kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng: Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sáng

Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sáng

Trong chuyến thăm Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng tại nhà riêng (ở Quận Hoàng Mai, Hà Nội), chúng tôi đã có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp và tài năng của người nghệ sĩ đặc biệt này.

Chào đón chúng tôi bằng tiếng sáo du dương qua giai điệu mang âm hưởng dân tộc Tây Bắc, kể về dấu chân của Bác Hồ, Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng ở tuổi 78 vẫn giữ được sự minh mẫn lạ thường. Ông nhanh nhẹn, say mê chia sẻ với chúng tôi về từng ca khúc mà ông vừa thực hiện.

Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sáng
Họa sĩ Lê Duy Ứng thể hiện tài năng với cây sáo.

Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sángThừa hưởng tài năng nghệ thuật từ cha (Nhà báo, Họa sĩ Lê Yến), chàng trai trẻ Lê Duy Ứng quyết tâm theo đuổi con đường hội họa và trở thành sinh viên của Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tháng 9 năm 1971, giữa những ngày tháng thanh xuân tràn đầy nhiệt huyết, chàng sinh viên năm thứ ba Lê Duy Ứng đã cùng hơn 10 nghìn sinh viên các trường đại học ở Thủ đô “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu theo tiếng gọi của Tổ Quốc.

Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sáng
Họa sĩ Lê Duy Ứng bên bức tượng Nhà báo, Họa sĩ Lê Yến.

Ký ức về 81 ngày đêm khói lửa bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 dường như vẫn in sâu trong tâm trí của Hoạ sĩ Lê Duy Ứng. Chỉ trong một không gian nhỏ bé chưa đầy 3km, Quảng Trị đã phải hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn từ máy bay B-52 và pháo hạm ngoài biển. Những trận đánh liên tục, ngày đêm không ngừng khiến những người lính phải đối mặt với cái chết và gian khổ không thể kể xiết. Họ đã lấy gan vàng chọi với sắt thép. Họ đã kiên cường chiến đấu và hy sinh. Nhiều người đã ngã xuống nơi dòng sông Thạch Hãn đỏ máu, đã gửi gắm thân xác dưới lớp đất thành cổ. Người họa sĩ anh hùng nghẹn ngào, ông gọi đó là “Mùa hè đỏ lửa”.

Trong thời khắc khó khăn ấy, người lính trẻ Lê Duy Ứng như được tiếp thêm sức mạnh khi gia nhập hàng ngũ của Đảng (ngày 23/8/1972). Ánh mắt của ông bỗng sáng ngời khi nhắc đến dấu mốc quan trọng này. Ông cảm thấy mình đang đảm nhận một nhiệm vụ cao cả hơn đó là “phải tiếp tục phấn đấu, rèn luyện thay cho những đồng đội đã hy sinh từ trận chiến”. Đó là trách nhiệm, là lời thề sâu sắc ông dành cho mảnh đất Quảng Trị đầy máu và hoa.

Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sáng
Bức tranh Đuổi địch ra khỏi Cửa Việt của Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng.

May mắn trở về từ chiến trường Quảng Trị, hoạ sĩ Lê Duy Ứng hăng hái tham gia các chiến dịch, đặc biệt là Chiến dịch Mùa xuân năm 1975. Người lính trẻ Lê Duy Ứng với lòng yêu nước nồng nàn và niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, đã theo đoàn quân thần tốc tiến về phía Nam với khí thế hừng hực của những người lính “đi tới đâu chiến thắng đến đó”. Và rồi trận chiến cuối cùng ở cửa ngõ Sài Gòn đã đến gần – một cuộc chiến cam go để giành lấy chiến thắng vĩ đại, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước.

Với vai trò Trợ lý Tuyên huấn Quân đoàn 2, hướng về cuộc tổng tấn công giải phóng miền Nam, nhiệm vụ của ông là ghi lại những khoảnh khắc chiến tranh qua những bức ảnh và ký họa. Thế nhưng vào đêm ngày 27, rạng sáng ngày 28/4/1975, khi tham gia trận chiến tại căn cứ Nước Trong (cách Sài Gòn 30km), ông đã trúng đạn súng chống tăng vào đầu, ngực, mặt và mất đi đôi mắt. Nỗi đau thể xác không át được sức mạnh tinh thần. Trong phút xuất thần khi cái chết cận kề, ông đã dùng máu từ đôi mắt của chính mình để khắc họa chân dung Bác Hồ cùng lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng bay phấp phới sau lưng chân dung Bác. Ông ghi đậm dòng chữ: “Ánh sáng niềm tin! Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân” rồi ký tên. Ông đã cẩn trọng cất giữ bức tranh vẽ bằng máu đó trong túi áo ngực trái như một lá bùa may mắn, nhắc nhở về niềm tin và lý tưởng sống. Ít nhất, trong khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết, Lê Duy Ứng đã nắm giữ và được thứ ánh sáng thần diệu ấy dẫn dắt ông vượt qua mọi thử thách.

Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sáng

Khi nhớ lại giây phút đầy cảm xúc đó, Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng không tránh khỏi sự bùi ngùi. Ông kể lại: “Tôi tỉnh dậy. Trong tiếng bom đạn, tôi nghe thấy tiếng hô “Xung phong” của đồng đội. Bản thân tỉnh táo nhưng trong mắt là sự nhói buốt đến tận đỉnh đầu”. Sau hai lần tắt thở, thậm chí bị đưa vào nhà xác, điều kỳ diệu đã xảy ra khi trái tim ông bất ngờ hồi sinh.

Trong khoảnh khắc nghẹt thở giữa cuộc chiến, giữa muôn vàn hình ảnh quen thuộc thấp thoáng trong tâm trí, hình ảnh Bác Hồ bỗng hiện lên rực rỡ, ngời sáng và rõ nét nhất. Ngay khi bom đạn của kẻ thù cướp đi ánh sáng của đôi mắt, chính hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu đã soi sáng con đường cho người họa sĩ. Ánh sáng bất diệt ấy đã hướng dẫn từng cử động của Lê Duy Ứng, giúp bàn tay ông lướt qua từng nét vẽ, từng mảng màu. Đó là màu máu, màu của dòng máu chảy trong cơ thể ông, dòng máu mà kẻ thù vừa tước khỏi ánh nhìn của ông. Nhưng đồng thời, đó cũng là màu của lá cờ Tổ quốc, màu của lý tưởng, của niềm tin và sự chiến thắng huy hoàng.

Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sáng

Sau khi bị thương nặng, tháng 6/1975, Lê Duy Ứng được đưa về Bệnh viện Quân Y 108 điều trị. Chia sẻ với chúng tôi, ông trải lòng: đó là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời. Nhiều lần muốn quyên sinh vì mất đi đôi mắt, không còn vẽ được nữa, ông cảm thấy mất hết hy vọng và niềm vui sống. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, ông không tránh được nỗi buồn khi đối mặt với thương tật 91% vĩnh viễn, thương binh 1/4, nhất là đôi mắt, giác quan quý giá đối với một người họa sĩ để cảm nhận ánh sáng và màu sắc đã không nhìn thấy.

Cảm thông với nỗi khổ đau ấy, Thượng tá, Giáo sư Đào Xuân Trà (Phó viện trưởng kiêm Trưởng khoa Mắt tại Viện Quân y 108) đã dành những lời khích lệ chân thành cho ông: “Ứng ơi, Ứng đừng buồn! Có lần mình sang công tác tại Liên Xô thấy một người bị mù nhưng nặn tượng rất giỏi, Ứng thử chuyển sang điêu khắc xem sao”. Lời khuyên của Giáo sư Đào Xuân Trà như một làn gió mới, thổi bùng lên trong Lê Duy Ứng niềm hy vọng, khơi dậy trong ông một ý chí kiên cường. Chính sự động viên ấy đã mở ra một con đường mới, giúp ông khám phá ra rằng nghệ thuật không chỉ cần ánh sáng mà còn cần cả tâm hồn và sự kiên nhẫn. Từ đó, ông không nghĩ đến cái chết nữa. Không nhận biết được màu sắc thì ông tạc tượng. Chia sẻ với chúng tôi về sự tương đồng giữa điêu khắc và hội hoạ, ông cho rằng chúng có thể bổ trợ cho nhau. Khi còn là sinh viên Hội họa tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông vẫn thường xuyên học luân phiên điêu khắc. Nhờ vậy, người họa sĩ đã tích lũy được nhiều kiến thức nền tảng về điêu khắc. Chuyển sang lĩnh vực này, ông nhận thấy quá trình sáng tạo không phải quá khó khăn, nhưng vẫn không thiếu những thử thách cần kiên trì vượt qua. Ông tâm sự: “Để tạo ra những tác phẩm như vậy, tôi đã trải qua biết bao lần thất bại. Do không nhìn thấy gì, có những lúc tôi đục cả vào tay mình, hay những cú đục không chính xác khiến tượng bị sứt mẻ. Cảm giác lúc đó rất đau lòng”.

Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sáng
Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng điêu khắc tác phẩm bằng đôi tay đầy khéo léo.

Kiên trì sáng tạo nhiều thành quen. Bức tượng đầu tay ông tạc là bức tượng Bác Hồ với dòng chữ: “Hỏng mắt con tạc tượng Người/ Niềm tin ánh sáng trọn đời trong con”. Nghị lực phi thường, ý chí kiên cường của người lính cùng “ánh sáng niềm tin” - tình yêu lớn đối với quê hương, đất nước, với Bác Hồ, với nhân dân…luôn là nguồn sáng cho anh hùng, họa sĩ Lê Duy Ứng trong suốt hành trình sống, lao động và sáng tạo.

Bất kể đôi mắt có nhìn thấy hay không, với đôi tay khéo léo của ông, ánh sáng từ trái tim và niềm tin bất diệt vẫn chảy trong huyết quản, thúc đẩy ông miệt mài sáng tác để tiếp tục cống hiến cho đời. Ông chứng minh rằng nghệ thuật không chỉ cần ánh sáng vật chất mà còn cần trái tim và tâm hồn người sáng tạo.

Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sáng
Họa sĩ Lê Duy Ứng và tác phẩm điêu khắc “Bác Hồ đi chiến dịch”.

Năm 1982, họa sĩ Lê Duy Ứng trải qua ca phẫu thuật ghép giác mạc dưới bàn tay tài hoa của Giáo sư, Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Trọng Nhân, người con ưu tú của quê hương Bình Lục, Hà Nam. Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng bày tỏ: “Tôi luôn biết ơn người ân nhân là Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân. Nhờ có anh ấy mà tôi đã được nhìn thấy ánh sáng một lần nữa và luôn luôn biết ơn quê hương Hà Nam”.

Sau đó, ông trở lại với đam mê nghệ thuật bằng tất cả nhiệt huyết, cho ra đời hàng nghìn tác phẩm độc đáo, cả tranh vẽ lẫn điêu khắc. Khoảnh khắc ánh sáng trở lại cũng chính là lúc nguồn cảm hứng trong ông bùng cháy mãnh liệt, ông vẽ say sưa, say sưa như thể muốn bù đắp cho những năm tháng chìm sâu trong bóng tối.

Tuy nhiên, năm 2005, khi ông đang làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đôi mắt ông lại dần mờ đi, đứng trước nguy cơ mất thị lực hoàn toàn. Được tài trợ để trị liệu tại Nhật Bản, mắt trái đã hồi phục, mang lại ánh sáng cho ông thêm một lần nữa. Nhưng những vết thương cũ tái phát đã khiến cơ hội thấy ánh sáng từ năm 2008 hoàn toàn khép lại.

Đề tài quen thuộc trong nghệ thuật của Lê Duy Ứng luôn xoay quanh hình ảnh lãnh tụ và đề tài chiến tranh cách mạng. Ông chia sẻ: “Tôi không thể nhớ nổi mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh về Bác, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có lẽ lên tới hàng nghìn tác phẩm”. Tình yêu và sự ngưỡng mộ dành cho Bác Hồ kính yêu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong sự nghiệp sáng tác của ông. Dẫn chúng tôi tham quan bảo tàng tại gia, họa sĩ Lê Duy Ứng chậm rãi, đầy xúc cảm, như thể từng tác phẩm đều mang trong mình một phần ký ức sống động của ông. Trong không gian đậm chất nghệ thuật ấy, ông lần lượt chạm tay vào từng bức tranh, từng pho tượng, để cảm nhận và nhắc lại từng chi tiết đã hòa quyện trong mỗi tác phẩm. Mỗi nét chạm, mỗi đường lướt tay qua những khối hình đều gợi nhắc ông về hành trình sáng tác gian truân, về những khoảnh khắc bất diệt của niềm tin và tâm hồn ông đã gửi gắm.

Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sángBác Hồ kính yêu từng nói: “Chìa khóa đi đến thành công là sự đam mê và kiên trì”. Noi gương theo lời dạy của Bác, Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng đã dành trọn cả đời mình cho con đường nghệ thuật và lý tưởng người lính. Chính sự kiên trì bền bỉ của ông, từ những ngày tháng chiến tranh đến lúc trở về đời thường đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho biết bao thế hệ. Nhờ những nỗ lực ấy, câu chuyện của Họa sĩ Lê Duy Ứng đã được đưa vào Sách giáo khoa Tiếng Việt với tiêu đề “Người chiến sĩ giàu nghị lực”.

Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sáng
Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng hào hứng chia sẻ về đoạn văn viết về ông được ghi trong Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4, tập 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Trước những bức chân dung Bác Hồ, ông dừng lại thật lâu, như thể Bác đang hiện diện ngay trước mắt, truyền cho ông thêm nghị lực và niềm tin. Những bức tượng do chính tay ông tạo tác khi đôi mắt đã mất ánh sáng – hơn 50 bức tượng– vẫn đứng đó, sừng sững và mạnh mẽ. Để hiểu được mỗi tác phẩm, họa sĩ Lê Duy Ứng phải di chuyển và cảm nhận bằng cả đôi tay, để lần theo từng đường nét quen thuộc. Với gần 5.000 bức tranh, hơn 3.000 chân dung Bác Hồ, 1.000 chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng hàng trăm tác phẩm điêu khắc, tranh ký họa, ông không quên ý nghĩa mà mỗi tác phẩm đã ghi dấu. Đặc biệt, ông đã đạt kỷ lục Guiness “Người đã vẽ tranh, nặn tượng nhiều nhất”.

Trong những cuộc triển lãm đã tổ chức, từ trong nước đến quốc tế và với gần 10 giải thưởng danh giá, họa sĩ Lê Duy Ứng đã chứng minh rằng dù trong những thời khắc khó khăn nhất, nghệ thuật vẫn có thể tỏa sáng từ tâm hồn người nghệ sĩ. Sự lao động miệt mài ấy chính là minh chứng cho tâm lực, ý chí kiên cường và lòng yêu nghệ thuật mãnh liệt của một người lính luôn vững vàng trên con đường đã chọn.

Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sáng

Tình yêu của Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng và “cô gái Hà Nội” Trần Thị Lê không chỉ là một câu chuyện đẹp mà còn trở thành biểu tượng cho sự kiên trì, chung thủy, bất chấp mọi rào cản để đến bên nhau.

Họa sĩ Lê Duy Ứng vẫn nhớ như in lần đầu gặp bà Trần Thị Lê tại chiến trường Quảng Trị khốc liệt - một ký ức sáng rõ và sống động như vừa mới ngày hôm qua. Chia sẻ về tình yêu của mình, ông không giấu nổi nụ cười hạnh phúc khi kể về những giây phút quý giá và đầy cảm xúc bên người bạn đời…

Năm 1973, ta và địch đã ký kết Hiệp định Paris, trong đó có nhiệm vụ trao trả tù binh. Tại Đông Hà, Quảng Trị, tổ chức T72 được giao nhiệm vụ tiếp đón tù binh. Bà Trần Thị Lê - một trong 25 cô gái Hà Nội xung phong tình nguyện vào chiến trường cũng có mặt tại sự kiện đó. Khi phục vụ trao trả tù binh bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), ánh mắt của người họa sĩ trẻ bất chợt va vào hình ảnh của cô gái xinh đẹp, rạng rỡ. Sau đó, người lính Lê Duy Ứng nhanh tay lấy chiếc bút chì và vẽ một bức chân dung tặng cho cô, như để lưu giữ hình ảnh quý giá ấy trong tâm hồn mình.

Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sáng

Bạn bè của cô gái trẻ lúc đó đã tụm quanh và thốt lên: “Lê ơi. Ai cho vẽ cho Lê mà giống thế?”. Kể từ giây phút đó, họa sĩ Lê Duy Ứng mới biết tên người con gái ấy là Lê. Tình yêu của hai người cứ thế nảy nở trên mảnh đất máu lửa, ác liệt của thị trấn Đông Hà, Quảng Trị. Nảy nở giữa nơi đổ nát vì mưa bom bão đạn, tình yêu của họ vẫn giản dị, sáng trong, lặng lẽ và bền bỉ trước muôn vàn thử thách thời chiến. Mối tình ấy đã khiến người lính Lê Duy Ứng có thêm quyết tâm đối diện với hiểm nguy, bởi ông biết rằng mình không chỉ chiến đấu vì đất nước, mà còn vì người con gái mình thương. Hai người lập lời thề, sau khi đất nước thống nhất sẽ nên đôi vợ chồng.

Năm 1975, Họa sĩ Lê Duy Ứng vĩnh viễn mất đi ánh sáng từ đôi mắt nơi cửa ngõ Sài Gòn và được đưa ra điều trị tại Bệnh viện Quân y 108. Lúc đó, bà Trần Thị Lê đang công tác tại Cửa hàng ăn uống Nguyễn Công Trứ,  Hà Nội . “Tôi không dám báo tin cho cô ấy bởi nghĩ rằng mình tàn tật rồi. Bà Lê lúc ấy mới 21 tuổi, không thể gắn với một người mà hai mắt không thấy gì cho khổ”, Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng bồi hồi kể lại. Lúc bấy giờ, một người bạn của ông đã bí mật tới gặp bà Lê để báo tin về tình hình của ông. Ngay sau khoảnh khắc đó, bà Trần Thị Lê đã vội vàng vào bệnh viện gặp ông.  Suốt những ngày tháng Lê Duy Ứng nằm tại bệnh viện, bà Trần Thị Lê luôn túc trực, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Tuy nhiên, vì sự mặc cảm, họa sĩ Lê Duy Ứng đành từ chối tình cảm của người con gái mình yêu, bởi người họa sĩ không muốn người yêu vì mình mà phải chịu thiệt thòi. Nhưng bà Lê vẫn kiên quyết: “Em đã yêu ai, thì yêu đến chết một người. Anh là người vì dân, vì nước, nên em muốn làm đôi mắt, làm cây gậy cho anh”. Nghe những lời ấy, lòng người cựu chiến binh xúc động vô cùng, nhưng vẫn cố gắng giữ khoảng cách, quyết không để cô phải hy sinh vì mình. Lần cuối cùng, bà xúc động nói rằng: “Anh đừng từ chối em mãi thế! Em biết anh từ chối thì sau này anh sẽ có vợ, em cũng sẽ có chồng. Nhưng người vợ anh lấy anh sẽ không biết mặt, còn em là người yêu cũ của anh thì anh đã biết mặt rồi. Sau này nếu sinh con ra, người ta nói con giống em thì anh tưởng tượng luôn được mặt con”. Lời nói ấy đã phá tan mọi rào cản trong lòng người họa sĩ, khiến ông quyết định gạt bỏ nỗi sợ hãi và cùng cô gái Hà Nội xây dựng một tương lai tươi sáng.

Đại tá Họa sĩ Lê Duy Ứng Người họa sĩ anh hùng với đôi mắt và trái tim sáng

Hôn lễ của họ vào năm 1976 không chỉ là kết thúc có hậu cho một chuyện tình đẹp, mà còn là cột mốc đánh dấu một hành trình yêu thương và hy sinh giữa khói lửa chiến tranh. “Đám cưới của chúng tôi được tổ chức vào ngày 19/9/1976 tại Khu tập thể Trương Định, Hà Nội. Thời bấy giờ, Báo Hànộimới đã từng viết về mối tình của chúng tôi với tựa đề “Mối tình chung thủy trọn vẹn như chiếc nón bài thơ” cùng bức ảnh đen trắng của hai người trong ngày cưới. Lúc đó, Lê đang ôm trên tay bó hoa lay - ơn trắng và còn bên cạnh là tôi với đôi kính đen của người thương binh nặng, hỏng mắt”, Họa sĩ Lê Duy Ứng vui vẻ kể lại.

Hơn bốn mươi năm kể từ ngày cưới, bà Trần Thị Lê luôn là điểm tựa vững chắc trong cuộc đời và sự nghiệp của Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng. Ngày qua ngày, bà chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ, tận tâm chăm sóc chồng, con và gia đình nhỏ, đồng hành cùng ông vượt qua mọi khó khăn. Bà luôn là nguồn động viên quý giá, khích lệ ông sáng tác, để ông tiếp tục thăng hoa trong thế giới nghệ thuật của mình. Dù thời gian có làm mái tóc bạc màu, nhưng tình yêu của họ vẫn vẹn nguyên, gắn bó và đẹp đẽ như những ngày đầu trên chiến trường đầy khói lửa. Bà Trần Thị Lê không chỉ là người vợ thủy chung mà còn là đôi mắt giúp ông nhìn thấy thế giới xung quanh, là niềm tin để ông tiếp tục sáng tác những tác phẩm mang ý nghĩa sâu sắc về quê hương, đất nước.

Câu chuyện của Đại tá, Hoạ sĩ Lê Duy Ứng và người bạn đời Trần Thị Lê đã vượt qua mọi giới hạn về không gian, thời gian, để lại một dấu ấn đẹp đẽ về lòng chung thủy và niềm tin trong tình yêu. Giữa những thử thách của chiến tranh, thương tật và khoảng cách địa lý, tình yêu của họ vẫn vững bền, như một ánh sáng dịu dàng giữa giông bão cuộc đời. Họ không chỉ tìm thấy ở nhau sự an ủi, mà còn là động lực để bước tiếp, để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, cùng viết nên câu chuyện của một tình yêu bất diệt, không phai mờ theo năm tháng.

Thực hiện: Lê Vân - Phương Trang - Minh Tiến

Thiết kế: Mai Linh - Quỳnh Trần

.

Bình luận bài viết

Bình luận

  •  Thanh Hoa
    13 ngày trước

    Bào viết rất gay, mình đã xúc động khi đọc bài viết này. Cảm ơn nhà báo giúp mn tiếp cận được nội dung

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy