Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, một số địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng ngon, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất; đồng thời đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Từ đó, hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, quy mô tập trung, đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả chương trình cơ giới hóa trên đồng ruộng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, cùng với những vấn đề về cơ chế, chính sách, vốn, ứng dụng KHKT, cần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại của cấp ủy, chính quyền cơ sở, ngành chức năng và người nông dân.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên) là một trong những địa phương đi đầu trong việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, từng bước khép kín các khâu trong sản xuất bằng máy thay thế lao động thủ công. Bắt đầu từ vụ đông năm 2017, khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) tổ chức trình diễn máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cánh đồng trồng ngô của HTXDVNN, nhận thấy hiệu quả của ứng dụng phun thuốc BVTV bằng máy bay điều khiển từ xa, HTXDVNN Mộc Bắc đã mở rộng ứng dụng trên diện tích lúa. Đến vụ xuân 2021, Mộc Bắc đã triển khai phun thuốc BVTV bằng máy cho 80% trong tổng số gần 210 ha lúa. Việc sử dụng cơ giới vào khâu phòng trừ dịch bệnh tại địa phương thể hiện rõ những ưu thế về độ đồng đều của thuốc được phun trên ruộng. 

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Do phun tập trung bằng máy bay nên HTX đứng ra cung ứng thuốc bảo đảm chất lượng, giá thấp hơn 10% so với cùng loại bán ngoài thị trường tự do. Thuốc BVTV được tổ chức phun đúng chủng loại, liều lượng, thời điểm, tránh được tình trạng tự các hộ phun cộng nhiều loại thuốc không cần thiết như trước đây. Đặc biệt, toàn bộ vỏ bao thuốc BVTV (chiếm 10% trọng lượng thuốc) được thu gom tập trung, đưa đi xử lý bảo vệ tốt môi trường đồng ruộng. Về chi phí phun thuốc BVTV bằng máy bay tại địa phương giảm 20% so với phun thủ công.  Như vậy, phần lớn các khâu trong sản xuất trên đồng ruộng tại xã Mộc Bắc đã được cơ giới hóa từ lấy nước, làm đất, phun thuốc BVTV và thu hoạch. 

Mô hình cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng chính thức được Mộc Bắc áp dụng từ vụ mùa 2022 này. Theo đó, để khép kín việc đưa máy móc vào thay sức người ở tất cả các khâu sản xuất, HTXDVNN Mộc Bắc đã tổ chức cấy lúa bằng máy 100 ha, bằng gần 50% diện tích lúa. Như vậy, máy móc được triển khai từ khâu bơm nước, làm đất, đến cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch. Người dân có ruộng chỉ phải làm các công đoạn san ruộng, đắp bờ gió, bón phân. Vì thế mỗi hộ khi vào vụ không lo nhiều đến việc bố trí, thuê lao động như trước đây. Ông Tống Văn Bính, Giám đốc HTXDVNN Mộc Bắc cho biết: Việc đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất ở 2 vụ lúa đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của người dân địa phương nên khi máy móc đưa vào người dân “bắt”  rất nhanh.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Cũng như Mộc Bắc, hiện nhiều địa phương trong tỉnh đang tích cực đưa máy móc cơ giới vào các khâu sản xuất trên đồng ruộng. Hiện nay, cơ giới hóa đang được tập trung mở rộng cấy lúa bằng máy và phun thuốc BVTV bằng máy bay điều khiển từ xa. Riêng thị xã Duy Tiên hiện đã xây dựng được ít nhất 3 mô hình đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng, có diện tích khoảng hơn 200 ha tại xã Mộc Bắc, Chuyên Ngoại và Châu Giang. Huyện Thanh Liêm trong năm 2022 đang triển khai mạnh tại các địa phương việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất trong các khâu… Cụ thể, huyện đã hình thành được 5 tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy tại các địa phương, với diện tích lúa cấy máy của huyện đạt hơn 1.500 ha trong vụ mùa, chiếm trên 25% tổng diện tích gieo cấy. Cùng với đó, người dân trong huyện đã đầu tư 2 máy bay điều khiển từ xa làm dịch vụ phun phân bón, thuốc BVTV. Như vậy, đến nay, toàn huyện đã có hàng trăm ha lúa được áp dụng toàn bộ cơ giới hóa vào các khâu sản xuất. Theo bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Thanh Liêm, máy móc cơ giới vào các khâu sản xuất đã tạo bước đột phá mới trên đồng ruộng của huyện. Người dân có thể vừa duy trì diện tích cấy lúa, vừa chuyển đổi ngành nghề nâng cao thu nhập.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Thực tế cho thấy, cơ giới hóa đồng bộ đang trở thành chìa khóa để nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng. Chỉ tính khâu cấy lúa bằng máy, theo mặt bằng chung duy trì ở mức 300 nghìn đồng/sào (tính cả tiền giống), trong khi thuê lao động thủ công ở mức bình quân 350 nghìn đồng/ngày công, nơi cao lên đến 400 – 450 nghìn đồng/ngày. Áp dụng phương pháp này, người dân không mất công làm đất, gieo mạ, nhổ mạ… như cấy thủ công. Hay sử dụng máy bay điều khiển từ xa phun thuốc BVTV dao động từ 25 – 28 nghìn đồng/sào/lần phun, phun thủ công 35 nghìn đồng/sào. Phun thuốc BVTV bằng máy có sự đồng đều, tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí. Ngay khâu thu hoạch bằng máy chỉ ở mức giá 100 – 120 nghìn đồng/sào. 

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu tại xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) liên kết với Công ty NTHH Nam Dương (KCN Đồng Văn).

Khi máy móc được đưa vào giúp hình thành cánh đồng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Từ việc giảm chi phí sản xuất khi sử dụng máy móc cơ giới nâng cao lợi nhuận lên 15 – 20% so với làm thủ công trước đây. Điều quan trọng là, việc đưa máy móc cơ giới vào đồng ruộng đã góp phần giải quyết tốt được tình trạng thiếu lao động thời vụ tại khu vực nông thôn do xu hướng chuyển dịch sang làm công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Quá trình cơ giới hóa trên đồng ruộng của tỉnh trong những năm qua đã thu được những kết quả tích cực. Điều này được thể hiện qua kết quả: khâu lấy nước, làm đất đạt 100% cơ giới hóa, thu hoạch lúa đạt khoảng trên 90%... Tuy nhiên, các khâu tiếp theo vẫn đạt tỷ lệ rất thấp, ví như, khâu gieo cấy lúa đạt chưa đến 10%, phun thuốc BVTV bằng máy bay điều khiển từ xa dưới 5%...

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Tìm hiểu tại các địa phương cho thấy, vấn đề khó khăn cốt yếu là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân còn ở mức độ, đồng ruộng manh mún, các loại máy cơ giới còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất... Điển hình, thị xã Duy Tiên, một trong những địa phương từng đi đầu trong việc đưa máy cấy vào đồng ruộng từ cách đây 4 – 5 năm. Tuy nhiên, đến nay diện tích lúa cấy máy của thị xã mới được khoảng 250 ha (vụ mùa 2022) mới đạt 6% tổng diện tích gieo cấy. Có những địa phương đã đầu tư cả giàn máy gieo mạ khay tự động, máy cấy nhưng không phát huy được, phải ngừng áp dụng. Một số địa phương chỉ duy trì diện tích hạn chế chưa mở rộng diện tích lúa cấy máy mặc dù đã trải qua khá nhiều vụ sản xuất… 

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng máy cấy chưa được đẩy nhanh thời gian qua. Trước hết, số lượng máy cấy hiện nay còn khá ít, cả tỉnh có khoảng hơn 220 chiếc. Trong đó, máy cấy chuyên dụng cỡ to (chủ yếu của hãng Kubota (Nhật Bản) có 56 chiếc, còn lại là máy cấy thủ công. Công suất bình quân mỗi máy cấy chuyên dụng chỉ đạt 2,5 – 3 ha/ngày. Với thời vụ cấy của tỉnh trong vòng 15 ngày mỗi vụ chỉ đảm nhiệm được tối đa 40 – 45 ha/máy. Cùng với đó, khâu gieo cấy bằng máy đòi hỏi công tác tổ chức của các địa phương, HTXDVNN phải làm tốt từ quy hoạch vùng, phục vụ tưới, tiêu đến hỗ trợ cho dịch vụ cấy máy mặt bằng để khay mạ… Việc đưa máy cấy vào đồng ruộng cũng chưa có nhiều nơi thực sự quan tâm và triển khai thực hiện. Ngay tổ dịch vụ, HTX chuyên ngành mạ khay, cấy máy của tỉnh mới có khoảng 10 đơn vị hoạt động. Thực tế, nhu cầu áp dụng lúa cấy bằng máy của người dân các địa phương ngày càng tăng lên, nhưng  chưa thể đáp ứng.

Về ruộng đất hiện nay tuy đã được dồn đổi nhưng phần lớn vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Điều này dẫn đến khó khăn khi áp dụng cơ giới hóa. Cụ thể, việc đưa máy bay điều khiển từ xa phun thuốc BVTV cần diện tích ít nhất 10 ha/cánh đồng mới phát huy hiệu quả. Trong khi đó, với diện tích này thường có hàng chục hộ sản xuất, gieo cấy không cùng loại giống, cùng thời điểm dẫn đến không thể triển khai máy bay phun thuốc BVTV dù nhiều hộ dân có nhu cầu. Theo ông Lý Ngọc Hội, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thanh Liêm, máy bay chỉ có thể hoạt động hiệu quả trên cánh đồng rộng sản xuất áp dụng cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Một vấn đề nữa, đội ngũ điều khiển máy, thiết bị nông nghiệp hầu hết chưa qua đào tạo, hoặc trang bị những kiến thức kỹ thuật cơ bản. Do vậy, quá trình làm việc gặp nhiều khó khăn, máy móc cơ giới hay xảy ra sự cố hỏng hóc. Trong khi đó, các cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp tại các địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Cùng với đó, một số loại máy công suất nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp… 

Ông Nguyễn Quang Nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN & PTNT) đánh giá: Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất hiện nay chưa được áp dụng hiệu quả trên đồng ruộng. Các địa phương thực hiện cơ giới hóa vào các khâu sản xuất còn chậm, không đồng đều. Người dân nhiều địa phương chưa tiếp cận nhanh được với máy cấy hay máy bay phun thuốc BVTV... 

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Tỉnh ta đặt mục tiêu đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hướng đi này sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm tổn thất sau thu hoạch… Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch đạt 90%, gieo trồng đạt 60%, bảo quản chế biến đạt 50%... 

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: Thực hiện cơ giới hóa là yêu cầu quan trọng đặt ra, giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trên đồng ruộng nói riêng. Vì thế, cần thiết có sự triển khai đồng bộ máy móc, thiết bị ở tất cả các khâu.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Để thực hiện cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất trên đồng ruộng cần tập trung hướng đến các khâu từ thu hoạch, đến  gieo trồng, BVTV… Đây đều là các loại máy móc, thiết bị đòi hỏi chi phí  lớn. Cụ thể, với máy gặt đập liên hợp để đầu tư 1 máy cần kinh phí 400 – 600 triệu đồng; máy bay điều khiển từ xa phun thuốc BVTV chi phí khoảng 500 – 600 triệu đồng/chiếc… Được biết, theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2019, các địa phương trong tỉnh đã được hỗ trợ tổng số 153 máy móc cơ giới, gồm: 89 máy làm đất, 53 máy gặt đập liên hợp, 11 máy cấy; năm 2020 có khoảng 20 máy nông nghiệp các loại được hỗ trợ. 

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Cùng với đó, ngành NN & PTNT cũng đã triển khai đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2023”. Theo đó, năm 2022 đã hỗ trợ được 4 tổ dịch vụ với mức 50% giá trị của 25 nghìn khay gieo mạ và 50% giàn máy gieo mạ. Việc hỗ trợ của Nhà nước là điều kiện để người dân mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ các khâu sản xuất.  Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng đã nêu rõ các mức hỗ trợ cơ giới trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể: Hỗ trợ 30% giá trị máy cấy có công suất máy từ 4,3 mã lực trở lên (tối đa không quá 120 triệu đồng), mỗi tổ chức, cá nhân tối đa không quá 1 máy, mỗi đơn vị cấp xã tối đa không quá 5 máy cấy; hỗ trợ 30% giá trị máy cuộn rơm có công suất từ 70% mã lực trở lên (tối đa không quá 100 triệu đồng), mỗi tổ chức, cá nhân tối đa không quá 1 máy, mỗi đơn vị cấp xã hỗ trợ tối đa không quá 5 máy; hỗ trợ 30% giá trị hệ thống giàn máy gieo khay mạ tự động phục vụ cấy máy (tối đa không quá 30 triệu đồng), hỗ trợ mỗi tổ chức, cá nhân không quá 1 hệ thống; hỗ trợ 30% giá trị máy bay phun thuốc BVTV có tải trọng từ 10 kg trở lên (tối đa không quá 200 triệu đồng), mỗi tổ chức, cá nhân tối đa không quá 1 máy, mỗi đơn vị cấp xã hỗ trợ tối đa không quá 2 máy. Các máy móc, thiết bị được hỗ trợ đầu tư mua mới 100%, có xuất xứ rõ ràng, công suất bảo đảm theo quy định… Việc tỉnh có cơ chế hỗ trợ mua các loại máy cơ giới kịp thời chính là động lực thúc đẩy các địa phương đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Để  máy móc cơ giới được áp dụng ở tất cả các khâu trong sản xuất nông nghiệp cần nâng cao nhận thức, thay đổi suy nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ cơ sở và người dân. Quan trọng nhất là triển khai quyết liệt trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ cấp ủy, chính quyền, HTXDVNN đến các thôn, đội sản xuất… Cùng với đó, điều kiện phục vụ sản xuất phải đồng bộ, nhất là sản xuất được thực hiện theo quy mô lớn tập trung. Vì vậy, các địa phương cần hình thành nhiều mô hình “cánh đồng lớn” để phát huy tốt được hiệu quả máy móc. Đồng thời, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất trên đồng ruộng phù hợp, như: Hệ thống thủy lợi, đường nội đồng… Tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các HTXDVNN trong điều hành các dịch vụ, chỉ đạo sản xuất trên địa bàn. Thành lập các tổ hợp, HTX chuyên ngành làm dịch vụ về mạ khay, cấy máy, phun thuốc BVTV bằng máy bay... Từ đó, tạo sự chủ động trong quá trình đưa cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất. Có như vậy, việc đưa máy móc cơ giới đồng bộ vào đồng ruộng mới được triển khai hiệu quả, giúp giảm chi phí, nhân lực, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác. 

Nội dung: Mạnh Hùng

Ảnh: Mạnh Hùng

Thiết kế: Quốc Khánh

www.baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy