CIA và dự án “Mèo nghe lén”

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô gia tăng khiến hai siêu cường luôn tìm cách để giành lợi thế trước đối phương. Không chỉ chạy đua về vũ trang và công nghệ, Mỹ và Liên Xô còn nghĩ ra những phương pháp gián điệp để do thám lẫn nhau, trong đó phải kể đến dự án “Mèo nghe lén” (Ascoustic Kitty) được Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiến hành trong những năm 1960 của thế kỷ trước.

“Phù thủy Langley” phù phép “điệp viên mèo”

Được triển khai từ năm 1961 nhưng phải 40 năm sau dự án “Mèo nghe lén” mới được biết đến khi Cơ quan Khoa học và Công nghệ của CIA giải mật các tài liệu gửi cho Jeffrey T.Richelson-một thành viên cao cấp thuộc Trung tâm Lưu trữ An ninh quốc gia Mỹ.

Theo tài liệu giải mật, năm 1961 cuộc khủng hoảng Berlin đang cận kề và nhiều người chưa biết rằng thế giới đang hướng tới một sự leo thang chóng mặt giữa phương Tây và phương Đông. Về phần mình, CIA cố gắng tìm cách theo dõi hoạt động bên trong Đại sứ quán Liên Xô ở thủ đô Washington nhưng không mấy thành công.

CIA và dự án “Mèo nghe lén”
 Mèo được lựa chọn để đào tạo trở thành “điệp viên ưu tú”.

Nhiệm vụ do thám được đặt lên vai các “phù thủy Langley”-biệt danh của những người đang làm việc về đổi mới công nghệ tại Cơ quan Khoa học và Công nghệ của CIA có trụ sở ở Langley (tiểu bang Virginia). Các “phù thủy Langley” tìm cách sử dụng công nghệ để cấy rệp gián điệp vào các đại sứ quán nước ngoài ở Mỹ, trong đó có Đại sứ quán Liên Xô đặt tại Washington. 

Sau một thời gian nghiên cứu, các “phù thủy Langley” đề xuất chọn mèo để đào tạo trở thành “điệp viên ưu tú”. Theo họ, mèo là loại động vật nhỏ bé, có thể đi tới bất kỳ đâu và không gây nghi ngờ. Nhiệm vụ của họ là biến mèo thành chiếc micro nghe lén di động, sau đó để nhân viên của đại sứ quán nhận nó và… từ đó có thể nhận được thông tin mong muốn.

Ngay lập tức, bộ óc của các “phù thủy Langley” bắt đầu tập trung phát minh các thiết bị để gắn lên mình mèo như nguồn điện, máy phát tín hiệu, micro, ăng-ten. Theo Le Figaro, để thành công, những thiết bị này phải đủ nhỏ để không gây chú ý và phải chịu được việc bị liếm hay cọ xát. Ngoài ra, các phản ứng sinh hóa, nhiệt độ, độ ẩm và bản tính tò mò bẩm sinh của loài mèo cũng là những yếu tố cần tính đến.

Phải mất nhiều tuần, các “phù thủy” của Langley mới nhất trí được việc cấy các thiết bị vào con vật. Cụ thể, bộ phận truyền dẫn dài 19mm được cấy ghép vào đáy hộp sọ mèo, cùng một micro trong ống tai, pin điện được đặt trong khoang ngực. Đoạn dây lưới đóng vai trò ăng-ten được kéo từ gáy đến đuôi và ẩn trong lông mèo. Các nhà khoa học sẽ theo dõi mèo để xem cách chúng phản ứng với các thiết bị. “Mèo gián điệp” bắt buộc phải hoạt động thoải mái giống như bình thường để không thu hút sự chú ý.

CIA và dự án “Mèo nghe lén”
 Bản thiết kế hệ thống do thám của dự án “Mèo nghe lén”. Ảnh: War History

Trong một cuốn sách viết riêng về vai trò của “người bạn nhiều lông” trong cuộc chiến tình báo Mỹ, tác giả Emily Anthes kể lại: “Trong một giờ phẫu thuật, bác sĩ thú y đã biến một con mèo lông xám thành một điệp viên ưu tú. Thật kỳ diệu, ca phẫu thuật thành công”. Tuy nhiên, trong cuốn sách “The Wizards of Langley” của tác giả Jeffrey T.Richelson, ông Victor Marchetti, Trợ lý của Giám đốc CIA trong những năm 1960 của thế kỷ trước khẳng định rằng cơ quan này đã tạo ra “một sự quái dị”.

Hồi phục sau ca phẫu thuật và được thả vào tự nhiên sau các thử nghiệm đầu tiên, “mèo gián điệp”… hành xử như một con mèo tự nhiên. Nó làm theo ý nó và lang thang khắp nơi, trừ những nơi chiến lược. “CIA đã tiến hành thử nghiệm nhiều lần và phát hiện ra rằng khi đói mèo sẽ đi kiếm mồi”, ông Marchetti nói với phóng viên báo Telegraph vào năm 2001 như vậy.

Để ngăn sự thèm ăn của mèo, các “phù thủy Langley” tiếp tục tiến hành phẫu thuật con vật này, sau đó thiết lập toàn bộ chương trình huấn luyện khiến mèo trở nên ngoan ngoãn hơn. Bob Bailey, một trong những người huấn luyện động vật giỏi nhất thời bấy giờ đồng thời là người điều hành chương trình huấn luyện cá heo của CIA chia sẻ trên Tạp chí Smithsonian: “Chúng tôi huấn luyện mèo biết cách lắng nghe một số giọng nói nhất định. Chúng tôi không chắc mình có đạt được thành công hay không, nhưng chúng tôi thấy “mèo gián điệp” ngày càng biết lắng nghe tiếng nói của con người hơn và ít chú ý hơn đến những gì xảy ra xung quanh”.

Sau đó, cùng với Robin Michelson-một bác sĩ tai mũi họng người California và là một trong những người đầu tiên phát minh ra ốc tai điện tử, các “phù thủy Langley” đã chế tạo một thiết bị điều khiển từ xa hướng đi của mèo nhờ vào sóng siêu âm.

Sau 5 năm làm việc chăm chỉ, 2 cuộc phẫu thuật, hàng trăm giờ "điều hòa tinh thần" để dập tắt bản năng tự nhiên động vật và 20 triệu USD đầu tư, một chú mèo gắn các thiết bị tinh vi được đưa lên một chiếc xe tải không biển số, đi dọc một con phố và dừng lại phía đối diện Đại sứ quán Liên Xô ở Washington, sẵn sàng làm nên lịch sử.

Theo trang mạng vice.com, mục tiêu của “điệp viên mèo” là hai người đàn ông ngồi bên ngoài Đại sứ quán Liên Xô. “Điệp viên mèo” được thả xuống từ xe tải chứa nhiều thiết bị do thám điện tử và các nhân viên tình báo CIA sẵn sàng tiếp nhận tín hiệu mà mèo thu lại. Nhưng ngay khi được thả về tự nhiên, con mèo đã phớt lờ mục tiêu, lao ra đường và bị một chiếc taxi cán ngang qua khi nó mới di chuyển được 300m. Công sức 5 năm trời của CIA bỗng chốc tan thành mây khói.

Nhiệm vụ lập tức bị hủy bỏ và các “phù thủy Langley" sau đó phải đối mặt với những cuộc thẩm vấn nặng nề. Theo các tài liệu được giải mật từ kho lưu trữ của Đại học George Washington, CIA đã từ bỏ dự án “Mèo nghe lén” vào năm 1967 với biện minh rằng bất chấp “năng lượng và trí tưởng tượng” của các kỹ sư, việc sử dụng “mèo gián điệp” trên cơ sở hoạt động giám sát “sẽ không thực tế”. CIA đồng thời không quên ca ngợi bản thân vì “thành tích khoa học đáng nể” trên.

Nhiều năm sau thất bại của dự án “Mèo nghe lén”, năm 2013, Robert Wallace-cựu Giám đốc Văn phòng Kỹ thuật của CIA, khẳng định con mèo đã không chết sau cú đâm xe năm 1966. CIA đã đưa nó về cứu chữa, lấy các thiết bị ra khỏi cơ thể và con vật tiếp tục sống bình thường. Tuy nhiên, dự án 20 triệu USD của CIA đã bị phá sản hoàn toàn vào năm 1967. CIA sau đó chuyển sang sử dụng robot cỡ nhỏ và máy bay do thám của Cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu tiên tiến về quốc phòng Mỹ (DARPA).

Những dự án thú gián điệp “xôi hỏng bỏng không”

Năm 2019, CIA đã giải mật hàng chục hồ sơ liên quan đến các thử nghiệm huấn luyện động vật từ mèo, chó, cá heo đến chim làm gián điệp nhằm hỗ trợ Washington chống lại Moscow trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, các tài liệu giải mật cho thấy không chương trình huấn luyện thú điệp viên nào gặt hái kết quả như mong đợi.

AFP cho biết, CIA từng cố gắng huấn luyện cá heo trở thành kẻ phá hoại tiềm năng và do thám sự phát triển hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô. Hai dự án “Oxygas” và “Chirilogy” của CIA đã tập trung huấn luyện cá heo để thay thế thợ lặn, đặt thuốc nổ lên các tàu đang neo đậu hoặc di chuyển gần các cảng của Liên Xô và bơi dọc các tàu ngầm Liên Xô để thu tín hiệu âm thanh. Tuy nhiên cả hai dự án này đều thất bại.

CIA và dự án “Mèo nghe lén”
 Cá heo trong dự án “Axiolite” của CIA. Ảnh: AFP

CIA cũng tập trung huấn luyện chim di cư, coi chúng như là “các cảm biến sống”. Cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, loài chim di cư thường dành một khoảng thời gian trong năm để di chuyển đến vùng Shikhany ở lưu vực sông Volga-nơi mà Washington cho rằng Liên Xô đặt nhà máy vũ khí hóa học trong khu vực này. Dựa vào việc phân tích thịt của chim di cư, CIA có thể xác định được các hợp chất hóa học được nghiên cứu tại nhà máy. Tuy nhiên, dự án trên cũng chẳng đi tới đâu.

Đầu thập niên 1970, CIA triển khai dự án “Axiolite” huấn luyện quạ, vẹt, bồ câu, cú và diều hâu với hy vọng chúng có thể thả các thiết bị nghe lén trên bệ cửa sổ và thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh trên cao. Nổi bật nhất dự án “Axiolite” là quạ Do Da. Con quạ này là nhân vật trung tâm trong chương trình huấn luyện thú làm gián điệp kéo dài suốt một thập kỷ của CIA. Năm 1974, Do Da đứng đầu trong lớp huấn luyện tình báo và có triển vọng để trở thành một “đặc vụ CIA” với khả năng bay tốt trong thời tiết xấu, mang được vật nặng và có thể đánh bại những kẻ tấn công. Tuy nhiên trong bài kiểm tra khó nhất của mình, Do Da đã biến mất. Có vẻ Do Da đã bị chính đồng loại bình thường của mình tiêu diệt.

Khóa huấn luyện chim bồ câu chụp ảnh trong dự án trên cũng gặp khó khăn. Khi thử nghiệm, CIA thu về một số bức ảnh hoàn hảo nhưng một số ảnh khác không thể nhìn ra. Thậm chí, cả chim lẫn máy ảnh đắt tiền gắn trên thân chim đều “một đi không trở lại”.

Theo qdnd.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy