Tiếp theo kỳ trước
|
LTS: Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), nhằm tuyên truyền sâu rộng tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại; tinh thần anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, nhất là đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; Báo Hà Nam trích đăng nội dung tác phẩm “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” (Trích trong “Tổng tập Hồi ký” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) - Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, năm 2006. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
|
Chương Tám: Mở cửa
Lúc đầu, ta chủ trương đánh cả Him Lam và Đồi Độc Lập trong một đêm, sau đó sẽ tiêu diệt nốt trung tâm còn lại là Bản Kéo. Đánh cả hai nơi có lợi là phân tán được hỏa lực chi viện của tập đoàn cứ điểm. Nhưng khi tính toán cụ thể, thấy không đủ sơn pháo 75 ly đi cùng một lúc với hai đơn vị xung kích, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đánh Him Lam trước, ngay sau đó chuyển pháo sang cho đơn vị đánh Đồi Độc Lập vào đêm hôm sau.
Trung tâm đề kháng Him Lam nằm ở phía đông bắc, trên con đường 41 từ Tuần Giáo vào, có nhiệm vụ bảo vệ tập đoàn cứ điểm từ xa. Địch coi đây sẽ là hướng tiến công chính của bộ đội ta. Do tính chất quan trọng của vị trí, chúng đã bố trí tại Him Lam một tiểu đoàn 750 người thuộc bán lữ đoàn lê dương 13. Lá cờ của bán lữ đoàn mang dòng chữ Bir Hakeim quang vinh, nơi nó đã bị quân đội phát xít Đức bao vây khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ cho tập đoàn quân 8 của Anh rút lui tại Libi, trước cuộc truy đuổi của tướng Đức Rommel. Quân Đức nhiều lần kêu gọi nó đầu hàng. Nhưng sau khi tập đoàn quân 8 đi thoát, nó vẫn tìm được cách phá vỡ vòng vây trở về tiếp tục chiến đấu.
Trung tâm Him Lam gồm ba cứ điểm có công sự tương đối vững chắc; một lưới lửa mạnh bố trí rất cẩn mật, vừa yểm hộ lẫn cho nhau, vừa ngăn chặn mọi con đường ta có thể tiến vào; một hệ thống công sự phụ gồm dây thép, vật chướng ngại và bãi mìn, có nơi rộng đến hơn 100 mét. Lực lượng bảo vệ căn cứ được trang bị súng có kính ngắm điện tử phát hiện mục tiêu ban đêm. Him Lam được trọng pháo 105 và 155 ở Mường Thanh và Hồng Cúm yểm hộ theo một kế hoạch hỏa lực dày đặc. Đoạn đường 41 nối liền Him Lam với khu trung tâm đã mở rộng bảo đảm cho mọi phương tiện cơ giới hoạt động. Lực lượng dự bị với xe tăng, pháo binh và không quân chi viện, sẵn sàng tiến hành phản kích trong trường hợp Him Lam bị tiến công. Tất cả những người tới thăm vị trí đều khen công trình phòng ngự được bố trí hoàn hảo. Hai ngày trước khi diễn ra trận đánh, đồng chí Sơn Hà, trưởng ban quân báo của đại đoàn 312 tổ chức một trận đột kích táo bạo vào trung đội địch cảnh giới ở Him Lam, bắt về một viên trung úy người Đức bị thương nặng. Sau khi được ta tận tình cứu chữa, viên trung úy đã cho ta biết về hệ thống hỏa lực ở Bêatơrixơ, đặc biệt là cứ điểm 1, nơi đại đội 9 của y đóng quân. Y thành thật khuyên ta "không nên đánh vào Bêatơrixơ, vì đây là trung tâm đề kháng mạnh nhất của tập đoàn cứ điểm.
Nhược điểm của Him Lam là một vị trí đột xuất, nằm cách phân khu trung tâm 2,5 kilômét. Khoảng cách này cho phép ta tập trung sức mạnh cần thiết, cô lập nó trong một thời gian nhất định để tiêu diệt. Nếu trận đánh kết thúc trong đêm, khả năng tăng viện của quân địch có thể loại trừ.
Để bảo đảm nguyên tắc “trận đầu phải thắng”, tham mưu đã bố trí một lực lượng mạnh hơn quân địch gấp 3 lần, nếu kể cả lực lượng dự phòng, gấp 5 lần, có kế hoạch phòng pháo, phòng không, phòng địch phản kích, dự kiến các tình huống cơ bản và cách xử lý trong quá trình diễn biến chiến đấu. Công tác kiểm tra được thực hiện tỉ mỉ.
Hỏa lực pháo của ta nhìn chung không mạnh hơn địch, nhưng nếu tập trung vào một số mục tiêu nhất định, cũng đủ mang lại sự bất ngờ. Hơn thế, trừ pháo cao xạ, tất cả pháo nặng đều được bố trí phân tán trong những căn hầm kiên cố, trên thế cao. Pháo của ta nằm trên sườn núi đối diện với Mường Thanh nhưng ngụy trang kín đáo, lại có những trận địa giả đánh lạc hướng quân địch, nên chúng rất khó phản pháo hoặc dùng máy bay oanh tạc hiệu quả. Và các khẩu pháo của ta tuy bố trí phân tán, nhưng khi tác chiến vẫn bắn tập trung được vào những mục tiêu chỉ định.
Với cách đánh đã lựa chọn, ta có thể tập trung sức mạnh vào những vị trí quyết định trong những thời điểm quyết định, điều mà mọi người chỉ huy quân sự đều mơ ước, cũng là điều Đờ Cát không thể làm được ngay từ khi còn toàn bộ binh lực trong tay. Đó chính là điều kiện tất thắng của ta. Những đường chiến hào sẽ giúp cho bộ đội tiếp cận đồn địch, bớt bị tiêu hao khi không còn giữ được thế bất ngờ. Nhưng riêng ở Him Lam, ta không thể đẩy đường hào vào giáp tất cả các cứ điểm vì hướng chủ yếu bị dòng sông Nậm Rốm nằm cắt ngang.
Lực lượng trực tiếp tiến công Him Lam là ba tiểu đoàn. Trung đoàn 141 sử dụng một tiểu đoàn đánh cứ điểm số 1, một tiểu đoàn đánh cứ điểm số 2, một tiểu đoàn làm dự bị. Trung đoàn 209 sử dụng một tiểu đoàn tiêu diệt cứ điểm số 3, một tiểu đoàn làm nhiệm vụ dự bị, một tiểu đoàn chặn quân địch phản kích trên đường 41.
Khi xem bản sơ đồ Him Lam, tôi liên tưởng tới Đồn Pheo trong chiến dịch Hòa Bình. Lịch sử đang lặp lại. Đồn Pheo cũng do một tiểu đoàn của bán lữ đoàn lê dương 13 chiếm đóng, và cũng gồm ba quả đồi có địa hình tương tự. Mười lăm tháng trước, trung đoàn 102 không hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt Pheo. Thất bại này trở thành cái hận cho đơn vị công kiên rất giỏi của 308. Sau trận đánh, ta đã tìm hiểu kỹ nguyên nhân. Không phải do địch quá mạnh, mà do 102 rất chủ quan khi nhận nhiệm vụ. Nhưng lần này có nhiều điểm mới cần chú ý. So với Pheo, Him Lam mạnh hơn mọi mặt, về cấu trúc, về hỏa lực, lại là một bộ phận nằm trong hệ thống tập đoàn cứ điểm mà kẻ địch phải bảo vệ bằng mọi giá. Ngay trong trận mở màn chiến dịch, 312 đã gặp bán lữ đoàn lê dương 13!
Tôi đã nhắc anh Lê Trọng Tấn phải tiến hành công tác chuẩn bị hết sức chu đáo vì kẻ địch đã có nhiều tháng trời củng cố, chuẩn bị đón đợi cuộc tiến công của ta.
(Còn nữa)
PV