Sự xuất hiện của AI (trí tuệ nhân tạo) đã và đang làm thay đổi sâu sắc mọi mặt đời sống con người. Tình báo AI cho thấy hoạt động nhạy cảm này cũng không là ngoại lệ.
Ngay từ thuở sơ khai, con người vẫn luôn theo dõi lẫn nhau. Tìm hiểu xem người khác đang làm hoặc dự định làm gì luôn là điều lôi cuốn trí tò mò của bất cứ ai. Thời gian trôi đi, người ta giám sát, theo dõi và nghe trộm lẫn nhau bằng đủ thứ công cụ, thiết bị và không ngừng cải tiến chúng. Tuy vậy, cho đến những năm kết thúc Chiến tranh Lạnh và một thời gian sau đó, những công cụ và thiết bị này chưa bao giờ thay thế được con người. Thế nhưng AI và các hệ thống tự động hóa hiện nay đang làm thay đổi tất cả những điều đó.
Từ hoạt động đời thường đến thông tin hỗ trợ cơ quan chức năng
Câu chuyện thứ nhất: Mới đây tờ The Economist đã cho ra đời một loạt “tác phẩm nghệ thuật” của riêng mình. Đó là những tấm hình trang bìa cho ấn phẩm in, có hình thức bắt mắt và nội dung bao quát chủ đề chính của số tạp chí. Sẽ không có chuyện gì để nói và độc giả sẽ vẫn đón đọc các ấn phẩm của The Economist một cách bình thường nếu như chính tờ báo này không thông báo tới độc giả rằng những tấm hình đó đều là sản phẩm của AI.
Một trong những trang bìa được vẽ bằng AI của The Economist. Ảnh: The Economist
Câu chuyện thứ 2: Lucy là một cô gái xinh đẹp với tài khoản Instagram có gần 80.000 người theo dõi. Cô thường xuyên đăng ảnh về các hoạt động trong cuộc sống của mình và tương tác nhanh chóng, dí dỏm với người hâm mộ. Còn Rozy thì có tới hơn 130.000 người theo dõi trên Instagram. Với cách trang điểm bắt mắt và hoàn hảo, trang phục hấp dẫn như người mẫu, Rozy liên tục đăng hình ảnh đang hát, nhảy và trình diễn thời trang trên tài khoản mạng xã hội của mình. Đôi khi cô còn chia sẻ rằng đang “đi du lịch” và đăng ảnh thưởng thức một ly rượu trên sân thượng của một tòa nhà nào đó ở Singapore.
Sẽ không có gì đáng bàn nếu như người hâm mộ phải mất nhiều thời gian mới biết Lucy không phải là người thật mà chỉ là một “nhân vật ảnh hưởng ảo” (virtual influencer) của Lotte Home Shopping, một hãng bán lẻ của Hàn Quốc, còn Rozy thì chỉ là influencer ảo do Sidus Studio X của Hàn Quốc phát triển. Cả hai hoàn toàn không có thật, chỉ là một sản phẩm của AI. Những influencer ảo này có thể tự đăng tút, tự tìm kiếm và kết bạn và tìm hiểu thông tin từ khách hàng, người hâm mộ. Mục đích sử dụng những influencer này có thể là để quảng cáo, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang, hay thu hút người theo dõi, từ đó thu thập thói quen sử dụng sản phẩm của họ... Những influencer ảo như thế này có thể giúp các công ty, tổ chức thu thập vô số thông tin từ người dùng, trong đó có những thông tin tình báo đáng giá phục vụ mục đích kinh tế và không ngoại trừ cả mục đích chính trị, ngoại giao…
Câu chuyện thứ 3: Ngày 6-1-2021, khi người ủng hộ ông Donald Trump tập trung trước Đồi Capitol biến thành đám đông bạo loạn, tấn công Tòa nhà quốc hội hòng ngăn Quốc hội Mỹ phê chuẩn kết quả bầu cử tổng thống diễn ra năm 2020, 5 người đã thiệt mạng. Cộng đồng mạng ngay lập tức đã khai thác hình ảnh và các video clip đăng trên mạng xã hội để giúp các cơ quan chức năng xác định danh tính các thủ phạm tham gia vụ bạo động này. Đáng nói là có một sinh viên đại học ẩn danh đã tạo ra trang web có tên là Faces of the Riot (Nhận diện kẻ bạo loạn). Sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt AI sẵn có, sinh viên này đã quét hàng trăm video và hàng nghìn bức ảnh được chia sẻ bởi những kẻ bạo loạn và người khác trên trang mạng xã hội Parler và trích xuất ra hình ảnh của những người có thể đã tham gia vào cuộc bạo loạn tại Tòa nhà quốc hội.
AI từ chỗ đem lại một cuộc sống thường ngày thuận tiện hơn đã dần lấn sân vào tất cả các lĩnh vực, trong đó những lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm như thu thập và xử lý thông tin tình báo. Những thông tin thu được từ công nghệ AI được gọi là thông tin tình báo AI.
Các điệp viên thường sử dụng AI thế nào?
Hãng tin AP trong loạt bài về AI của mình công bố kết quả điều tra một mục tiêu nghi vấn: Katie Jones! Katie Jones có một profile (hồ sơ thông tin cá nhân) khủng. Cô gái tóc đỏ trong độ tuổi 30 không hề giấu giếm rằng mình đang làm việc cho một tổ chức tư vấn (think tank) lớn và có kết nối với một mạng lưới các chuyên gia hàng đầu của nhiều tổ chức lớn như Viện Brookings. Trên LinkedIn, Katie có tên trong danh sách bạn bè (Friendlist) của nhà kinh tế học Paul Winfree, người từng là Phó trợ lý Tổng thống về chính sách nội địa Mỹ.
Sau khi nghiên cứu hoạt động của tài khoản LinkedIn của Katie Jones, các chuyên gia xác định đây là một điển hình của hoạt động gián điệp đã và đang được thực hiện trên trang LinkedIn, vốn có sức hút mạnh đối với điệp viên các nước. Kết quả cuối cùng cho thấy: Katie không hề tồn tại! Đó chỉ là một trong hằng hà sa số những “nhân vật ma” trên các trang mạng xã hội nghề nghiệp như LinkedIn. Phân tích cho thấy ảnh đại diện của Katie đã được tạo ra từ một chương trình máy tính. Nói cách khác đây là một bức ảnh giả mạo và Katie chỉ là một nhân vật được AI tạo nên với mục đích kết nối và thu thập thông tin cho một tổ chức nào đó.
Phân tích ảnh đại diện của Katie cho thấy sự tinh vi trong thu thập thông tin và vai trò của tình báo AI. Ảnh: AP News
Theo Giám đốc chương trình của Tổ chức tư vấn Alliance of Democracies có trụ sở tại Đan Mạch Jonas Parello-Plesner, tổ chức này từng là mục tiêu của một chiến dịch gián điệp thông qua LinkedIn cách đây vài năm. Jonas nhận định: “Khả năng cao đây là một mắt xích trong lưới điệp báo của một quốc gia nào đó”. Còn William Evanina, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh quốc gia Mỹ, đã từ chức vào tháng 1-2021, thì cho rằng điệp viên các nước thường lập nhiều tài khoản mạng xã hội giả, nhất là trên LinkedIn, để tìm cách tiếp cận và tuyển dụng các mục tiêu của Mỹ vào lưới điệp báo của mình. “Thay vì cử điệp viên trực tiếp đến Mỹ để ‘tuyển’ và thiết lập lưới điệp báo thì sẽ hiệu quả hơn nếu ngồi phía sau một chiếc máy tính và gửi yêu cầu kết bạn tới 30.000 mục tiêu cần tuyển cùng lúc”, William Evanina nhấn mạnh. Và việc đầu tiên các điệp viên cần làm là tạo một profile giả với sự tham gia của công nghệ AI, từ tạo ảnh đại diện cho đến tự động trả lời và hỏi người theo dõi những câu hỏi theo định hướng thông tin của mình.
Ví dụ trên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp minh chứng cho việc sử dụng công nghệ AI trong tuyển lưới điệp báo và thu thập thông tin tình báo. Thông tin tình báo không phải lúc nào cũng chuẩn xác, nhưng nó giúp một tổ chức, một nhà nước đưa ra nhận định, đánh giá, cảm nhận và hoạch định chính sách. Những thông tin thu được từ các phần mềm sử dụng công nghệ AI là vô cùng lớn và cũng chỉ các phần mềm sử dụng công nghệ AI mới đủ khả năng để phân tích khối lượng thông tin khổng lồ này. Bằng cách ứng dụng AI, cộng đồng tình báo đang thay đổi căn bản từ phương thức đến phương tiện hoạt động của mình.
(Còn nữa)
Theo Quân đội nhân dân