Tiếp theo kỳ trước
|
Tiếp theo kỳ trước
|
Chương Mười Một: Siết vòng vây lửa
Trên đồi C1 ta đã có chuẩn bị. Đêm hôm trước công binh đã chuyển gỗ ra để củng cố công sự. Một đại đội của tiểu đoàn 439, do tiểu đoàn trưởng Hoàng Vượng trực tiếp chỉ huy, đã sẵn sàng đón đợi quân địch. Đại bác của ta lập tức dập xuống những trận địa pháo của địch ở Mường Thanh, và bắn vào bọn lính dù đang tiến lên đồi. Đại đội dù đi đầu, do Tráp (Trapp) chỉ huy, phải dán mình xuống sườn đồi phía tây. Đại đội thứ hai của Lơpagiơ (Lepnge) mang theo súng phun lửa và một phân đội súng máy liều chết vượt qua hỏa lực bắn chặn cố xông lên đồi. Phân đội súng máy bị tiêu diệt. Viên trung úy Côngbanc (Combaneyre) bị thương nặng. Súng phun lửa của địch trùm lên lô cốt Cột Cờ. Bộ đội ta phải lùi xuống giữ nửa đồi phía đông. Quân địch rượt theo định đẩy ta khỏi C1. Giữa lúc đó, hai trung đội tăng viện của trung đoàn vượt qua bom đạn của địch vừa tới nơi. Toàn bộ các chiến sĩ ném một loạt lựu đạn rồi nhất tề xông lên với những khẩu súng cắm lưỡi lê nhọn hoắt. Trước khí thế dũng mãnh của quân ta, địch lui về phía Cột Cờ l giờ, Bigia phải điều hai đại đội của tiểu đoàn lê dương dù 2 mới tới Mường Thanh đêm trước lên C1 thay thế cho lực lượng tiến công đã bị tổn thất gần một nửa.
18 giờ 45, những đơn vị dù số 2 đang củng cố lại những hầm hào vỡ nát vì những trận đánh ban ngày, thì một cơn bão đạn đại bác và đạn súng cối trùm xuống trận địa. Sau đợt hỏa pháo của chiến dịch, tiểu đoàn 439 và một tiểu đoàn của 312 vừa tăng cường chia làm hai cánh xung phong lên chiếm lại Cột Cờ và những lô cốt phía tây. Những tên lính dù bắn hết đạn không ngăn được những đợt xung phong của ta. Viên đại úy Sáclơ (Charles) chết tại trận. Viên đại úy Minh (Minaud) bị thương nặng. Cả hai đại đội dù không còn người chỉ huy tan ra thành những nhóm nhỏ chống cự một cách tuyệt vọng. 21 giờ, Bigia vội vét toàn bộ lực lượng dù dự bị tiến lên cứu nguy. Quân ta và quân địch lao vào những trận đánh giáp lá cà quyết liệt. 2 giờ sáng ngày 11, mỏm cao Cột Cờ không còn đường hào, công sự nào nguyên vẹn. Bộ đội ta phải lui về tuyến cũ tổ chức phòng ngự.
Nếu sự có mặt của bộ đội ta trên đồi C1 là không thể chấp nhận đối với quân địch thì ta cũng cần duy trì điểm cao này để làm một bàn đạp cho đợt tiến công cuối cùng. Ngày 11, chỉ diễn ra những cuộc chiến đấu lẻ tẻ. Cả quân địch và quân ta đều phải dồn mọi nỗ lực vào việc củng cố chỗ đứng chân trên trái đồi bom đạn đã hủy diệt toàn bộ các công sự chiến đấu cũng như chỗ ẩn náu. Địch phải đưa đại đội thứ ba của tiểu đoàn lê dương dù 2 vừa chân ướt chân ráo tới Mường Thanh, thay thế cho lực lượng chiến đấu suốt đêm qua đã quá rệu rã.
Trung đoàn 98 làm nhiệm vụ phòng ngự tại C1 cũng được tăng cường tiểu đoàn 888 của trung đoàn 176. Tiểu đoàn này trước đó chuyên làm nhiệm vụ tiễu phỉ. Nhưng họ cũng đã có lần gây khó khăn cho những tiểu đoàn dù trên đỉnh Pu San hồi đầu chiến dịch.
Chiều ngày 11 tháng 4, đại đội 811 của 888, do đại đội trưởng Lê Văn Dỵ chỉ huy, được đưa ra phòng ngự tại C1 thay cho các đơn vị đã chiến đấu suốt hai ngày rút về phía sau. Những người mới tới kinh hoàng vì mùi hôi thối của những thi thể bắt đầu phân hủy, những đám ruồi nhặng đen đặc. Những xác chết này hoặc khô đen, hoặc rữa nát, nhưng lại có những bộ quần áo rất bền chắc, những chiếc áo giáp chống đạn, mà họ không còn cách nào hơn là chuyển đi chỗ khác. Những chiếc khẩu trang bịt chặt không thể ngăn chặn mùi ô nhiễm ngấm vào đất, đã bám vào áo quần và thân thể họ. Họ phải xây dựng những đường hào, ụ súng, hầm ngủ, rồi lấy dây thép gai và mìn của địch để xác định ranh giới giữa ta và địch.
Trận đánh ngày 10 và 11 tháng 4 là cuộc phản kích lớn cuối cùng của Bigia lên những trái đồi phía đông, địch buộc phải luân phiên đưa từng đại đội lên phòng ngự ở phần đồi đã chiếm được để bảo vệ cho những cứ điểm ở phía trong. Ta và địch đã quá hiểu nhau, chấp nhận tạm thời giữ nguyên trạng. Thỉnh thoảng có những trái lựu đạn, những loạt liên thanh qua lại, những luồng súng phun lửa, những cuộc đột kích chớp nhoáng.
Trung đoàn trưởng Vũ Lăng lên thăm trận địa ngạc nhiên khi thấy trên trái đồi đã bị bom đạn làm biến dạng, cách địch vài chụt mét, các chiến sĩ ta vẫn có một cuộc sống đàng hoàng trong những căn hầm lót vải dù, đọc sách, đánh túlơkhơ, chỉ riêng mùi ô nhiễm thì không có cách nào khắc phục.
Đại đội 811 đã phòng ngự tại C1 hai mươi ngày liền, cho tới lúc ta hoàn toàn tiêu diệt cứ điểm này vào cuối tháng Tư.
Trên đồi A1, cũng diễn ra tình hình tương tự.
Ngày 2 tháng 4, trung đoàn 102 rút, trao lại trận địa cho trung đoàn 174.
A1 có một sườn đồi nhiều cây cối chạy thoai thoải về phía đông mà những sĩ quan Pháp thường gọi là Săng Êlydê. Dải đất này nằm dưới sự khống chế của hai quả đồi cao hơn ở bên cạnh. Về phía nam, là Đồi Cháy. Về phía đông, là đồi F3. Ngay từ khi mới chiếm đóng ở A1, quân Pháp đã thấy dải đất là một nguy cơ nằm cạnh nách. Nhưng chúng biết không thể đưa quân đóng giữ khu vực này nếu không chiếm những trái đồi cao hơn ở chung quanh, một việc làm quá sức của chúng. Đến ngày cuộc chiến ở A1 tạm ngừng, địch chiếm hai phần ba đồi, một phần ba đồi do ta chiếm nằm trên dải đất này.
Tiểu đoàn 255 của 174 đã có mặt trong trận đánh đêm 30 tháng 3, được trao nhiệm vụ giữ vững trận địa trên đồi A1. Tiểu đoàn trưởng Đôn Tự đã hiểu kẻ địch ở đây, nhận thấy chỉ có thể bảo vệ phần đất còn lại trên đồi bằng một tổ chức phòng ngự liên hoàn giữa trận địa của ta tại A1 và hai trái đồi ở gần kề với nó. Ta có thể bố trí một đại đội trợ chiến tăng cường trên Đồi Cháy trực tiếp uy hiếp đỉnh đồi A1, và xây dựng trận địa vững chắc trên đồi F tạo thành lưới lửa hỏa lực thật mạnh hỗ trợ cho những chiến sĩ trực tiếp phòng ngự tại A1 khi bị địch tiến công.
(Còn nữa)
PV