Nhằm tạo bước “đột phá” trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; xây dựng đời sống văn hóa, phát huy giá trị di sản văn hóa khu vực nông thôn; phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, những năm qua, thông qua chương trình xây dựng NTM, Hà Nam đã huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quá trình đô thị hóa. Diện mạo nông thôn ở Hà Nam vì thế đã có sự thay đổi tích cực, đời sống của người dân cũng ngày càng được nâng cao. Đó chính là động lực quan trọng để Hà Nam thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế- xã hội trong những năm tiếp theo.
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhiều địa phương trong tỉnh đã quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại. Không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn có ý nghĩa kết nối giao thông với các địa phương khác, hình thành chuỗi liên kết trong phát triển kinh tế.
Là một trong những địa phương phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2023, đến nay, xã Nguyên Lý (Lý Nhân) đã hoàn thiện các thủ tục trình Hội đồng thẩm định của tỉnh xét, công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Qua rà soát và đánh giá, xã đạt 19/19 tiêu chí, 75/75 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, tiêu chí về giao thông được địa phương quan tâm đầu tư từ việc huy động nhiều nguồn lực. Người dân trong xã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các công trình phụ, dịch giậu, chặt cây ăn quả để mở rộng các tuyến đường giao thông.
Tính từ năm 2017 đến năm 2023, xã Nguyên Lý đã xây dựng, nâng cấp tổng số 12,5 km đường trục xã và đường liên thôn. 100% các tuyến đường giao thông nông thôn và trục chính nội đồng của xã đều được kiên cố, cứng hóa, gồm: 8,2 km đường trục xã, 18,2 km đường trục thôn và liên thôn, 14,8 km đường ngõ, xóm... Đồng thời, các tuyến đường giao thông chính của xã cơ bản được đầu tư gờ giảm tốc, đèn chiếu sáng, trồng cây bóng mát, cây hoa bảo đảm đúng tiêu chí: sáng – xanh – sạch – đẹp.
Ông Đặng Xuân Đạo, Chủ tịch UBND xã Nguyên Lý cho biết: Thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, xã đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện xây dựng các tuyến đường giao thông từ trục xã đến đường thôn, xóm. Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đã tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Cùng với Nguyên Lý, các địa phương của huyện Lý Nhân quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng NTM. Hướng đến mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2024 hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất… ở xã Phú Phúc cũng đang được triển khai đầu tư đồng bộ. 3 năm gần đây, tại xã đã xây dựng, nâng cấp được hơn 5 km đường giao thông trục chính. Một số tuyến kênh đầu mối nội đồng được đầu tư kiên cố hóa tạo sự liên kết tưới, tiêu trong các vùng sản xuất với hệ thống thủy lợi chung…
Xã NTM kiểu mẫu Xuân Khê có hệ thống đường giao thông nông thôn cơ bản được đầu tư đồng bộ với hơn 15 km đường trục xã trải nhựa, có đèn chiếu sáng, biển báo, gờ giảm tốc; 100% đường trong thôn, ngõ, xóm được bê tông hóa; 30 km đường các loại được trồng cây xanh và cây hoa; hơn 12 km đường trục chính ra đồng được cứng hóa (trải đá cấp phối) thuận lợi cho quá trình sản xuất của người dân. Tại xã đã kiên cố hóa được 15 km kênh mương nội đồng phục vụ tưới tiêu chủ động cho trên 250 ha đất canh tác…
Ông Lê Đức Nhượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân khẳng định: Cơ sở hạ tầng NTM của các xã trong huyện đều được đầu tư theo hướng đồng bộ phát huy tối đa hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống. Huyện cũng đẩy mạnh đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, kênh mương trục chính phục vụ liên vùng để đảm bảo quá trình phát triển chung trên toàn địa bàn…
Là huyện nông nghiệp, nguồn thu ngân sách hằng năm từ kinh tế trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào năm 2025, những năm qua, Bình Lục đã tranh thủ huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương theo hướng đồng bộ hiện đại. Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện tiến hành rà soát, đánh giá toàn bộ các chỉ tiêu, tiêu chí; trong đó trọng tâm là hệ thống hạ tầng nông thôn. Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện 100% được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định. Trong đó, 70% các tuyến đường được lắp đặt đèn chiếu sáng, biển báo, biển chỉ dẫn, gờ giảm tốc... Giao thông nội đồng (đường trục chính ra đồng) phục vụ sản xuất của huyện Bình Lục cũng được đầu tư cứng hóa toàn bộ gần 274 km. Các tuyến đường nội đồng được mở rộng bảo đảm xe cơ giới ra, vào vận chuyển hàng hóa nông sản, vật tư nông nghiệp… Hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng, nhiều tuyến kênh chính được kiên cố hóa… Hạ tầng sản xuất được đầu tư xây dựng góp phần quan trọng thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng NN & PTNT, cơ quan thường trực xây dựng NTM của huyện đánh giá: Hạ tầng nông thôn được xây dựng tạo chuyển biến và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế trên địa bàn. Trong sản xuất nông nghiệp, cây lúa được phát triển sản xuất trở thành sản phẩm hàng hóa cung cấp cho nhu cầu thị trường, nhiều mô hình sản xuất cho giá trị kinh tế cao được áp dụng. Đời sống người dân khu vực nông thôn được nâng lên. Trong năm 2023 vừa qua, có 6 xã của huyện hoàn thiện hồ sơ để cấp có thẩm quyền xét, công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao...
Ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hạ tầng tạo động lực tăng trưởng, hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, liên vùng (thương mại, logistics)... được xác định là mục tiêu đồng thời cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Nam nhiều năm qua. Vì vậy, cùng với việc nâng cao hiệu quả quản lý và phân bổ vốn đầu tư công, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công; đồng thời với nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước. Cùng với đó, xây dựng các phương án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện quy hoạch đất đai và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, ưu tiên tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn.
Được xác định là huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh, đồng thời cũng là địa phương được chọn và giao nhiệm vụ triển khai xây dựng NTM nâng cao và đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao vào năm 2025, từ năm 2011 đến nay, huyện Bình Lục đã dồn sức, tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng NTM và NTM nâng cao. Theo báo cáo của Phòng NN & PTNT huyện, tính đến thời điểm này, toàn huyện đã huy động được trên 2.355 tỷ đồng (trong đó, nhân dân đóng góp trên 450 tỷ đồng) cho xây dựng NTM và NTM nâng cao. Theo đó, nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ và hiện đại. Diện mạo nông thôn ở Bình Lục ngày càng thay đổi rõ rệt. Kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; đặc biệt, khu vực kinh tế nông nghiệp đã chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị. Nhiều mô hình tích tụ ruộng đất, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã hình thành và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hiện, Bình Lục đã thu hút được 3 doanh nghiệp (DN) đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; điển hình là dự án tại xã Đồng Du với tổng diện tích 19,5 ha. Toàn huyện đã có 6 xã có sản phẩm được chứng nhận VietGAP, OCOP và 5 xã có sản phẩm truy xuất nguồn gốc, 4 làng nghề truyền thống có kế hoạch bảo tồn và phát triển. Hệ thống cơ sở vật chất giáo dục đạt chuẩn; các thiết chế văn hóa đã cơ bản được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân. Đời sống vật chất tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Theo báo cáo đánh giá tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua năm 2023 của huyện Bình Lục đã nêu rõ: Thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 66,36 triệu đồng, bằng 100,1% kế hoạch năm; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 2.667,3 tỷ đồng, bằng 100,14% kế hoạch năm; giá trị công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ước đạt 6.415 tỷ đồng, bằng 100,03% kế hoạch năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 4.485,7 tỷ đồng, đạt 100,22% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu ước đạt 56,8 triệu USD, bằng 103,3% kế hoạch năm; thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 ước đạt hơn 479 tỷ đồng, bằng 120,6% dự toán tỉnh giao, 114,4% dự toán huyện phấn đấu... Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức, những con số trên đã tô thêm những gam màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Lục và đó cũng chính là nguồn lực quan trọng để Bình Lục hoàn thành mục tiêu đạt huyện NTM nâng cao vào năm 2025.
Với quan điểm, xây dựng NTM, NTM nâng cao là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thức; vì vậy, thời gian qua, cùng với Bình Lục, các địa phương trong tỉnh cũng đã tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn; trọng tâm là hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn. Theo số liệu từ Văn phòng điều phối NTM của tỉnh, trong năm 2023 vừa qua, các xã trong tỉnh đã tiếp tục huy động sửa chữa, nâng cấp và làm mới 155 km đường giao thông nông thôn, 845 phòng học, 10 trạm y tế, 41 nhà văn hóa thôn, 10 nhà văn hóa và sân thể thao xã… Ngoài ra, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng cũng được tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất.
Nhìn lại chặng đường xây dựng NTM, NTM nâng cao của tỉnh hơn 10 năm qua, có thể khẳng định, với những mục tiêu cụ thể, thiết thực, chương trình đã tạo những hiệu ứng tích cực trong xã hội. Đó là sự đoàn kết thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể chính trị và sự chung tay đóng góp của cộng đồng.Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, hướng tới mục tiêu NTM nâng cao, NTM thông minh, vẫn còn đó, những khó khăn, tồn tại cần phải được quan tâm, giải quyết. Theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trước hết, là vấn đề quy hoạch xây dựng NTM hiện ở nhiều địa phương chưa đạt yêu cầu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới hình thức sản xuất chậm; hạ tầng xã hội yếu, hạn chế cả về đầu tư và hiệu quả khai thác. Đặc biệt, hạ tầng nông thôn còn hạn chế, kết nối DN và người dân, nhà đầu tư còn vướng mắc về thủ tục; Hạn điền, tích tụ ruộng đất quy mô nhỏ chưa thể áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn… Một số địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư nguồn lực vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, mới chỉ tập trung đầu tư cho xây dựng, khu đô thị, cụm công nghiệp. Điều kiện sống và sinh hoạt của nông hộ hiện còn khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của nông dân vẫn còn thấp. Do đó, việc huy động nguồn lực trong dân để đầu tư xây dựng NTM còn hạn chế về số lượng và cơ cấu nguồn vốn..
Cũng về vấn đề này, ông Phạm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Bình Nghĩa (Bình Lục) chia sẻ: Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn luôn đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thấp, rủi ro cao nên việc huy động vốn đầu tư của DN vào nông nghiệp, nông thôn thực tế nhiều năm qua ở địa phương còn hạn chế. Chính sách huy động vốn và ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa đủ hấp dẫn. Trong khi, huy động vốn đầu tư từ nông dân hiện còn ít, do nguồn thu nhập thấp, đóng góp xây dựng NTM của người dân theo nguyên tắc tự nguyện, cũng chưa phải là khoản thu bắt buộc. Thêm vào đó, những quy định pháp lý về vay vốn, nguồn trả nợ và thanh toán nợ đọng xây dựng NTM của các địa phương còn thiếu đã làm phát sinh nợ đọng và việc giải quyết nợ đọng gặp không ít khó khăn, vướng mắc...
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết: Hiện nay, hầu hết các DN có nhu cầu vay vốn lớn và dài hạn để đầu tư cho các công trình như hạ tầng nông thôn, đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao… bị giới hạn về thời gian và tỷ lệ vay vốn. Chính sách bảo hiểm nông nghiệp kém hiệu quả cũng là một nguyên nhân khiến các ngân hàng hạn chế tỷ lệ cho DN vay vốn. Đây chính là “rào cản” khiến các DN không “mặn mà” đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, để tiếp tục huy động nguồn lực bền vững cho xây dựng NTM ở các giai đoạn tiếp theo, thời gian tới, theo ông Lê Đức Nhượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, vốn đầu tư từ DN chính là nguồn lực quan trọng và cần thiết trong xây dựng NTM. Do đó, cần phải có hành lang pháp lý, cơ chế vững chắc để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và tạo ra nhiều DN trong lĩnh vực này. Đầu tư của DN vào phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho xây dựng NTM. Vì vậy, nhà nước cần có cơ chế pháp lý thu hút đầu tư của DN vào nông nghiệp nhưng hướng tới lợi ích của NTM...
Theo dự kiến, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM năm 2024, của Hà Nam là 3.009,360 tỷ đồng; trong đó, chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước các cấp; vốn huy động trong dân chỉ chiếm khoảng 5,2%; vốn DN và HTX chiếm 0,95%. Hy vọng, với một hệ thống văn bản pháp lý được hoàn thiện, phù hợp, cùng những cơ chế linh hoạt trong khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn nói riêng và chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao nói chung, sẽ giúp các địa phương tháo gỡ những khó khăn trong công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư. Có như vậy, mới tạo động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển; hoàn thành các mục tiêu chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM thông minh đã đề ra.
Nội dung: Minh Thu – Mạnh Hùng
Thiết kế: Đức Huy
baohanam.com.vn