Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân trong quản lý nhà nước về đất đai 

Ngày 20/2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân trong quản lý nhà nước về đất đai 
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh và Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Ngọc Đường chủ trì Hội nghị.

Theo ông Trần Ngọc Đường, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa hình thành được một cơ chế kiểm soát có hiệu lực, hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. 

Theo đó, cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực cho phép nhân dân với tư cách là công dân có quyền giám sát, kiến nghị, đề nghị, tố cáo, tham gia quản lý nhà nước... trong các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp của công dân mà trước hết là Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng các thành viên của Mặt trận thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Mặc dù dự thảo Luật đã chú trọng đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhưng các quy định chưa đầy đủ và chưa bao quát hết các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai.

Góp ý kiến đối với nội dung về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thu hồi đất, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, thực tiễn trong quy trình thu hồi đất có những khó khăn, tồn tại dẫn đến xảy ra khiếu kiện phức tạp, đông người, do chưa có đầy đủ quy phạm pháp luật hoặc còn hạn chế về nhận thức pháp luật, sự phối hợp chưa đồng bộ trong hệ thống chính trị ở mỗi cấp... Do đó, theo ông Đỗ Duy Thường, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cần có quy định bảo đảm nguyên tắc: dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác, gắn với trách nhiệm giải trình, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, nhằm từng bước hạn chế khiếu kiện, bức xúc, nhất là tránh xảy ra xung đột phức tạp.

Đối với vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, ông Đỗ Duy Thường cho rằng, tại chương X của dự thảo Luật chưa có quy định về thủ tục, trình tự chuyển nhượng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy cần quy định rõ hơn về thủ tục, trình tự chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách đơn giản, nhanh chóng, nhất là lược bỏ những thủ tục, giấy tờ không cần thiết, gây phiền hà cho người dân.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đóng góp ý kiến về nội dung bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất được nêu trong dự thảo Luật, đồng thời cho rằng “đây là một trong những vấn đề nóng nhất trong những câu chuyện của Luật Đất đai”.

Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân trong quản lý nhà nước về đất đai 
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Nhất trí với hầu hết các nguyên tắc ở Điều 89, ông Trần Hữu Huỳnh nhận định, Điều 89 của dự thảo Luật đã đề ra những nguyên tắc tiến bộ và cũng có một số điểm mới so với luật cũ, đặc biệt là nhấn mạnh nguyên tắc về việc bồi thường khi thu hồi phải bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, khách quan, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Trong những nguyên tắc này, ông Huỳnh bày tỏ băn khoăn với nguyên tắc mà ông cho rằng được nhiều người đồng tình nhất, đó là việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi ở cũ. Đánh giá đây là một tuyên ngôn về chính sách đã được người dân phấn khởi tiếp nhận, song theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, trừ việc nhắc đến điều kiện sống về điện, đường, trường, trạm, các cơ sở giáo dục, còn lại những điều luật khác trong chương này không quy định đủ cụ thể.

Ông Huỳnh cũng nhấn mạnh, việc xem xét khía cạnh về chỗ ở, điều kiện sống tương đối trực quan, song khó nhất là việc xác định vấn đề thu nhập liệu có bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ hay không. Đây là điểm khiến rất dễ xảy ra khiếu nại, khiếu kiện và khó xét xử. Ông Huỳnh đề nghị cân nhắc nguyên tắc số hai trong số 5 nguyên tắc của Điều 89 để tránh xảy ra các khiếu nại, khiếu kiện sau này.

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận vào một số nội dung khác như: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về thu hồi, trưng dụng đất để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm khiếu nại; việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về đất đai, giá đất; chế độ sử dụng các loại đất; giám sát; thanh tra, kiểm tra; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai...

TTXVN/Báo Tin tức

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.