Cuộc đấu trí quyết liệt trên bàn đàm phán hội nghị Paris

Hội nghị Paris được xem như một cuộc đọ sức, một cuộc đấu trí quyết liệt trên bàn đàm phán dài nhất trong lịch sử, là đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam.

Ngày 13/5/1968 phiên họp đầu tiên của cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ chính thức được khai mạc tại Paris, thủ đô nước Pháp. Đây là cuộc chạm chán, đối đầu trực diện giữa hai bên trên mặt trận ngoại giao. Mỗi bên đều mang theo những toan tính, lợi ích của riêng mình.

Chúng ta đến với Hội nghị với tư cách là một đất nước có chủ quyền, bị xâm lược. Còn đế quốc Mỹ là kẻ đi xâm lược, trực tiếp gây nên cuộc chiến tranh dai dẳng, khốc liệt ở Việt Nam.

Những người được cử đến Hội nghị đàm phán, đều mang ý nghĩa nhân danh, đại diện cho Chính phủ nước mình để thảo luận, trao đổi và đi đến thống nhất về nội dung của bản Hiệp định. Họ không còn xa cách về không gian địa lý nữa, mà sẽ trực tiếp đối diện với nhau để bày tỏ quan điểm của mỗi bên.

Vậy, trong cuộc chạm chán, đối diện trực tiếp với đối phương, chúng ta đã có những sách lược ngoại giao như thế nào?

Cuộc đấu trí quyết liệt trên bàn đàm phán hội nghị Paris
Ông Lê Đức Thọ tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam năm 1968. Ảnh tư liệu

Năm 1968, khi đang có mặt ở chiến trường miền Nam, ông Lê Đức Thọ được Bác Hồ triệu tập về Hà Nội giao nhiệm vụ chuẩn bị sang Paris tham dự Hội nghị đàm phán về hòa bình ở Việt Nam. Lúc này, ông Lê Đức Thọ là cố vấn đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp đàm phán với người Mỹ. Đối thủ của ông là Giáo sư, Tiến sĩ Kissinger, Cố vấn an ninh cấp cao của Tổng thống Mỹ.

Hai ông đã có những cuộc trao đổi, thảo luận, thương lượng khi trực tiếp, khi thông qua điện đàm. Hai con người đại diện cho ý chí của hai bên đã  có một cuộc đấu trí vô cùng căng thẳng, quyết liệt. Người Mỹ dựa vào sức mạnh quân sự để lấn át, đe dọa Việt Nam. Nhưng trên bàn đàm phán, ông Lê Đức Thọ luôn bình tĩnh, cương nhu đúng lúc và không bao giờ chịu lép vế khi bị đối phương tấn công, áp đảo.

Ông Hà Đăng, Nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, thành viên trong đoàn đàm phán của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho biết: “Đi với ông Lê Đức Thọ, Kissinger rất phục cái cách của ông Lê Đức Thọ. Kissinger nói với ông Lê Đức Thọ là, các ông cứ đưa ra chiến thuật của các ông là đưa ra những câu hỏi của mình, rồi phê phán câu trả lời của chúng tôi, như là kiểm tra một thí sinh vào vấn đáp. Kissinger nói rằng, Mỹ chẳng may gặp các ông, chứ nếu được chọn đối phương, chúng tôi sẽ chọn đối phương khác, chứ không phải là các ông”.

Giáo sư, Tiến sĩ Kissinger dù đã thuộc lòng các trang giáo án ở Đại học Havard, cũng không thể ngờ rằng, lần này ông phải đối diện và đàm phán với một người mà luôn đẩy ông vào thế bị động. Chúng ta luôn thể hiện tư thế tiến công chủ động, ngay từ những chi tiết nhỏ như sử dụng bàn vuông hay bàn tròn trong Hội nghị? Vị trí các bên ngồi ở đâu? Chúng ta yêu cầu một cái bàn vuông cho bốn bên đàm phán hoặc một cái bàn tròn có bốn góc.

Nhưng phía Mỹ lại đòi một cái bàn chữ nhật có hai bên hoặc một cái bàn tròn chia đôi… Sau cùng, hai bên đi đến thống nhất là hội nghị bàn tròn, trải khăn màu xanh, mỗi bên có một vạch phân chia, như vậy ai hiểu hai bên hay bốn bên đều được.

Cuộc đấu trí quyết liệt trên bàn đàm phán hội nghị Paris
Cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, tiến sĩ Henry Kissinger đàm phán về cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam. Ảnh tư liệu  

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, cho biết, lựa chọn bàn tròn, khăn màu xanh, với tâm hình tròn biểu trưng cho hòa bình. Đây được coi là một thành công bước đầu của chúng ta trong hành trình đi tới hòa bình trên bàn đàm phán.

“Cách ngồi như thế nào, cách trang trí như thế nào, cũng thể hiện nội dung của đàm phán. Trong hội nghị Paris cũng thấy riêng cái chuyện ngồi bàn tròn, hay bàn dài, bàn vuông, hai bên hay bốn bên, tất cả đều có liên quan tới diễn biến trên chiến trường. Hai bên đều phải chuẩn bị theo ý nghĩa có lợi nhất cho mình. Việt Nam chúng ta cũng như thế”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng chia sẻ thêm.

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Đình Lê cho rằng, cái bàn trong Hội nghị còn là nơi thể hiện tính cách, vị thế của các đoàn. Tất cả đều là thành viên. Anh có thể không công nhận tôi, nhưng khi đã ngồi vào bàn là mặc nhiên anh công nhận tôi rồi. Cũng đã tính đến bàn vuông, bàn êlíp nhưng cuối cùng là bàn tròn, ngang bàng như nhau, rất bình đẳng. Vị thế của tôi bằng anh. Tất cả vào ngồi họp với nhau bình đẳng.

Cuộc đấu trí quyết liệt trên bàn đàm phán hội nghị Paris
Hội nghị Paris về Việt Nam (ảnh tư liệu)

Hội nghị đàm phán chính thức được khai mạc vào tháng 5/1968, nhưng trên thực tế, mọi thứ gần như dậm chân tại chỗ, cuộc đàm phán giữa hai bên không có bước tiến triển nào đáng kể. Sự bất hợp tác và cố tình trì hoãn của Chính phủ Mỹ đã làm cho Hội nghị qua ngày này, tháng khác vẫn không đạt được theo ý định của mỗi bên. Người Mỹ hi vọng, sẽ có một giải pháp trên chiến trường, hơn nữa họ cũng đang chịu sức ép từ Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Trước khi đến với Hội nghị, họ đã đặt vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam quá nhiều kỳ vọng và lợi ích. Họ quá tự tin bởi sức mạnh vũ khí, có thể giành chiến thắng bằng sức mạnh quân sự. Vì thế, Mỹ đã thực hiện một cuộc chiến dai dẳng, thua keo này bày keo khác, thua ở miền Nam đánh ra miền Bắc, thua trong việc sử dụng chính quyền và quân đội tay sai thì trực tiếp đưa quân vào, thua tại Việt Nam thì mở rộng cuộc chiến ra Đông Dương, thua tại Đông Dương thì đi các nơi để chèo kéo, tác động quốc tế.

Trong khi đó, chủ trương của ta trong đàm phán tại Hội nghị Paris là ta phải thắng Mỹ, nhưng không được làm mất mặt Mỹ, không làm tổn hại đến lòng tự hào của dân tộc và nhân dân Mỹ. Vì vậy, trong đàm phán ta luôn để ngỏ những khả năng cho phía Mỹ lựa chọn. Thế nhưng, trước sau như một, chúng ta kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Lập trường nhất quán của chúng ta là Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam. Chúng ta kiên quyết không nhân nhượng, không nhượng bộ khi phái đoàn Mỹ đụng chạm đến chủ quyền, lãnh thổ đất nước.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thế, Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích: “Theo tôi, ta không thể nhân nhượng với Mỹ. Bởi trong chiến tranh, nhân nhượng với kẻ thù của mình, tức là đầu hàng, tức là ta đã chấp nhận thua, vì nhân nhượng thì ta phải ký Hiệp định Paris với các điều khoản có lợi cho Mỹ. Và như thế, là nó đi ngược lại các quyền và lợi ích của quốc gia dân tộc, và đi ngược lại với những thành quả chúng ta đã giành được, thì hệ lụy cuối cùng là chúng ta sẽ khó có thể thống nhất đất nước. Nhưng không nhân nhượng với Mỹ cũng không có nghĩa là chúng ta chấp nhận hy sinh Hà Nội và thành phố khác. Chúng ta đã có sự chủ động cho việc đối mặt với B-52 của Mỹ”.

Lênin đã từng nói “Nếu có lợi cho cách mạng, thì cho dù có phải thỏa hiệp với bọn kẻ cướp, chúng ta cũng thỏa hiệp”. Chạm trán, đối diện với kẻ thù trên bàn đàm phán, chúng ta đã thấu suốt phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến, cương nhu đúng lúc, khi kiên quyết khi mềm mỏng khôn khéo. Nhưng nhân nhượng là để chúng ta có thể giải quyết, khai thông bế tắc. Nhân nhượng là để hi sinh cái tạm thời trước mắt để đạt mục đích cuối cùng.

Do vậy nhân nhượng là bước lùi tạm thời để chuẩn bị cho đà tiến công dũng mãnh hơn. Nhân nhượng trong thế tiến công chứ không phải là thỏa hiệp vô nguyên tắc. Lúc đầu ta kiên quyết, yêu cầu Mỹ phải chấp nhận loại bỏ chính quyền Sài Gòn, đòi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức. Nhưng căn cứ vào diễn biến thực tế trên chiến trường, nhận thấy Mỹ sẽ không còn lựa chọn nào khác là phải ký vào Hiệp định, trong tương quan lực lượng và bối cảnh quốc tế cũng đã có những biến chuyển phức tạp.

Chúng ta thấu suốt mục tiêu trước mắt, là "đánh cho Mỹ cút", vì vậy chúng ta cần thiết phải có một hiệp định, để làm căn cứ, cơ sở vững chắc. Vì thế, ta đã nhân nhượng, không đặt nặng vấn đề của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, mà tập trung trước mắt là yêu cầu Mỹ phải rút quân. Ông Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, đó là một bước tiến lớn, một nghệ thuật ngoại giao đàm phàn mẫu mực để lại cho chúng ra nhiều bài học kinh nghiệm.

Cuộc đấu trí quyết liệt trên bàn đàm phán hội nghị Paris
Ông Đặng Đình Quý - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (Ảnh: Báo Quốc tế)

“Trong quan hệ với nhau, các nước đều vì lợi ích của mình. Nhưng quan niệm về lợi ích và phương thức thực hiện lợi ích thì không phải là nhất thành bất biến, luôn có cách quan niệm khác nhau về lợi ích, giữa cái lợi ích ngắn hạn, tạm thời với lợi ích dài hạn căn bản, lợi ích cục bộ và lợi ích toàn diện. Ngoại giao là nghệ thuật của thỏa hiệp, nghệ thuật nhân nhượng người ta nói như thế. Trong khi giữ nguyên tắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, thì có thể nhân nhượng các lợi ích tạm thời ngắn hạn, nếu tạo được cơ sở cho việc thực hiện những lợi ích cơ bản lâu dài sau này”, ông Đặng Đình Quý chia sẻ thêm.

Có thể thấy, Hội nghị Paris được xem như một cuộc đọ sức, một cuộc đấu trí quyết liệt trên bàn đàm phán dài nhất trong lịch sử. Là đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam. Chúng ta đã giữ vững nguyên tắc chiến lược, nhưng linh hoạt về sách lược trong đấu tranh. Chúng ta chỉ nhân nhượng trong mức giới hạn cho phép, vừa dồn đối phương vào thế chân tường, vừa mở đường cho họ rút lui trong danh dự. Vì thế nhiều học giả trên thế giới đã đánh giá, Hiệp định Paris vừa là một sự kết thúc, vừa là một sự khởi đầu. Kết thúc một giai đoạn trường kỳ đàm phán. Nhưng lại mở ra cho chúng ta con đường đi đến ngày thống nhất./.

Trường Giang/Phát thanh Quân đội

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy