Phát huy vốn quý y học cổ truyền trong xã hội hiện đại

Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, ngày 27/2/1955, Bác Hồ có viết: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”. Trên cơ sở tư tưởng của Bác, mạng lưới y tế từ trung ương đến địa phương được xây dựng với sự kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền (YHCT). Ở Hà Nam, các cơ sở y tế có khám, chữa bệnh (KCB) YHCT ngày càng được đầu tư nâng cao chất lượng. Ngoài ra, hệ thống các phòng chẩn trị cũng phát triển khá mạnh và rộng khắp, phát huy tích cực vai trò của YHCT trong xã hội hiện đại.

Phát huy vốn quý y học cổ truyền trong xã hội hiện đạiBệnh viện YHCT Hà Nam là bệnh viện chuyên khoa về YHCT của tỉnh. Trong nhiều năm qua bệnh viện không ngừng phát huy vốn quý YHCT, kết hợp với y học hiện đại để nâng cao chất lượng KCB. Theo ông Hà Văn Diễn, Giám đốc Bệnh viện YHCT Hà Nam, trong chẩn đoán bệnh, một mặt các bác sỹ vẫn dùng phương pháp “tứ chẩn” của YHCT, thực hiện “vọng (nhìn), văn (nghe), vấn (hỏi), thiết (bắt mạch)”; mặt khác, tận dụng các thiết bị y tế hiện đại để hỗ trợ. Bệnh viện đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại trong chẩn đoán bệnh. Trong điều trị, bệnh viện vừa khai thác tối đa các phương pháp của YHCT như: châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, xông thuốc, ngâm thuốc, giác hơi, cùng với uống thuốc sắc... vừa đầu tư nhiều thiết bị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để thực hiện phương châm “chữa bệnh không dùng thuốc”, tăng hiệu quả, rút ngắn thời gian điều trị. Hiện, bệnh viện có hầu hết các máy phục vụ vật lý trị liệu, phục hồi chức năng như: máy điện châm, điện xung, siêu âm điều trị sóng ngắn, máy xung kích, máy kéo giãn, máy laze nội mạch, các thiết bị tập,…

Phát huy vốn quý y học cổ truyền trong xã hội hiện đại
Điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện YHCT tỉnh.

Tìm hiểu thực tế được biết thêm, Bệnh viện YHCT Hà Nam còn đang triển khai một số kỹ thuật hiện đại của tây y trong điều trị có kết hợp sử dụng thuốc đông y, như: thực hiện tán sỏi thận, sỏi niệu quản kích thước nhỏ (dưới 2 cm) ngoài cơ thể, sau khi tán sỏi xong dùng thuốc đông y. Phương pháp điều trị không xâm lấn cơ thể này không gây đau, bệnh nhân có thể về nhà ngay sau đó uống thuốc đông y để điều trị tận gốc bệnh. Hiện tại, mỗi năm bệnh viện thực hiện 500-600 ca tán sỏi ngoài cơ thể. Với phương châm tích cực kết hợp y học hiện đại với YHCT, chữa bệnh không dùng thuốc hoặc hạn chế tối đa việc dùng thuốc của Bệnh viện YHCT Hà Nam đã mang lại hiệu quả thiết thực trong điều trị bệnh, ngày càng thu hút đông bệnh nhân. Ông Hà Văn Diễn, Giám đốc bệnh viện chia sẻ: Với các phương pháp điều trị này, chi phí cho thuốc điều trị của bệnh nhân chỉ chiếm 10-12% tổng chi phí điều trị. Hiện bệnh viện có 300-400 bệnh nhân đến khám ngoại trú/ngày, duy trì điều trị nội trú 150-200 bệnh nhân. Lượng bệnh nhân đến đông, Bệnh viện YHCT trở thành một trong 3 cơ sở điều trị đầu tiên của tỉnh đã và đang thực hiện rất tốt việc tự chủ chi thường xuyên.

Phát huy vốn quý y học cổ truyền trong xã hội hiện đạiTại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố cũng đều có các khoa YHCT và phục hồi chức năng. Các trạm y tế (TYT) ở xã, phường, thị trấn đều xây dựng vườn thuốc mẫu để phổ biến cho nhân dân cách nhận biết về công dụng những cây thuốc đơn giản trong phòng và điều trị những bệnh thông thường. Ngoài ra, nhiều TYT có bác sỹ đông y và triển khai KCB YHCT tại trạm. Các TYT còn lại thực hiện khám kê đơn có kết hợp đông y... Ông Đinh Duy Bính, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Lục, cho biết: Hiện nay, 6/17 TYT xã của huyện có cán bộ đông y (có chứng chỉ YHCT) và có tủ thuốc đông y; 17/17 TYT đều thực hiện khám kê đơn có kết hợp đông y với từng loại bệnh. Năm 2024, có 41.500 lượt người đã khám bệnh tại các TYT, trong đó kê đơn kết hợp đông y chiếm 30% trở lên...

Lương y Chu Tiến Dũng là một trong số ít bác sỹ YHCT của huyện Bình Lục, đang công tác tại TYT Hưng Công (xã Bình An). Theo chia sẻ của Lương y Chu Tiến Dũng, việc triển khai KCB YHCT tại TYT mang lại hiệu quả tích cực. Chữa bệnh đông y được người dân ủng hộ bởi có thể khỏi bệnh tận gốc, ít tác dụng phụ, nhưng cái khó là phải điều trị trong một thời gian dài. Tuy vậy, các TYT đều ở gần dân, có KCB YHCT nên bà con có thể ra khám và điều trị hằng ngày, rất thuận lợi. Bà con địa phương chủ yếu làm nông nghiệp và lao động chân tay nên bị nhiều loại bệnh mãn tính về xương khớp, thần kinh,... Những bệnh này nếu được điều trị bằng đông y sẽ giúp hạn chế tác dụng phụ và có thể chữa được tận gốc bệnh. Việc điều trị được khẳng định gần như triệt để nếu người bệnh đi khám và điều trị từ sớm. TYT cũng có vườn thuốc mẫu, thường xuyên giới thiệu cho bà con ở địa phương cách nhận biết những cây thuốc quen thuộc cũng như công dụng chữa bệnh thông thường, tăng cường sức khỏe, phòng chống một số bệnh...

Phát huy vốn quý y học cổ truyền trong xã hội hiện đạiThực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nền YHCT, các cơ sở KCB bằng YHCT, kết hợp YHCT với y học hiện đại trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ. Chất lượng KCB bằng YHCT trong các bệnh viện, cơ sở điều trị ngày càng được mở rộng và phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như việc phòng bệnh.

Phát huy vốn quý y học cổ truyền trong xã hội hiện đạiNgoài hệ thống KCB YHCT trong các cơ sở điều trị công lập còn có các phòng chẩn trị YHCT khắp các địa phương trong tỉnh. Một số phòng chẩn trị thuộc tổ chức hội đông y các cấp trong tỉnh, còn lại hầu hết là của các lương y ở cơ sở. Một số lương y là con cháu của các thương hiệu thuốc gia truyền nổi tiếng, đi học chuẩn hóa bằng cấp về tiếp nối nghề cha ông. Một số người lại say mê với vốn quý YHCT mà theo học các trường đào tạo về YHCT.

Nhiều người dân Hà Nam và một số tỉnh, thành lân cận đều khá quen thuộc khi nhắc đến thương hiệu thuốc đông y Quảng Thành. Hiệu thuốc đông y Quảng Thành hiện vẫn nằm trong một con ngõ nhỏ gần cuối đường Biên Hòa (thành phố Phủ Lý). Đến đây vào một buổi chiều đầu tháng 3, chúng tôi thấy có một số người đều ở các xã, phường ngoại thành của Phủ Lý đến khám bệnh và lấy thuốc, chủ yếu là thuốc trị dạ dày, xương khớp, da liễu. Lương y Đỗ Văn Quyền là đời thứ 4 nối nghề thuốc của cha ông. Với những bệnh nhân, người đã lấy thuốc ở đây, Lương y Đỗ Văn Quyền hỏi han kỹ lưỡng từng người về hiệu quả dùng thuốc để cấp thuốc tiếp cho người bệnh nếu thấy cần thiết. Với bệnh nhân mới, ông yêu cầu đến cơ sở y tế làm thêm các xét nghiệm, chẩn đoán, sau đó quay lại ông xem kết quả mới cấp thuốc...

Phát huy vốn quý y học cổ truyền trong xã hội hiện đại
Bệnh viện YHCT-bệnh viện chuyên khoa của tỉnh KCB bằng YHCT.

Trò chuyện với Lương y Đỗ Văn Quyền được biết, ông quê gốc ở huyện Vụ Bản (Nam Định). Các cụ đời trước làm thuốc ở quê, đến đời cụ thân sinh của ông đặt hiệu thuốc ở phố Phủ, thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục. Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Hiệu thuốc Quảng Thành chuyển lên Phủ Lý. Gia đình ông có 7 anh chị em thì có 3 người theo nghề thuốc đông y gia truyền. Hiện 2 người con của ông đều đã học và được cấp bằng về YHCT. Hiệu thuốc của ông chủ yếu chữa các bệnh cho trẻ em như: kém ăn, cam tỳ, sởi, sốt xuất huyết,… và điều trị các bệnh về xương khớp, thần kinh, đại tràng, dạ dày,… cho nhiều bệnh nhân khác. Trước đây, các cụ của ông đều làm thuốc thang (thuốc sắc), còn ông lại chuyên tâm làm thuốc hoàn tán.

Mỗi tháng, có khoảng hơn 100 bệnh nhân đến khám bệnh, lấy thuốc ở Hiệu thuốc đông y Quảng Thành. Các bệnh nhân đến khám và lấy thuốc ở đây đều tin tưởng và yên tâm. Một bệnh nhân ở phường Liêm Chính (TP Phủ Lý) cho biết: Tôi biết đến hiệu thuốc Quảng Thành từ mấy chục năm nay. Những năm trước, tôi thường tới đây mua các loại thuốc cam tỳ cho con, còn bây giờ tôi đang uống thuốc của lương y Quyền để chữa đau khớp gối. Điều trị bằng thuốc đông y ở đây, tôi thấy bệnh lui từ từ, nhưng ít bị tái lại, người thấy khỏe khoắn bình thường chứ không như dùng thuốc tây, triệu chứng lui nhanh nhưng dễ bị lại và khi uống thuốc người rất mệt.

Phát huy vốn quý y học cổ truyền trong xã hội hiện đạiTheo số liệu từ Hội Đông y tỉnh, toàn hội hiện có 982 hội viên, trong đó có 690 hội viên chính thức. Toàn tỉnh có 179 phòng chẩn trị khám, chữa bệnh YHCT của các hội viên là lương y, trong đó 51 phòng chẩn trị hoạt động lồng ghép với TYT xã; có 18 hội đông y xã, phường, thị trấn. Lương y Phạm Ngọc Thuần, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: Thời gian qua, hội đông y các cấp trong tỉnh đã tích cực thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển tổ chức hội đông y, vốn quý y dược cổ truyền, như: Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; Kết luận số 86-KL/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới; Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030... Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 125/NQLT-SYT-HĐY ngày 25/10/ 2014 giữa Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hà Nam về "Mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Sở Y tế và Hội Đông y trong công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược cổ truyền tỉnh Hà Nam”. Hội Đông y tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện nhằm phát triển tổ chức hội đông y trên địa bàn tỉnh; tăng cường chỉ đạo cán bộ, hội viên làm tốt công tác KCB bằng đông y, kết hợp giữa đông y với tây y để nâng cao kết quả điều trị cho bệnh nhân. Năm 2024, các phòng chẩn trị trong tỉnh đã điều trị cho 430.980 lượt bệnh nhân, trong đó khối tập thể chiếm 25%, khối tư nhân chiếm 75%; chữa bệnh bằng phương pháp không dùng thuốc cho 39.870 lượt bệnh nhân, còn lại là dùng thuốc kết hợp với các phương pháp khác. Các chứng bệnh được điều trị chủ yếu như: di chứng trúng phong, đầu thống, khái thấu, chứng tý, tọa cốt phong, tâm tỳ khuy tổn, chứng lâm, vị quản thống, cam tỳ trẻ em, hư lao, tiết tả…

Phát huy vốn quý y học cổ truyền trong xã hội hiện đạiHằng năm, Hội Đông y tỉnh chủ động xây dựng các chuyên đề về điều trị bệnh, soạn thảo đề dẫn để hướng dẫn các tổ chức hội cơ sở tổ chức hội thảo khoa học trao đổi, đúc rút kinh nghiệm, kế thừa được những bài thuốc hay cây thuốc quý tại địa phương. Từ năm 2021 đến nay, Hội Đông y tỉnh đã tổ chức hội thảo các cấp được 40 lần, đúc kết được hơn 200 bài thuốc kinh nghiệm điều trị có hiệu quả cao, cán bộ hội viên viết được 16 sáng kiến cấp cơ sở trong công tác chuyên môn, áp dụng vào công tác KCB cho nhân dân đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, hằng năm, nhân dịp đầu xuân Ban Thường trực Tỉnh hội chỉ đạo các cấp hội và hội viên lương y trong toàn tỉnh chuẩn bị đất và giống để gieo trồng các loại dược liệu theo quy định của Bộ Y tế; củng cố các vườn thuốc, khóm thuốc tại các TYT, trường học và gia đình; thực hiện phương châm “thầy tại nhà, thuốc tại vườn”, “Nam dược trị Nam nhân”... Đồng thời, phổ biến,  nhân rộng các mô hình trồng dược liệu đạt hiệu quả cao cho cán bộ hội viên và nhân dân để chủ động nguồn dược liệu phục vụ cho công tác điều trị các bệnh thông thường; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ hội viên, để thực hiện tốt việc kết hợp giữa YHCT với y học hiện đại góp phần nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân trong tình hình mới.

Phát huy vốn quý y học cổ truyền trong xã hội hiện đạiDù đã được quan tâm đầu tư nhiều, nhưng hệ thống các cơ sở KCB bằng YHCT, YHCT kết hợp y học hiện đại vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại. Ở Bệnh viện YHCT tỉnh, dù đã đầu tư nhiều thiết bị hiện đại nhưng vẫn thiếu những thiết bị đầu bảng như: chưa có máy chụp cộng hưởng từ, hệ thống ô xy cao áp; thiếu các thiết bị trị liệu cao cấp như: hệ thống tập vận động trị liệt chi trên và chi dưới, hệ thống máy giảm áp cột sống điều trị thoát vị đĩa đệm, máy cao tần. Chỉ tính riêng với hệ thống ô xy cao áp- chuyên dùng đáp ứng điều trị nhiều loại bệnh như: các di chứng của tai biến mạch máu não, các bệnh rối loạn tuần hoàn não, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, suy nhược thần kinh,... nếu được quan tâm đầu tư sẽ giúp nâng cao rất nhiều chất lượng điều trị. Trong khi nhiều bệnh viện trong khu vực đã có hệ thống ô xy cao áp từ lâu và thu hút rất đông bệnh nhân, nhưng Bệnh viện YHCT vẫn đang trong quá trình xin đầu tư, bởi chi phí mua máy khá lớn, khoảng 10 tỷ đồng...

Ở các trung tâm y tế tuyến huyện, nhất là ở TYT, hệ thống máy móc thiết bị phục vụ KCB YHCT, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu còn rất hạn chế, sơ sài. Máy móc, thiết bị phục vụ KCB YHCT ở các TYT đều các lương y tự mua sắm và mang ra trạm phục vụ KCB YHCT cho nhân dân. Đó là ở các TYT có bác sỹ YHCT, nếu không, sẽ hoàn toàn không có máy móc, thiết bị phục vụ KCB YHCT cho người dân. Ngoài ra, đối với các trung tâm y tế tuyến huyện, suốt một thời gian dài vừa qua không có thuốc YHCT bởi khó khăn trong đấu thầu thuốc.

Phát huy vốn quý y học cổ truyền trong xã hội hiện đại
Bác sỹ Chu Tiến Dũng (TYT Hưng Công, xã Bình An, Bình Lục) hướng dẫn người dân nhận biết cây thuốc ở vườn thuốc mẫu của TYT. Ảnh: Yên Chính

Về đội ngũ, dù đã được quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Hà Văn Diễn, Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh cho biết: Mỗi năm, bệnh viện tiết kiệm đầu tư kinh phí cho cán bộ, nhân viên y tế đi học nâng cao trình độ chuyên môn nhưng không thấm vào đâu bởi học phí cao, khiến người đi học rất chật vật và khó chuyên tâm. Vì thế, rất cần có chế độ chính sách giữ chân người tài, thu hút người có trình độ cao về làm việc, hỗ trợ kinh phí cho bác sỹ đi học nâng cao trình độ trong các cơ sở y tế nói chung, cơ sở điều trị YHCT nói riêng.

Một khó khăn nữa trong việc phát huy vốn quý của YHCT, đó là nhận thức của người dân. Nhiều người khi bị bệnh, nhất là bệnh thông thường có thể dùng thuốc nam chữa khỏi lại an toàn, nhưng lại quen uống thuốc tây cho nhanh khỏi. Một số người vẫn giữ thói quen mua thuốc YHCT từ các nguồn trôi nổi không rõ nguồn gốc, mua trên mạng, mua ở các điểm du lịch, dẫn đến tiền mất tật mang. Hiện nay, do công nghệ số phát triển, việc quảng bá và mua bán các sản phẩm rất dễ dàng nhưng việc quản lý về lĩnh vực này chưa chặt chẽ, một số người lợi dụng điều này để quảng cáo, bán các sản phẩm thuốc YHCT kém chất lượng, thậm chí bán hàng giả, tác dụng thực không như quảng cáo. Một bộ phận người dân đã quen với việc mua hàng qua mạng, dẫn đến việc mua phải những sản phẩm thuốc đông y không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, hàng giả, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Phát huy vốn quý y học cổ truyền trong xã hội hiện đạiTrước tình trạng này, ông Phạm Ngọc Thuần, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh khuyến cáo người dân không nên mua sản phẩm thuốc YHCT, “bắt bệnh” qua mạng mà cần đến trực tiếp các cơ sở KCB YHCT đã được cấp phép như: Bệnh viện YHCT; các khoa YHCT ở các bệnh viện, trung tâm y tế, TYT; các phòng chẩn trị của các lương y... để được khám, cấp thuốc.

YHCT có giá trị lớn trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân cũng như phòng, chữa bệnh. Thời gian qua, ngành Y tế đã làm tốt việc phát huy vốn quý YHCT, kết hợp YHCT với y học hiện đại trong KCB, song để đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, việc đầu tư tăng cường trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ, bảo đảm nguồn dược phẩm chất lượng là rất cần thiết. Người dân cũng cần quan tâm nắm thông tin để tận dụng lợi thế an toàn, giá trị của YHCT trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cũng như chữa bệnh; nếu KCB YHCT cần đến các cơ sở có uy tín.

Thực hiện: Đỗ Hồng           
Thiết Kế: Đức Huy                                                                                                          

www.baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy