Phân luồng học sinh – Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Trong nhiều năm qua, Hà Nam đã tích cực thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS), tạo chuyển biến trong việc điều chỉnh hợp lý cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xã hội. Bằng nhiều giải pháp tích cực, toàn tỉnh đã có trên 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS lựa chọn học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phân luồng học sinh – Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Phân luồng học sinh – Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Bằng các biện pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và toàn dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của phân luồng học sinh phổ thông; đổi mới phương pháp giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp… công tác phân luồng học sinh sau THCS đã đạt hiệu quả nhất định.

Phân luồng học sinh – Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tỉnh Hà Nam năm học 2023-2024 diễn ra trong thời tiết nóng bức, nhưng thực sự không ngột ngạt và áp lực bằng tinh thần của những người trong cuộc. Toàn tỉnh có 10.375 thí sinh đăng ký dự thi vào các trường THPT không chuyên, trong đó chỉ tiêu cho 22 trường THPT không chuyên là trên 7.300 học sinh. Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ có hơn 3.000 học sinh bị loại ở kỳ thi này phải lựa chọn học văn hóa nghề ở trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, hoặc chờ đến năm sau thi lại… Vì thế, trong suốt những ngày thi, các bậc phụ huynh luôn sát sao con cái, đưa đón và chờ đợi ngoài cổng trường rất căng thẳng. Ai cũng muốn con mình thi đỗ, được học trong các trường THPT công lập.

Ông Nguyễn Văn Quang, xã Thanh Sơn, Kim Bảng chia sẻ: “Tôi đang phụ trách công trình ở Quảng Ninh nhưng những ngày này phải giao lại công việc cho anh em làm để về đưa con đi thi. Nhà cách điểm thi chưa đến một cây số, nhưng tôi muốn động viên tinh thần để con tự tin hơn khi bước vào phòng thi. Với chúng tôi, điều mong muốn lớn nhất là con đỗ vào lớp 10 công lập”. Phân luồng học sinh – Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Năm học này có không ít học sinh học xong lớp 9 quyết định không thi vào lớp 10. Học sinh Trần Văn Tiến Tài, xã Hưng Công, huyện Bình Lục là thí dụ. Em cho biết, em sẽ chọn học ở một cơ sở đào tạo nghề nào đó để có việc làm sớm. Không phải lực học của Tài kém, không thể thi vào lớp 10 mà Tài chọn học nghề vì nếu học đại học, em phải mất 7 năm nữa mới ra trường, lúc đó cũng chưa biết bằng đại học của em có thể xin được việc hay không.

Anh Trần Văn Thư (bố của Tài) cho biết, muốn con học nghề để có việc làm sớm, không tốn kém, mất thời gian khi lựa chọn học đại học. Xem báo, nghe đài, mỗi năm cả nước có hàng trăm nghìn sinh viên ra trường không có việc làm, nếu con mình cũng trong số đó thì khổ các cháu. Bản thân mình làm nông dân, chắt bóp ít tiền dồn hết cho con học đại học mà về phải giấu bằng đi làm công nhân thì học đại học làm gì!

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Khiêm, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên cho biết: Trường có hàng chục học sinh không thi vào 10, chuyển học nghề, văn hóa nghề. Một số em chia sẻ với giáo viên, sẽ đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam. Các em tự nguyện chọn con đường đi của riêng mình, tôi cũng động viên, nếu con đường các em chọn mang lại cuộc sống, hạnh phúc cho mình thì các em hãy nỗ lực theo đuổi. Chúng ta không nhất thiết phải học đại học bằng được.

Phân luồng học sinh – Cần thực hiện đồng bộ các giải phápTư tưởng trọng bằng cấp, học đại học để “bằng chị bằng em”, có chỗ đứng trong xã hội, để gia đình, dòng họ được vinh danh… chính là rào cản đối với nhiều học sinh mới chập chững bước vào đời. Ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, việc chọn học gì, làm gì đối với các em thực sự không đơn giản, cần có sự định hướng của cha mẹ, thầy cô. Định hướng tốt sẽ giúp các em có lựa chọn tốt để xác định tương lai của mình. Tác động xã hội trong đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp đã làm cho phụ huynh và học sinh thay đổi dần nhận thức về nghề nghiệp, từng bước phá bỏ được rào cản tâm lý về việc trọng bằng đại học, coi nhẹ học nghề.Phân luồng học sinh – Cần thực hiện đồng bộ các giải phápNhững năm qua, Hà Nam đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp, dạy một số nghề cơ bản theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bước đầu cung cấp thông tin về nghề nghiệp; hình thành khái niệm, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản nhất; định hướng cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp sau này. Chỉ đạo các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tổ chức các lớp học theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông kết hợp với học nghề nhằm góp phần phân luồng học sinh. Yêu cầu các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tích cực tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp chuyên nghiệp. Học sinh có nhiều cơ hội vào học nghề bởi cả nước hiện có trên 800 ngành nghề cao đẳng, 500 ngành nghề trung cấp. Thế mạnh của giáo dục nghề nghiệp chính là thời gian đào tạo ngắn, chi phí không cao, người học có nhiều cơ hội việc làm tốt, bảo đảm thu nhập.

Phân luồng học sinh – Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Công tác hướng nghiệp nhiều năm qua đã hướng tới những vấn đề thực tiễn đời sống xã hội đang cần. Giáo viên thông qua các tiết giáo dục hướng nghiệp để định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Ngoài việc định hướng cho các em, chọn nghề gì cho phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện gia đình, giáo viên cũng phân tích sự cần thiết, lợi ích của việc học nghề, nhu cầu thị trường lao động… để giúp các em có những xác định tốt cho tương lai. Có nhiều con đường để lựa chọn, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Vì vậy, khi các em học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, được định hướng đúng đắn về nghề nghiệp, các em sẽ có quyết định phù hợp với năng lực của bản thân. Hơn nữa, các bậc phụ huynh cũng cần thay đổi tâm lý chỉ có con đường vào đại học mới thành công, hãy hướng con em mình đến một tương lai khác phù hợp với năng lực, sở trường của các em. Từ học nghề, rất nhiều học sinh đã khởi nghiệp thành công, không chỉ tạo dựng được cuộc sống ổn định, khá giả, mà còn tạo việc làm cho rất nhiều người.

Phân luồng học sinh – Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Cùng với việc giảng dạy, giáo viên Trường THCS Tiên Hiệp (TP Phủ Lý) còn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng cho học sinh lớp 9 về việc chọn trường, chọn nghề sau tốt nghiệp THCS.

Công tác hướng nghiệp được thực hiện tốt sẽ giúp học sinh hiểu đầy đủ về khả năng, năng lực cũng như định hướng nghề nghiệp của mình trong tương lai để từ đó đưa ra được sự lựa chọn phù hợp. Hiện công tác hướng nghiệp cho học sinh được tổ chức đa dạng hơn. Ngoài chương trình giáo dục hướng nghiệp tại các nhà trường được duy trì còn có các buổi thông tin tuyên truyền nghề nghiệp dưới dạng ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giáo dục hướng nghiệp do các trường đại học, cao đẳng, trung cấp phối hợp thực hiện. Nhiều lực lượng khác, như đoàn thanh niên cũng tham gia hoạt động hướng nghiệp trong các nhà trường qua hệ thống đoàn trường. Chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh tuy có chuyển biến so với trước nhưng vẫn còn hạn chế. Cùng với đó, định hướng nghề nghiệp từ nhiều gia đình, cha mẹ học sinh còn nặng tâm lý vẫn muốn con vào các trường đại học, cao đẳng. Vì vậy, cần đa dạng hóa, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong nhà trường, tiếp tục làm thay đổi tâm lý khoa cử của người dân thì công tác hướng nghiệp cho học sinh mới đạt hiệu quả như mong muốn, thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.

Phân luồng học sinh – Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục dạy nghề giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nam tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, củng cố, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tập trung các ngành, nghề trọng điểm, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo ông Vũ Hữu Ý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, mục tiêu kép đối với các cơ sở giáo dục khi triển khai thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là hỗ trợ đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục nghề nghiệp về cơ chế, chính sách; hoạt động đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra; các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề nhằm tạo đột phá về chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế, đồng thời, phấn đấu đến năm 2025 trường được công nhận là Trường Cao đẳng chất lượng cao.Phân luồng học sinh – Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

“Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp" là một Dự án được Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam cùng với 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác thực hiện từ năm 2016 đến nay, mỗi năm cung cấp cho thị trường lao động ngót một nghìn lao động, kỹ thuật tay nghề cao. Riêng đối với hệ cao đẳng, 100% sinh viên ra trường có việc làm ngay và thu nhập từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng.  Hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được quan tâm hàng đầu, đáp ứng yêu cầu đổi mới khi đưa một số nghề trọng điểm quốc gia vào đào tạo. Kỹ năng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên sau khi được đào tạo tại trường có sự thay đổi rõ rệt, được các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI tuyển dụng ngay trong thời gian chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Từ đây, vị thế của nhà trường cũng được nâng cao. Việc gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp ngày càng trở nên khăng khít hơn, tạo thuận lợi cho người học có cơ hội được lựa chọn việc làm theo nhu cầu.

Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng nghề Hà Nam và Trường Trung cấp Nghề công nghệ Hà Nam là hai cơ sở đào tạo nghề đã thực hiện tốt công tác đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Riêng năm 2022, 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp này đã tuyển sinh được 106 sinh viên hệ cao đẳng; 850 học sinh hệ trung cấp; 467 học viên hệ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng; tổ chức thi tốt nghiệp cho 1.151 học sinh, sinh viên. Thực hiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, đến nay, đã tuyển sinh và đào tạo 3 khóa với tổng số 371 học viên. Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh dưới các hình thức: Tọa đàm trực tiếp với các doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng và yêu cầu sử dụng lao động tại các nhà trường, thông qua bộ phận tuyển sinh và tư vấn giới thiệu việc làm trên cơ sở thông báo tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. 95% người học sau khi tốt nghiệp đã được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay vào làm việc với mức thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Phân luồng học sinh – Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Đẩy mạnh liên kết đào tạo  với doanh nghiệp là một trong những giải pháp mà các cơ sở GDNN đang làm để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề.

Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 5 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 5 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 4 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp; ngành nghề đào tạo thuộc các lĩnh vực: Y, dược, cơ khí, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, du lịch, dịch vụ. Mỗi năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khoảng trên 20.000 người, trong đó, trình độ cao đẳng dưới 500 người, trình độ trung cấp gần 3.000 người, trình độ sơ cấp hơn 6.500 người, dạy nghề dưới 3 tháng trên 10.000 người; tổ chức thi tốt nghiệp cho trên 18.000 người. Kết quả này đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay đạt 73%, trong đó tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp đạt 57%, đạt 101% kế hoạch. 

Theo ông Đỗ Quang Triệu, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thuận lợi nhất đối với công tác đào tạo nghề giai đoạn này là hệ thống các văn bản pháp lý về lĩnh vực dạy nghề ngày một hoàn thiện. Hệ thống quản lý đào tạo nghề và lao động việc làm đã được thành lập từ cấp tỉnh tới các huyện, thị xã, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và hiện nay các huyện đều đã thành lập được trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề từng bước được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp bước đầu đáp ứng được yêu cầu đào tạo của từng nghề ở mỗi cơ sở dạy nghề. Chương trình dạy nghề dần được chuẩn hóa, phù hợp với thực tiễn sản xuất.

Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp ở Hà Nam từng bước có những chuyển biến tích cực. Kỹ năng nghề nghiệp của người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng lên, nhất là ở những chương trình chất lượng cao, người học vừa có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, vừa đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và cho thị trường lao động nước ngoài. Nhu cầu giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm mỗi năm một cao. Với 4 cơ sở đào tạo nghề thực hiện đào tạo nghề trọng điểm, các trường đang từng bước khẳng định được thương hiệu và chất lượng đào tạo nghề. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường mỗi năm có việc làm bình quân trên 80%, tại các cuộc thi tay nghề giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực, học sinh, sinh viên ở một số trường nghề Hà Nam đều tham dự và có giải. Hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn tổ chức hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp nhằm giúp người học có cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa với các kiến thức, công nghệ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. Tạo mọi điều kiện thuận lợi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thu hút nguồn nhân lực cho sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp.

Phân luồng học sinh – Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Những học sinh trường nghề sau 3 năm học hệ trung cấp văn hóa nghề tự tin tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Dấu hiệu đáng mừng nhất từ hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là số lượng học sinh đăng ký nhập học các hệ đào tạo tăng dần. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, qua khảo sát ở các nhà trường cho thấy, xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh tại địa phương hiện nay khá đa dạng, tập trung vào các ngành, nghề có đặc điểm: Thu nhập ổn định, dễ tìm được việc làm, nghề truyền thống của gia đình, phù hợp với sức khỏe, khả năng của bản thân... Vì thế, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các hệ đào tạo trung cấp, sơ cấp, cao đẳng tăng dần theo từng năm, từ 15,75% đối với học sinh THCS năm 2020 lên gần 20% năm 2022. Đối với học sinh THPT tăng từ 19,9% năm 2020 lên gần 25% năm 2022. Nhận thức về học nghề và việc làm của học sinh, người lao động cũng như xã hội cơ bản đã có những thay đổi tích cực. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, học sinh Trần Quốc Kiên, lớp 12B, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam chia sẻ: Sau 3 năm học văn hóa nghề ở trường, em cảm thấy mình có nhiều điều kiện để tiếp tục dự định nghề nghiệp sau này. Em sẽ vào đại học, học ngành công nghệ ô tô hoặc điện công nghiệp. Trước đây, khi phải lựa chọn vào trường nghề, em rất do dự, lo lắng. Nhưng khi vào học rồi, với các điều kiện học tập, thực hành, ăn ở trong trường, em đã rất hài lòng. Qua đây em muốn chia sẻ với các em học sinh THCS, hãy mạnh dạn chọn cho mình con đường học tập và làm việc sau này một cách thực tế, nếu không đủ khả năng vào lớp 10 THPT công lập thì hãy vào học các trường nghề. Ở đây, các em cũng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp sau này…

Nội dung: Chu Uyên.

Thiết kế: Đức Anh.

baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy