“Đối với sản xuất vụ đông, từ lâu, cây dưa chuột được lựa chọn và đã khẳng định được thế mạnh về giá trị. Trong chỉ đạo sản xuất, ngành nông nghiệp hướng đến xây dựng những vùng sản xuất dưa chuột tập trung, gồm cả dưa xuất khẩu và dưa thương phẩm. Từ đó, tạo thuận lợi cho quá trình chăm sóc, điều tiết tưới, tiêu, nhất là tiêu thụ sản phẩm”. Đó là trao đổi của ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT).
Xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng trước đây chỉ độc canh cây lúa. Hiện nay, cây dưa chuột đang đóng vai trò chủ lực trên đồng ruộng. Trên địa bàn xã hình thành những vùng chuyển đổi sản xuất dưa chuột trên đất 2 lúa. Cây dưa được người dân bố trí trồng luân canh trên các cánh đồng đã được HTXDVNN quy hoạch vùng thuận lợi về đường giao thông, tưới, tiêu. Vụ đông 2022, cây dưa chuột của xã đạt 55 ha, chiếm trên 55% tổng diện tích gieo trồng. Nhiều hộ trong xã trồng từ 5 – 8 sào dưa chuột, người dân hình thành nhóm 4 – 5 hộ liên kết trồng khoảng 2 ha cây dưa chuột gọn vùng. Vụ đông năm nay, do có kế hoạch sản xuất từ sớm, cây dưa chuột vụ đông của xã được bố trí đất và xuống giống từ đầu tháng 9. Cây dưa chuột tại Hoàng Tây đang cho thu hoạch lứa quả đầu tiên ở thời gian giao vụ khi các loại rau, củ, quả có ít, giá bán đạt mức 12 – 13 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Với năng suất dưa 1.500 kg/sào, tính bình quân giá cả vụ 10 nghìn đồng/kg, cho giá trị 15 triệu đồng/sào/vụ, trừ chi phí đạt lợi nhuận 12 triệu đồng/sào/vụ. Nhiều hộ dân trong xã dự kiến có thu nhập khoảng 70 – 80 triệu đồng từ sản xuất vụ đông. Ông Vũ Văn Khuynh, Giám đốc HTXDVNN Hoàng Tây cho biết: Cây dưa chuột góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác của địa phương. Những diện tích đất lúa trồng dưa chuột hiện đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm. HTXDVNN đã quy hoạch vùng và thực hiện tốt các dịch vụ giúp cây dưa chuột duy trì và mở rộng diện tích sản xuất.
Huyện Kim Bảng là đơn vị đi đầu trong sản xuất vụ đông hàng hóa giá trị cao, cây dưa chuột vụ đông thường được gieo trồng gần 400 ha, bằng 20% tổng diện tích gieo trồng. Tính riêng cây có giá trị xuất khẩu, dưa chuột chiếm trên 60% diện tích. Cả huyện có đến 14/16 xã, thị trấn có diện tích trồng cây dưa chuột. Tại nhiều địa phương trong huyện, cây dưa chuột đã trở thành cây trồng truyền thống. Vụ đông 2022 này, nhiều xã vẫn duy trì diện tích trồng dưa chuột lớn, như: Xã Lê Hồ 56 ha, Đồng Hóa 68 ha, Văn Xá 58 ha, Tượng Lĩnh gần 30 ha… Để mở rộng diện tích dưa chuột vụ đông, huyện Kim Bảng đã chỉ đạo các địa phương, HTXDVNN quy hoạch vùng, nâng cao hiệu quả hoạt động các dịch vụ phục vụ sản xuất, như: Thủy nông, bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản… Toàn bộ diện tích dưa chuột (kể cả dưa thương phẩm và dưa xuất khẩu) của huyện đều bảo đảm khâu tiêu thụ sản phẩm thông qua đại lý hoặc trực tiếp với doanh nghiệp. Nhờ vậy, hạn chế tối đa tình trạng được mùa, mất giá, thúc đẩy người dân duy trì và mở rộng diện tích trồng dưa chuột, nhất là trong vụ đông. Theo bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Kim Bảng, xác định cây dưa chuột đóng vai trò chủ lực về giá trị, khi xây dựng kế hoạch, Phòng NN & PTNT tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp để mở rộng diện tích. Hiện nay, cây dưa đã tăng cả về diện tích và quy mô sản xuất so với trước đây. Một bộ phận không nhỏ người dân gắn bó với đồng ruộng và cây dưa chuột.
Không chỉ ở Kim Bảng, nhiều địa phương trong tỉnh, cây dưa chuột vẫn duy trì diện tích sản xuất khá tốt. Cụ thể: TP Phủ Lý, trong vụ đông cây dưa chuột được trồng hơn 20 ha tại HTX Phú Sơn (Phường Lê Hồng Phong) và xã Trịnh Xá; huyện Bình Lục duy trì vùng trồng dưa chuột tập trung tại xã Đồng Du với diện tích 20 ha…; huyện Lý Nhân, cây dưa chuột có diện tích trồng 250 ha tại nhiều xã, như: Trần Hưng Đạo, Nhân Bình, Bắc Lý, Đạo Lý… Đặc biệt, tại xã Chân Lý, vụ đông này diện tích trồng cây dưa chuột lên đến 63 ha, tăng 7% diện tích so với vụ đông trước ở cả 3 HTX: Chân Lý, Tân Lý và Hồng Lý. Nhiều nhất là HTX Chân Lý trồng 41,2 ha trên 6 vùng, của 238 hộ. Ông Vũ Anh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Chân Lý cho biết: Cây vụ đông của xã hiện nay duy trì chủ yếu là dưa chuột, chiếm hơn 90% diện tích. Do nguồn lao động trực tiếp làm nông nghiệp còn ít, người dân lựa trồng loại cây có giá trị cao.
Nhìn vào số liệu diện tích các loại cây trồng vụ đông năm nay, dưa chuột vẫn gieo trồng cơ bản đạt so với kế hoạch đề ra dù gặp khó khăn về thời tiết, lúa mùa thu hoạch muộn. Điều này cho thấy, giá trị và hiệu quả của cây dưa chuột đem lại góp phần tạo động lực cho nông dân trong quá trình sản xuất. Cụ thể, một sào dưa chuột cho giá trị bình quân từ 8 – 10 triệu đồng/vụ, trừ chi phí đạt lợi nhuận 6 – 8 triệu đồng/vụ. Những vụ đạt năng suất, được giá cho lợi nhuận lên đến hơn 10 triệu đồng/sào/vụ. Nếu so với cấy lúa, trồng ngô lai, một sào dưa chuột cho giá trị cao gấp 4 – 5 lần, so với cây bí đỏ cao gấp khoảng 3 lần… Cây dưa chuột đang thực sự phát huy hiệu quả trong sản xuất vụ đông trên đồng ruộng của tỉnh.
Để nâng cao giá trị, hiệu quả và mở rộng diện tích sản xuất vụ đông, các địa phương đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng. Đồng thời, lựa chọn, điều chỉnh các loại phù hợp với điều kiện sản xuất từng vụ. Cách làm này được thể hiện rõ nét trong vụ đông năm 2022 khi lúa mùa thu hoạch muộn, khó khăn trồng các loại cây ưa ấm (vốn đòi hỏi khắt khe về thời gian gieo trồng).
Xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên), địa phương từ lâu lựa chọn cây ngô sản xuất trong vụ đông với 2 loại: Ngô nếp lấy bắp chế biến và ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc. Trong đó, cây ngô nếp có diện tích 30 ha được HTXDVNN Mộc Bắc đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp làm nguyên liệu chế biến sản phẩm ngô sấy, đạt trên 2 triệu đồng/sào/vụ. Ngô sinh khối được người dân trồng và cung cấp cho các hộ chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn xã. Ngô sinh khối tuy giá trị đem lại chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng/sào nhưng chi phí thấp và người dân có điều kiện trồng diện tích lớn. Do đặc thù của vụ đông năm nay, cây ngô sinh khối được mở rộng diện tích lên 100 ha, tăng 20% so với vụ đông trước. Ông Tống Văn Bính, Giám đốc HTXDVNN Mộc Bắc cho biết: Phát triển cây ngô vụ đông trên địa bàn giúp người dân nâng cao thu nhập. Đồng thời, hình thành chuỗi sản xuất theo hướng khép kín từ trồng trọt, đến chăn nuôi. Cây ngô nếp sau khi thu bắp cũng được khai thác làm thức ăn cho gia súc, giúp tăng thêm thu nhập.
Xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) có diện tích gieo trồng vụ đông lên đến 300 ha, gồm nhiều loại cây trồng hàng hóa: Bí xanh, bí đỏ, dưa chuột… Vụ đông năm nay, kế hoạch gieo trồng ban đầu và cơ cấu cây trồng có sự điều chỉnh do ảnh hưởng thời tiết. Cụ thể, cây bí đỏ được trồng 120 ha, dưa chuột 40 ha, bí xanh hơn 20 ha, rau các loại trên 40 ha… Riêng cây ngô nếp, ngô ngọt năm nay của xã trồng đạt hơn 60 ha, tăng gần 10 ha so với những vụ đông trước. Yếu tố chính để diện tích trồng ngô tăng là giá trị tương đương bí đỏ, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng muộn hơn.
Vụ đông năm nay xã Văn Xá (Kim Bảng) gieo trồng 20 ha cây ngô ngọt, tăng gấp 2 lần vụ đông trước. Theo người dân Văn Xá, cây ngô ngọt thời gian gần đây cho giá trị kinh tế cao. Một sào ngô ngọt đạt năng suất 3 tạ, cho giá trị hơn 4 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 3 triệu đồng. Không những vậy, trồng ngô ngọt chi phí và công chăm sóc ít…
Nhìn vào kết quả sản xuất năm nay, trong tổng số 7.250 ha cây vụ đông đã trồng, các loại cây hàng hóa giá trị cao (dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, ngô nếp, ngô ngọt) vẫn chiếm tỷ lệ cao, đạt gần 40% diện tích. Cụ thể, cây bí đỏ 924 ha, dưa chuột 690,5 ha, bí xanh 350,5 ha, ngô nếp và ngô ngọt khoảng 500 – 700 ha… Ngoài ra, các loại rau thực phẩm, rau gia vị được trồng lên đến hàng trăm ha. Giá trị sản xuất bình quân trên diện tích canh tác trồng 2 vụ lúa và vụ đông hàng hóa đạt hơn 150 triệu đồng/ha/năm trở lên, nhiều vùng đạt trên 200 - 300 triệu đồng/ha. Vụ đông phát triển giúp giải quyết việc làm cho lao động cao tuổi khu vực nông thôn không có điều kiện làm các ngành nghề khác hay quá tuổi làm công nhân cho doanh nghiệp. Tại một số địa phương, thời gian cao điểm của vụ đông, nhiều người dân đi làm các nghề khác quay về sản xuất trên đồng ruộng.
Về công tác tổ chức sản xuất vụ đông, theo ông Nguyền Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT), các địa phương đã có định hướng, xây dựng kế hoạch gắn kết vụ đông với 2 vụ lúa, từ đó bố trí vùng sản xuất phù hợp. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các giải pháp trong quá trình gieo trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm giúp người dân yên tâm đầu tư mở rộng diện tích vụ đông hàng hóa.
Cây trồng hàng hóa vụ đông phát triển, đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản được đầu tư xây dựng, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 cơ sở chuyên chế biến nông sản, tập trung chính vào các sản phẩm: Dưa chuột, ngô nếp, ngô ngọt… Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: Các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn được tạo điều kiện trong quá trình hoạt động, kể cả tham gia các hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Từ đó, thúc đẩy phát triển sản xuất, liên kết thu mua, chế biến các loại nông sản trên địa bàn.
Công ty cổ phần thực phẩm Mai Chi, xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) chuyên chế biến các loại nông sản, nhất là sản phẩm ngô nếp. Hằng năm doanh nghiệp đều ký hợp đồng thu mua ngô nếp trên địa bàn xã Mộc Bắc với diện tích 30 ha trong vụ đông. Đồng thời, đơn vị tìm mua thêm lượng lớn sản phẩm ngô nếp thông qua đại lý tại các địa phương trong tỉnh để phục vụ chế biến. Được biết, lượng ngô nếp thu mua ở tỉnh mới chỉ đáp ứng đủ 50% nhu cầu nguyên liệu. Ông Phạm Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Mai Chi chia sẻ: Yếu tố quan trọng để đầu tư cơ sở sản xuất ở tỉnh chính là dựa vào nguồn nguyên liệu tại chỗ. Năng lực chế biến của doanh nghiệp ngày càng tăng, nhu cầu nguyên liệu nhiều hơn, cả trong vụ đông và các vụ khác trong năm. Công ty đang tiếp tục tìm kiếm, liên hệ với các địa phương mở rộng thêm vùng sản xuất bảo đảm ổn định và đủ số lượng nguyên liệu phục vụ chế biến.
Cũng như Công ty cổ phần thực phẩm Mai Chi, Công ty cổ phần sản xuất – xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ và nông sản tổng hợp, Cụm Công nghiệp Biên Hòa (Kim Bảng) được đầu tư xây dựng gắn liền với vùng nguyên liệu dưa chuột xuất khẩu của huyện Kim Bảng. Nhu cầu nguyên liệu dưa chuột phục vụ chế biến của doanh nghiệp mỗi vụ trên 2.000 tấn. Do vậy, ngoài thu mua tại các địa phương trong huyện, đơn vị mở rộng địa bàn nhập tại huyện Lý Nhân và một số vùng khác. Với Doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn, xã Chân Lý (Lý Nhân) phục vụ chế biến xuất khẩu cần lượng dưa chuột bao tử mỗi vụ 1.000 tấn. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất thông qua các HTX trên địa bàn Chân Lý và các địa phương lân cận gần 40 ha dưa chuột trong vụ đông. Doanh nghiệp tạo điều kiện cho người dân sản xuất, cung cấp đủ lượng nguyên liệu, hàng vụ đã hỗ trợ 50 nghìn đồng tiền giống dưa/sào. Đồng thời, ứng trước cho các hộ sản xuất 500 nghìn đồng/sào phục vụ mua vật tư phân bón. Việc ký hợp đồng cũng được thực hiện theo hình thức cố định giá sàn, điều chỉnh tăng theo thị trường tại thời điểm thu mua. Như vụ đông 2022 này, doanh nghiệp đang ký hợp đồng thu mua dưa loại 1 giá sàn 9.000 đồng/kg, loại 2 giá 5.000 đồng/kg, có điều chỉnh tăng nếu giá thị trường có biến động tăng khi nhập sản phẩm. Những hộ gần doanh nghiệp đưa dưa trực tiếp đến cân, được cộng thêm 200 đồng/kg công vận chuyển. Theo ông Lương Văn Tuấn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn, doanh nghiệp luôn có sự hỗ trợ, tạo điều kiện trong quá trình liên kết cho người dân. Nhiều năm nay 100% nguyên liệu dưa chuột bao tử đóng lọ của doanh nghiệp đều được thu mua tại các vùng sản xuất trên địa bàn huyện.
Những năm qua, với thế mạnh vùng nguyên liệu, nhất là ở vụ đông tỉnh ta trở thành thị trường chính của các doanh nghiệp chế biến. Các sản phẩm cây vụ đông như dưa chuột, ngô nếp, ngô ngọt… không chỉ cung ứng cho các doanh nghiệp trong tỉnh, mà xuất bán ra nhiều tỉnh khác, như: Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên… Đây chính là điều kiện tạo sự liên kết, thúc đẩy sản xuất cây trồng hàng hóa vụ đông và các vụ trong năm phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nội dung: Mạnh Hùng
Ảnh: Mạnh Hùng
Thiết kế: Quốc Khánh
www.baohanam.com.vn