kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Quan tâm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ

Quan tâm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ

Công tác nữ công là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của tổ chức công đoàn khi đội ngũ nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) chiếm hơn 70% tổng số CNVCLĐ toàn tỉnh. Đây là lực lượng lao động tham gia tích cực vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời cũng là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ. Phát huy vai trò là tổ chức đại diện của người lao động (NLĐ), các cấp công đoàn trong tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để chăm lo, bảo đảm quyền lợi và phúc lợi tốt hơn cho lao động nữ, giúp họ yên tâm lao động sản xuất, cống hiến cho sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Quan tâm bảo vệ quyền lợi của lao động nữCông ty TNHH Việt Nam Byron Holdings là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản, bắt đầu hoạt động sản xuất vào tháng 3/2014 tại KCN Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên), ngành nghề chính là dệt may. Công ty hiện có gần 200 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 77%.

Chủ tịch công đoàn công ty Ngô Thị Ánh Tuyết cho biết: Lao động nữ chiếm phần lớn, nên ngoài bảo đảm thực hiện các chế độ chính sách dành cho toàn thể người lao động, công ty cũng dành nhiều sự quan tâm cho lao động nữ. Đáng chú ý là việc ban chấp hành công đoàn phối hợp với phòng hành chính nhân sự tham mưu và đề xuất với ban giám đốc xây dựng phòng nghỉ riêng cho lao động nữ, có trang bị quạt, điều hòa, rèm che… bảo đảm không gian nghỉ ngơi an toàn, yên tĩnh cho chị em trong giờ giải lao, giờ nghỉ trưa.

Quan tâm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh và lãnh đạo công đoàn cơ sở, Công ty tặng quà cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

 Bên cạnh đó, thương lượng, đàm phán thành công với ban giám đốc cho chị em hằng tháng được nghỉ thêm một giờ ngoài thời gian nghỉ theo quy định, vẫn hưởng lương đầy đủ. Vào dịp 8/3, 20/10, công đoàn đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tặng quà động viên, khích lệ chị em; các trường hợp ốm đau hay gia đình có hiếu, hỷ được quan tâm thăm hỏi kịp thời.

Ngoài ra, công đoàn đặc biệt quan tâm đến bữa ăn ca của NLĐ và vào tháng 7/2023, đã đề xuất và được lãnh đạo doanh nghiệp đồng ý điều chỉnh giá trị bữa ăn chính lên 30.000 đồng/suất, bữa phụ là 25.000 đồng/suất, bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho lao động nói chung, lao động nữ nói riêng. Ngoài thực hiện tăng lương cho NLĐ theo quy định của Nhà nước, công ty thực hiện tăng lương định kỳ cho NLĐ vào ngày 1 tháng 1 hằng năm. Với sự quan tâm thiết thực, chu đáo, lao động nữ rất yên tâm làm việc, góp phần hoàn thành mục tiêu, kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp

Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, KCN Đồng Văn II (thị xã Duy Tiên) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hệ thống dây dẫn cho ô tô đang tạo việc làm cho khoảng 11.000 lao động tại 3 nhà máy. Trong đó, nhà máy Đồng Văn khoảng 5.000 lao động; lao động nữ chiếm hơn 70%; thu nhập bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Quan tâm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ
Đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao giải, chúc mừng LĐLĐ huyện Thanh Liêm đạt giải Nhất hội thi Nữ đoàn viên công đoàn tài năng, duyên dáng năm 2024.

Ông Phan Ngọc Thảo, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, đặc biệt lực lượng lao động nữ luôn được tổ chức công đoàn xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, nhất là phối hợp với doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật dành riêng cho lao động nữ. Các dịp lễ, Tết, lao động nữ là đối tượng được ưu tiên chăm sóc. Hằng năm, lao động nữ luôn chiếm phần lớn trong tổng số NLĐ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán, được khen thưởng vì đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Được biết, để chăm lo tốt đời sống cho lao động nữ, công ty đã quan tâm đầu tư xây dựng phòng vắt trữ sữa với đầy đủ trang thiết bị, như: tủ lạnh, máy vắt sữa, dụng cụ cá nhân để NLĐ sử dụng một cách an toàn, vệ sinh nhất và phòng mát để trữ thức ăn cho lao động nữ trong thời gian mang thai. Đặc biệt, với mục tiêu nâng cao sức khỏe cho lao động nữ, căn cứ tình hình sản xuất, hằng năm, công đoàn chủ động đề xuất với ban giám đốc tổ chức các giải thể thao nội bộ, trọng tâm là bóng đá để chị em được thể hiện đam mê, rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, tạo cơ sở vững chắc để đạt thành tích cao tại giải bóng đá thường niên do Công đoàn các KCN tỉnh tổ chức.

Với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo doanh nghiệp, ban chấp hành công đoàn, đội bóng đá nữ của Sumi luôn nằm trong top những đội bóng đá nữ mạnh nhất của KCN hiện tại. Tháng 5 tới đây, Công đoàn công ty sẽ tổ chức giải bóng đá nam, nữ giao lưu giữa 3 nhà máy và tháng 9 sẽ tổ chức đại hội thể dục thể thao theo từng nhà máy với nhiều bộ môn. Đây chính là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực mà công đoàn mong muốn tổ chức để tạo sân chơi, nâng cao đời sống tinh thần và gắn kết NLĐ trong toàn hệ thống.

Hiện nay, lực lượng lao động nói chung và lao động nữ nói riêng ngày càng tăng, nhất là tại các KCN. Với hơn 38.300 đoàn viên nữ, chiếm hơn 63% tổng số đoàn viên, công nhân lao động, Công đoàn các KCN tỉnh và các công đoàn cơ sở xác định chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho lao động nữ là nội dung đặc biệt quan trọng.

Quan tâm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ
Nữ đoàn viên, NLĐ Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam được tặng quà nhân dịp Tết Giáp Thìn năm 2024.

Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Đặng Đình Quỳnh khẳng định: Các hoạt động chăm lo cho nữ đoàn viên và NLĐ luôn được quan tâm cả về vật chất và tinh thần. Đội ngũ nữ công nhân lao động ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Cùng với chỉ đạo các công đoàn cơ sở đẩy mạnh công tác tham mưu, đề xuất để lao động nữ có quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn, hằng năm Công đoàn các KCN tỉnh đều phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra định kỳ việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ, nhất là lao động nữ. Đối với nữ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm, hỗ trợ kịp thời thông qua hoạt động thăm hỏi, tặng quà mỗi dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân, hỗ trợ về nhà ở… giúp lao động nữ yên tâm làm việc.

Giai đoạn 2019-2023, Công đoàn các KCN tỉnh đã tổ chức tư vấn các chính sách có liên quan đến lao động nữ; tư vấn, truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản miễn phí, kỹ năng nuôi dạy con tốt, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc… cho hơn 12.000 nữ công nhân lao động; khám tầm soát ung thư cổ tử cung cho 300 đoàn viên nữ; hỗ trợ 10 nhà “Mái ấm Công đoàn”, tặng hàng trăm suất quà cho con công nhân lao động đạt thành tích cao trong học tập…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, như: Giải bóng đá nam nữ, ngày hội thể thao hưởng ứng Tháng Công nhân, hội thi “Tiếng hát công nhân”, “Công nhân tài năng, thanh lịch”, cuộc thi “Trai xinh, gái đẹp” trong các KCN… nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho lao động nữ. Và các hoạt động này cũng được rất nhiều công đoàn cơ sở doanh nghiệp hưởng ứng nhân các dịp kỷ niệm trong năm.

Quan tâm bảo vệ quyền lợi của lao động nữCông tác nữ công được khẳng định trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam là nhiệm vụ của ban chấp hành công đoàn mỗi cấp nhằm phát huy vai trò và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ của ban nữ công công đoàn được quy định rất rõ ràng, cụ thể trong việc tham mưu với ban chấp hành công đoàn cùng cấp tham gia xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ.

Quan tâm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ
Hội diễn “Tiếng hát công nhân” và hội thi Nữ đoàn viên công đoàn tài năng, duyên dáng là sân chơi ý nghĩa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nữ CNVCLĐ trong tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích cho lao động nữ, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tập trung chỉ đạo thành lập, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban nữ công quần chúng, đặc biệt là trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

 Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1 ban nữ công chuyên trách, 11 ban nữ công công đoàn cấp trên cơ sở và hơn 790 ban nữ công quần chúng công đoàn cơ sở. Tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành công đoàn cấp tỉnh là 33%, huyện là 42% và cấp cơ sở là 64%; tham gia ban thường vụ công đoàn cấp tỉnh đạt 38%, cấp huyện 53% và cấp cơ sở là 30%.

Nhằm chăm lo tốt hơn đời sống của lao động nữ, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo ban nữ công các cấp thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của nữ CNVCLĐ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để tham mưu với ban chấp hành công đoàn tham gia, đề xuất những vấn đề liên quan đến lao động nữ và trẻ em, góp ý vào nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể có nhiều chính sách có lợi hơn đối với lao động nữ. Tham gia sắp xếp, bố trí việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn, tay nghề, sức khỏe và hoàn cảnh của lao động nữ.

Quan tâm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ
Lao động nữ cũng là đối tượng luôn được các cấp quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà Mái ấm Công đoàn.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, nắm bắt, kịp thời hỗ trợ cho lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức hiệu quả các hoạt động chăm lo cho con CNVCLĐ như tặng học bổng, tặng quà cho con CNVCLĐ nhân dịp khai giảng năm học mới và Tết Trung thu; hỗ trợ thêm tiền cho lao động nữ sinh con ngoài các chế độ được hưởng theo quy định; được làm công việc nhẹ nhàng khi mang thai; quan tâm các điều kiện tại nơi làm việc cho lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ (cabin vắt, trữ sữa mẹ, tủ đựng đồ ăn bổ sung, nơi nghỉ trưa, phòng vệ sinh…).

Phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến nữ giới nhằm giúp chị em nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, kiến thức chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản, nuôi con bằng sữa mẹ. Hằng năm, các cấp công đoàn chủ động phối hợp với các ngành tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ nhằm bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ.

Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, bảo đảm các chế độ, chính sách, công tác chăm lo đời sống tinh thần cho lao động nữ được đặc biệt chú trọng. LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi ý nghĩa hướng đến lao động nữ nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10…

Quan tâm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ
Lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn luôn là đối tượng được ưu tiên chăm lo của tổ chức công đoàn mỗi dịp lễ, tết.

Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa đã được tổ chức, như: tọa đàm, gặp mặt, hội thi, tặng quà, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tham quan dã ngoại, thi nấu ăn, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn thể nữ CNVCLĐ ở các ngành nghề, lĩnh vực.

Dù quy mô tổ chức có khác nhau, song các hoạt động đã mang lại bầu không khí sôi nổi, gắn kết giữa NLĐ với tổ chức công đoàn và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; là cơ hội để phụ nữ thể hiện trí tuệ, tài năng, sự khéo léo, đảm đang của mình. Đáng chú ý những năm qua, việc chăm sóc sức khỏe cho nữ đoàn viên, CNVCLĐ luôn được các cấp công đoàn trong tỉnh chú trọng.

Đặc biệt, trong năm 2023, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp triển khai thành công hai dự án “Hành trình đầu đời – Chương trình đào tạo kỹ năng làm cha mẹ tích cực online dành cho công nhân KCN” và “Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt” với nhiều hoạt động thiết thực dành cho lao động nữ, như: Tặng 150 suất quà cho đoàn viên, NLĐ đang nuôi con nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong các KCN; cấp phát trên 1.500 sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản của các đơn vị tài trợ cho lao động nữ; tổ chức các hội thảo hướng dẫn kỹ năng làm cha, mẹ tích cực trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ; khám sức khỏe tổng quát cho 800 công nhân lao động…

Quan tâm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phạm Thị Thu Giang, với các hoạt động thiết thực chăm lo cho lao động nữ, các cấp công đoàn đã khẳng định vai trò trong việc thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn trong tình hình mới. Các hoạt động cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy và học tập của con CNVCLĐ... tiếp tục được triển khai.Việc thành lập, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng được đẩy mạnh. Nhiều mô hình chăm lo cho lao động nữ được đẩy mạnh; các phong trào thi đua yêu nước cũng được triển khai sâu rộng trong nữ CNVCLĐ, trọng tâm là phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Từ đó, phát huy trí tuệ, tinh thần sáng tạo, cống hiến của lao động nữ trên các lĩnh vực, góp phần khơi dậy niềm tự hào và truyền thống vẻ vang, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Quan tâm bảo vệ quyền lợi của lao động nữLao động nữ là một bộ phận quan trọng trong lực lượng lao động và chiếm tỷ lệ lớn ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, sản xuất, kinh doanh… Dù công tác nữ công đã có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, song nhìn nhận một cách khách quan, việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ vẫn còn hạn chế nhất định.

Trong đó, việc thực hiện các chế độ chính sách nói chung và những quy định riêng đối với lao động nữ ở một số doanh nghiệp chưa đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ thỏa ước lao động tập thể có điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ so với quy định của pháp luật còn thấp; lao động nữ ở các doanh nghiệp thường làm tăng ca để cải thiện cuộc sống nên phần lớn không có thời gian để giải trí và tham gia các hoạt động tập thể. Nhiều lao động nữ vẫn phải ở trong các khu nhà trọ mà điều kiện sống chưa thực sự bảo đảm…Quan tâm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ

Hậu quả kéo dài, nặng nề của Covid-19 làm cho đời sống của người lao động nói chung, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương là lao động nữ gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động của ban nữ công ở một số đơn vị chưa thường xuyên, liên tục, còn mang tính hình thức, chưa sát với thực tế. Đội ngũ cán bộ nữ công các cấp thiếu ổn định, hầu hết làm công tác kiêm nhiệm, còn hạn chế về kinh nghiệm tổ chức, triển khai hoạt động.

Năm 2024, với chủ đề “Nâng cao chất lượng hoạt động công tác nữ công, cụ thể hóa nghị quyết đại hội công đoàn các cấp vào công tác nữ công, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam”, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các nội dung liên quan đến bình đẳng giới, lao động nữ; công tác dân số, gia đình, trẻ em bằng các hoạt động thiết thực, phù hợp.

Đổi mới nội dung, hình thức, ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Thúc đẩy thành lập, kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của ban nữ công công đoàn để ban nữ công thực sự là ban tham mưu, giúp việc cho ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn các cấp thực hiện tốt công tác nữ công. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đội ngũ cán bộ làm công tác nữ công đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chủ sử dụng lao động trong công tác quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ.
Quan tâm bảo vệ quyền lợi của lao động nữCùng với đó, công đoàn chủ động đề xuất, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể với những nội dung điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ; bảo đảm việc làm, tiền lương, các chính sách về an sinh xã hội, điều kiện làm việc, khám sức khỏe định kỳ, bố trí nhà vệ sinh, phòng vắt trữ sữa đạt chuẩn cho lao động nữ nuôi con nhỏ; tạo điều kiện cho lao động nữ được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ …

Ngoài ra, thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và dự báo tình hình đời sống, việc làm của lao động nữ để kịp thời tham mưu giải quyết những khó khăn, bức xúc của lao động nữ ngay từ cơ sở; tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, cụ thể hóa nội dung thi đua, tiêu chuẩn thi đua phù hợp với địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Làm việc và bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho lao động nói chung, lao động nữ nói riêng, giúp họ yên tâm lao động sản xuất, có nhiều cống hiến cho phát triển chung của tỉnh.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1 ban nữ công chuyên trách, 11 ban nữ công công đoàn cấp trên cơ sở và hơn 790 ban nữ công quần chúng công đoàn cơ sở. Tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành công đoàn cấp tỉnh là 33%, huyện là 42% và cấp cơ sở là 64%; tham gia ban thường vụ công đoàn cấp tỉnh đạt 38%, cấp huyện 53% và cấp cơ sở là 30%.

Thực hiện: Lê Yến
Thiết kế: Đức Huy

www.baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy