Văn hóa đọc không chỉ là thói quen, sở thích, kỹ năng và thái độ của con người trong việc tiếp nhận tri thức thông qua việc đọc mà còn là yếu tố quan trọng góp phần vào việc nâng cao tri thức, nhân cách và năng lực tư duy của mỗi cá nhân. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, khi chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể truy cập kho tàng tri thức toàn cầu, văn hóa đọc đang chuyển mình mạnh mẽ cả về hình thức lẫn nội dung; đang thay đổi để thích nghi với thời đại mới. Người ta đọc sách điện tử, sách nói,… trên các thiết bị công nghệ thay vì chỉ đọc sách giấy như trước đây. Tuy nhiên, thời đại công nghệ cũng đưa tới không ít những ảnh hưởng tiêu cực đến việc đọc sách nói riêng và văn hóa đọc nói chung. Vì vậy, việc số hóa thư viện, đưa sách, tài liệu lên các nền tảng số để người dân dễ dàng tiếp cận sách, các hoạt động phát triển văn hóa đọc đã và đang được các cấp, ngành chức năng tích cực thực hiện nhằm giữ gìn, lan tỏa văn hóa đọc.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà, Trường THCS Vĩnh Trụ (Lý Nhân) từ lâu có thói quen đọc báo, sách, tài liệu trên máy tính, điện thoại. Cô Hà cho biết, ngày nhỏ và khi đi học phổ thông cô chỉ tiếp xúc với sách, truyện giấy. Thời gian đầu dạy học cô cũng đọc sách, báo, truyện giấy là chủ yếu. Nhưng khi công nghệ số phát triển, cô cũng như nhiều người, có điện thoại thông minh, làm việc nhiều trên máy tính có kết nối mạng, và từ đó thói quen đọc trên các thiết bị điện tử hình thành. Đọc sách trên các thiết bị điện tử tiện lợi, có thể đọc ở mọi nơi, mọi lúc, có thể lưu những đoạn ưng ý xuống qua một vài thao tác chứ không phải chép tay như ngày xưa; nguồn tài liệu, kiến thức, sách vô cùng phong phú, đa dạng và tìm kiếm rất đơn giản. Qua đó, giúp cô củng cố kiến thức, nâng cao hiểu biết mọi mặt và thỏa mãn nhu cầu đọc...
Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải cho các tập thể đạt nhiều thành tích trong Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024. Ảnh Chu Bình
Còn với Đỗ Hồ Hương Giang, sinh viên Đại học FPT, em cho biết, đã từ lâu điện thoại, máy tính là 2 vật dụng không thể thiếu của bản thân từ ngày học phổ thông, lên đại học và chắc chắn sau này ra đi làm cũng vậy. Việc có thể kết nối để đọc sách, báo, truyện trên các thiết bị điện tử giúp em có thể đọc ở mọi nơi mọi lúc khi cần. Bên cạnh đó, do nguồn sách, báo trên mạng là khổng lồ, đủ loại ngôn ngữ nên em còn mua sách điện tử (eBook) để đọc, truyện tranh, truyện chữ; cũng có khi sử dụng sách nói (audiobook), vào các thư viện số để tìm kiếm thông tin, hoặc tìm đọc một số sách, truyện bằng tiếng Anh, tiếng Trung để củng cố thêm khả năng ngoại ngữ…
Công nghệ số phát triển đã thay đổi thói quen đọc sách của người dân, nhất là giới trẻ, người còn đang công tác, làm việc. Nếu như trước đây người ta chỉ đọc trên sách giấy thì nay ngày càng nhiều người đọc trên các thiết bị điện tử. Sự phát triển của sách điện tử (eBook), sách nói (audiobook), ứng dụng đọc thông minh và thư viện số đã góp phần đem đến nhiều hình thức tiếp cận tri thức mới mẻ, thuận tiện và linh hoạt. Công nghệ cũng giúp tăng tính tương tác, giúp người đọc thảo luận, chia sẻ, và kết nối với cộng đồng yêu sách. Sách điện tử ngày càng phát triển, cùng với sự nở rộ của các nền tảng chia sẻ sách, diễn đàn review sách và nhóm đọc online cho thấy văn hóa đọc không hề mai một mà đang thay đổi để thích nghi với thời đại mới... Đây là sự hạn chế sách giấy truyền thống khó có thể đáp ứng.
Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Hà Nam với mục tiêu chung là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân nghe Đại tá, nhà văn Chu Lai nói chuyện tại Hà Nam nhân Ngày sách Việt Nam năm 2024 với chủ đề Văn hay, sách quý đồng hành cùng chúng ta cất cánh.
Thực hiện kế hoạch, hệ thống thư viện trong tỉnh được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ thư viện, tiến đến hiện đại hóa thư viện. Đồng thời, từng bước phát triển thư viện điện tử, đáp ứng nhu cầu đọc và thông tin đa dạng của nhân dân trong tỉnh... Trao đổi với ông Đinh Trung Hiếu, Giám đốc Thư viện tỉnh được biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua Thư viện tỉnh đã tích cực thực hiện việc số hóa. Cách đây nhiều năm, đơn vị đã thực hiện xây dựng thư mục điện tử, có hệ thống tra cứu mượn, trả sách trên mạng. Từ năm 2022 đến nay, bên cạnh bổ sung thường xuyên sách, báo giấy, Thư viện tỉnh đã mua khoảng 200 đầu sách điện tử mỗi năm, xây dựng thư viện điện tử. Hiện nay, khi vào trang Thư viện Điện tử trong website Thư viện tỉnh Hà Nam có hàng trăm đầu sách điện tử ở tất cả các lĩnh vực, cho mọi lứa tuổi, bạn đọc có thể đọc sách mọi lúc mọi nơi, vô cùng thuận tiện. Thư viện tỉnh cũng thực hiện số hóa sách địa chí Hà Nam, trong đó giới thiệu về mảnh đất, con người, sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trên không gian mạng... phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của độc giả trong, ngoài nước; thực hiện số hóa một số tài liệu Hán Nôm quý hiếm. Tận dụng lợi thế của môi trường số, đội ngũ cán bộ Thư viện tỉnh cũng thường xuyên giới thiệu sách trên website; phối hợp với Báo Hà Nam thực hiện chương trình “Sách hay cuối tuần” để giới thiệu những cuốn sách hay vào mỗi cuối tuần trên sóng truyền hình.
Được biết, trong dịp Tết Ất Tỵ 2025 vừa qua, Thư viện tỉnh cũng phối hợp tổ chức trưng bày Báo Xuân trực tuyến. Qua việc phối hợp với thư viện các địa phương trong toàn quốc, tất cả các ấn phẩm báo Xuân của các cơ quan báo chí đều có trên website của Thư viện tỉnh, giúp bạn đọc thuận lợi trong việc truy cập và đọc các ấn phẩm ở mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị điện tử. Thực hiện Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, thời gian tới, Thư viện tỉnh và hệ thống thư viện trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở loại hình thư viện cấp tỉnh, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện…
Tuy nhiên, các thiết bị điện tử chỉ là công cụ còn mỗi người có hình thành văn hóa đọc từ nhỏ, có yêu sách, duy trì thói quen đọc sách hay không lại là chuyện khác. Hiện nay, với sự tràn ngập của các nền tảng mạng xã hội, games, video ngắn khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đang dần đánh mất khả năng tập trung và kiên nhẫn. Việc đọc sâu, đọc hiểu, đọc để suy ngẫm dần bị thay thế bằng lối đọc lướt, đọc nông và đôi khi là đọc để giải trí đơn thuần. Thói quen đọc nhanh, lướt qua nội dung, lười đọc dài khiến khả năng tư duy sâu và phân tích bị ảnh hưởng. Hiện tượng “lười đọc” ngày càng phổ biến. Quá nhiều thông tin trên mạng khiến người đọc khó phân biệt đúng sai, tin giả, tin thật.
Không gian trưng bày sách. Ảnh: Chu Bình
Để nuôi dưỡng, lan tỏa, thúc đẩy phong trào đọc sách trong cộng đồng, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Hà Nam với mục tiêu là xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (bao gồm cả xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên; chú trọng tới người dân vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Qua đó, nhằm cải thiện tích cực môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh; hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người sử dụng thư viện; ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa thư viện; phát triển văn hóa đọc tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí cho người dân.
Thực hiện kế hoạch, Thư viện tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động ngày hội văn hóa đọc, đưa sách về cơ sở, xe sách lưu động, nhất là về các trường học. Đầu năm 2025, Thư viện tỉnh phối hợp với Trường THCS Đạo Lý (Lý Nhân) tổ chức Ngày hội đọc sách với chủ đề: "Sách - Niềm vui và trí tuệ". Tại ngày hội, các em học sinh được trải nghiệm đọc sách tại xe Thư viện lưu động, tham gia tìm hiểu lịch sử thông qua các trò chơi đố vui có thưởng; nghe giới thiệu cuốn sách về nữ anh hùng miền đất đỏ Võ Thị Sáu; đồng thời, được các kỹ sư công nghệ Công ty Vrobox hướng dẫn tìm hiểu, thực hành điều khiển rô bốt và một số ứng dụng công nghệ khoa học hiện đại… Đây là hoạt động nhằm xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng, giúp học sinh vận dụng tốt kiến thức đã học vào cuộc sống hằng ngày và nghiên cứu khoa học kỹ thuật; hướng tới xây dựng một xã hội học tập.
Cũng từ nhiều năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo duy trì tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc dành cho học sinh trên địa bàn tỉnh nhằm khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, tri thức, khả năng sáng tạo, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Thông qua cuộc thi khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hoá đọc trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Cuộc thi được triển khai sâu rộng trong các trường học. Năm 2024, vòng sơ khảo đã thu hút 75.252 học sinh của 232 trường học trên địa bàn tỉnh tham gia. Qua vòng sơ khảo cấp huyện, có 802 bài chất lượng tốt được chọn gửi lên cấp tỉnh. Ở vòng sơ loại ở cấp tỉnh, ban tổ chức đã chọn được 150 bài thi trên cả 2 đề thi, trong đó có 5 đĩa CD và đã trao 3 giải Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu xuất sắc cùng 122 giải chính thức, giải chuyên đề cho các em học sinh có thành tích xuất sắc. Trong số các bài dự thi tiêu biểu xuất sắc đạt giải cấp tỉnh được gửi tham dự vòng chung kết toàn quốc, tỉnh Hà Nam vinh dự có 2 thí sinh được trao giải Khuyến khích. Các tác phẩm đạt giải đều có những chia sẻ thể hiện tốt nhất sự ham thích đọc sách và có nhiều ý tưởng sáng tạo, giàu tính khả thi trong việc chia sẻ niềm yêu thích đọc sách tới cộng đồng... Hiện nay, cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc tỉnh Hà Nam năm 2025 đang tiếp tục được phát động; các trường học, học sinh trên địa bàn tỉnh đang tích cực hưởng ứng để chung tay lan tỏa văn hóa đọc.
Đại diện lãnh đạo Sở VH,TT&DL tặng sách Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Chu Bình
Hằng năm, nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4, các đơn vị liên quan đều phối hợp tổ chức Ngày sách và văn hóa đọc, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên... tham gia. Trong đó, ngành Giáo dục đã tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc trong học sinh; quan tâm phát triển hệ thống thư viện trường học; xây dựng các tủ sách ngoài trời, vừa để quảng bá sách vừa tạo thuận lợi cho việc đọc sách của học sinh. Nhiều trường THPT đã quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ sách. Đây không chỉ là nơi các học sinh yêu thích đọc sách tham gia đọc, giới thiệu, bình luận sách, mà còn tận dụng các nền tảng số để lan tỏa tình yêu sách tới các học sinh khác và mọi người... Với nhiều hoạt động tích cực, Câu lạc bộ Sách và Hành động Trường THPT chuyên Biên Hòa lập trang trên facebook và thường xuyên có những bài giới thiệu những cuốn sách hay tại đây, thu hút khá đông bạn trẻ vào đọc, bình luận, từ đó tìm sách để đọc.
Thời đại công nghệ số, để tiện cho du khách đến tham quan các di tích trong việc tìm hiểu tư liệu lịch sử, ngành văn hóa và tổ chức đoàn đã thực hiện số hóa tư liệu nhiều di tích trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người dân chỉ cần quét mã QR là có thể tìm hiểu thông tin về di tích trên môi trường số...
Văn hóa đọc không đơn thuần là hành động cầm sách lên và đọc mà còn là biểu hiện của sự ham học hỏi, thái độ tôn trọng tri thức và khát vọng hoàn thiện bản thân. Một người có văn hóa đọc là người biết chọn lọc, suy ngẫm và vận dụng những gì đã đọc vào cuộc sống. Trong bối cảnh hiện nay, việc giữ gìn và phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ quan trọng. Gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay xây dựng môi trường đọc tích cực; có thể kết hợp công nghệ hiện đại để thúc đẩy thói quen đọc như: khuyến khích đọc sách online, xây dựng cộng đồng đọc sách trên mạng, tổ chức các hoạt động giao lưu, thảo luận sách dưới nhiều hình thức hấp dẫn. Quan trọng hơn cả, mỗi người cần nhận thức được giá trị của việc đọc, chủ động rèn luyện thói quen đọc mỗi ngày, dù chỉ vài trang sách. Công nghệ có thể thay đổi phương thức tiếp cận thông tin nhưng không thể thay thế được giá trị cốt lõi của văn hóa đọc. Trong thời đại số, việc đọc vẫn là chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức, là hành trang không thể thiếu để mỗi cá nhân phát triển toàn diện và góp phần xây dựng một xã hội văn minh.
Thực hiện: Đỗ Hồng
Thiết kế: Đức Huy
www baohanam.com.vn