Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có rất nhiều điểm sáng: Số lượng dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án vào các CCN có sự cải thiện đáng kể, nhất là việc thu hút các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Giá trị sản xuất công nghiệp trong các CCN đạt tốc độ tăng trưởng khá. Hạ tầng kỹ thuật được quan tâm nâng cấp, xây dựng đồng bộ, hiện đại góp phần tăng sức hút đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tại một số CCN hiện nay, việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp

Toàn tỉnh hiện đã thành lập 19 CCN với tổng diện tích gần 628 ha. Trong đó, có 14 CCN đã đi vào hoạt động, bao gồm: 3 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật; 9 CCN được nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; 2 CCN chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đối với các CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, đến nay cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã đồng bộ. Với các CCN được nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đã được đầu tư xây dựng hoàn thành các hạng mục, như: đường giao thông, hệ thống thoát nước, kè mương, điện chiếu sáng, lát vỉa hè, trồng cây xanh. Tất cả các CCN trên địa bàn tỉnh đã có tỷ lệ lấp đầy đạt cao, từ 85-100%.  

Đến nay, 14 CCN đang hoạt động thu hút 177 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 8.200 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 12.000 lao động với thu nhập bình quân từ 5,5-7 triệu đồng/người/tháng. Nhiều cụm đã tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp, mang lại doanh thu cao, như: CCN Thi Sơn (Kim Bảng), CCN Kim Bình (TP Phủ Lý), CCN Bình Lục (Bình Lục), CCN Cầu Giát (Duy Tiên)… Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu trong các CCN đạt 128,9 triệu USD. Doanh nghiệp trong các CCN nộp ngân sách nhà nước 157,7 tỷ đồng. 

Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp

Theo bà Cù Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương), có được kết quả đó là do các CCN có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên tục được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện, thu hút các dự án đầu tư vào CCN đạt hiệu quả cao. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh đã thường xuyên trao đổi, tiếp nhận thông tin phản ánh, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trong các CCN. Trong đó, đặc biệt là thường xuyên làm việc với các chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp trong CCN để đôn đốc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, nước sạch, công trình xử lý nước thải… nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

Thực tế hoạt động của các CCN trong tỉnh cho thấy, hệ thống cơ sở hạ tầng tại nhiều CCN đã được đầu tư nâng cấp thường xuyên, tạo sự chuyển biến rõ rệt. Trong số 14 CCN đang hoạt động, có 10 CCN đã lắp đặt hệ thống cung cấp nước sạch (tăng 3 CCN so với năm 2015); 2 CCN xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung; 4 CCN đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường; 4 CCN đã thành lập được đội phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cơ sở. Hầu hết các CCN hiện đã vận hành hệ thống chiếu sáng đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng kỹ thuật được cải thiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi, đạt hiệu quả cao, nhiều doanh nghiệp trong các CCN đang có nhu cầu mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng thêm dây chuyền sản xuất. Chẳng hạn như CCN Bình Lục (huyện Bình Lục) do Công ty cổ phần Bình Mỹ làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng có diện tích 30,6 ha, đến nay đã có 8 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực: may mặc, sơn và chất phủ bề mặt, đồ chơi trẻ em, các sản phẩm từ nhựa, bút chì, vật liệu bao bì… với tỷ lệ lấp đầy gần 100%. Thế nhưng nhu cầu vào đầu tư tại CCN Bình Lục của doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong cụm cũng đang có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng yêu cầu đơn hàng. Trước thực tế này, huyện Bình Lục đã đề xuất UBND tỉnh chấp nhận chủ trương mở rộng diện tích CCN Bình Lục. 

Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp

Qua trao đổi với ông Đặng Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Lục được biết: CCN Bình Lục là một trong 3 CCN trên địa bàn huyện và là một trong số ít các CCN trong tỉnh có cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, đồng bộ và hiện đại nhất. Hiện nay, cụm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tất cả các hạng mục như: Trạm xử lý nước thải tập trung; bãi tập kết rác thải; hệ thống PCCC; thành lập đội PCCC cơ sở; thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cùng với đó, lắp đặt các hệ thống chiếu sáng, tiêu thoát nước đáp ứng yêu cầu hoạt động của các doanh nghiệp thứ cấp. Năm 2021, CCN Bình Lục nộp ngân sách nhà nước trên 49,3 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số tiền nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trong cụm là 14,7 tỷ đồng. 

Còn với 3 CCN trên địa bàn huyện Kim Bảng gồm: Biên Hòa, Nhật Tân, Thi Sơn, thời gian qua, Trung tâm Phát triển CCN huyện đã huy động tốt nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng với tổng mức đầu tư trên 60.000 tỷ đồng. Cùng với đó, thực hiện tốt việc duy trì điện chiếu sáng phục vụ công nhân trong quá trình đi lại và giúp doanh nghiệp thuận tiện khi thực hiện xuất nhập hàng vào ban đêm; thuê nhân công dọn vệ sinh khu vực đường nội bộ bảo đảm sạch sẽ; hằng năm trích nguồn thu tiền sử dụng hạ tầng để duy tu bảo dưỡng khu vực hạ tầng bị xuống cấp hoặc hư hỏng; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng trong CCN; cung cấp các dịch vụ, tiện ích phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các cụm… 

Theo thông tin từ Trung tâm Phát triển CCN huyện Kim Bảng, chỉ tính riêng với CCN Thi Sơn, từ năm 2018 đến nay, huyện Kim Bảng đã đầu tư nâng cấp đoạn đường phía tây nam cụm; đấu nối 2 đường phía đông nam và tây nam; lắp đặt hệ thống ống thoát nước thải, hệ thống sơ đồ biển báo; nâng cấp vỉa hè, tu sửa hệ thống rãnh thoát nước, bổ sung dải cây xanh… với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Hiện nay, mỗi CCN trên địa bàn đều đã xây dựng được phương án PCCC riêng. Các cụm đang dần hoàn thiện hệ thống chữa cháy tại chỗ. 

Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp

Phát triển đồng bộ hạ tầng các CCN có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Theo đó, tỉnh Hà Nam ưu tiên đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng CCN có tính khả thi, gồm: lợi thế vị trí, quy mô, ngành nghề truyền thống, nguồn nhân lực tại chỗ, khả năng giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch... Tỉnh cũng chủ động xây dựng, áp dụng linh hoạt các phương án huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Trong đó, đẩy mạnh huy động vốn từ các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN; vốn huy động từ các doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại CCN. 

Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp

Từ thực tiễn hoạt động của các CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng cơ sở hạ tầng của một số CCN chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Một số CCN hoạt động nhưng chưa có quy hoạch chi tiết, quy hoạch hiện trạng, hồ sơ bảo vệ môi trường. Đối với các CCN không có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, các doanh nghiệp tự xây dựng hạ tầng kết nối dẫn đến không đồng bộ (chỉ dừng lại ở việc làm đường đi tạm). Hiện nay, việc thu hút đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đối với các CCN đã được hỗ trợ xây dựng từ ngân sách nhà nước hiện đã lấp đầy nên gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn kinh phí hỗ trợ dành cho đầu tư, xây dựng, nâng cấp hạ tầng CCN theo quy định còn hạn chế. Việc phát triển các CCN trong thời gian qua mới chú trọng đến phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật nội bộ, chưa quan tâm nhiều đến phát triển hạ tầng khung liên kết và hạ tầng xã hội; chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của các khu vực có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tại một số CCN, doanh nghiệp chưa quyết liệt tự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải của dự án đạt tiêu chuẩn cột A trước khi xả thải ra môi trường…

Theo kết quả rà soát, đánh giá của Sở Công thương, trong tổng số 14 CCN đang hoạt động, có 11 CCN chưa có doanh nghiệp tiếp nhận làm chủ đầu tư hạ tầng; 10 CCN chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; 12 CCN hoạt động chưa có trạm xử lý nước thải tập trung; 4 CCN chưa xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch; 13 CCN chưa hoàn thành hệ thống PCCC tại chỗ; 10 CCN chưa thành lập được đội PCCC cơ sở và xây dựng phương án chữa cháy theo quy định. Ý thức chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường… của một số doanh nghiệp, nhất là các hộ kinh doanh còn hạn chế. Tại nhiều CCN, những hạng mục công trình hạ tầng cơ bản, như: đường giao thông, rãnh thoát nước, kè mương, điện chiếu sáng, lát hè, trồng cây xanh... đã cơ bản được đầu tư xây dựng, nhưng hiện nay, hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống rãnh thoát nước đã xuống cấp, gây ngập úng trong mùa mưa bão, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. 

Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã tập trung vận động doanh nghiệp có năng lực đang hoạt động trong CCN thực hiện các dịch vụ hạ tầng như: vệ sinh môi trường, vận hành điện chiếu sáng, duy tu, sửa chữa vỉa hè... Cùng với đó, đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng trạm xử lý nước thải. Phấn đấu, đến năm 2025, bên cạnh việc mở rộng, thành lập mới các CCN, 100% CCN đang hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường để tăng sức hấp dẫn, thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường của các CCN; lập quy hoạch chi tiết đối với các CCN đang hoạt động nhưng chưa có quy hoạch chi tiết, trình duyệt theo quy định. Trong điều kiện ngân sách của tỉnh hạn hẹp, việc cân đối nguồn lực đầu tư cho hạ tầng các CCN nhằm phục vụ phát triển công nghiệp còn khó khăn thì việc xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư mới hạ tầng dùng chung là hết sức cần thiết. Theo đó, tỉnh Hà Nam sẽ có cơ chế, chính sách hấp dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận nguyên trạng các CCN để nâng cấp, hoàn chỉnh hạ tầng hiện tại, thực hiện quản lý, vận hành, khai thác theo quy định.

Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp
Sản xuất tại Công ty TNHH May Kim Bình, CCN Kim Bình, TP Phủ Lý.
Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Châu Giang (phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên) do Công ty cổ phần Công nghiệp và Chế tạo ô tô Hồng Đức (Công ty Hồng Đức) làm chủ đầu tư theo Quyết định số 577/QĐ-UBND ngày 24/3/2020 của UBND tỉnh Hà Nam. CCN được quy hoạch với quy mô ban đầu là 39,69 ha, bao gồm các hạng mục: san nền; xây dựng đường giao thông; trồng cây xanh; xây dựng hệ thống cấp, thoát nước; cung cấp điện… Với việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và bảo vệ môi trường, CCN Châu Giang được kỳ vọng sẽ tạo sức hút, hấp dẫn các doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp phụ trợ ngành công nghiệp ô tô, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. 

Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp
Hạ tầng CCN Châu Giang (Duy Tiên) đang dần hoàn thiện.

Tại CCN, Công ty cổ phần Công nghiệp và Chế tạo ô tô Hồng Đức cũng đã đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô – một trong những dự án trọng điểm của tỉnh với diện tích đất sử dụng gần 22 ha. Theo ông Lê Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp và Chế tạo ô tô Hồng Đức, với dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa cao, nhà máy dự kiến có công suất 50.000 xe ô tô các loại mỗi năm. Ngoài ra, công ty còn cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và các loại xe có động cơ khác. Thời gian này cũng đã có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản đến tìm hiểu để đầu tư tại CCN.

Trong quá trình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng CCN, do đại dịch Covid -19, việc thi công xây dựng một số hạng mục đã bị ảnh hưởng, song nhờ sự quan tâm hỗ trợ tích cực của tỉnh, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, đến thời điểm này, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Châu Giang đã thi công được khoảng 90% khối lượng hạ tầng kỹ thuật toàn cụm. Cụ thể, CCN đã hoàn thành 100% hạng mục san lấp mặt bằng; hoàn thành thi công hàng rào CCN; xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải đạt 90% sản lượng. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đã xây dựng trạm chứa rác thải, phế liệu, bể chứa nước sạch; trồng cây xanh toàn khu; lắp đặt hệ thống PCCC, bao gồm: xây dựng bể chứa nước cứu hoả, lắp đặt các trụ cứu hoả. Hiện, chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ lắp đặt điện chiếu sáng, cấp nước, làm đường giao thông nội bộ, xây dựng 2 trạm xử lý nước thải tập trung… Phấn đấu đến hết năm 2022, nhà thầu hoàn thành 100% khối lượng thi công các hạng mục này, bảo đảm hạ tầng CCN đồng bộ, đáp ứng yêu cầu khi nhà máy sản xuất ô tô đi vào hoạt động. 

Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban Quản lý dự án cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Châu Giang có rất nhiều thuận lợi trong quá trình thi công, nhất là với công tác giải phóng mặt bằng. Từ đó giúp chủ đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng CCN cũng như nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô theo đúng thiết kế, đúng tiến độ cam kết với tỉnh, bảo đảm an toàn lao động, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Riêng đối với nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Hồng Đức, dự kiến xây dựng hoàn thành trước 30/11 và tiến hành lắp ráp dây chuyền công nghệ để cuối năm 2023 có sản phẩm ra thị trường.

Có thể thấy, hoạt động của các CCN trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các CCN, các sở, ngành chức năng của tỉnh đang tập trung đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến mở rộng các CCN; xây dựng lộ trình đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung đối với các CCN; đôn đốc, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ về bảo vệ môi trường đối với CCN và các dự án đầu tư vào CCN. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận nguyên trạng các CCN để nâng cấp, hoàn chỉnh hạ tầng hiện tại; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; rà soát, theo dõi hoạt động đầu tư vào các CCN và xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh không đúng với mục đích sử dụng đất; đẩy nhanh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của CCN trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường trong tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu…

Nội dung: Nguyễn Oanh

Ảnh: Nguyễn Oanh, Thế Trang

Thiết kế: Quốc Khánh

www.baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy