kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Địa chí huyện Bình Lục - Nguồn tư liệu thiết thực, bổ ích

Địa chí huyện Bình Lục - Nguồn tư liệu thiết thực, bổ ích

Với nguyện vọng xây dựng một cuốn tư liệu tương đối hoàn chỉnh về mảnh đất, con người quê hương, nhiều năm qua cấp ủy, chính quyền và những cán bộ tâm huyết thuộc nhiều thế hệ ở Bình Lục đã kiên trì, tập hợp tư liệu để từng bước tạo dựng nên hình hài một công trình mang tên Địa chí huyện Bình Lục. Tháng 7/2020 vừa qua, công trình đã kịp hoàn thành, chính thức ra mắt độc giả đúng dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Bình Lục nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các sự kiện trọng đại trong năm 2020.

Với dung lượng 660 trang (khổ 19cm x 27cm), Địa chí huyện Bình Lục (Nhà xuất bản Thế giới) được biên soạn theo 5 tuyến nội dung chính: Địa lý; Lịch sử chống ngoại xâm; Kinh tế; Văn hóa - Xã hội; các xã, thị trấn. 
Ở nội dung thứ nhất - “Địa lý”, Địa chí huyện Bình Lục đề cập tương đối đầy đủ về một hệ thống thông tin được sắp xếp theo từng khía cạnh: Địa lý hành chính (bao gồm: vị trí địa lý, địa giới hành chính qua các thời kỳ, dân số) và Địa lý tự nhiên (đề cập các yếu tố về: đất đai, địa hình, địa chất, khoáng sản, khí hậu, thủy văn). 

Địa chí huyện Bình Lục  Nguồn tư liệu thiết thực bổ ích
Bìa cuốn sách “Địa chí huyện Bình Lục”.

Phần nội dung thứ hai - “Lịch sử chống ngoại xâm”, cuốn địa chí sắp xếp hệ thống thông tin tư liệu lịch sử mảnh đất Bình Lục nhất quán với diễn trình lịch sử chung của tỉnh Hà Nam và khu vực đồng bằng Bắc bộ, bao gồm: Bình Lục từ thời tiền sử đến thế kỷ thứ X (Dấu tích con người và khu vực hành chính của cư dân Bình Lục thời kỳ Văn hóa Đông Sơn, cư dân Bình Lục với các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước Văn Lang thời Hùng Vương, cư dân Bình Lục với các cuộc khởi nghĩa chống ách thống trị phương Bắc trước thế kỷ X); Bình Lục từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV (Bình Lục với sự kiện dời đô năm Canh Tuất 1010 của Vương Triều Lý, Bình Lục với cuộc Nam chinh của vua Lý Thánh Tông, Bình Lục trong ba cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Nguyên thế kỷ XIII, Bình Lục trong kháng chiến chống giặc Minh thời nhà Hồ và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi); Bình Lục từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX (Bình Lục trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn năm 1771, địa dư và tổ chức hành chính thời Nguyễn và thời Pháp thuộc); Bình Lục trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1858-1954 (Phong trào chống thực dân Pháp xâm lược trước khi có Đảng, Chủ nghĩa Mác - Lênin truyền bá vào Bình Lục và Tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập, đấu tranh chống khủng bố, khôi phục phong trào cách mạng, đòi dân sinh dân chủ, thành lập Việt Minh lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền, lãnh đạo xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, tích cực chuẩn bị kháng chiến chống Pháp, kiên cường chiến đấu đánh địch giải phóng quê hương); Bình Lục trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chế độ mới, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo vệ miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho miền Nam, tích cực chuẩn bị cho chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tay cày, tay súng góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại, dốc sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc); Bình Lục trong Chiến tranh Biên giới Tây Nam 1978 và Chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979. Cùng với đó là những thông tin bổ ích về những danh nhân thời hiện đại (Lão thành cách mạng tiền bối, tướng lĩnh, Anh hùng LLVTND quê hương Bình Lục; cán bộ lãnh đạo, quản lý) và tổ chức bộ máy hệ thống chính trị hiện hành. Đặc biệt, cuốn địa chí cũng đã tổng hợp, giới thiệu những thông tin tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bình Lục.

Phần thứ ba - “Kinh tế”, Địa chí  huyện Bình Lục tập trung giới thiệu: Tổng quan kinh tế Bình Lục qua các thời kỳ lịch sử (bao gồm: Thời kỳ cổ đại, thời kỳ phong kiến, thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa các thành phần kinh tế, thời kỳ vừa phát triển kinh tế vừa chống Mỹ và chi viện cho cuộc chiến tranh biên giới 1966 - 1980, thời kỳ đổi mới 1981- 2005) và các lĩnh vực nông nghiệp - thủy lợi; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện lực; giao thông vận tải, bưu chính viễn thông; thương mại - du lịch; tài chính ngân hàng.

Địa chí huyện Bình Lục  Nguồn tư liệu thiết thực bổ ích
Một góc thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục).

Hệ thống thông tin ở phần nội dung thứ tư: “Văn hóa - Xã hội” trong Địa chí huyện Bình Lục được độc giả đánh giá cao bởi sự đề cập toàn diện đến những khía cạnh thể hiện rõ bản sắc văn hóa của mảnh đất, con người Bình Lục: Văn hóa (nhất là về di tích, di vật, cổ vật; trang phục; ẩm thực; nhà ở; tục lệ; lễ hội; tôn giáo tín ngưỡng); Văn học - nghệ thuật (trong đó nổi bật là về văn học dân gian, văn học viết, nghệ thuật, văn nghệ sĩ, nhà báo quê Bình Lục, trò chơi dân gian); giáo dục và đào tạo; thể dục thể thao; phát thanh truyền hình; xây dựng nông thôn mới.
Phần thứ năm - “Các xã, thị trấn”, cuốn địa chí tập trung giới thiệu sơ lược những thông tin khái quát và nổi bật về địa lý tự nhiên, hành chính, lịch sử truyền thống, kinh tế, văn hóa- xã hội của 19 xã, thị trấn(*) gồm: Bình Mỹ, An Đổ, An Lão, An Mỹ, An Ninh, An Nội, Bình Nghĩa, Bồ Đề, Bối Cầu, Đồn Xá, Đồng Du, Hưng Công, La Sơn, Mỹ Thọ, Ngọc Lũ, Tiêu Động, Tràng An, Trung Lương, Vũ Bản.

Cùng với 5 phần hệ thống nội dung thông tin chính trên đây, Địa chí huyện Bình Lục còn có một hệ thống thông tin phụ lục, biểu bảng thống kê dữ liệu khá hoàn chỉnh, chi tiết và một số bản đồ (trong đó có tấm bản đồ hành chính rất quý trích trong tài liệu Phủ thông sứ Bắc Kỳ năm 1899)… rất tiện cho công tác tra cứu, đối chiếu, sưu tầm.
Nhận xét về Địa chí huyện Bình Lục, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã viết: Cuốn địa chí tựa như một bản “chúc thư” liệt kê những tài sản vật chất và giá trị tinh thần mà hôm nay chúng ta đang thừa kế của tiền nhân và trao truyền cho hậu thế, để con cháu chúng ta làm được cái lời răn, cũng là niềm tin cậy của người xưa “hậu sinh khả úy”, góp phần làm cho hai chữ “Bình Lục” trường tồn như quê hương của một cộng đồng, thành phần của một dân tộc. Và không chỉ có những “con dân” gốc gác huyện Bình Lục mới cảm thấy sự tự hào hay trách nhiệm đối với quê hương mình, mà những người đọc như tôi cũng nhận ra những điều xưa nay ta biết đến, ta khâm phục, hay ta được thừa hưởng lại chính là những gì phát sinh từ vùng đất được định danh là huyện “Bình Lục” hay rộng hơn là tỉnh “Hà Nam” này.

Hy vọng Địa chí huyện Bình Lục sẽ là nguồn tư liệu bổ ích cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và giảng dạy lịch sử địa phương, công tác giáo dục truyền thống của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể Bình Lục trong thời gian tới.          

______________________

(*) Hiện nay, Bình Lục còn 17 xã, thị trấn, do An Mỹ, Mỹ Thọ mới được sáp nhập vào thị trấn Bình Mỹ

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy