Mong lắm những cây cầu  kết nối giao thông

Mong lắm những cây cầu  kết nối giao thông

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, những năm qua Nhà nước quan tâm đầu tư vốn xây dựng nhiều cây cầu bắc qua các sông lớn, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các vùng trong khu vực. Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã quy hoạch hệ thống cầu bắc qua các sông ở một số địa điểm. Thời điểm này, tỉnh Hà Nam đang chuẩn bị khởi công xây dựng cầu Tân Lang qua sông Đáy tại xã Tân Sơn (Kim Bảng), cầu Liêm Chính (giai đoạn II) trên sông Châu thuộc địa phận TP Phủ Lý. Và hiện nay ở nhiều địa phương người dân cũng đang mong muốn được Nhà nước tiếp tục ưu tiên vốn xây mới, sửa chữa, nâng cấp những cây cầu để kết nối giao thông đồng bộ.

Cầu Châu Giang bắc qua sông Châu nằm trên tuyến đường tỉnh (ĐT) 496B nối xã Hưng Công (Bình Lục) với xã Nhân Chính (Lý Nhân) được khởi công xây dựng từ cuối năm 2017 bằng nguồn vốn của tỉnh với tổng mức đầu tư 58,3 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp là 43 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 72m với 3 nhịp dự ứng lực, mỗi nhịp 24m, mặt cầu rộng 9m bao gồm 2 làn xe. Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Đông (TP Phủ Lý) đảm nhiệm thi công.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư) do khó khăn về vốn và dịch Covid-19 bùng phát khiến dự án phải gia hạn về thời gian, vì vậy đến nay công trình mới hoàn thành hơn 98% khối lượng. Hiện nay, chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với huyện Lý Nhân tập trung giải phóng mặt bằng để hoàn thiện phần đường gom dân sinh nhằm sớm đưa cầu vào khai thác.

Mong lắm những cây cầu  kết nối giao thông

Còn trên tuyến đường bộ nối hai cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội – Hải Phòng thuộc dự án cầu Hưng Hà với quy mô đường cấp II đồng bằng, 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 25m, dự án đang thi công giai đoạn II và đã xây dựng cầu mới bắc qua sông Châu song song với cầu Châu Giang (giai đoạn I) nối xã Bình Nghĩa (Bình Lục) với xã Công Lý (Lý Nhân).

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chỉ huy trưởng dự án thuộc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (nhà thầu thi công) cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tập kết đầy đủ thiết bị, vật tư, nhân lực triển khai đồng bộ ở tất cả các mũi thi công cầu và đường nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng đáp ứng yêu cầu lưu thông của các phương tiện. Theo kế hoạch, cuối năm 2023 dự án sẽ thông xe kỹ thuật, trong đó cầu sẽ hoàn thành trước tháng 10/2023 (sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch).

Được biết, do khó khăn về vốn nên ở nhiều địa phương chưa được đầu tư xây mới và sửa chữa những cây cầu. Đơn cử như tại huyện Lý Nhân hiện có 6 cây cầu dân sinh bắc qua sông Châu nối Lý Nhân với huyện Bình Lục (Hà Nam) và huyện Mỹ Lộc (Nam Định) đang xuống cấp cần được tu bổ: cầu Chủ (Nhân Nghĩa), cầu Bồ Đề (Nhân Bình), cầu An Ninh (Xuân Khê), cầu Sét (Tiến Thắng), cầu Sắc, cầu phao (Hòa Hậu). Hầu hết  các cây cầu này dài khoảng 70m, rộng 2m, kết cấu dầm thép, trụ đỡ bê tông cốt thép, mặt cầu lát bằng tấm đan bê tông, kích thước cầu nhỏ, hẹp và đã xây dựng từ lâu, nay lan can và mặt cầu hư hỏng, không đáp ứng được yêu cầu lưu thông của các phương tiện.

Ông Cù Xuân Huy, Chủ tịch UBND xã Nhân Bình cho biết: Cầu Bồ Đề trước đây mỗi năm xã thu được khoảng 100 triệu đồng tiền phí cầu và đây là nguồn kinh phí phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên. Nhưng từ đầu năm 2019 đến nay thực hiện dừng thu phí nên cầu không được duy tu, sửa chữa, trong khi đó cầu xuống cấp nặng không bảo đảm an toàn cho người, phương tiện mỗi khi qua cầu.

Mong lắm những cây cầu  kết nối giao thông
Cầu Châu Giang giai đoạn 2 song song với giai đoạn 1 nối 2 cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình và Hà Nội Hải Phòng đoạn qua xã Bình Nghĩa và Công Lý đang được triển khai xây dựng.

Theo báo cáo của UBND thị xã Duy Tiên, cầu cống Điệp Sơn (Yên Nam) qua sông Châu được xây dựng từ năm 1938 thực hiện điều tiết tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất kết hợp làm đường giao thông kết nối các địa phương ở thị xã với huyện Lý Nhân. Năm 2008, Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng cầu cống mới là cống Đập Phúc nhằm thay thế cầu cống Điệp Sơn, song hiện nay ngành chức năng vẫn đang cho khai thác đồng thời 2 cầu cống. Trong khi đó, đầu cầu cống Điệp Sơn là điểm tiếp giáp với ngã ba trên tuyến QL37B, do vậy mật độ phương tiện gia tăng ở mọi thời điểm và thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là buổi sáng sớm, chiều tối. Vì thế, thời gian qua người dân trong khu vực đã nhiều lần đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp cầu cống Điệp Sơn nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Còn tại huyện Thanh Liêm, đồng chí Trần Văn Khuê, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Ao (xã Thanh Thủy) phản ánh: Tại các buổi tiếp xúc cử tri, nhiều lần chúng tôi đề nghị với các cấp, ngành của tỉnh đề xuất Trung ương ưu tiên vốn xây dựng cầu bắc qua sông Đáy trên địa bàn nhưng đến nay chưa được thực hiện. Bởi ở vùng Tây Đáy của xã hiện có 30 doanh nghiệp sản xuất, khai thác, chế biến vật liệu xây dựng và hơn 500 hộ gia đình sinh sống, song việc lưu thông gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đến trường của con trẻ. Để bảo đảm ATGT, những năm qua nhân dân thôn Đồng Ao phải thuê 3 xe ô tô đưa đón học sinh tới trường.  

Mong lắm những cây cầu  kết nối giao thông

Từ nhiều năm nay, người dân 2 bên bờ sông Đáy của xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm phải qua lại bằng đò ngang, khá bất tiện. Cử tri địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm xây dựng 1 cây cầu kiên cố tại đây phục vụ đi lại của nhân dân được thuận lợi, an toàn.

Đặc biệt, cầu Hợp Lý nối các xã của huyện Lý Nhân với thị xã Duy Tiên được xây dựng và hoàn thành từ năm 2017 nhưng lại chưa được khai thác, sử dụng do hiện nay tuyến QL 38B kết nối cầu vẫn đang thi công dở dang. Đoạn tuyến mới thực hiện đến điểm dừng kỹ thuật (K98 và cầu), công trình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ I (Bộ Giao thông vận tải) quản lý từ tháng 5/2017.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Ngày 5/5/2022, các ngành liên quan của tỉnh, đơn vị quản lý đã kiểm tra hiện trường và thống nhất một số nội dung sửa chữa. Để nâng cao khả năng khai thác công trình, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải ưu tiên kinh phí sớm hoàn thiện móng, mặt đường và hệ thống bảo đảm ATGT đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân, vận chuyển hàng hóa từ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã đi các tỉnh vùng đông bắc Bắc Bộ.

Ngày 31/9/2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2277/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch và đưa vào kế hoạch phát triển công trình phục vụ giao thông vùng huyện giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Mong lắm những cây cầu  kết nối giao thông

Theo đó, tới đây cầu An Ninh và cầu Bồ Đề sẽ được lập dự án xây dựng với quy mô phù hợp. Trước mắt, để bảo đảm ATGT, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các xã hai bên sông Châu khu vực đầu các cây cầu tổ chức lắp đặt hệ thống cảnh báo cầu yếu tại 2 vị trí đầu cầu, đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ các phương tiện mỗi khi qua cầu. Trong đó, yêu cầu nhân dân không tụ tập, đi lại qua cầu cùng thời điểm với số lượng đông, không để phương tiện ở lòng cầu và chở hàng hóa vượt quá tải trọng.

Mong lắm những cây cầu  kết nối giao thông

Quan tâm xây dựng cầu bắc qua các sông gắn với hoàn thiện những tuyến đường, hệ thống cảnh báo ATGT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng kết nối giao thông thuận tiện, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng trong khu vực nói riêng, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.                                                                                    

Nội dung: Phùng Thống

Ảnh: Thế Trang, Trương Dũng

Thiết kế: Quốc Khánh

www.baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy