Tiếp theo kỳ trước
|
Tiếp theo kỳ trước
|
Chương Mười Một: Siết vòng vây lửa
Đêm đầu, ngay sau khi bộ đội bạn rút ra, tiểu đoàn cho hai tiểu đội nhanh chóng cắm hai cái chốt tại trận địa làm nơi đứng chân. Đồng thời, hỏa lực của ta được bố trí trên Đồi Cháy và đồi F, sẵn sàng bảo vệ cho phân đội ở tại trận địa. Quả nhiên ngày hôm sau, một lực lượng quân địch tiến xuống định đẩy các chiến sĩ ta ra khỏi đồi. Những luồng đạn liên thanh bắn chéo cánh sẻ từ Đồi Cháy, đồi F kết hợp với đạn súng cối, và mưa lựu đạn của các chiến sĩ bám trụ đã bẻ gãy những đợt xung phong của địch.
Những ngày tiếp theo, phân đội phòng ngự nhanh chóng củng cố trận địa phòng ngự trên đồi. Các đường hào khá sâu đã bị đạn pháo san lấp. Đất đồi A1 rắn như đá non. Đào đường hào mới sẽ tốn nhiều thời gian. Có thể cải tạo lại một số đường hào cũ của địch, nhưng tất cả đều chất đầy tử thi. Bộ đội ta vẫn phải làm công việc họ sợ nhất là tận dụng một số đường hào cũ. Sau đó ta đào thêm những tuyến hào mới, tổ chức những ụ đề kháng, hầm trú ẩn, hầm chứa đạn có nắp chịu đựng được pháo 105. Hầm chỉ huy của tiểu đoàn đào gần xong, thì phát hiện trong lòng đất cạnh cửa hầm có xác một tên lính Pháp. Nếu chuyển nó đi nơi khác thì cửa hầm trở nên quá rộng. Người ta quyết định để nó tại chỗ.
Đỉnh Đồi Cháy là mục tiêu của pháo Hồng Cúm và máy bay oanh tạc. Có lần bom rơi xuống sườn đồi, đánh sập hầm nơi chi ủy đại đội 174 đang họp. Đúng lúc đó, đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba đi kiểm tra đơn vị vừa tới chân đồi, bị đất cát phủ đầy người. Trận địa của ta trên đồi F, thấp hơn A1 và C1, thường xuyên phải chịu đựng hỏa lực bắn thẳng, được bộ đội gọi là "tử địa".
Đặc biệt ở A1, giữa trận địa ta và địch hoàn toàn không có vật cản. Chỉ cần vài chục giây là quân địch có thể nhảy vào chiến hào. Sự canh phòng được tổ chức hết sức cẩn mật. Phải tổ chức hỏa lực tầm gần, tầm xa đan chéo nhau. Người trực các khẩu đội phải có tinh thần sẵn sàng chiến đấu rất cao. Thông tin giữa những đài quan sát và các trận địa hỏa lực lúc nào cũng thông suốt. Trong ba lần địch tiến công sang, hai lần chúng thất bại vì hỏa lực của ta bắn chặn kịp thời kết hợp với mưa lựu đạn của các chiến sĩ phòng thủ. Một lần, quân địch bất thần lọt được vào chiến hào của ta, nhưng sau đó vẫn bị đánh lui. Mỗi ngày các chiến sĩ bắn tỉa lại hạ thêm một vài tên địch.
Địch biết lực lượng ta trên đồi không đông, nhưng trước sự phòng ngự chặt chẽ của ta, chúng chỉ còn mở những trận đánh thăm dò, không mong đẩy ta ra khỏi đồi. Ta thử đánh lấn để mở rộng phạm vi kiểm soát nhưng thấy địch kiên quyết chống cự nên cũng dừng lại. Bảo vệ vững chắc trận địa của ta trên đồi A1 lúc này chính là chuẩn bị tích cực để tiêu diệt nó. Ta bắt đầu triển khai việc đào một đường hầm để đưa thuốc nổ vào đặt dưới chân hầm ngầm của địch.
Trên đồi E và đồi D1 bắt đầu xuất hiện những trận địa sơn pháo của ta. Khu trung tâm bị đặt dưới những nòng pháo bắn thẳng. Quân địch không dám tiến công lên hai điểm cao này, mà chỉ tiến hành những cuộc phản pháo. Nhưng công sự của ta khá kiên cố, những khẩu sơn pháo vẫn tiếp tục nhả đạn. Không quân địch được huy động với nhiệm vụ đặt những khẩu pháo của Việt Minh "trên miệng núi lửa"! Chúng ném bom lớn, bom napan như muốn san bằng cả hai trái đồi. Các chiến sĩ sơn pháo không vì vậy mà rời bỏ vị trí "ngồi trên đầu thù”. Cao xạ đã tiến vào gần khu trung tâm, hạn chế có hiệu quả máy bay ném bom bổ nhào. Máy bay địch phải bay cao thường thả bom ra ngoài mục tiêu. Nhưng có lần một trái bom rơi trúng trận địa sơn pháo trên đồi C trong lúc đang diễn ra trận đấu pháo giữa ta và địch. Một khẩu pháo bị hỏng. Khẩu đội trưởng Phùng Văn Khẩu chỉ huy khẩu đội còn lại, quát lên:
- Còn một khẩu cũng đánh!
Anh nhảy vào vị trí ngắm, đưa đường tim chữ thập vào mục tiêu và tự mình giật cò. Chỉ trong vòng 10 phút, lần lượt bốn khẩu 105 của địch câm họng. Khẩu đội của Phùng Văn Khẩu đã đứng vững 36 ngày đêm trên miệng núi lửa, luôn luôn đe dọa những vị trí địch trên cánh đồng. Chỉ có điều đáng tiếc là pháo của ta bắt đầu “đói đạn”! Một số pháo thủ đã phải chuyển qua làm nhiệm vụ khác.
Sau này một số nhà quân sự nước bạn tới thăm Điện Biên Phủ, khi đi nghiên cứu địa hình khu đông thường cho rằng điểm cao quan trọng nhất là đồi C. Đồi C và đồi D1 cao nhất trong dãy đồi phía đông, khống chế cả khu trung tâm. Đúng là khi chiếm được những vị trí này ta có một lợi thế trong tay, nhưng lại không có điều kiện triệt để khai thác lợi thế đó. Không quân địch làm chủ vùng trời nên ta không thể đưa nhiều pháo lớn lên đây, và cũng không có đủ đạn để uy hiếp quân địch. Đồi A và đồi C tuy thấp hơn nhưng lại có vai trò quan trọng hơn nhiều. Chiếm được hai trái đồi này ta có thể kiểm soát toàn bộ các vị trí bên tả ngạn sông Nậm Rốm và nhiều vị trí bên hữu ngạn bằng súng máy, súng trường, thậm chí súng phóng lựu đạn. A1 và C1 chỉ cách sở chỉ huy của Đờ Cát 300 mét, trực tiếp kiểm soát hai chiếc cầu qua sông Nậm Rốm. Mất những điểm cao này, các lực lượng của địch ở hữu ngạn và tả ngạn sông Nậm Rốm sẽ bị cắt làm đôi. Địch cũng coi A1 là thành lũy cuối cùng của tập đoàn cứ điểm, vì nếu mất A1 thì sẽ không thể giữ được đồi C1 và C2 ở thấp hơn, cũng như toàn bộ các cứ điểm Êlian.
(Còn nữa)
Pv