kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Cuộc chiến không tiếng súng ở trại Davis 50 năm trước

Cuộc chiến không tiếng súng ở trại Davis 50 năm trước

Hơn hai năm làm việc ở trại Davis, gần 300 cán bộ, chiến sĩ hai đoàn quân sự đã buộc đối phương phải tuân thủ hiệp định Paris.

Ngày 27/1/1973, hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được 4 bên ký kết gồm: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.

Theo Điều 10 của hiệp định, hai đoàn đại biểu quân sự gồm Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (đoàn A) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (đoàn B) có nhiệm vụ bảo đảm các bên tuân thủ chặt chẽ hiệp định. Trong đó quan trọng nhất là nội dung ngừng bắn, Mỹ rút quân và trao trả tù binh giữa hai bên.

Hai đoàn A và B hoạt động trong Ban Liên hợp quân sự từ ngày 28/1/1973. Trụ sở đặt tại trại Davis, trại lính cũ của Mỹ, nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP HCM. Trại nằm lọt giữa bốn bề lô cốt, ụ súng, hào sâu và hàng rào dây thép gai, kề sát đường băng sân bay Tân Sơn Nhất.

Cuộc chiến không tiếng súng ở trại Davis 50 năm trước
Những căn nhà gỗ tại trại Davis được bố trí cho Ban Liên hợp quân sự năm 1973. Ảnh: Ban liên lạc cựu chiến binh Trại Davis

Đại tá Đào Chí Công khi đó là sĩ quan đối ngoại, thông thạo cả tiếng Anh và Pháp, được phân công làm việc tại Văn phòng Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nay đã gần 80 tuổi, nhưng ông vẫn nhớ rõ từng sự kiện trong chuỗi 823 ngày hoạt động của trại Davis (28/1/1973-30/4/1975).

Trại có khoảng 10 nhà làm bằng gỗ thông, mái lợp fibro xi măng, nội thất toàn đồ bằng sắt. Dưới ánh nắng thiêu đốt của Sài Gòn, nhiệt độ phòng lúc nào cũng xấp xỉ 40 độ C. Xung quanh trại có 13 trạm gác, súng đại liên và đèn thường trực chĩa vào phía trong trại, tiếng máy bay từ Tân Sơn Nhất gầm rú ngày đêm.

"Qua kiểm tra, cán bộ an ninh phát hiện hàng chục bộ ghi âm, nghe lén gắn trong tường, sàn nhà và vật dụng. Suốt hơn hai năm ở đây, quân đội Sài Gòn luôn phá sóng và cố gắng đánh cắp nội dung điện đàm mật", ông Công nhớ lại.

Vì thế cán bộ an ninh phải sử dụng máy dò kim loại bóc tách hết thiết bị gián điệp. Để khắc chế máy phá sóng, đoàn phối hợp cùng Bộ Công an trang bị nhiều loại thiết bị liên lạc hiện đại để điện đàm thông suốt về Hà Nội.

Với cường độ làm việc gần như 24/24h, trong hơn hai năm, Ban Liên hợp quân sự đã có gần 1.000 công hàm phản đối, tố cáo vi phạm của Mỹ cũng như chính quyền Sài Gòn. Hai đoàn cũng tổ chức hơn một trăm cuộc họp cấp trưởng đoàn và nhiều cuộc họp cấp tiểu ban. Thông tin chiến lược quân sự quan trọng của đối phương được trại Davis thu thập, chuyển về Hà Nội. Một trong số đó là chính quyền Sài Gòn gia tăng hoạt động của phi đoàn máy bay F5 và F5E.

Ông Vũ Thế Cường, khi ấy là sĩ quan trinh sát tại trại Davis, kể tháng 10/1973 ông và đồng đội phát hiện Đoàn 3 và 4 không quân Sài Gòn thường xuyên yêu cầu căn cứ Tân Sơn Nhất cung cấp bình oxy cho phi đoàn máy bay F5 và F5E. Nếu Tân Sơn Nhất không cấp đủ, các phi đoàn này sẽ ngừng hoạt động. Cùng lúc đó, cả Sư đoàn 1 và 2 không quân Sài Gòn đóng ở Đà Nẵng và Pleiku cũng liên tục yêu cầu Tân Sơn Nhất cung cấp bình oxy.

Hỏi sĩ quan binh chủng không quân trong trại Davis, ông Cường được biết máy bay phản lực có tốc độ cao, lúc tác chiến phải nhào lộn trên không rất cần oxy để hỗ trợ nhịp thở cho phi công. Chỉ có F-5 và F-5E thường xuyên yêu cầu cung cấp bình oxy, các loại máy bay như AD-6 và A-37 thì không. Việc không quân Sài Gòn liên tục yêu cầu căn cứ Tân Sơn Nhất cung cấp oxy có nghĩa "máy bay F5 và F5E hoạt động dày đặc trên chiến trường".

Ông Cường lên gặp thủ trưởng phái đoàn báo cáo và được đánh giá "đây là nguồn tin rất quan trọng". Thông tin sau đó được chuyển về chỉ huy chiến dịch ở Hà Nội. Ngày 5/11/1973, quân giải phóng miền Nam pháo kích dữ dội sân bay Biên Hòa, làm hư hại xưởng sản xuất oxy, khiến quân đội Sài Gòn thiệt hại nặng. Cú đánh này cũng làm thất bại nhiều kế hoạch tiến công bằng máy bay chiến đấu F-5 và F-5E.

Cuộc chiến không tiếng súng ở trại Davis 50 năm trước
Đại tá Đào Chí Công, gần 80 tuổi, vẫn nhớ rõ từng sự kiện trong chuỗi 823 ngày hoạt động của trại Davis. Ảnh: Hoàng Phong

Từ tháng 10/1974, chính quyền Sài Gòn công khai phá hoại hiệp định Paris, khống chế, bao vây chặt hơn trại Davis, thường trực đe dọa bằng vũ lực. Trước sự thay đổi của đối phương, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố đình chỉ vô thời hạn cuộc họp của Ban Liên hợp quân sự.

Cả hai đoàn A và B tiếp tục guồng làm việc, giám sát chặt chẽ mọi động tĩnh của chính quyền Sài Gòn, bám sát chỉ đạo của chỉ huy chiến dịch tại Hà Nội. Sáng, cán bộ, chiến sĩ vẫn tập thể dục, chơi tennis, đánh bóng chuyền. Buổi chiều, họ chăm sóc vườn rau, cây cối rồi tự cắt tóc, ca hát cho nhau nghe.

"Ta duy trì nhịp sinh hoạt, công việc bình thường, thể hiện tinh thần lạc quan cho đối phương thấy ta không hề run sợ, quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng bằng con đường chính nghĩa", đại tá Đào Chí Công giải thích.

Từ giữa tháng 3 đến tháng 4/1975, quân Giải phóng chiến thắng dồn dập, hai đoàn ở trại Davis nhìn rõ triển vọng đại quân tiến vào Sài Gòn trong nay mai. Không loại trừ khả năng quân đội Sài Gòn sẽ tiêu diệt hai đoàn quân sự cách mạng, vấn đề an toàn của 300 cán bộ, chiến sĩ trại Davis được đặt ra.

Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh thông báo kế hoạch đưa cánh đặc công vào trại Davis đón đoàn ra nơi an toàn. Tuy nhiên sau khi họp, phân tích kỹ tình hình, Ban chỉ huy hai đoàn thống nhất xin cấp trên cho ở lại trại Davis chiến đấu. Lý do gần 300 người phải di chuyển 10 km trong điều kiện đối phương bao vây rất dễ bị phát hiện và tổn thất lớn. Nếu ở lại, hai đoàn vẫn có đủ điều kiện cầm cự chờ quân Giải phóng vào tiếp ứng.

Nhà báo Nguyễn Sinh, báo Nhân dân, là phóng viên của Phái đoàn Liên hiệp quân sự tại trại Davis thời điểm đó, kể lại ngày 18/4/1975 hai đoàn bắt đầu chuẩn bị chiến đấu, biến trại Davis thành công trường ngầm, bí mật triển khai trận địa. Về vũ khí, hai đoàn có 30 khẩu AK và CKC, sĩ quan mỗi người một khẩu súng ngắn và vừa được bổ sung 2 thủ pháo chống tăng. Toàn trại chia làm 7 khu vực chiến đấu, có 2 sở chỉ huy, có hầm quân y, hai hầm dự trữ lương thực.

"Do chỉ có hai xà beng và vài chiếc xẻng, anh em tận dụng cọc màn bằng sắt, dao găm, đĩa sắt nhà ăn của lính Mỹ để lại để đào và xúc đất", ông Sinh nhớ lại.

Đến 4h ngày 29/4/1975, pháo của quân Giải phóng bắn dồn dập vào sân bay Tân Sơn Nhất. Xung quanh Sài Gòn, năm cánh quân Giải phóng siết chặt vòng vây. Một số đơn vị bắt đầu vào nội thành. Trên bầu trời, hàng chục trực thăng của Mỹ gấp rút di tản nhân viên CIA, cố vấn quân sự, nhân viên đại sứ quán.

Rạng sáng 30/4/1975, xe tăng của quân Giải phóng tràn qua sân bay Tân Sơn Nhất. "Anh em chúng tôi vui sướng đến trào nước mắt. Ai cũng muốn nhảy ra khỏi hầm để chứng kiến cánh quân ta đang ào ạt tiến vào Sài Gòn", ông Công hồi tưởng.

Trên đỉnh tháp nước trại Davis, lá cờ giải phóng tung bay và là một trong những lá cờ cách mạng sớm nhất ở Sài Gòn vào lúc 9h30. Sau đó hai giờ, xe tăng của quân Giải phóng húc đổ cánh cổng sắt dinh Độc Lập.

Nói về chiến công của hai đoàn quân sự tại trại Davis, cố đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, cho rằng trong thế trận chung bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, gần 300 cán bộ, chiến sĩ ở trại Davis cũng "có thế riêng của mình, thế đứng công khai hiên ngang giữa lòng địch".

Với những đóng góp trong hơn hai năm ở trại Davis, Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20/4/2012.

Theo Sơn Hà/VnE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy