Các cơ quan sẽ thu thập, cập nhật dữ liệu giao dịch đất trong điều kiện ổn định bình thường, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ giá đất toàn quốc, theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.
Chiều 25/2, tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ở 26 tỉnh, thành phía Bắc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết các cơ quan sẽ thiết kế quy định theo hướng lập bản đồ giá đất toàn quốc nhằm khắc phục khó khăn trong định giá đất theo giá thị trường. Đây là cơ sở thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đất đai, đền bù, bồi thường, tái định cư.
Dẫn thực tiễn nhiều địa phương làm tốt đền bù, tái định cư tại dự án cao tốc Bắc Nam, ông Hà gợi mở hướng tiếp cận "nhà nước có thể làm tốt hơn doanh nghiệp" trong công tác này. Cách làm là có quy trình phù hợp để người dân tham gia quá trình chuyển dịch đất đai. Mục tiêu là họ có mức sống, sinh kế tốt hơn.
"Mọi vấn đề xoay quanh giá đất, Nhà nước là đại diện sở hữu đất đai toàn dân. Vậy nên cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả, thống nhất về giá, làm cơ sở đền bù, tái định cư, bảo đảm công bằng, điều chỉnh hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, giữa các vùng, miền, khu vực khác nhau", ông Hà phân tích.
Ý tưởng xây dựng cơ sở dữ liệu về đất, trong đó có bản đồ về giá đất từng được ông Hà nêu hồi tháng 8/2022 với kỳ vọng năm 2025 sẽ vận hành, thể hiện thông tin đến từng thửa đất. Khi đó, hệ thống dữ liệu giá đất sẽ phản ánh sát giá thị trường. Người dân thông qua cơ sở dữ liệu hoặc bản đồ địa chính, số hóa đất đai để tiếp cận giá đất.
Để làm được điều này, cần có các quy định như giá đất xác định qua trúng đấu giá; áp thuế mua bán đất theo bảng giá để người dân khai đúng giá trị giao dịch; mua bán đất phải qua sàn; thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán đất. Tuy nhiên, khi thảo luận tại Quốc hội tháng 11/2022, nhiều đại biểu cho rằng khó định giá đất theo thị trường.
Tại cuộc họp hôm nay, Phó thủ tướng nhấn mạnh dự thảo Luật Đất đai được kỳ vọng tháo gỡ ngay khó khăn, tạo đổi mới đột phá dài hạn, phát huy nguồn lực phát triển kinh tế. Dự thảo có nhiều chính sách quan trọng, nhưng cần thiết nhất hiện nay là xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của nhà nước và người dân trong sở hữu, sử dụng đất đai; đơn giản thủ tục hành chính.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần phân cấp mạnh mẽ, không chồng lấn. Ở địa phương, Phó thủ tướng đề nghị phân định kế hoạch sử dụng đất giữa cấp tỉnh (5 năm) để định hướng không gian, cấp độ phát triển; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thực hiện hàng năm gồm chỉ tiêu đất đai và danh sách dự án tiềm năng.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng từ giữa năm 2022, sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đến nay, dự thảo được sửa đổi lần thứ tư và đang được lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân đến giữa tháng 3.
Nội dung lấy ý kiến nhân dân tập trung vào nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; trường hợp, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất; việc lập và thực hiện khu tái định cư; hình thức lấy ý kiến và trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình khi làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, nguyên tắc áp dụng pháp luật; quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; đăng ký, cấp giấy chứng nhận đất đai cũng được lấy ý kiến.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 4, tháng 10/2022 và được xem xét thông qua theo quy trình ba kỳ họp.
Theo Viết Tuân/VnE