Bất cứ ai sinh ra và lớn lên ở mảnh đất đồng chiêm trũng Bình Lục cũng đều nằm lòng những câu ca “Bình Lục đồng trắng nước trong/ Gạo khoai thì ít rêu rong thì nhiều” hay “Bông nổi cho chim, bông chìm cho cá”... Đó không chỉ là tuổi thơ, là ký ức về một thời khốn khó, mà đó còn là nét riêng biệt tạo nên cốt cách và văn hóa của người Bình Lục. Nói như Bí thư Huyện ủy Bình Lục Lê Xuân Huy, thì đó chính là mạch nguồn tinh khiết nuôi dưỡng mảnh đất và con người Bình Lục bao đời nay. Tiếp nối và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đó, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, Đảng bộ và nhân dân Bình Lục đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm, quyết tâm xây dựng Bình Lục trở thành huyện NTM nâng cao vào năm 2025.
Vốn được coi là vùng “rốn nước” của tỉnh Hà Nam, trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, mảnh đất Bình Lục đã lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc đậm nét của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Với điều kiện tự nhiên nổi bật, hệ thống sông ngòi dày đặc, chia cắt huyện thành nhiều ô trũng và được bao bọc bởi hai con sông lớn, đó là sông Châu và sông Ninh. Từ nghìn năm trước, mảnh đất Bình Lục đã được minh chứng có người Việt cổ sinh sống, với sự tồn tại của rất nhiều các di vật thuộc văn hóa Đông Sơn, như: trống đồng, thạp đồng, dùi đồng, giáo đồng và những dụng cụ sản xuất nông nghiệp, như: nhíp gặt lúa. Với số lượng trống đồng, thạp đồng được phát hiện đứng thứ 2 trong tỉnh, Bình Lục được coi là một vùng đất có lịch sử phát triển khá phong phú, nhất là vào thời đại đồ đồng, với một nền văn hóa Đông Sơn và văn minh lúa nước đặc sắc.
Hòa cùng dòng chảy của văn hóa lịch sử dân tộc, mảnh đất Bình Lục bao đời nay không chỉ ghi dấu bởi nhiều chiến công hiển hách của ông cha trong công cuộc dựng nước, giữ nước và bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, mà còn lắng đọng và tỏa sáng những tinh hoa văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng, phong phú và rất riêng biệt. Xưa nay, nói tới Bình Lục, người ta nghĩ tới biểu tượng của núi Quế - sông Ninh; là hình ảnh của “trống đồng Ngọc Lũ” - Bảo vật quốc gia, mà hiện nay phiên bản của nó đã trở thành hình ảnh đại diện cho văn hóa Việt Nam đặt tại lễ đường Trụ sở Liên hợp quốc (Hoa Kỳ).
Không những thế, Bình Lục còn là quê hương của cụ Tam Nguyên Yên Đổ; quê hương của “Người công giáo cộng sản” Trần Tử Bình - người lãnh đạo làm nên một “Phú Riềng đỏ” năm 1930, là một trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được Bác Hồ phong tướng; là quê hương của một nhà tình báo tài ba, lỗi lạc của ngành tình báo Việt Nam - Mười Hương (Trần Văn Ban) và cũng là quê hương của tiếng trống Bồ Đề những năm 30 của thế kỷ trước; đồng thời còn là nơi lưu giữ sự kiện Bác Hồ về thăm công trường đắp đập chống hạn Cát Tường (nay thuộc thôn Cao Cát, thị trấn Bình Mỹ) ngày 14/1/1958… Đó chính là những giá trị truyền thống tốt đẹp, niềm tự hào, tạo nên cốt cách, văn hóa của đất và người Bình Lục.
Vì vậy, để những di sản lịch sử, văn hóa đó được gìn giữ, nuôi dưỡng và tiếp tục phát huy trong đời sống hiện đại, việc nhận diện văn hóa, qui hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của mảnh đất Bình Lục thời gian qua đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Điều đó, thể hiện rất rõ nét thông qua các đề án: Phát huy giá trị văn hóa đồng chiêm trong xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 (ban hành kèm theo Quyết định 4191/QĐ-UBND ngày 30/8/2021 của UBND huyện Bình Lục), Đề án phát triển sản phẩm du lịch huyện Bình Lục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 09-CT/HU của Huyện ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống làng, xã trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu…
Đặc biệt, mới đây Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Văn hóa đồng chiêm Bình Lục - Truyền thống và hiện đại”. Điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trong đối với Bình Lục trong chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa những năm tiếp theo.
Với quan điểm “phát triển kinh tế phải giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế và giá trị văn hóa”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Lục đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; coi đó là nền tảng, động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là trong xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Theo ông Phạm Minh Khánh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, hiện toàn huyện có 38 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng (trong đó, có 22 di tích cấp quốc gia và 16 di tích cấp tỉnh). Thực hiện sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được đẩy mạnh. Thông qua các hoạt động xã hội hóa về nguồn lực, công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm; nhiều giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể cũng được khôi phục và phát huy trong đời sống hiện đại. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh. Công tác xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa và các danh hiệu văn hóa ngày càng lan tỏa và đem lại những hiệu ứng tích cực, hình thành nếp sống văn hóa, văn minh ở khu dân cư.
Kết quả, đến nay, toàn huyện đã có 107/111 khu dân cư đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa (đạt 96,3%), số gia đình văn hóa đạt 92%. Tỷ lệ dân tham gia tập luyện thể thao thường xuyên đạt 32,2%, gia đình tập luyện thể thao thường xuyên đạt 25%. 17/17 xã, thị trấn đã đạt cả 2 tiêu chí về văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.
Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển rộng khắp, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Các câu lạc bộ ở các loại hình văn hóa được thành lập ngày càng nhiều, hoạt động của nhà văn hóa cơ sở được tăng cường. Hiện, đã có 48 câu lạc bộ hát dân ca, 23 câu lạc bộ thơ và 168 câu lạc bộ thể thao được thành lập và phát huy hiệu quả, góp phần tạo điều kiện để nhân dân cùng hưởng thụ và sáng tạo văn hóa… Năm 2019, Bình Lục đã được Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn NTM. Đó chính là động lực để Bình Lục phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, hướng tới các tiêu chí đô thị văn minh hiện đại, theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Xuân Huy, trước hết, cần phải tạo chuyển biến tích cực hơn nữa về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và người dân ở một số địa phương về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Tiếp đó, nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Chương trình xây dựng NTM phải gắn với qui hoạch khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Việc xây dựng hương ước, qui ước làng xã phải theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, các địa phương cần phải linh hoạt hình thức huy động các nguồn lực xã hội trong xây dựng và phát triển văn hóa. Phải lấy con người làm trung tâm, tạo sự đồng thuận, thu hút sự tham gia đóng góp tích cực của toàn xã hội, người đứng đầu phải thực sự là “người truyền lửa”, lan tỏa tinh thần trách nhiệm và những giá trị tích cực tới các tầng lớp nhân dân.
Tại Hội thảo khoa học “Văn hóa đồng chiêm Bình Lục - Truyền thống và hiện đại” do huyện Bình Lục phối hợp với Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc tổ chức vào tháng 6 năm 2022 (gọi tắt là Hội thảo), một không gian văn hóa được mở ra với những đặc trưng và diễn biến về quá trình sáng tạo của con người tạo nên các giá trị văn hóa độc đáo. Văn hóa đồng chiêm đã trở thành di sản văn hóa đang tồn hiện trong đời sống có đầy đủ dáng vẻ của văn hóa sinh thái vùng trũng châu thổ Bắc Bộ. Khơi nguồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại, đó chính là mục đích, ý nghĩa của hội thảo khoa học về văn hóa lần đầu tiên được tổ chức tại mảnh đất đồng chiêm trũng Bình Lục.
Điều kiện sản xuất khắc nghiệt, ý chí mạnh mẽ, vượt khó, yêu lao động và yêu nước… Đây là những đặc trưng làm nên cốt cách con người Bình Lục. Cái nghèo của vùng đất này đi vào tiềm thức con người, dẫu ở thời đại nào cũng là một quá khứ nhắc nhở người ta không quên, lấy đó là động lực mà vươn lên. “Sống nằm giường tre, chết nghe sóng vỗ/ Sống nằm giường gỗ, chết nghe sóng vỗ tư bề”. Một vùng quê thuần nông, lấy nông nghiệp làm trọng, cấy lúa là sinh kế, nhưng “chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn”, người dân trong cuộc sống ấy phải “Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm” để làm, để sống. Khó khăn làm cho bản lĩnh con người được nâng lên, không chỉ mạnh mẽ đấu tranh với thiên nhiên, không khuất phục trước mọi đè nén và áp bức, bất công, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, làm nên một “Tiếng trống Bồ Đề năm 1930”, cùng với làn sóng cách mạng vô sản của dân tộc, lập nên một đất nước Việt Nam độc lập theo chế độ chủ nghĩa xã hội.
Từ cái nghèo, người Bình Lục khao khát nuôi trí lớn. Hiếu học, ham học và chịu học trở thành bản tính của con người bao thế hệ. Vì thế, có những nhân tài xuất hiện, tiêu biểu là Tam Nguyên Yên Đổ, những nhà văn hóa, khoa học, giáo dục… cống hiến cả cuộc đời cho sự phát triển đất nước. Giai thoại về người Bình Lục mới có hình ảnh học trò áo nâu là thế! Họ tự hào, trong mỗi người thành đạt có bóng dáng một kẻ nhà quê! Từ bóng tre đến những dòng sông, một không gian làng quê nhấp nhô trong trí nhớ với những cảnh vật chìm nổi trong gió mưa và bão táp, người Bình Lục đi đâu, làm gì ở thời đại nào cũng chẳng thể quên hai chữ đồng chiêm.
Đồng chiêm – trong lý giải của nhiều người mang nhiều lẽ khác nhau, nhưng với người dân quê Bình Lục, nó là đất và nước, là mạch nguồn tạo nên sự sống, tình yêu và sự cống hiến của con người. Không có gì khỏa lấp được không gian ấy trong tâm hồn con người. Cảnh vật ấy, cuộc sống ấy làm nên một nhà thơ làng cảnh Việt Nam Nguyễn Khuyến. Chỉ đọc thơ thu của ông, người ta sẽ hiểu, sẽ hình dung ra không gian làng quê Bình Lục đẹp mà buồn, vừa mang dáng dấp của làng cảnh chiêm trũng, vừa mang không khí của làng quê Việt.
Đó chính là những ý kiến, nhận định của các nhà văn hóa xung quanh chủ đề văn hóa đồng chiêm của Bình Lục tại Hội thảo khoa học “Văn hóa đồng chiêm Bình Lục - Truyền thống và hiện đại”. Mỗi người có cách tiếp cận, một góc nhìn khác nhau, nhưng với những người sinh ra và lớn lên, rồi cống hiến cho vùng đất này như nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Xuân Lộc, nguyên Bí thư Huyện ủy Bình Lục Vũ Trùng Vương, Trần Anh Tài… cách hiểu về văn hóa đồng chiêm Bình Lục lại đơn giản mà sâu xa đến độ nghe là hiểu, nghĩ là cảm, nói là tưởng tượng ra. Nguyên Bí thư Huyện ủy Vũ Trùng Vương nêu những đặc trưng tạo nên hai tiếng đồng chiêm phải kể đến lũy tre làng, con đê, bờ sông, những đêm trăng dạt dào sóng nước, những trưa hè bỏng rát chân cha và một bề dày văn hóa vật thể tồn tại trong đời sống nhân dân…
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Xuân Lộc xúc động chia sẻ: Trong tâm hồn ông, cảm thức của ông, cuộc sống của một thanh niên chiêm trũng luôn gắn bó với ruộng đồng bát ngát, với những đêm trăng thanh gió mát, thổi vào lòng dân quê những khao khát đủ đầy. Lúc nào người dân Bình Lục cũng mong ước giàu có, giỏi giang, hiếu đễ, muốn vượt lên chính bản thân mình như cây lúa nước ngày mùa. Không gian văn hóa đồng chiêm của Bình Lục được tạo bởi những bồi đắp của tự nhiên, của tạo hóa và của sự sáng tạo con người. Từ kinh nghiệm quai đê trị thủy, đến thích nghi và chế ngự thiên nhiên để sống, để vượt lên tất cả mà chiến thắng! Ở đâu có bàn tay và khối óc con người, ở đó có những sáng tạo mang giá trị tinh thần và vật chất lớn. Không gian văn hóa ấy có được từ bao giờ không ai biết rõ, chỉ có thể khẳng định, những đặc trưng văn hóa tinh thần, vật chất còn tồn tại trên vùng đất này như cốt cách, tâm hồn, ý chí, tình cảm của các thế hệ người Bình Lục (biểu hiện trong cuộc sống, trong ca dao, dân ca, trong lề lối ứng xử xã hội) cũng như hàng trăm di sản vật thể là đình chùa, miếu mạo, những cổ vật được tìm thấy, lưu truyền hay còn nằm trong lòng đất chưa phát lộ. Không gian đó được đo bằng bề dày lịch sử; bằng độ dài của những cuộc đấu tranh mà con người tạo nên để chống chọi với thiên nhiên, với giặc ngoại xâm, bằng chiều sâu của tri thức mà người Bình Lục từ thế hệ này qua thế hệ khác trao truyền nhau.
Tuy nhiên, theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Xuân Lộc, muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng chiêm Bình Lục, cộng đồng người Bình Lục vẫn phải cộng đồng, cộng cảm, giữ gìn và tăng cường sức mạnh đoàn kết; đoàn kết để cùng nhau học tập, cùng nhau tiến bộ, cùng nhau sáng tạo, cùng nhau làm giàu, phát triển quê hương. Huyện Bình Lục trong thời kỳ mới phải biết khơi dậy tiềm năng ấy, coi đấy là nội lực mạnh mẽ nhất, bền bỉ nhất để phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa, đời sống nhân dân. Phải gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tại hội thảo, TS Nguyễn Minh San, Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc; Thiếu tướng, PGS,TS Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an nhân dân; TS Phạm Ngọc Quang, Đại học Quốc gia Hà Nội… cũng đã có những phân tích các khía cạnh nông sâu của văn hóa đồng chiêm, trong đó con người luôn là trung tâm của sự sáng tạo, hình thành nên văn hóa đó. Vì vậy, khơi thông và phát triển không gian văn hóa đồng chiêm như thế nào là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Bình Lục. Cần làm nổi bật không gian văn hóa đồng chiêm thích ứng với thời cuộc, tức là xây dựng nông thôn mới với diện mạo mới, nhưng không làm mất đi những dáng nét văn hóa truyền thống.
Nội dung: Minh Thu - Giang Nam
Ảnh: Chu Uyên, Trương Dũng
Thiết kế: Quốc Khánh
www.baohanam.com.vn