'Kiến trúc sư trưởng' của trận Trân Châu Cảng

Đó là đô đốc Yamamoto Isoroku (1884-1943), người được xem là một trong 2 viên tướng xuất sắc nhất trong lịch sử Nhật Bản thế kỷ 20.

Từ nhỏ được giáo dục rất nghiêm khắc trong tinh thần võ sĩ đạo truyền thống của người Nhật, ngay từ khi tham gia các khóa huấn luyện quân sự ở cấp trung học, Yamamoto lại được tiếp thu và thấm nhuần đến tận xương tủy những tư tưởng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.

Kiến trúc sư trưởng của trận Trân Châu Cảng
Tướng Yamamoto Isoroku. Ảnh: Word Press

Tốt nghiệp trường sĩ quan hải quân, Yamamoto được điều động phục vụ trên tuần dương hạm bọc thép Nisshin và tham gia chiến tranh Nga- Nhật. Trong trận Lữ Thuận, ông bị trọng thương và được tặng huân chương Danh dự quân nhân.

Sau khi tốt nghiệp đại học hải quân, từ năm 1919 đến năm 1921, Yamamoto được cử làm tùy viên quân sự Nhật tại Washington, đồng thời vào học tại Đại học Harvard. Đây là khoảng thời gian vị đô đốc tương lai có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt những tư tưởng tác chiến mới về việc sử dụng không quân, để rồi sau này vận dụng xây dựng lực lượng không quân trong hải quân Nhật Bản. Chính Yamamoto là người đầu tiên trong giới quân sự Nhật Bản đưa ra lời tiên đoán chính xác và từ rất sớm rằng, “chiến hạm quan trọng nhất trong tương lai là loại chiến hạm mang theo được máy bay”.

Sau 1 năm làm chỉ huy trưởng chiến hạm Isuzu, năm 1929, Yamamoto được thăng quân hàm chuẩn đô đốc. Năm 1930, được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật Hàng không hải quân. Yamamoto đã tận dụng các vị trí công tác mới để tập trung mọi sức mạnh phát triển lực lượng không quân hải quân và tàu sân bay Nhật, nhất là việc chế tạo những mẫu máy bay tân tiến nhất thời đó, như Type 94, Type 96, Zero..

Năm 1934, Yamamoto được thăng hàm phó đô đốc; năm 1935 trở thành tư lệnh lực lượng không quân của hải quân Nhật Bản. Năm 1939, ông được cử giữ chức tư lệnh hạm đội liên hợp kiêm tư lệnh hạm đội 1 hải quân Nhật; năm 1940, được thăng hàm đô đốc (đại tướng). Đây là những niềm hứng khởi để Yamamoto chuẩn bị kỹ lưỡng cho những trận chiến ác liệt sắp tới.

Tại sao Trân Châu Cảng?

Nhận thức được sức mạnh vượt trội của Mỹ so với Nhật Bản, Yamamoto cho rằng việc đánh bại Mỹ triệt để và buộc Mỹ đầu hàng là bất khả thi. Nhật Bản chỉ có thể giáng những đòn chí mạng làm suy sụp tinh thần dân chúng Mỹ, từ đó buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán với những điều khoản có lợi cho Nhật. Ông cũng nhận định là trong vòng một đến một năm rưỡi đầu của cuộc chiến thì Nhật Bản có khả năng thủ thắng, nhưng nếu để chiến tranh kéo dài hơn thì “không thể nói trước được gì”. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải giành được những chiến thắng chấn động trong giai đoạn đầu này. Và mục tiêu đầu tiên của Yamamoto chính là hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Trân Châu Cảng.

Tấn công Trân Châu Cảng, Yamamoto Isokoru nhằm vào 3 đích lớn. Thứ nhất, tiêu diệt các đơn vị của hạm đội Mỹ, qua đó ngăn chặn hạm đội Thái Bình Dương cản trở Nhật chinh phục Đông Ấn. Thứ hai, tạo cơ hội và thời gian cho Nhật củng cố vị thế và tăng cường sức mạnh hải quân, trước khi các tàu chiến thế hệ mới của Mỹ được chế tạo. Thứ ba, giáng một đòn mạnh vào tinh thần của người Mỹ, làm nản lòng Mỹ, cho phép Nhật tiếp tục chinh phục Đông Nam Á mà không bị can thiệp.

Kế hoạch của Yamamoto lập tức gặp sự phản đối quyết liệt từ nhiều người, kể cả giới quân sự Nhật Bản. Rõ ràng, tập kích Trân Châu Cảng là một phương án cực kì mạo hiểm. Bởi từ Nhật tới Hawaii là một khoảng cách mấy nghìn dặm, trong khi Mỹ luôn theo dõi mọi động tĩnh của Nhật Bản và chắc chắn sẽ không để yên cho Nhật tấn công dễ dàng như vậy. Hơn nữa, với mực nước tại Trân Châu Cảng, không thể sử dụng ngư lôi thông thường, và nếu hạm đội Mỹ không có mặt ở đó thì toàn bộ kế hoạch sẽ phá sản.

Yamamoto vẫn kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình và cuối cùng đã nhận được sự đồng thuận. Ông cho không quân ráo riết tập oanh kích ở những đảo có địa hình tương tự Trân Châu Cảng, đặc biệt, tăng cường luyện tập một biện pháp ném bom mới là vừa mang ngư lôi vừa chúi đầu xuống khi oanh tạc để tăng độ chính xác. Hạm đội cũng được tăng cường huấn luyện tác chiến; một loại ngư lôi đặc biệt chuyên dụng để oanh kích ở khu vực cảng có mức nước nông cũng được thiết kế…

Trận đánh bắt đầu lúc 7 giờ 55 phút sáng 7 tháng 12 năm 1941. Sau 3 giờ tập kích, phần lớn lực lượng hải quân Mỹ đóng tại Trân Châu Cảng về cơ bản bị tiêu diệt. Phía Mỹ bị chết và bị thương gần 4.500 quân; bị tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 6 tàu tuần dương và tàu khu trục, 8 tàu thiết giáp, 19 tàu chiến đấu khác và 270 máy bay; hạm đội Thái Bình Dương bị tê liệt cả năm sau. Phía Nhật tổn thất 20 máy bay, 6 tàu ngầm, trong đó có 5 tàu mi-ni.

Cuộc tấn công bất ngờ Trân Châu Cảng của Nhật Bản buộc Mỹ ngay ngày hôm sau (8/12/1941) tuyên chiến với Nhật, chính thức can dự vào Thế chiến thứ hai.

Nguyên Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.