Du lịch Hà Nam - Biến tiềm năng thành lợi thế phát triển bền vững

Hà Nam có rất nhiều những lợi thế để phát triển du lịch, có vị trí địa lý cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, trên tuyến du lịch xuyên Việt nên Hà Nam có ưu thế khai thác thị trường khách du lịch xuyên Việt và thị trường khách du lịch cuối tuần của Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Cùng với những tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên và một bề dày lịch sử văn hóa truyền thống, đây sẽ là điều kiện tốt để du lịch Hà Nam phát triển bền vững.

Tiềm năng và lợi thế

Hà Nam được đánh giá là địa phương có tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và tương đối đặc thù. Địa hình Hà Nam đa dạng tạo ra những cảnh quan đặc sắc với những thắng cảnh nổi tiếng trong nước, như: Hồ Tam Chúc, Ngũ Động Sơn, hang Luồn, Bát cảnh sơn, Kẽm Trống… Đặc biệt, trong diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân Hà Nam đã sáng tạo nên kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Trong đó, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và những cổ vật tiêu biểu giữ một vị trí quan trọng.

Du lịch Hà Nam  Biến tiềm năng thành lợi thế phát triển bền vững
Một góc Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Hà Nam có gần 2.000 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó, nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Là nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng văn hóa dân gian… không chỉ đóng vai trò to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc tới các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, các di tích lịch sử, văn hóa còn được xác định là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào để du lịch Hà Nam khởi động và phát triển bền vững; trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Nhất là khi, du lịch văn hóa đang là xu hướng của các nước đang phát triển vì đem lại giá trị lớn cho cộng đồng xã hội. Du lịch văn hóa hiện được xem là loại sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế.

Hà Nam thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt nên có lợi thế để thu hút mạnh mẽ thị trường khách từ Thủ đô và các tỉnh lân cận. Với chuỗi di tích có giá trị khá nổi bật, như: Đền Trần Thương, đền Lảnh Giang, chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn, đền Trúc... và hệ thống lễ hội tiêu biểu, như: Lễ hội Tịch điền, Lễ phát lương đền Trần Thương, Lễ hội Vật võ Liễu Đôi... cùng nhiều làng nghề truyền thống tiêu biểu, như: Dệt lụa Nha Xá (Mộc Nam, Duy Tiên), cá kho Nhân Hậu (Lý Nhân), trống Đọi Tam (Tiên Sơn, Duy Tiên), sừng Đô Hai (An Lão, Bình Lục)… Thêm nữa, Hà Nam còn là đất khoa bảng với những danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, như: Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn Liệt sỹ Nam Cao… Đặc biệt, sau sự kiện Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019, Khu du lịch Tam Chúc (Ba Sao, Kim Bảng) đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế; góp phần tạo bước đột phá quan trọng thúc đẩy du lịch Hà Nam phát triển mạnh trong những năm tiếp theo, đồng thời mở ra hướng liên kết phát triển du lịch với các trung tâm du lịch lớn trong vùng, như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh.

Quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch

Trên cơ sở những điều kiện tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch, thời gian qua, Hà Nam cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để thu hút đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng Khu du lịch Tam Chúc, tập trung hoàn thiện các công trình chính, điểm nhấn, công trình giao thông kết nối khu du lịch với quốc lộ 1A và Bái Đính - Tràng An, Ninh Bình. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 - 2025. Hỗ trợ đầu tư các điểm tham quan du lịch làng nghề và các phòng trưng bày gắn với khu, điểm du lịch, làng nghề; khuyến khích sản xuất những mặt hàng lưu niệm, đặc sản của địa phương.

Du lịch Hà Nam  Biến tiềm năng thành lợi thế phát triển bền vững
Du lịch Hà Nam  Biến tiềm năng thành lợi thế phát triển bền vững
Làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam (Duy Tiên) là điểm đến khám phá, trải nghiệm lý tưởng đối với du khách. Ảnh: Thế trang

Đầu năm 2022, với việc dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác các chuyến bay quốc tế của Chính phủ đã tạo động lực cho ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng có những điều kiện thuận lợi tái khởi động du lịch. Vì vậy, để thực hiện tốt Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ngành du lịch Hà Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, sớm phục hồi du lịch bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép’’ vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc mở rộng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, ngành đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng truyền thông, quảng bá các khu, điểm du lịch Hà Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với đó, triển khai hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi kinh nghiệm; kết nối tour, tuyến du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm thực hiện tốt liên kết phát triển du lịch; tích cực tham gia các hoạt động trọng điểm về du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát, như: Các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia; các hội thảo phát triển du lịch, các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch; các sự kiện du lịch lớn trong nước như các hội chợ VITM, ITE… Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ du lịch gắn với thực tiễn cho các đối tượng tham gia hoạt động du lịch. Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch theo “Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch Hà Nam giai đoạn 2020 - 2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Nam đã cụ thể hóa bằng việc ban hành Nghị quyết số 12 – NQ/TU ngày 15/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và dịch vụ logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, lấy du lịch làm cơ sở, động lực để thúc đẩy phát triển dịch vụ - thương mại. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch tâm linh; thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, thương hiệu đầu tư các chuỗi du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao; phát huy sức mạnh cộng đồng dân cư trong phát triển thương mại - dịch vụ, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường.

Theo ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong thời gian tới, ngành sẽ chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu với UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các quy hoạch. Trong đó, sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tổng thể và phê duyệt quy hoạch các phân khu chức năng của Khu du lịch Tam Chúc, làm cơ sở thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư vào các khu chức năng và làm tiền đề thu hút các dịch vụ du lịch chất lượng cao, thúc đẩy hình thành các tuyến du lịch theo chuỗi. Rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển các công trình di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề có giá trị làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch theo định hướng gắn kết thành các chuỗi du lịch - dịch vụ nội tỉnh, liên tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư  xây dựng các dự án hạ tầng khung trong Khu du lịch Tam Chúc, tập trung hoàn thiện các công trình chính, điểm nhấn, công trình giao thông kết nối khu du lịch với quốc lộ 1A và Bái Đính - Tràng An, Ninh Bình. Mở rộng các hoạt động tư vấn hỗ trợ đầu tư, xây dựng các danh mục kêu gọi dự án đầu tư; đẩy mạnh liên kết, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Năm 2022, với những nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp du lịch nói riêng, của ngành văn hóa - thể thao và du lịch nói chung, du lịch Hà Nam đã tái khởi động tích cực. Theo báo cáo của Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), tổng lượng khách du lịch đến với Hà Nam năm 2022 ước đạt 3.154.000 lượt (đạt 119% kế hoạch năm 2022 và 123% so cùng kỳ năm 2021). Trong đó, khách quốc tế 142.100 lượt, khách nội địa 3.011.400 lượt. Doanh thu du lịch cả năm ước đạt 2.152,5 tỷ đồng (đạt 121% kế hoạch năm 2022 và 131% so cùng kỳ năm 2021).

Du lịch Hà Nam  Biến tiềm năng thành lợi thế phát triển bền vững
Lễ hội Tịch điền đã mở ra một không gian sáng tạo và hưởng thụ văn hóa thực sự hấp dẫn du khách nhân dịp đầu Xuân. Trong ảnh: Vẽ trâu tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn - Tác phẩm đạt giải Nhất Cuộc thi “Ảnh đẹp du lịch Hà Nam” năm 2022.

Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế về du lịch, như: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch còn đơn điệu… tiếp tục khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển của du lịch Hà Nam, rất nhiều vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch Hà Nam. Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: Trước tiên, cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Cụ thể, thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng của tỉnh. Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn xây dựng một số tuyến phố và trung tâm mua sắm, các tuyến phố đi bộ phục vụ du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan và mua sắm; hỗ trợ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và sản phẩm làng nghề.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả công tác quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ theo quy định. Thực hiện các tiêu chuẩn về du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội của Việt Nam, khu vực ASEAN và quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Nam qua các phương tiện thông tin đại chúng, các công cụ quảng bá trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch. Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đăng cai tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao lớn trong và ngoài nước. Liên kết xây dựng thương hiệu và quảng bá điểm đến tại các thị trường có tiềm năng…

Được biết, hiện nay tỉnh đang nghiên cứu xây dựng lộ trình liên kết chặt chẽ với các vùng đầu mối tập trung khách du lịch của cả nước, như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh để quảng bá cũng như tìm kiếm, kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành lớn nhằm khai thác và tổ chức các tour du lịch mới hấp dẫn. Đồng thời, kết hợp với các khu du lịch trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng để hình thành các trục du lịch; đặc biệt là Bái Đính, Tràng An, chùa Hương để hình thành các trục du lịch văn hóa - tâm linh độc đáo theo các tuyến chính, như: “Bái Đính - Tràng An - Tam Chúc”, “Chùa Hương - Tam Chúc”, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn các du khách, cùng khai thác, phát triển và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại tỉnh./.                                   

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy