Khoản 3, Điều 24 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về quyền của công dân đối với đất đai có đưa ra quy định công dân được tham gia góp ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thực tế thời gian qua cho thấy, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, ổn định cuộc sống và sản xuất. Tuy nhiên, đất đai là vấn đề lớn, phức tạp và rất nhạy cảm, trong khi các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên thay đổi dẫn tới tình trạng bị so bì, khiếu nại của người có đất bị thu hồi qua các dự án hoặc trong một dự án nhưng thực hiện thu hồi đất qua nhiều năm. Để phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do cơ quan có thẩm quyền đưa ra phù hợp, nhận được sự đồng thuận của người dân, theo tôi, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các quy định, nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi.
Cùng với đó, việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định; việc tái định cư phải bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích quốc gia và người có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần xem xét bổ sung một số khoản hỗ trợ khác phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Ví dụ như hỗ trợ tài sản gắn liền trên đất của người sử dụng đất, hỗ trợ chi phí di chuyển tài sản...
Ông Trần Xuân Kỷ, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân
.