Những đóng góp to lớn của lực lượng TNXP Hà Nam trong các cuộc kháng chiến và kiến quốc

Trong quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng như tham gia các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, cùng với quân đội, nhân dân, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam, lực lượng TNXP Hà Nam đã có những đóng góp, hy sinh to lớn, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tôn vinh.

Hà Nam có 17 nghìn đội viên TNXP thuộc nhiều thế hệ. Trong kháng chiến chống Pháp, ngay từ những ngày đầu Chiến dịch Biên giới 1950, Hà Nam đã có một số đội viên tham gia đơn vị TNXP đầu tiên, được Bác Hồ đến thăm và tặng 4 câu thơ lịch sử ở Nà Cù, Bắc Cạn: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Thu đông 1953-1954, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, hơn 2 nghìn đội viên TNXP Hà Nam cùng TNXP các tỉnh và nhân dân Tây Bắc mở hơn 500 cây số đường vượt đèo cao, vực sâu, qua các “tọa độ lửa”: đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi lên Điện Biên, vận tải lương thực, vũ khí, kéo pháo, đào hào, tải thương… góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 27 đội viên TNXP Hà Nam cùng hàng nghìn bộ đội hy sinh tại ngã ba Cò Nòi, trên dọc đường vận tải và chiến trường Điện Biên. 

Những đóng góp to lớn của lực lượng TNXP Hà Nam trong các cuộc kháng chiến và kiến quốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao biểu trưng 1.000 suất quà tặng các gia đình chính sách, NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Chu Uyên

Thời kỳ hòa bình lập lại, từ 1955 đến 1964, hàng nghìn đội viên TNXP Hà Nam có mặt trên các công trường hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hà Nam có 15 đội TNXP (quân số từ 400 đến 3.200 đội viên/đội) cùng TNXP các tỉnh miền Bắc ngày đêm lao động, chiến đấu quên mình trên khắp chiến trường miền Trung, nước bạn Lào, Cam-pu-chia, trực tiếp khai mở, bảo đảm giao thông các tuyến đường chiến lược và có mặt ở hầu hết những trọng điểm địch đánh phá ác liệt (phà Linh Cảm, ngã ba Đồng Lộc, trọng điểm ATP trên Đường 20 Quyết thắng, phà Xuân Sơn, phà Long Đại...); đưa dẫn cán bộ, bộ đội vào chiến trường; vận chuyển hàng hóa, tải thương; đưa dẫn thương binh và hàng nghìn thiếu niên K8 Bình Trị Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... ra Bắc an toàn.

Trên mọi nẻo đường lao động, chiến đấu, các đơn vị TNXP Hà Nam đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được trao tặng những phần thưởng cao quý. Đội N25 (1.000 đội viên) - đơn vị TNXP đầu tiên và duy nhất cả nước trong lực lượng TNXP chống Mỹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) (năm 1972) khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất. Tổng đội 572 (5.000 đội viên, trong đó Hà Nam có 1.600 đội viên) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985). Đại đội 5 (300 đội viên) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (năm 2009); 3 cá nhân được phong, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng LLVTND, hàng nghìn cá nhân được trao tặng phần thưởng cao quý.

Với đường Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh, “Cung đường nào, địa điểm nào cũng là những mảnh đất thiêng rực lửa, đơn vị nào cũng là những tập thể anh hùng” (*) và một trong số những con đường đó là Đường 20 Quyết thắng do lực lượng TNXP Hà Nam tham gia đảm nhiệm mở tuyến và bảo vệ, sửa chữa bảo đảm thông suốt trong mọi tình huống. Không thể nói hết mức độ đánh phá tàn khốc của bom đạn kẻ thù và những tấm gương anh dũng kiên cường của TNXP Hà Nam tại trọng điểm ác liệt này. Là những con người bình thường, nhưng những đội viên TNXP Hà Nam đã có nhiều hành động anh hùng, lao động sáng tạo, không sợ gian khổ, hy sinh, xả thân tháo gỡ bom chờ nổ, san lấp hố bom. Nhiều người đã hy sinh, nhiều người may mắn hơn được hưởng thời khắc toàn thắng của dân tộc và chỉ rất ít trong số họ đại diện cho hàng nghìn đồng đội được hưởng niềm vui đón nhận phần thưởng cao quý Anh hùng LLVTND của lực lượng TNXP Hà Nam. 

Trên mọi nẻo đường lao động, chiến đấu, các đơn vị TNXP Hà Nam đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được trao tặng những phần thưởng cao quý. Đội N25 (1.000 đội viên) - đơn vị TNXP đầu tiên và duy nhất cả nước trong lực lượng TNXP chống Mỹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) (năm 1972) khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất. Tổng đội 572 (5.000 đội viên, trong đó Hà Nam có 1.600 đội viên) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985). Đại đội 5 (300 đội viên) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (năm 2009); 3 cá nhân được phong, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng LLVTND, hàng nghìn cá nhân được trao tặng phần thưởng cao quý.

Để góp phần hoàn thành nhiệm vụ mở đường và giữ cho tuyến Đường 20 Quyết thắng thông suốt, Đội TNXP N25 Hà Nam cùng với các đơn vị quân đội, công nhân, TNXP đã chiến đấu ngoan cường, chấp nhận vô vàn gian khổ, hy sinh. Tụ điểm ác liệt nhất trên Đường 20 Quyết thắng là trọng điểm ATP (Cua chữ A - Ngầm Ta Lê - Đèo Phu La Nhic) luôn hứng chịu mức độ đánh phá của bom đạn kẻ thù với cường độ mạnh nhất, mật độ dày đặc, khép kín cả về không gian, thời gian: Mùa khô 1966, với 95 ngày đêm máy bay B52 Mỹ rải thảm bom; mùa khô 1967 liên tục 105 ngày đêm; mùa khô 1968 ròng rã 150 ngày đêm máy bay B52 Mỹ rải thảm bom đạn và chất độc hóa học hủy diệt môi trường. Sự cống hiến, hy sinh của những đội viên C5, Đội N25 TNXP Hà Nam trên Đường 20 Quyết thắng là dấu ấn lịch sử điển hình của TNXP Việt Nam. Trên Đường 20 Quyết thắng, Đội N25 có 125 đội viên, C5 có 78 đội viên anh dũng hy sinh, 62 đội viên bị thương; C5 và Đội N25 lực lượng TNXP Hà Nam được Bác Hồ, Bác Tôn gửi tặng lẵng hoa khen tặng (năm 1968), được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba (năm 1969), 25 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công. N25 là đội TNXP duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1972, giữa những ngày tháng chiến tranh đang diễn ra ác liệt. 

Do nhận nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu ở những trọng điểm ác liệt nên lực lượng TNXP Hà Nam là đơn vị có tỷ lệ thương vong rất lớn. Những nơi in đậm dấu ấn hy sinh của lực lượng TNXP Hà Nam có thể kể đến: 7 đội viên TNXP C354 (Đội N27 Duy Tiên) hy sinh ngày 9/2/1966 tại Hương Phúc, Hương Khê, Hà Tĩnh; 12 đội viên TNXP C361 (Đội N27 Lý Nhân) hy sinh ngày 17/2/1966 tại cầu Đò Vàng tuyến đường sắt Bắc - Nam qua sông Gianh; 28 đội viên TNXP C24 Duy Tiên (trong số 36 TNXP hy sinh tại mỏ đá Hoàng Mai, Quỳnh Thiện, Quỳnh Lưu, Nghệ An ngày 28/4/1966); 17 đội viên TNXP C357 (N35 Bình Lục) hy sinh tại ngã ba Thình Thình (nơi đã từng có 46 TNXP Đội N35 Hà Nam hy sinh trên đoạn đường 40 cây số trong lòng hồ Kẻ Gỗ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh); 78 đội viên TNXP C5 (trong tổng số 124 TNXP đội N25 Hà Nam hy sinh tại tập đoàn trọng điểm ATP trên Đường 20 Quyết thắng. Tại Khe Bang, km số 7 đường 16, Lệ Thủy, Quảng Bình có 81 TNXP C209 (Đội Trần Quốc Toản Nam Hà) hy sinh ngày 1/5/1970 (trong đó có 32 TNXP Hà Nam)…

Đầu năm 1979, khi xảy ra cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc, Hà Nam đã có hơn 1.200 đội viên TNXP được biên chế thành 6 đại đội làm nhiệm vụ ở 6 huyện biên giới tỉnh Hoàng Liên Sơn (tỉnh hợp nhất Lào Cai - Yên Bái) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó 22 đội viên hy sinh.

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng TNXP Hà Nam có hơn 400 liệt sỹ, 200 đội viên bổ sung chiến đấu, hy sinh bên quân đội; gần 300 nữ đội viên lỡ tuổi, sống đơn thân. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hiện nay gần 2.000 người được hưởng chế độ thương binh, bệnh binh, chất độc da cam, trợ cấp một lần. Hầu hết cựu TNXP được cấp thẻ bảo hiểm y tế; gia đình có cựu TNXP qua đời (từ 11/2005 đến nay) được hưởng chế độ mai táng phí. Hầu hết số TNXP hoàn thành nhiệm vụ qua đời, thân nhân được hưởng trợ cấp một lần. Nhiều năm qua, các cấp hội cựu TNXP Hà Nam đã vận động và nhận được sự ủng hộ giúp đỡ, sửa chữa, xây mới hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa; tặng quà, sổ tiết kiệm cho hàng nghìn lượt đối tượng cựu TNXP hoàn cảnh khó khăn. Các hội cơ sở cùng chính quyền, gia đình đã chuyển hàng chục phần mộ liệt sỹ đội viên TNXP về nghĩa trang địa phương.

Phát huy truyền thống, cán bộ, Hội cựu TNXP tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước bằng những việc làm thiết thực “Cựu TNXP nêu gương sáng, học tập và làm theo lời dạy và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với tinh thần “Lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu”, tùy theo sức lực, khả năng đóng góp, cống hiến, sống mẫu mực, nêu gương sáng cho con cháu trong gia đình, bà con họ mạc, làng xóm, anh em đồng đội. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò nhân chứng lịch sử giúp các cấp ủy, chính quyền giải quyết chế độ chính sách còn tồn đọng đối với TNXP. Các cấp hội vận động hội viên tích cực tham gia sinh hoạt hội, chia sẻ khó khăn, giúp nhau làm kinh tế, góp phần xây dựng quê hương đất nước.

______________________

(*) Trích trong cuốn “TNXP Việt Nam anh hùng” (Nhà xuất bản Thanh niên, 2017). 

Thế Vĩnh (Tổng hợp)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.