10 nhà văn - điệp viên nổi tiếng

Trong lịch sử văn học, tiểu thuyết tình báo luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Cuốn tiểu thuyết tình báo đầu tiên xuất hiện năm 1821 với chữ ký của Fenimore Cooper. Tuy xuất hiện muộn hơn so với các thể loại tác phẩm văn học khác, các tiểu thuyết tình báo thường được viết bởi các chuyên gia từng làm việc trong lĩnh vực này. Điều này đã được chứng minh bởi 10 điệp viên thuộc các “cơ quan tình báo” khác nhau trước khi chuyển sang viết tiểu thuyết.

John Buchan (1875-1940), tác giả của tác phẩm kinh điển

John Buchan là tác giả của tác phẩm kinh điển “The Thirty-Nine Steps”. Tác phẩm này đã 4 lần được chuyển thể lên màn ảnh rộng, trong đó phiên bản của đạo diễn Alfred Hitchcock là nổi tiếng nhất và được giới phê bình đánh giá là một kiệt tác.

John Buchan từng là luật sư làm việc tại một văn phòng luật sư ở London, Anh (một số người cho rằng đây chỉ là vỏ bọc). Ông đã xuất bản khoảng 30 tác phẩm chủ yếu dựa trên kinh nghiệm quân sự của ông,... đặc biệt là thời kỳ chiến tranh Boer ở Nam Phi từ năm 1901 đến năm 1903.

10 nhà văn  điệp viên nổi tiếng
 Nhà văn - điệp viên John Buchan, tác giả của tác phẩm kinh điển “The Thirty-Nine Steps”. Ảnh: flickr 

Tin chắc rằng văn học có thể là vũ khí, ông đã thành lập một bộ phận chịu trách nhiệm xuất bản các tiểu thuyết chống lại Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông đã tập hợp khoảng 10 nhà văn nổi tiếng, bao gồm G.K. Chesterton, Conan Doyle, Thomas Hardy, Anthony Hope, H.G. Wells... Chính John Buchan đã “soạn thảo lên giấy” những chiến tích của đặc vụ Edmund Ironside-người được giao nhiệm vụ bắt điệp viên Richard Hannay trong truyện tình báo “The Thirty-Nine Steps”.

Sau này John Buchan được bổ nhiệm làm Toàn quyền Canada vào năm 1935, một phần nhờ những tác phẩm tình báo xuất sắc của ông.

William Somerset Maugham (1874-1965), đặc phái viên tại Moscow, Liên Xô

William Somerset Maugham là con trai của một nhà ngoại giao người Anh, sinh ra và lớn lên ở Pháp. Năm lên 10 tuổi, William trở về Anh sau cái chết của cha mình, ông Somerset Maugham.

William đã để lại cho những độc giả đam mê truyện tình báo khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm 20 tiểu thuyết và gần 120 truyện ngắn. Xuất thân là một bác sĩ ở London, ông William chuyển sang viết văn và đi du lịch khắp thế giới. Nhà văn tận dụng những chuyến du lịch của mình để thực hiện nhiệm vụ cho Cơ quan Tình báo Anh (MI6). Là người nói thông thạo tiếng Pháp và tiếng Đức, tài năng quan sát của William đã mang lại những đóng góp xuất sắc cho cơ quan tình báo Anh. Đặc biệt ở Nga, nơi các báo cáo của ông gửi về ngay trước cuộc cách mạng Bolshevik, đã cho phép tình báo Anh dự đoán sự sụp đổ của chế độ Sa hoàng.

Từ những trải nghiệm thực tế, năm 1928, William đã cho ra mắt tác phẩm “Ashenden: Or the British Agent” viết về một điệp viên đầy cảm xúc.

Mary Roberts Rinehart (1876-1958) ở mặt trận châu Âu

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Văn phòng Dịch vụ Chiến lược (OSS, tiền thân của CIA) thường xuyên tuyển dụng phóng viên thực hiện nhiệm vụ gián điệp. Mary Roberts Rinehart là một trong những tân binh của OSS.

10 nhà văn  điệp viên nổi tiếng
 Nữ nhà văn - điệp viên Mary Roberts Rinehart xuất thân từ một y tá. Ảnh: alleghenycity.org 

Từng là một y tá, nữ người phụ nữ trẻ xuất bản thành công cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên có tựa đề “The Man in Lower Ten” vào năm 1906. Một năm sau, cô cho ra mắt cuốn sách thứ hai “The Circle Starcase”, tác phẩm này sau được chuyển thể thành kịch. Cô gái trẻ này còn viết bài cho báo The Saturday Evening Post.

Tài năng văn chương cuối cùng đã đưa Mary tới châu Âu khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Nữ nhà báo luôn mang trên mình chiếc máy ảnh và ghi âm trong túi xách đã thu thập được nhiều thông tin có giá trị về mặt trận Pháp-Đức, thậm chí còn đi xa đến mức moi ra những bí mật từ Vua Bỉ trong một cuộc phỏng vấn.

Pierre Nord (1900-1985), điệp viên Phòng Nhì

André Brouillard, được biết đến nhiều hơn với bút danh Pierre Nord (liên quan đến nơi sinh của ông), đã xuất bản hơn 70 cuốn tiểu thuyết, mà phần lớn đều nhuốm màu gián điệp. Một thế giới mà nhà văn gốc Cateau-Cambresis, ở Hauts-de-France (Pháp) đã khám phá khi còn là một thiếu niên.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Pierre Nord tham gia mạng lưới tình báo được mệnh danh là “Quý bà da trắng”, chịu trách nhiệm báo cáo cho đồng minh về chuyển động của các đoàn tàu quân sự Đức quốc xã. Bị lộ vào năm 1916, nhưng nhờ đang ở tuổi vị thành niên nên Pierre Nord thoát khỏi án tử hình. Sau chiến tranh, Pierre Nord tham gia quân đội vào năm 1922, trước khi gia nhập Phòng Nhì - một cơ quan chịu trách nhiệm thu thập và phân tích thông tin tình báo của Pháp.

Ian Fleming (1908-1964) - đặc vụ mang mật danh “17F”

Ian Fleming - “cha đẻ” của điệp viên hư cấu mang bí số 007 “James Bond” - cũng là một điệp viên. Sau khi theo học tại trường Cao đẳng Eton, Ian Fleming được Chuẩn đô đốc John Godfrey tuyển dụng vào năm 1939, trở thành thành viên đơn vị tình báo quân sự Hải quân Hoàng gia (thuộc Cục Tình báo Hải quân Anh), với bí danh “17F”.

10 nhà văn  điệp viên nổi tiếng
 Ian Fleming - “cha đẻ” của điệp viên hư cấu mang bí số 007 “James Bond”. Ảnh: golf.com

Vai trò của điệp viên “17F” trong Chiến tranh thế giới thứ hai là theo dõi lộ trình của tàu ngầm Đức Quốc xã. Được thăng cấp bậc Trung úy trong Lực lượng Dự bị Tình nguyện Hải quân Hoàng gia (RNVR), Ian Fleming có nhiệm vụ dịch từ tiếng Đức (và tiếng Pháp) những thông tin mà tình báo Anh thu được. Một trong những thành công lớn nhất của Ian Fleming là Chiến dịch Mincemeat nhằm mục đích chuyển hướng sự chú ý của Bộ tham mưu Đức quốc xã bằng cách khiến họ tin rằng quân đồng minh đang lên kế hoạch đổ bộ vào Balkan vào năm 1944. Nhiệm vụ thành công, Ian Fleming được thăng chức chỉ huy sau đó.

Marthe McKenna (1892-1966) - Mắt London

Sinh ra ở Flanders (Bỉ), Marthe Cnockaert được quân đội Anh tuyển dụng vào đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất với mật danh “Laura”. Nữ nhân viên phục vụ trong quán cà phê của cha mẹ mình ở Bỉ sau đó trở thành y tá trong một bệnh viện ở Đức. Ở đó, cô đã thu thập được nhiều thông tin có giá trị, sau đó gửi về cho cấp trên vào các ngày Chủ nhật hằng tuần.

Năm 1915, trong nhà “Laura” có thêm một người làm vườn (mật danh “Canteen Ma”) và một người đưa thư (mật danh “Số 63”) có nhiệm vụ truyền tin về các hoạt động chuyển quân trong vùng. Tuy nhiên, một linh mục được người Đức thuê đã bắt giữ cô vào năm 1916 sau khi nỗ lực phá hoại kho đạn dược của kẻ thù của cô thất bại. Bị kết án tử hình, Marthe Cnockaert được ân xá vào phút cuối.

Marthe sau đó xuất bản cuốn hồi ký của mình dưới tên một phụ nữ đã kết hôn (cô kết hôn với John McKenna sau Hiệp định đình chiến). Cuốn “I was a spy” xuất bản năm 1932 được Winston Churchill viết lời tựa.

Graham Greene (1904-1991), bạn của Kim Philby

Được tuyển dụng bởi Kim Philby - người sau này trở thành đặc vụ của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) - Graham Greene làm việc cho MI6 với nhiệm vụ theo dõi một khu vực rộng lớn bao gồm Lưu vực Congo, Liberia, Haiti và Mexico. Graham Greene từng có mặt ở Sierra Leone trong Chiến tranh thế giới thứ hai, sau đó mở rộng nhiệm vụ tình báo sang tận Cuba.

Những trải nghiệm trong suốt thời gian làm điệp viên ở Cuba là cơ sở để Graham Greene viết tiểu thuyết “Our Man in Havana” (1958), trong đó tác giả kể một số nhiệm vụ mà ông đã thực hiện ở quốc gia vùng Caribe trước khi Fidel Castro lên nắm quyền.

Roald Dahl (1916-1990), phóng viên danh dự của Washington

Roald Dahl là cựu phi công của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, từng bị thương trong trận chiến năm 1940. Roald Dahl được MI6 tuyển dụng vào năm 1942 trong thời gian ông ở Mỹ và nằm dưới sự chỉ huy của Cơ quan điều phối An ninh Anh (BSC), một bộ phận có nhiệm vụ thúc đẩy đối thoại giữa London và Washington. Nhiệm vụ của Roald Dahl là ghi lại chi tiết các cuộc trao đổi giữa ông với các quan chức cấp cao Mỹ ở Washington. Roald Dahl có quan hệ mật thiết với Phó tổng thống Henry Wallace. Hai người thường đi chơi quần vợt cùng nhau. Thậm chí, Roald Dahl còn tìm cách tiếp cận Franklin Delano Roosevelt. Nhờ đó, Roald Dahl thu thập được nhiều thông tin, và gửi cho Winston Churchill những quan điểm của Nhà Trắng về các vấn đề chính sách đối ngoại. Theo Donald Sturrock - người viết tiểu sử của Roald Dahl, tiểu thuyết gia này đã chuyên nghiệp đến mức đã thuyết phục thành công một nữ nghị sĩ Mỹ về sự cần thiết can thiệp của quân đội Mỹ ở châu Âu.

Gérard de Villiers (1929-2013), thủ thư SDECE

Nhà văn Gérard de Villiers là người có mối quan hệ chặt chẽ với Cơ quan Thu thập tin tình báo ngoài nước và phản gián (SDECE), tiền thân của Tổng cục An ninh ngoài nước của Pháp (DGSE).

Vài ngày sau khi Gérard de Villiers qua đời ngày 31-10- 2013, Tướng Philippe Rondot tiết lộ rằng, vào thập niên 1960, chính ông Rondot đã giới thiệu nhà văn với Đại tá Ivan de Lignières. Ca ngợi hết mực tài năng của nhà văn, Tướng Rondot cho rằng, ông Gérard rất hữu ích trong vai trò cố vấn cho Giám đốc Tổng cục Giám sát Lãnh thổ (DST) và cố vấn về tình báo và các hoạt động đặc biệt (CROS) cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. “Ông Gérard đã giúp tôi khá hiệu quả. Thông qua những lần tiếp xúc, sự thông minh về tình huống, những mô tả chính xác về các địa hình khác nhau, ông ấy đã giúp tôi tránh được một số cạm bẫy và một số cuộc chạm trán mạo hiểm”.

John le Carré (1931-2020), “chuột chũi” suýt sang phương Đông

John le Carré đã sáng tạo ra một nhân vật phản diện “George Smiley” và biến anh ta trở thành nhân vật chính của 9 cuốn tiểu thuyết gián điệp mô tả với chủ nghĩa hiện thực hiếm có về cuộc sống hằng ngày khó khăn của các điệp viên phương Tây truy lùng những “chuột chũi” từ phương Đông.

10 nhà văn  điệp viên nổi tiếng
 John le Carré từng làm việc cho MI6. Ảnh: Le Point

Tác giả cuốn sách kinh điển “The Spy Who Came in from the Cold”-John Carré, tên thật là David Cornwell, làm việc cho MI6 trong những giờ phút tồi tệ nhất của Chiến tranh Lạnh. Sống ở Đức, John Carré tiết lộ lúc cuối cuộc đời rằng ông từng bị cám dỗ để trở thành điệp viên hai mang của cả Anh và Nga... Tuy nhiên, năm 1963, John le Carré chính thức rời MI6 sau khi điệp viên Kim Philby lộ vỏ bọc với Moscow.

Theo qdnd.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy