch một vài lần trong những tia sáng thoáng qua cửa từng cơn tỉnh táo không còn quan trọng đối với anh ta nữa".
Gần 30 năm sau, Đại tá Quirós vẫn hoảng sợ về điều kinh khủng đó. Tình huống các toán quân rơi vào những trận phục kích bằng những nhát mã tấu đều được kể khắp nơi trong đại bản doanh của đại tá, trong những căn nhà của các bà vợ những viên sỹ quan khác, trong những phòng bưu điện, những đồn bốt, những đoàn xe chuyên chở và những trạm gác của quân đội Tây Ban Nha, cho đến cả những cửa hiệu tạp hóa, rồi trong cả cơn gió nồm trên biển mà mọi người đang thở, để đi đến hòn đảo Cuba thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau khi kết thúc những ván bài đôminô, Ángel nằm dài trên chiếc giường thô cứng, không có việc gì làm, cũng không nói chuyện mà nằm cuộn tròn trong tranh tối tranh sáng của những cây nến, cảm thấy nhớ quê hương Tây Ban Nha.
Bà mẹ Antonia Argiz, là một sự gợi nhớ mơ hồ về thời thơ ấu. Khuôn mặt của bà có nét cắt ngang rõ rệt trong một bức ảnh chụp theo kiểu Daguerre. Trong ảnh, bà mặc váy dài màu xám, có trang trí bằng những dải lụa, dải đăng ten, lông chim. Tóc bà búi ngược ra sau gáy, một chiếc ô nhỏ trong tay, cả thân hình tựa vào chiếc cột chạm trổ, dưới chân đặt một chậu men vẽ một bông hoa loa kèn.
Anh nhớ đến bà như thế đấy, thật cầu kỳ và thanh lịch, nhưng dù cho có tất cả những đồ trang sức như thế, cũng chỉ là bộ quần áo lừa phỉnh của một phụ nữ nghèo. Đến khi không còn có thể sống, sau khi sinh đứa con cuối cùng được ít ngày, người ta đã nói rằng Antonia đã tự làm tan nát đời mình. Câu nói ấy khiến cho anh nghĩ đến cơn hấp hối từ từ của những sợi bấc đèn và cả đến những ngọn gió mạnh bất thình lình thốc tới. Anh không tưởng tượng được tại sao một con người có thể ốm mòn, tàn lụi dần, như những cây nến hoặc ánh sáng leo lét của những ngọn đèn dầu.
Căn nhà của Láncara được bao quanh bởi một vòng tường đá, người ta chăm lo chống cái rét mùa Đông và những trận gió thốc bằng những bức tường dày, có những cửa sổ bằng kính nhỏ như những cửa bán vé. Ban đêm, trong lán hàng, lúc nhúc đàn bò, ngựa, còn gà vịt sống dưới mái gờ tường, cùng chim bồ câu và lũ dơi. Theo phong tục, người ta thường xây dựng căn bếp cạnh ngôi nhà duy nhất đã cổ xưa, như thể di tích của những pháo đài trên cao, hoặc như cái nóng phát ra từ tiếng nổ lép bép của những tia lửa đập vào tường đá. Những tia nắng quái rực cháy, vào lúc nghỉ ngơi, làm choáng váng đôi mắt còn tỉnh táo của những đứa em bé nhất, cho tới khi chúng chìm trong giấc ngủ.
Người ta cho rằng sự bền bỉ của những bệ đá của nhà binh nêu trong sách địa lý Tây Ban Nha là điều tất nhiên.
Một ngôi nhà theo kiểu thành lũy hầu như bao giờ cũng xây hình tròn, xung quanh bao bọc bởi tường cao, lan can và những hố sâu, có thể cùng lúc làm nhà ở và nơi ẩn nấp. Những ngôi nhà cũ kiểu này đã được sử dụng làm nền tảng cho nhiều thị trấn trong vùng, được đặt theo tên gia đình và truyền thống.
Trong những buổi chiều Đông, những lễ hội hoặc những buổi trưa chủ nhật hay bị quấy rầy, Ángel khoan khoái ngồi chờ nghe những câu chuyện kể của mấy cụ già trong xóm.
Sebastián nhập bọn với hội những người già nua chẳng mấy ai nhớ đến, đã rụng hết răng và mỗi ngày một xanh tái, chỉ còn ánh sáng long lanh của đôi mắt xanh chối cãi cho sự suy yếu, lão hóa của mình. Với một cốc rượu vang trắng trên đầu và một cái đuôi cáo trong quần lòi ra, đóng giả theo mấy bước nhẩy trong ngày lễ hội, hoặc ngồi thụp trên một chiếc ghế dài, nhắc đi nhắc lại bằng một giọng tin cẩn những câu cầu khẩn rầm rì của các bà vãi, những hình ảnh ma quái trên cửa sổ, những con sói hai đầu, những con cú chột mắt và những bóng sáng xanh lập lòe ở nghĩa trang.
Già như Sebastián đồng thời cũng có nghĩa như một cái vựa để cất giữ mì, lúa, hoa màu và con đường lát đá của tài sản nhà Manuel, người cha, đã lập nghiệp tại đây và chung sống cuộc đời với Antonia, sau khi làm lễ cưới tại nhà thờ xứ San Perdo de Láncara. Lúc đó, Antonia đành phải cam chịu nhẫn nhục trước Chúa, còn ông chồng chán nản nghe những lời cầu kinh lải nhải hầu như vô tận của vị cố đạo hành lễ một cách buồn chán lạ lùng.
Sáng hôm đó, nhà thờ gióng chuông trên gác cao, phá vỡ sự yên lặng của ngôi nhà cha xứ ở kề bên, và sự yên tĩnh của những ngôi mộ gần đấy, nơi những bà góa khóc nức nở đặt những bó hoa hái ở hai bên bờ sông Neira. Ngày hôm ấy, với những mắt kính cặp mũi và một chiếc khăn tay lụa lau khô mồ hôi vì cái nóng ở trong kho đồ thờ, ông cố đạo có lẽ đã viết trong sổ đăng ký hôn thú: Manuel de Castro Nũnez, đã cao tuổi, người ở Sandro Pedro de Armea và Antonia Argiz Fernández, đã trưởng thành, người ở La Piqueira, nghề nghiệp canh tác, cùng hai người hàng xóm ở Láncara làm chứng.
Từ sự hăng say và êm dịu của mối tình giữa hai người, đã sinh ra năm đứa con: María Antonia, Ángel María, Petra María Juana, Gonzalo Pedro và María Juana Petra. Ángel María hầu như không còn nhớ được Petra María, vì đứa bé gái đã chết lúc còn rất nhỏ, và cứ mỗi lần nhớ đến cô em bé hay bà mẹ, ông không còn có thể hình dung rõ ràng khuôn mặt của họ, đó chỉ còn là những dấu vết của gió, hoặc cảm giác đáng thương đối với mấy cô tiên không có cánh.
Sau cái chết của Antonia, Manuel đưa các con tới một xóm gần Láncara, xóm San Pedro de Armea, ở cùng bố ông là Juan Pedro de Castro Mendez và các anh José và Pedro Juana, vợ của Pedro, trở thành người mẹ của những đứa trẻ mồ côi. Manuel de Castro ở góa một mình, anh dồn hết sức lực để đóng những chiếc xe kéo, cày, bừa và các dụng cụ làm ruộng khác để tiến lên, và sau đó, lại lấy vợ, với mong muốn khát khao làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân lần thứ hai này, dưới những cây thánh giá của vẫn cái nhà thờ xứ Láncara, không sinh thêm đứa con nào, và người thừa kế duy nhất của Manuel de Castro Nũnez là cô con gái của bà vợ quá cố Antonia Argiz Fernandez, được sinh ra giữa những cơn đau vã mồ hôi như tắm và những điềm lành, nhưng sau đó một thời gian, đối với Manuel việc này có vẻ như quá xa lạ và không có thực.
Ông già đi cùng với hình ảnh xa xưa của dòng họ Castro. Đôi bàn tay và những ngón tay ông có vẻ quá dài, đã nổi chi chít những tấm đồi mồi. Giờ đây đã già, ông nhìn sâu từ đôi mắt nhỏ, tìm tòi và linh hoạt của mình một cách sống động, chỉ mờ đi khi ông chết vào khoảng năm 1910. Con cái lớn lên ở xa, đặt dưới quyền giám hộ chặt chẽ của chú Pedro, không còn chân trời nào khác ở gần mà không phải là lao động trên đồng ruộng, không hi vọng gì khấm khá hơn, và cũng chẳng hiểu biết gì về những chân trời nào khác.
Đến năm 1891, Madrid hứa hẹn sự phồn vinh và độc lập. Trước mắt những chàng trai của làng quê thì thành thị đã được coi như thủ đô của miền hải ngoại. Đất nước Tây Ban Nha vẫn còn những vùng đất đai ở hải ngoại, ở những vùng thổ dân châu Mỹ, Thái Bình Dương và châu Phi. Dù cho sự suy tàn đã rõ ràng, Tây Ban Nha vẫn bảo vệ những ảo tưởng cố chấp, duy trì chủ nghĩa bảo thủ đối với những thuộc địa của mình, cổ vũ một cách vô vọng chế độ tự trị ở "hòn đảo luôn luôn trung thành Cuba" và nhắm mắt trước thảm họa đã dự kiến sẽ đến.
Dù chưa đủ tuổi để làm nghĩa vụ quân sự (lúc đó mới 14 hoặc 15 tuổi), Ángel María quyết định đi chinh phục thế giới của mình, bèn đến ở với bà thím Justina Ángela María, nơi có sự ồn ào, nhộn nhịp của những ngôi nhà lớn dành để cho thuê, tiệm rượu, cửa hiệu bán rau xanh và những quán cà phê ở Puetra del Sol. Trên cả những đại lộ thênh thang và các khu phố chật hẹp, ánh sáng điện đã không còn là một điều mới lạ và những cỗ xe làm căng phồng các bức màn che của những ban công thấp và các cửa hiệu. Phụ nữ đã thôi không mặc những bộ quần áo giống như trong tấm ảnh chụp theo kiểu Daguerre mà mẹ ông đã mặc để chụp với vòng voan và đăng ten quấn quanh cổ. Thân áo phụ nữ đã không còn bó chặt và không còn những đồ trang trí nữa, mà để hở vai và ngực, tay áo rộng phồng ở trên vai và bó chặt từ bắp tay đến cổ tay, váy thì chật ở ngang hông, rộng dưới đầu gối và có rút ngắn ở phía sau, để cách điệu hóa dáng vẻ bên ngoài.
Những họa tiết và kiểu cách quá hở hang đã thu hút sự chú ý của các chàng trai, họ cho rằng nó thật khêu gợi và mời gọi. Hầu như họ đều phát cuồng lên trước những cô gái ở thủ đô ăn mặc một cách sỗ sàng. Những cô gái ở thôn xóm thì mặc kín đáo và rụt rè hơn, với áo bơ lu, váy rộng và một mảnh khăn quấn trên đầu. Đàn ông thì mặc giống nhau ở khắp mọi nơi, như khi họ sửa soạn quần áo đi dự lễ Noel hoặc lễ cầu kinh ngày chủ nhật tại nhà thờ: áo sơ mi dài tay hoặc áo vét ngoài, quần vải flanen, mũ phớt hoặc mũ nồi, lại có cả một loạt quần áo giản dị hơn, để mặc lúc đi làm việc ngoài đồng ruộng.
Vào thời kỳ đó, người ta làm việc đến lúc xẩm tối, và khi đã là một thanh niên, những chuyện tình yêu của anh tất phải tự do thoải mái, mãnh liệt, dữ dội và không bền lâu đến khi trời hửng sáng. Anh là một chàng trai khỏe mạnh, tầm vóc to cao, bỏ lại sau lưng tính rụt rè, nhút nhát, để làm quen với lối sống tự do, thư thái ở Madrid, nhưng không bỏ việc chỉnh đốn những sự "tự do quá trớn".
Những năm sống ở thủ đô, anh thức dậy trước lúc bình minh, tìm đến một xưởng làm bánh, hoặc bất kỳ một công việc nào có thể bảo đảm cho anh có đủ tiền cho đến khi anh được gia nhập quân đội. Mặc dù phải gác đường biết bao đêm không ngủ, anh cũng không thể nào kiếm được nhiều tiền, cho nên khi người ta phái anh tới Galacia, anh liền trở về San Pedro de Armea de Arriba và ở Láncara, để sau đó ít lâu, lên đường sang Cuba.
Cuộc bốc thăm xem ai được nhập ngũ bắt đầu từ sáng sớm, tại cửa lớn của Tòa Thị chính, dưới sự chủ tọa của ngài thị trưởng và một số vị hội đồng hàng tỉnh. Anh còn nhớ rất rõ vì nhiều năm sau đó, anh còn cảm thấy cái lạnh làm nẻ đôi môi, khi anh đưa tay lên gần hơi thở và nhìn thấy mấy thiếu niên đến, có cha mẹ đi kèm. Ngài thị trưởng tuyên bố khai mạc cuộc bốc thăm và đọc Điều 7 của Luật Nghĩa vụ quân sự và danh sách cuối cùng của những thanh niên được bốc thăm, đối chiếu với những giấy tờ, sau đó, các ứng viên hội đồng cuộn lại thành từng cuộn giấy nhỏ, bỏ vào chiếc thùng gỗ có viết mấy chữ "Tên họ". Và sau đó, cũng làm y như vậy với những tấm giấy bốc thăm "chữ số". Hai thiếu niên đến gần hòm đựng những tấm thăm ghi chữ số của cuộc bốc thăm và bắt đầu quay vòng cái số mệnh may mắn hay bất hạnh, thành công hay thất bại, sự sống hay cái chết của tất cả bọn họ.
Không thể nào ngủ tiếp được. Xa cái xóm lạnh của mình, anh nhớ đến những thung lũng, đồng bằng, núi non, cái rét đậm và trông thấy những khung cửa kính ngày đầu tiên bị tuyết phủ. Anh nhớ đến một ngày lễ người ta tổ chức ra sao: mổ lợn để ướp thịt, lấy mỡ, muối chân giò và làm xúc xích; phong tục quây quần tất cả gia đình xung quanh nồi hầm thịt cừu, đậu Hà Lan và khoai tây, mà mọi người ăn đến đâu thấy nóng rực lên đến đấy, trong cái rét mùa Đông. Một thời tiết mà người ta đã quen rồi, nó không phải cái nóng như chì và nghẹt thở của những xứ vùng Antillas. Không một chiếc lá bay. Không gian mây đầy nặng đến độ tan thành gió bão. Ángel nhìn xung quanh mình. Ở đây, có quá ít chỗ cho bao nhiêu lính thế này. Tất cả họ đều ngủ say, chẳng hay biết gì hết. Anh nghĩ họ đã ngủ vội vàng, số đông không cởi quần áo, vẫn còn nguyên trên mình bộ quân phục rất bất tiện, thắt lưng vẫn còn nguyên, đôi giầy vẫn ở trong chân, cả những nỗi sợ hãi và sự khao khát đàn bà vẫn nằm nguyên trên gối. Họ đã sống tách biệt ở đó một thời gian, xa những thị trấn, nơi có nhiều tin tức quan trọng.
Tiến hành xâm lược, lập tức cuộc chiến nổ ra trên toàn bộ Hòn đảo. Những xưởng máy đường và những cánh đồng mía đều bị phá trụi bởi ngọn lửa thần của quân đội mambí, với chủ định phá hoại cột trụ của nền kinh tế của mẫu quốc trên Hòn đảo Cuba.
Những người hiểu biết cho rằng quân đội Tây Ban Nha tấn công từ phía Pinar del Río cho tới Las Villas và phòng thủ từ Camaguey đến Oruente.
Valeriano Weyler, đại tướng chỉ huy hơn 50 nghìn quân tiến đánh đoàn quân của đại tướng mambí Máximo Gómez chẳng thu được kết quả gì. Lão tướng người Đôminica, tổng tư lệnh quân mambí, hoàn thành thắng lợi Chiến dịch cải cách, đã đánh tan những đội quân của Hoàng gia Tây Ban Nha từ bên kia bán cầu sang, trên một miền rộng chưa đến mười dặm vuông về phía Tây của con đường ngang. Tại đây, Máximo Gómez đã chỉ huy quân đội của mình bắn suốt đêm vào doanh trại quân địch, rồi đuổi địch chạy đi chạy lại thảm hại và cuối cùng, mở những trận phục kích kinh hoàng, như trận ngày 4/11/1868.
Quân lính Tây Ban Nha bị bệnh sốt rét vàng da của miền Xích đạo, bị rối loạn, sợ hãi vì những phát súng như thể những lời nguyền rủa không thể nào được tha thứ. Họ mắc bệnh ỉa chảy, sốt rét rừng, sốt thương hàn, lao phổi, những căn bệnh mà họ không có gì để phòng trừ, và cả những bệnh như bệnh mất ngủ hoặc ngủ li bì vì kiệt lực.
Những sự đau ốm lạ lùng đó đã quật ngã họ, với nhiều ngày nằm liệt trên những chiếc giường tạm bợ trong những trạm quân y dã chiến, và nhiều người đã không còn sống sót bởi cái lạnh giá của những buổi rạng sáng, hoặc những cơn nóng dữ dội như nung người trong những ngày nắng đổ lửa trên rừng núi. Những người khác không chịu đựng nổi sự lãnh đạo trơ tráo và sự ngược đãi của cấp trên; những người lính có tâm hồn cao thượng không thể bào chữa cho Tây Ban Nha bằng nạn đói của biết bao nhiêu người dân bất hạnh, cũng như sự tàn phá đất nước hoặc những trận lửa đốt cháy trụi các cánh rừng và thây người, làm cho uế khí bốc lên từ những thi thể chết, khiến mọi người phải hít thở thứ hơi độc ấy trên khắp mọi miền của Hòn đảo Cuba.
Những người lính can đảm nhất đối đầu với những tên chỉ huy và chống lại sự tàn ác lạnh lùng mà họ bị buộc phải tuân theo những người khác từ bỏ bằng cách không tiến thêm một bước nào trên đường, hoặc lợi dụng đêm tối để đào ngũ, chạy trốn khỏi cái nhà thương điên rồ đó.
Những tờ báo trên bán đảo Tây Ban Nha nhắc lại tấn thảm kịch mấy ngày sau đó:
(…) người ta đã đưa sang 200.000 quân lính, và tin rằng sau đó chúng ta sẽ đánh thắng. Nhưng không phải 200.000 lính mà cũng chẳng phải quân! Họ chỉ là một lũ trai trẻ bạc nhược, vô học. Vì vậy, trong thảm kịch của chiến tranh, đã xảy ra những cảnh như trong trận chiến đấu Mal Tiempo, trong đó, một số đại đội đều bị mã tấu hạ sát hết, bởi vì họ không biết nạp đạn vào khẩu súng Môda!
Những người lính quân dịch thầm thì với nhau và những câu chuyện ghê sợ đó giết chết tinh thần mọi người. Người ta kể rằng những chàng trai trẻ đó chỉ còn biết quỳ xuống và cầu khẩn, nhắm mắt tiếp nhận một cơn gió xoáy của những thanh mã tấu chết người. Họ chết mà không biết rằng trong số những người Cuba đã chạm trán với họ, nhiều người không có vũ khí, và cái âm thanh đi cùng những người ấy lúc xung phong là tiếng cọ sát của chiếc cùi dìa vào chiếc cà mèn giắt ở thắt lưng.
Một mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy quân sự tối cao Tây Ban Nha quyết định tập trung tất cả lực lượng ở Camaguey vào những thị trấn Puerto Príncipe, Nuevitas, Santa Cruz de Sur và trên tuyến đường ngang, xây lại để chặn lối đi từ Camaguey tới Las Villas và ngược lại. Số còn lại trong tỉnh Camaguey và Oriente ở trong tay của những nghĩa quân Cuba, những người có thể di chuyển tự do và sống trong những căn cứ trên rừng núi. Bộ Chỉ huy quân sự không công nhận những nghĩa quân, nhưng những người lính quân dịch thì thầm bàn tán về họ, sau khi đã đoán được qua vẻ bi quan trên khuôn mặt của các vị chỉ huy đến nhóm họp để nghiên cứu những tấm bản đồ và những sự kiện đã xảy ra.
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro với Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Phủ tịch tối 8/12/1995. (Ảnh: Minh Điền/TTXVN)
Tháng 12/1897, kết thúc một năm có biến động chính trị và đổi thay đối với Tây Ban Nha: Thống đốc Hội đồng bộ trưởng, nhà bảo thủ Antonio Cánovas del Castillo, bị một người vô chính phủ ám sát hồi tháng 8. Thay thế chỗ khuyết là thủ lĩnh Đảng Tự do Práxedes Mateo Sagata, và để thử nghiệm một giải pháp nhằm giải quyết nỗi đau không thể cứu vãn và tránh tạo cớ cho Hoa Kỳ có thể can thiệp vào cuộc chiến, ông đã ra lệnh thay thế Weyler bởi tướng Ramón Blanco và ban hành một điều luật thành lập chế độ tự trị, mở đầu vào tháng Giêng 1898, cùng với việc hiển nhiên bác bỏ sự có mặt của quân khởi nghĩa Cuba đang chiến đấu.
Tuy không thật hiểu rõ điều gì đang xảy ra xung quanh, cũng chẳng biết rõ những quyền lợi đang chuyển động trong cuộc chiến đấu của hàng nghìn ma quỷ, Ángel María đã linh cảm thấy một kết cục.
"Việc này thế là hết", anh tự bảo mình, không dám đối mặt với những trầm tư trong óc. Trong khi tìm tòi trong những đồ đạc của mình, anh đã nhận thấy rất rõ bức thư cuối cùng từ bán đảo Tây Ban Nha gửi đến, trên một trong những con tàu của Công ty vượt Đại Tây Dương - Tây Ban Nha, một doanh nghiệp hàng hải bắt đầu hoạt động từ năm 1881, khi Antonio López y López và Manuel Calvo y Aguirre hợp tác xây dựng nên.
Công ty làm nhiệm vụ chuyên chở bưu phẩm giữa Tây Ban Nha với các đảo Cuba, Puétô Ricô và Santo Domingo, đã mua được con tàu mang nhãn hiệu Chuyến thư Alfonso XII trong cuộc bán đấu giá năm 1861. Nhờ đó, uy tín và danh tiếng của Công ty được mọi người thèm muốn, ước ao.
Ángel María đọc lại bức thư, tay vuốt ve nhiều lần với cái cảm giác bao giờ cũng vậy. Anh nghĩ tới xóm Armea de Arriba và xóm Láncara gần đấy đã điêu tàn không còn phương cứa chữa và cuối cùng sẽ trở thành những nơi vắng vẻ. Anh linh cảm chỉ còn một mình ở Galacia, với những thói quen, sức mạnh và lòng tốt dai dẳng của mình. Ángel María không thể tách mình ra khỏi thực tế: xa xôi và tiến bộ là đồng nghĩa. Hiện thực làm cho anh chưng hửng, cũng như sự kết thúc cuộc chiến và việc hồi hương bất đắc dĩ của những người dân và quân đội, số đông là những nông dân mà Thượng đế đã bỏ quên. Đó là cái cớ thực sự của những đêm mất ngủ đầu năm 1898, chứ không phải tại cái nóng như đốt mà người ta đã có thói quen chịu đựng rồi mà không tự biết.
Anh khám phá ra sự thật của nỗi lo lắng khi một ai đó, bỏ khẩu súng sang một bên, cởi thắt lưng, bao đạn và thản nhiên nói với anh mà không đổi sắc mặt:
Chỉ còn hai ta ở đây. Chả có việc gì để làm. Tây Ban Nha vừa ký hiệp định đình chiến.
Ngày 16/2/1898, tin tức về vụ nổ tung chiến hạm Hoa Kỳ Maine đậu trong Vịnh La Habana đã ba tuần lễ, những tiêu đề của các bài báo in chữ lớn đã chiếm ở trang đầu mọi tờ báo của New York, Tây Ban Nha và ở thủ đô Cuba, đã nói thẳng thừng thật rõ sự vi phạm pháp luật trắng trợn của Hoa Kỳ, hầu như vẫn nén giữ cho tới tận lúc này về cái tham vọng chiếm Cuba, Puéctô Ricô và Philíppin.
Tin tức ấy đã đẩy số lượng báo chí phát hành lên tới hàng triệu bản, những bản phát hành buổi sáng và buổi tối của tờ World de Pulitzer và Le Journal de Hearst đòi mở đầu cuộc chiến quân sự. Tại Madrid, những người bán báo El País, El Imparcial và El ABC kêu gào một cách vô ý thức và với thái độ khoác lác, đúng như tinh thần của những bài thời luận và tin tức về cuộc chiến tranh giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, trên khắp các đường phố và nhất là ở các cửa ngõ của thủ đô. Sự mâu thuẫn này không phải mới. Hoa Kỳ từ lâu vẫn thúc ép, gây áp lực để chiếm đoạt những thuộc địa đó.
Tây Ban Nha lập tức xua đuổi mối nguy hiểm, sẵn sàng nhận từ bỏ hơi muộn cuộc tập trung và những hoạt động quân sự ở Cuba, nhưng Tổng thống Hoa Kỳ William McKinley đã đề nghị Quốc hội cho phép can thiệp vào cuộc chiến.
Quang cảnh lối vào cửa biển thật đáng kinh ngạc và bất ngờ, và những con tàu giống như những bãi tha ma. Cuba rùng mình run sợ trước sự việc xảy ra với các hạm đội Tây Ban Nha của đô đốc Pascual Cervera, bị tan tành bởi pháo kích mãnh liệt của hải quân Hoa Kỳ, dưới quyền của Đô đốc Sampson ở cửa Vịnh Santiago ngày 3/7/1898. Toàn bộ binh lính cùng sĩ quan trên chiếc tàu Vizcaya đều bị chết trong trận này.
Không có ai có thể tưởng tượng trong lúc ấy, hơn một nghìn mấy trăm xác người và súc vật bị bỏ lại trong các ngôi nhà, khách sạn, nhà kho và những ngôi biệt thự cổ của cả một thành phố bị bịt kín, cùng mùi xú uế bị lãng quên và sự vắng mặt của những con ruồi thịt.
Sự thiệt hại của Tây Ban Nha lên tới 350 người chết, 170 người bị thương, 1.670 người bị cầm tù. Thủ phủ của tỉnh Oriente chống cự với cuộc bao vây được vài tuần lễ, song cuối cùng cũng phải hạ vũ khí. Những toán quân trong tỉnh lỵ cắt nguồn tiếp tế đối với miền Tây và ủng hộ sự chiếm lĩnh của quân đội Hoa Kỳ ở phía Đông. Chính những người đã đầu hàng sau đấy lại bị lực lượng quân đội Hoa Kỳ cấm không cho phép vào thành phố Santiago de Cuba trong ngày vui thắng lợi, đó quả thật là một sự tước đoạt và một bất công lịch sử!
Sự thất bại của hải quân tại Thái Bình Dương và vùng Caribê buộc Tây Ban Nha phải đầu hàng. Tháng 8, chính phủ đã công bố nghị định thư sơ bộ cho việc đình chỉ chiến sự hoàn toàn và bắt đầu bàn đến thể thức rút quân đội khỏi Cuba, như một điều kiện không thể tránh được, để có thể ký hiệp ước hòa bình, không cần sự có mặt xứng đáng của Cuba tháng 12 năm ấy, tại Paris.
Những bác sỹ Mỹ xin phép chữa vết thương cho những người Tây Ban Nha, để ghi chép lại các quan sát của họ về hậu quả của những viên đạn Hoa Kỳ trong những báo cáo, nhằm tìm hiểu và nghiên cứu những điểm tốt hơn của vũ khí Winchester. Đối với người Tây Ban Nha, không gì có thể tốt hơn khẩu Môde. Hai trăm khẩu Môde được trao cho quân đội chiến thắng trong lúc Santiago bị thất thủ, và tất cả những khẩu súng ấy đều được gửi về New York để nghiên cứu. Mỗi một sự đau khổ bất thình lình, những người lính Tây Ban Nha chẳng may đều biết rõ, đối với họ, những tin tức biết bao nhục nhã đó càng đè nặng lên thất bại này.
Tôi đã tiên cảm thấy điều này - Ángel María nói trong buổi chiều đau buồn, khi mệnh lệnh ra đi đã đến.
Con tàu chở họ đi không có những đợt sóng lên xuống của vùng biển động, mà ở giữa một miền sóng nước yên tĩnh, vòm trời quang đãng, đôi khi cũng điên cuồng nổi gió, trên một quãng đường dài và đi chậm chạp. Số đông những hành khách ở đây đều là những người bị thương, ốm yếu, ủ rũ. Họ không biết những con tàu này sẽ đưa họ đi đến đâu. Một cuộc hành hương đau đớn trong những con tàu đi đến La Coruna và đến Vigo, rồi sẽ để lại đấy những chiến lợi phẩm của chiến tranh, sự hợm hĩnh bạc đãi của Tây Ban Nha và tất cả cay đắng có thể của sự thất bại. Họ có hơn 28 nghìn người vừa dân thường, vừa binh lính, những người cập bến ở những hải cảng miền Bắc đất nước.
Tờ báo El Mundo đăng một bài ký sự về việc cập bến của những con tàu Isla de Luzón và Monserrat, ngày 28/8/1898:
"Bảy giờ sáng hôm nay, đã nhìn thấy từ xa con tàu Isla de Luzon về đến Vigo, chở chuyến thứ hai những người hồi hương từ Cuba về. Vào lúc 8 giờ 30, cano của y tế hải cảng cùng với những quan chức dân sự và quân sự, tư lệnh hải quân, tỉnh trưởng và giám đốc y tế đã áp sát sườn tàu. Vào 10 giờ, con tàu buông neo tại Punta de Adrián tại hữu ngạn của lạch sông, nơi đang chuẩn bị nhà cách ly San Sinón. Một đám rất đông quần chúng lặng lẽ quan sát những thao tác của các vị đó".
Nhân viên y tế nhận xét thấy tình trạng đi đường "bình thường" và chọn một số người hồi hương có thể lên bờ ngay sau khi thực hiện một số quy tắc cách ly và những người phải ở lại nhà cách ly đã có chỗ lưu trú cho 1.100 người. Trong cuộc hành trình vượt đại dương này, đã có 32 người chết và hai người khác nữa chết khi con tàu vào hải cảng, mang theo 100 người ốm nặng.
Trong con tàu Isla de Luzón có các vị tướng Escario và Rubín, 153 thủ trưởng và sĩ quan cùng 2.057 quân lính… Cũng trong hôm nay, con tàu Monserrat từ Motanzas cập bến ở A Coruna, chở mấy trăm quân sĩ hồi hương. Con tàu này lập tức được chấp nhận vào cảng, bởi sức khỏe của mọi người trên tàu rất tốt. Ở tàu Monserrat, người ta đặt thời hạn cách ly theo quy tắc 7 ngày cho hành khách và thư rừ. Báo chí nhắc lại kỳ tích anh hùng của thuyền trưởng Manuel Deschamps đã phá tan sự bao vây của quân đội Mỹ bốn tháng trước và cập bến Cièfuegos, với hơn 500 quân lính và rất nhiều thực phẩm.
Ngày 16/7 vừa qua, tàu Monserrat lại rời Cá diz, quay lại lẩn tránh trận ném bom của quân địch, đổ bộ lên Matanzas, nơi nhiều ngày trước, người ta không thấy có bánh mỳ, mang tới cho nơi này 8.000 suất bánh, 1.399 hộp thịt, mỡ muối, 805 bao các loại đậu, 213 bao nặng cá thu muối, 602 bao đậu Hà Lan, 500 bao bột đậu, 25 hộp và thùng thuốc chữa bệnh. Cũng như ngày hôm nay nhân dân ở A Coruna đã tiếp đón họ một cách không ai so sánh được. Tổng thống Hoa Kỳ McKinley đã đến để tặng một phần thưởng là 80.000 peso, cộng thêm tất cả số tiền bán được con tàu ấy cho người có thể bắt giữ tàu Monserrat.
Manuel Deschamps, người đã được Hoàng hậu Tây Ban Nha tặng thưởng Huân chương chiến công Thủy quân, là người anh hùng của thành phố Galicia trong những ngày tới, sẽ đến Tây Ban Nha với con tàu Isla de Panay, con tàu Covadonga và mấy con tàu nữa, làm cho con số những người hồi hương lên tới tròn 10.000 người. Đó là đoàn quân đầu tiên của quân đội Tây Ban Nha ở Cuba, và tóm lại, họ đi từ nhiều hướng của Tây Ban Nha, để lại phía sau làn tàu sự ăn năn và đau khổ.
Để đủ chỗ chứa quân đội hồi hương, người ta đã sửa soạn những nhà cách ly Pedrosa ở Santander, San Simón ở Vigo và Oza ở A Coruna.
Khi một con tàu cập bến, cả hành khách và hàng hóa chuyên chở đều lên bờ, ở trong những ngôi nhà cách ly bẩn thỉu, tại đó, người ta tẩy uế và đốt những quần áo có thể mang những mầm bệnh độc hại. Thời gian cách ly dài hay ngắn tùy theo những trường hợp bệnh tật hay chết mà người ta đã ghi chép trong suốt chuyến vượt biển…
Ángel María Bautista Castro Argiz cam chịu nhờ vào Chúa. Anh đã sống sót như một sự kỳ lạ của số phận. Người ta trông thấy anh đi đến trên con đường bụi mù của xóm, đã thay đổi rõ ràng trong một thời gian ngắn. Những người bạn cày đợi anh, như đợi một thổ dân châu Mỹ chiến thắng, mặc chiếc áo guayabera vải thô, mũ rơm rộng vành và một viên ngọc lóng lánh trên chiếc nhẫn. Con người mà họ đón đợi ở phía trước có một bộ mặt thảm hại. Mọi người nhận thấy tinh thần anh bị đè nén và sức khỏe suy yếu, dù đã cố hết sức giấu đi. Anh mang theo một ít tiền tiết kiệm được, nhưng có tham vọng sau khi phục hồi sức khỏe, sẽ thử tìm vận may ở hải ngoại lần thứ hai.
Trong những ngày đầu, anh ngủ khi có người đến thăm. Họ cũng tha lỗi cho anh, vì sự kiệt sức bất ngờ do huyết áp thấp. Trong suy nghĩ, anh cho mình như một người may mắn, dù anh vẫn nhớ đến những người chết trong thời gian vượt biển, như thể những tấm ga xanh tái quay trở lại, mà ký ức kéo cao lên giữa gió và bóng tranh tối sáng của đại dương, anh vẫn còn cái đầu trên hai vai và anh không mê sảng. Những mẩu ký sự của tờ báo El Mundo đăng những câu chuyện buồn thảm của những người hồi hương, những chuyện khẳng định sự may mắn của anh và sự thảm hại của những người khác. Antonio García, ở Huelva, bị những cơn điên khùng và do thiếu quan tâm săn sóc nên anh ta đã chạy ra giữa đường kêu gào kinh khủng. Viên đội công binh Adrián Samaniego, đến từ một cuộc đổ bộ ở Barcelona, đi xe lửa tới Torredembarra và vừa vào trong nhà ga thì chết ngay, vì quá xúc động khi được ôm hôn ông bố.
Ángel María thỉnh thoảng lại lặng thinh, không nói một lời. Anh ngẫm nghĩ để cố gắng tự giải thích tại sao người ta lại đi tới tận cái điểm không thể dung hòa những quan hệ giữa Cuba và Tây Ban Nha như thế.
Trên hòn đảo Cuba, chiến tranh đã phải trả giá bằng hơn 200 ngàn sinh mạng, những ngọn hải đăng không còn hoạt động, những con đường kết cục không còn đi lại được, nền kinh tế ở trong trạng thái tan hoang, những đoàn xe lửa không còn chạy tới Oriente; có một sự thiếu vắng kinh khủng trẻ em và phụ nữ mang thai, và nỗi luyến tiếc không có được những xóm làng giàu có.
Trên bán đảo Tây Ban Nha bây giờ, chẳng có cái gì còn nghĩa lý, dù rằng ai đó như ông già Sagasta, đứng đầu Chính phủ, với mong muốn làm dịu bớt sự thất vọng, nhắc đi nhắc lại đến mệt lử câu nói nổi tiếng của ông vua Pháp Francisco I: "Tất cả đã mất, chỉ còn lại danh dự".
Những viên tướng bại trận lặng lẽ kéo lê sự thất bại của bản thân, và những người lính hồi hương mang theo sự nghèo khổ của mình, diễu qua các phố xá và những con đường của Tây Ban Nha. Những tờ báo nói về việc đó: "Cái loại lính gì như lính của chúng ta ở Cuba…! Bị tước vũ khí, buồn bã, với tuổi trẻ và vết tử thương bởi bệnh tật và sự lừa gạt về chiến thắng…! Còn có cái gì sót lại ở đây để chúng ta xây dựng lại thành một đất nước?".
Những ý nghĩ tiêu cực đó đôi khi làm xói mòn quyết tâm quay trở lại, nhưng không làm cho anh nản trí từ bỏ, nhất là vì Cuba, mặc dù có bị tàn phá bởi chiến tranh, vẫn tiếp tục là một đất nước mới, mạnh mẽ hơn một đất nước đã mỏi mệt và hoài nghi ghê gớm như Tây Ban Nha bây giờ. Tây Ban Nha đã không còn gì để ban tặng cho anh, sau khi bị mất đi sự tự phụ của đế quốc đã có hàng trăm năm danh tiếng. Trong cuộc nói chuyện thân mật, anh đã gọi Cuba là Đảo của những điều kỳ lạ, và những ai đã biết rõ người thanh niên Ángel María này, đều không cho rằng đó là những điều hoang tưởng, thấy rõ cơ sở của những mơ ước của anh.
Những đợt sóng đầu tiên vỡ tan trên bình nguyên của những bãi đá, sau đó tới một loạt dốc đứng và góc đá nhô ra biển và những bức tường thành cao của pháo đài Morro ở lối vào bến cảng La Habana của Cuba, cứ lóe sáng lên từng lúc nhờ ánh sáng soi của ngọn hải đăng trong vịnh.
Con tàu Mavane của Công ty Hàng hải Pháp cập vùng ven biển lúc chập tối và khi đêm xuống thì buông neo ở hải cảng. Cần phải đợi đến ngày hôm sau để hoàn thành những thủ tục nhập cảnh và kiểm tra y tế do nhà chức trách Mỹ thiết lập; họ đã nắm giữ quyền cai trị hòn đảo từ 12 giờ ngày thứ nhất của năm may mắn 1899, khi Đại tướng Ramón Blanco tuyên bố đã chấm dứt quyền lãnh chúa của Tây Ban Nha và bắt đầu quyền của các nhà chức trách Mỹ.
Phần lớn thời gian, con tàu chạy trên biển lặng và quang đãng, chỉ sau khi qua Bahamas, anh mới cảm thấy đã đến gần những vùng giông bão và ở độ sâu, sức mạnh của dòng chảy trong Vịnh Mêhicô có sức kéo như lực nam châm cực mạnh, hút về những đường đi không còn biết rõ nữa. Người trong khoang tàu khẳng định phải cầu nguyện để xua đuổi nạn đắm tàu. Hành khách tất cả đều là người xứ Galacia mặc quần đã sờn, áo vét kẻ, dép gai và mũ nồi đen, đang mơ ước xua đuổi cái nghèo đói nằm trong túi họ.
Nếu những lời cầu nguyện không xin được làm quang tất cả những đám mây đen của cơn giông bão thì ít nhất cũng làm cho lời nói và tiếng cười trìu mến của hành khách đến gần. Khi tới bến cảng, tất cả đều cảm thấy buồn khi phải chia tay nhau.
Từ trên khoang mũi, Ángel María quan sát những điểm sáng của hệ thống chiếu sáng của thành phố vào một buổi sáng sớm mưa phùn, lạnh giá.
"Đó là dấu hiệu may mắn", anh tự nói với mình, vừa thu dọn một số hành lý ít ỏi và ghi lại ngày sinh nhật thứ 24, đúng vào hôm bước chân lên bến cảng. Những thủ tục về thuế quan kết thúc rất nhanh và mấy giờ sau, Ángel María đã có mặt như một hành khách không gia đình trong bản danh sách những người nhập cư đã đến bến cảng La Habana ngày 4/12/1899.
Trên cầu cảng lúc đó, đầy rẫy những người bán cá, những cô gái ăn sương và những "lính thủy" say khướt, trong bộ quân phục xanh thẫm có phù hiệu trắng: U.S. Navy. Không vội vàng và với hành lý nhẹ, anh bước đi chậm rãi trong khu phố cổ thành phố cho tới khi đến một khách sạn nhỏ và có vẻ thân thiện, gần nhà ga xe lửa Villanueva, nơi anh đã nếm thử lần đầu tiên cà phê Caracolillo.
Không có cây cối rậm rạp, cũng không có tiếng chim kêu trong khu phố hẹp có ban công nhỏ và vỉa hè đã vỡ nhiều chỗ. Khu phố trải đá đã để lại phía xa xưa cái ẩm ướt của bùn lầy và những lời chửi rủa của những người dân trong khu phố.
Trên đường phố có những công sở, không có ai quảng cáo làm dịch vụ viết thư tín, đơn từ, và ở đường phố Baratillo, người ta bán khẩn cấp những thứ cần thiết mà trong đó không có chỗ cho những thứ kỳ cục, ngông cuồng.
Qua nhiều năm, thủ đô đã tiến từng bước quá độ đến một ngày trở thành một thành phố hiện đại đã biết đến điện ảnh của anh em nhà Lumière và trông thấy chiếc ô tô đầu tiên lăn bánh trên đường phố, chiếc ô tô của xưởng sản xuất của Pháp Le Parisien. Ángel María không cảm nhận anh là một trong bao nhiêu khách lạ: doanh nhân, người khởi xướng, nhà đầu tư, và những người nhập cư nghèo, những người sẽ sớm công nhận sự ngu dốt của mình trong những vấn đề của đất nước và hầu như hoàn toàn thờ ơ trước sự thất vọng về lý tưởng độc lập, và chỉ biết sống trôi nổi và đau buồn trong môi trường đầy rẫy những điềm xấu. Trên đường phố Baratillo, một phụ nữ hỏi:
- Người Galacia có phải không?
- Tại sao bà biết?
- Rất dễ, tất cả đều tìm một cái gì, người ta trông thấy trong cách nhìn - Bà ta nói và cộng thêm mấy lời than vãn.
Ngồi bên cửa một căn nhà tối om, bày ra trước khách hàng của mình, giữa hứa hẹn và những mong muốn tốt lành, tất cả một loạt toàn hạt thủy tinh giả. Ngồi thu mình đến gần đáy của một chiếc ghế mây thủng lỗ chỗ, đôi bàn tay mồ hôi nhễ nhại vắt một chiếc khăn, đồng thời nhìn một cách thèm muốn hàng loạt hiệu buôn bán rộng rãi và hiện đại ở bên kia, còn ở bên này là cửa hiệu tối om của mình. Càng ngày người ta càng ít hứng thú với những kính màu, bùa bằng đá, vòng cổ bằng hạt cườm và gương soi.
Hồi tưởng ngày xưa cũng chẳng có gì hấp dẫn, vì thực sự tương lai mới là quan trọng. Một người đàn ông còn trẻ mở một cửa hiệu bán đèn lồng, đèn nến, đèn dầu ở gần đấy, bán hàng rất chạy, rất có lời. Ông ta còn bán cả những rèm viền kính, có thể biến thành sắc cầu vồng, những tia sáng của mặt trời rải ra khắp nhà, trên mặt đất, trên tường và trên cột.
Một nhà buôn khác thành lập một cửa hiệu bán những cuộn vải rất tinh xảo, dành riêng cho việc may váy lót, váy xòe và túi hai ngăn, tùy theo nhu cầu. Một hiệu ngũ kim buôn bán thịnh vượng cung ứng các loại kéo, đê khâu và kim khâu đủ các cỡ, từ nhỏ đến to nhất; một cửa hiệu bán thuốc nước nhập khẩu và những loại lá, cỏ để làm thuốc chống sốt; một cửa hiệu bán những di vật Arập thật, một nơi khác trưng bày roi ngựa, yên cương, đinh thúc ngựa bằng bạc và hiệu khác nữa chuyên buôn bán văn phòng phẩm. Những cửa hiệu ấy đem đến cho nơi đây một vẻ sặc sỡ, vui như hội. Một phụ nữ buồn rầu và mệt mỏi nhìn xung quanh. Thời kỳ bán hàng giả đã qua rồi. Sự chán nản vô cùng đã làm cho cái bóng dáng mảnh khảnh của bà ta bé nhỏ hơn buổi sáng, khi Ángel María nhìn thấy bà đứng trước cửa hàng.
Trong chuyến ra đi thứ hai này, Ángel María định đóng chốt tại Camajuani, một thị trấn rất đẹp của tỉnh Las Villas, thị trấn hình thành vào thời kỳ người ta kéo dài tuyến đường sắt nối những vùng trồng mía với những hải cảng ven biển miền Bắc. Ở đấy, một người họ hàng của anh có một trang trại. Thực sự, Ángel María chỉ ở trang trại đó một thời gian ngắn. Trước tiên, anh di chuyển chỗ ở đến Cù lao Romano và rất lâu sau, đến khu mỏ sắt và mănggan ở Daiquirí và Ponupo, tỉnh Oriente, nằm trong thẩm quyền tài phán của Santiago de Cuba, như một thị xã; nơi đó hứa hẹn việc làm và trả lương bằng tiền Mỹ, một ân huệ thực sự trong tình hình kinh tế của đất nước.
Nóng bức không thể chịu được ở cái vùng hẻo lánh này. Những người làm hợp đồng đơn độc như những nhà tu khổ hạnh, giữ liên lạc với thế giới bên ngoài bằng những chuyến xe trên đường sắt chuyên chở quặng tới Daiquirí, để chuyển xuống tàu chở sang Mỹ.
Ángel María cùng với những công nhân khác chơi bài trong căn nhà hôi thối, ngồi trên những hộp gỗ đựng cá thu khô nhập từ Na Uy trước một cái bàn làm bằng những tấm bìa của tờ Nhật ký của Hải quân dán ép lại và dính đầy mỡ. Những cuộc hội họp thân mật kéo dài đến tận chiều và trong vòng quay của cuộc chuyện trò bất chợt xảy ra, đủ tất cả những đề tài có thể tưởng tượng được: từ chuyện bọn cướp biển, đá lở ở trong hầm lò, một toa xe lửa chở đầy những cô gái đến như những bóng người chuyển bầy gia súc lên chăn ở núi và không còn sức sống, hoặc chuyện viên cai người Cuba duy nhất trong vùng xung quanh, cứ khi nào nghe bọn thợ nói đến "vui chơi giải trí, tương lai" thì anh ta lại nhắc đôi lời như văn bia của tướng nghĩa quân Manuel Sanguily: "Hình như Cuba có thể sẽ là một thiên đường cho tất cả mọi người, trừ những người Cuba".
Cuối cùng, họ nói đến "đám cưới thiếu suy nghĩ" của con thứ một gia đình nhập cư người Anh đã hơn 40 năm ở trong vùng, sau khi người cha đến làm nhân viên của Hãng Hợp nhất công trái, một trong số những hãng đầu tiên chuyên khai thác khoáng sản ở Oriente, khi Cuba là nhà cung ứng chủ chốt đồng cho nền công nghiệp Anh và những con tàu bắt đầu mở tuyến đường thường xuyên của phần lớn các đảo ở miền Antillas chạy tới Liverpool.
Vào cuối thế kỷ XIX, Luân Đôn đeo đuổi và mơ ước vét vàng của Nam Phi, thế là những người Mỹ lợi dụng luôn những khoảng còn trống.
Nghiệp đoàn sản xuất sắt Tây Ban Nha - Mỹ bắt đầu hoạt động ở Daiquirí từ năm 1892. Trong 3 năm chiến tranh, chính sách trung lập của họ đã cho phép nghiệp đoàn tiếp tục hoạt động không ngừng.
Nghiệp đoàn sản xuất mănggan Ponupo hoạt động từ năm 1894, ngừng xuất cảng trong thời gian chiến tranh và lại tiếp tục xuất cảng năm 1898. Từ năm 1902 tới 1903, nghiệp đoàn đã xuất cảng một số lượng rất lớn khoáng sản, không lo lắng một chút gì đến an toàn lao động của những thợ mỏ, cũng như đối với bệnh phổi do sự ẩm ướt trong hầm mỏ.
Nếu Ángel María quyết định viết thư cho nhà biết, bức thư sẽ nói: "Nhờ ơn Chúa, tôi mạnh khỏe, tôi tiết kiệm và có thời gian đọc báo cũ về lịch sử và địa lý. Tôi chưa quen với cuộc sống không có bếp gia đình này".
Người ta bảo ở những miền đất ở tại Nipe Bay Company, khí hậu mát mẻ hơn, và tất cả hoạt động chạy "như buồm được gió", cùng với nguồn vốn đầu tư của Công ty Liên hiệp Trái cây.
Đó là câu chuyện dài khi nói về người chủ của công ty này đã xây dựng cơ sở trước tiên ở Banes, sau đó đi sâu vào trong đất liền.
Hipólito Dumois, chàng thanh niên Cuba, con một gia đình Pháp ở Nueva Orleans, nhập cư vào Santiago de Cuba khi Louisiana chuyển thành đất của Mỹ, đã phát triển những điền trang trồng "chuối Ghinê" tại miền ven biển đông bắc và dựng thị trấn Banes vào năm 1885. Trên những chiếc thuyền nhỏ hai cột buồm Thụy Điển - Na Uy, mua từ địa điểm ấy của Vịnh nipe, những chuyến thuyền đầy chuối Ghinê đi New York để đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường. Do khối lượng buôn bán ấy, Chính phủ Thụy Điển - Na Uy quyết định đặt tên cho một đội tàu nhỏ của họ là Hipólito và Anh em, và cứ như thế, đã có tàu Hipólito và Anh em, tàu Hipólito và Anh em và bao nhiêu tàu khác nữa tăng tiến, để mang tên tất cả các thành viên gia đình.
Với trận hỏa công của đoàn quân mambí, tất cả những đồn điền trồng chuối đều bị cháy rụi năm 1895. Ngoài ra, có người còn nói về một lời nguyền sẽ tồn tại hơn 100 năm và không bao giờ cho phép cây chuối lấy lại sự thịnh vượng ở trong vùng.
Dumois tới Manhattan và ở đó đã quen biết nhà tư bản quan trọng của Công ty Trái cây Boston, Andrews Preston. Vị này làm chủ thị trường chuối tại vùng đông bắc nước Mỹ và chở từng hạm đội tàu thứ quả này từ Trung Mỹ và Giamaica, để cung cấp không bao giờ gián đoạn. Preston mua đất của Hipólito Dumios để bước vào sản xuất đường và thế chân công ty cũ bằng Công ty Liên hiệp trái cây của mình.
Năm 1990, Preston thành lập nhà máy đường Boston và năm 1907, nhà máy đường Preston, không xa Guaro lắm, nơi mà ngày 28/11/1906, Ángel Castro Argiz mở cửa hiệu sự tiến bộ (El Progreso), một cơ sở khách sạn và cửa hàng của chủ sở hữu, chuyển tiền qua bưu điện với số tiền là 200 pêsô và nộp tiền ứng trước, có thể phỏng đoán đó là một cơ nghiệp và một tên tuổi có thể coi như là điều mơ ước.
Nhà ăn của khách sạn ở phía cửa lớn, có mấy cái bàn trải khăn kẻ ô vuông và ghế đẩu bọc da, đủ chỗ cho một khoảng rộng để đón chào cơn gió hiu hiu từ những hàng cây, dưới bóng mát của mái ngói, với nhiều người đi lại và những tin tức ở ngay tầm tay, ở trong cùng cửa hàng, trưng bày nhiều thứ khác nhau trên những ngăn kệ đầy ắp mọi hàng hóa nhập từ Tây Ban Nha: phomát, ôliu, muối, bánh kẹo, xúc xích to, bột mì, dầu ô liu và rượu vang đựng trong những chai và bình sứ tuyệt đẹp.
Sau bữa cơm trưa, tất cả thị trấn nghỉ ngơi dưới sự che chở của những khu vườn và những gian nhà trong. Những buổi trưa không thể chịu được bởi cái nắng của ánh nắng chiếu thẳng và thứ bụi chán ngắt lọt qua khe cửa chớp kiểu Pháp. Những khách sạn sang trọng ở bên đường đã làm cho việc buôn bán của Ángel nhộn nhịp hơn và ông luôn giữ cho nó lúc nào cũng luôn sẵn sàng chiều theo ý kiến của khách hàng. Vào cái giờ buồn chán và hầu như không hợp thời này, Ángel đã gặp María Luisa.
Đọc những tờ báo của thủ đô, Ángel María biết rằng cuộc bán đấu giá của nhà chức trách thuế quan địa phương cho biết không thể lưu kho được quá nhiều kiện hàng: hai hòm lớn đựng thức ăn và quần áo sử dụng rồi, hai hộp khác đầy rượu vang Jeref ngon nổi tiếng thế giới, mười lăm thùng hắc ín… một bản danh sách dài vô tận. Điều hay nhất là tin tức về chế độ làm việc 8 giờ một ngày đối với thợ cơ khí, kỹ thuật viên và thợ làm công nhật. Chế độ này không áp dụng đối với thợ đứng máy, thợ đốt lò, công nhân hàng hải, người canh gác, người áp tải hàng, người đưa thư, vì công việc của họ đòi hỏi phải làm vào tất cả mọi thời gian. Việc quên không nói đến những người làm việc không phải trong các sở công cộng đã làm bùng lên một cuộc luận chiến với hàng nghìn lẻ một những gợi ý khác nhau để giải quyết, và có người đã đề nghị chấm dứt tất cả mọi hoạt động công, tư vào cùng một giờ trong ngày.
"Trông chờ vào ai, khi xảy ra việc những hàng ăn, tiệm cà phê, hiệu bán thực phẩm khô, cửa hàng dược phẩm và những khách sạn đều bị đóng cửa vào lúc 6h chiều?", ông nhà buôn mới vào nghề phê phán chống lại và chán ngán cái kiểu nhìn nhận trái ngược và phi lý của những ý kiến như vậy, và suy nghĩ: "Cần phải có một số ngoại lệ". Ángel đang suy nghĩ thì nghe thấy tiếng chuông reo ngoài cửa. María Luisa lên tiếng chào và hỏi mua một hộp kẹo.
- Để làm quà - Cô nói.
Ángel gói hộp kẹo và nhìn theo cô đi ra đến tận ngoài đường. Ở bên này và bên kia, đã dựng lên những ngôi nhà theo kiểu Pháp hình quả cầu mà những người Mỹ du nhập vào Banes, Antila, Preston, Cueto và Guaro: những ngôi nhà gỗ kiểu Thụy Sĩ, có bốn máng, cửa mở ra đường phố, hành lang bao quanh, tường gỗ ghép, sàn đóng ván lát bằng gỗ thông, và có rất nhiều cửa lớn và cửa sổ.
Bóng dáng của cô gái làm dịu mát quang cảnh có sự phản chiếu rõ nét của ánh sáng chói buổi trưa và hòa hợp với vẻ kiêu sa của đại lộ này.
Cô đi càng xa, sự chú ý muốn biết cô đi về hướng nào trong Ángel càng lớn. Ángel không cần thiết biết cô ở chỗ nào, vì cô luôn luôn đến cửa hàng và khi gặp nhau, không phải chỉ duy nhất mình ông có cảm giác bối rối ấy.
Cô sống ở Fray Benito, thuộc Gibara. Gia đình cô đã đóng chốt ở Guaro một thời gian trước đây. Marcos Argota, người cha, là nhân viên của Công ty Liên hiệp Trái cây, và Carolina Reyes, bà mẹ, ở nhà nội trợ theo truyền thống.
Ángel lúc đó 35 tuổi nghĩ rằng María Luisa sẽ là mối tình cuối cùng của mình, nhưng không phải như vậy.
Nhiều người trong thị trấn đã đoán trước rằng thời gian chung sống của hai người thật ngắn. Ông là một người luôn sẵn sàng cố gắng và từ bỏ sự đơn giản. Còn cô có ham muốn và lối sống ở thành thị. Có lẽ vì thế mà đôi vợ chồng Ángel Castro Argiz và María Luisa Argota Reyes cưới nhau lúc 7h tối ngày 25/3/1911 không hạnh phúc. Làm chứng cho cuộc sống vợ chồng ngắn ngủi là Pedro Gomez và José Alvarez, hai người đều là bạn thân cận của Ángel Castro.
Manuel, kết quả đàu lòng của cuộc tình ấy ra đời tại Guaro, 10 tháng sau ngày cưới, và ra đi mau chóng như nó đã ra đời, nghĩa là chỉ sống gần một năm thôi. Tháng 5/1913, María Luisa lại có mang lần nữa, và sắp đẻ bé María Ladia. Tiếp sau đó, Pedro Emilio, sinh năm 1914, Antonía María Dolores, năm 1915 và Georgina de la Caridad, năm 1918. hai đứa con gái bé nhỏ này đi qua cuộc đời như thể một phúc lành thoáng qua, không một đứa nào sống trên đời được lâu, mặc dù đã có thuốc đắp, thuốc dán và những sự đề phòng thận trọng trong phòng xây kiên cố.
Đó là một thời kỳ sốt nóng, sốt rét, thổ huyết, đổ mồ hôi, đau đường ruột của những bệnh sốt vàng da, sốt thương hàn không thể kiểm soát được; các bác sỹ của Sở Y tế địa phương không còn cách nào khác là ngồi đợi ở tiền sảnh chờ cái chung cục tiền định hoặc phép lạ của Chúa, như những ngài cha đạo dẫn dắt các con chiên tại một xứ đạo từ lâu đã bị bỏ quên và đang ở mùa chay.
Những đứa bé gái chết ở ngôi nhà trên đường phố Leyte Vidal ở Mayarí, nơi đôi vợ chồng Castro Argota ở. Họ để lại một ấn tượng như những bông hoa héo khô, một cảm giác như hai kẻ vô sinh và tình yêu chạy trốn không thể cứu vãn. Với những thứ đó, tất cả hy vọng xích lại gần nhau giữa hai con người quá khác nhau ấy đã không còn nữa. Ángel đã trải qua những thời gian dài ở Birán, tại đó, Ángel đã khai phá một số đất gần rừng thông. Bao giờ ông cũng nằn nì mang María Luisa đi theo, nhưng không bao giờ có thể thuyết phục được bà vợ, vậy thì hãy quên mãi mãi cái ảo tưởng ấy đi.
Trong thời gian vắng mặt đó, ông làm hợp đồng cho Công ty Liên hiệp Trái cây. Với số vốn để dành của cửa hàng Tiến bộ, Ángel María thuê một toán người và nuôi một đàn bò, để chuyên chở mía và củi đun cho những xưởng máy đường ở trong vùng. Đó là khoảng thời gian cay đắng, khi những cây gỗ to cứng và quý hiếm phải chịu dừng lại trong lò hơi của những nhà máy đường. Người ta phá rừng để các công ty biến nó ngay lập tức thành đồn điền mía. Ángel phải xếp đầy 70 xe trọng tải 2.400 arrobas mỗi chuyến theo sức bò có thể kéo. Ángel nhận hợp đồng đắp đầy một vùng trũng và duy trì đồn điền mía và đàn bò trong trại Manacas, tại đó, ông bắt đầu xây dựng một căn nhà để đóng chốt ở đấy.
Cảnh vật làm ông nhớ đến xóm nhỏ Láncara, đó là dấu hiệu cho thấy Ángel đã có thể sống một cuộc sống mới. Vốn liếng của ông lớn dần lên theo từng vụ thu hoạch mía. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, đường của Cuba đã bảo đảm cung cấp đủ cho đồng minh. Ángel đạt được kết quả tốt trong những cuộc đối đầu giữa những người tự do và những người bảo thủ, trong bản kháng nghị quân sự chống sự "thay đổi gian lận" trong những hòm phiếu và việc bầu cử lại tổng thống bảo thủ María García Menocal.
Một mặt, những người nổi dậy, với những bộ quần áo rách vá, bụng đói, chân không giày, chạy khắp vùng đồng ruộng nông thôn như chạy dịch; mặt khác, quân đội không được trả lương đuổi theo dấu chân họ và dọa đốt phá hết của cải của dân chúng. Các phe phái dễ dàng bắn nhau loạn xạ, không để đó chỉ là một cuộc cãi cọ náo động; họ đã giết chết một người xấu số nào đó trong cuộc tranh giành quyền lực. Tất cả kết thúc bằng một cuộc triển khai lực lượng quân đội và thủy quân Mỹ đổ bộ lên những hải cảng của Hòn đảo Cuba.
Ángel phải chống lại cơn sốc của đợt sóng khủng hoảng những năm 1920 và 1921, khi đường bị sụt giá như tụt dốc, vô số điền chủ bị phá sản. Ángel đưa ra một bản thỏa thuận để hoãn trả tiền cho các chủ nợ trong 3 năm, và việc trì hoãn đó đã được chấp nhận ngay. Ông thở phào nhẹ nhõm khi mấy vị luật sư đưa cho những giấy tờ chứng thực.
Ángel đã có thể chế ngự mọi khó khăn và lo lắng, nhưng nỗi kinh hoàng đã làm cho tinh thần ông mệt lử và chẳng còn điều hòa được giấc ngủ trong ngôi nhà trống vắng, chỉ có duy nhất một bóng hình mình trong những tấm gương.
Cơn mưa buổi sớm vẫn còn phẳng phất dư vị trong cái lạnh của cánh đồng và những giọt sương không ngừng rỏ trên lá cây khi chạn vào chúng. Tất cả là tiếng rì rầm của những đôi cánh ướt át và những chị chuồn chuồn lộ liễu, buổi sáng mà Ángel trông thấy Lina và ông bị mê hồn trước ma lực của cô tiên ấy, đã làm cho ông nhớ lại tất cả thời gian dài đằng đẵng và buồn tẻ của mình. Cho tới ngày hôm ấy, Ángel không trông thấy cô đi qua, nhưng kể từ lúc đó, làm sao còn giữ được thái độ thản nhiên trước cô ấy, nếu điều đầu tiên cần biết là Ángel đã say mê cái hương thơm man mác trắc bách hương của cô rồi.
(Còn nữa)