Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch

Mặc dù du lịch Hà Nam đang có những bước phát triển, tăng trưởng khá, đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phát triển nguồn nhân lực du lịch là cần thiết khi xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong thời gian tới.

Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch ở Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao dù ít nhưng đã được đào tạo bài bản.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, năm 2019 tỉnh ta có những bước phát triển đột phát về du lịch. Lượng khách đến Hà Nam tăng gấp 2,2 lần so với năm 2018, doanh thu du lịch đạt gần 700 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm ngoái. 

Cụ thể, số khách du lịch năm nay đạt xấp xỉ 2,9 triệu lượt, trong đó có gần 100 nghìn lượt khách du lịch quốc tế. Mặc dù, chưa chính thức đưa vào khai thác nhưng Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài. Ngay từ những ngày đầu năm mới 2019, lượng khách đến Tam Chúc trung bình mỗi ngày hàng nghìn người, đặc biệt có ngày lên tới hàng vạn người. Sau những sự kiện văn hóa, ngoại giao mang tầm quốc tế được tổ chức tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2019, lễ hội chùa Tam Chúc), khu du lịch này càng thu hút khách nhiều hơn. 

Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nam cho biết: Du lịch phát triển đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành. Toàn tỉnh hiện có 23 khách sạn, trong đó có 2 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, 2 khách sạn tiêu chuẩn 3 sao...; 105 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn kinh doanh với tổng số 2.500 phòng phục vụ khách nghỉ dưỡng; 30 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Văn Tiến, mặc dù chất lượng dịch vụ du lịch không ngừng được nâng cao, một số doanh nghiệp còn chủ động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động, thúc đẩy cạnh tranh dịch vụ du lịch lành mạnh... nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Thí dụ tại Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, có thời điểm lượng du khách đến thăm quan, chiêm bái lên tới hàng vạn người, nhưng doanh nghiệp Xuân Trường chỉ có 6 hướng dẫn viên phục vụ tại đây. Chưa kể đến những vị trí phục vụ du lịch khác, tất cả đều chưa đáp ứng nhu cầu của du khách... 

Hiện tại, doanh nghiệp này đang đào tạo trên 20 hướng dẫn viên để phục vụ du lịch điểm đạt chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS). Còn ở những điểm du lịch khác, số lao động phục vụ du lịch rất hạn chế, thiếu kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ. Hầu hết chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ du lịch.

Để xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch cần dựa trên cơ sở khảo sát và đánh giá thực trạng cụ thể. Theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực du lịch Hà Nam giai đoạn 2019-2025, so với nhu cầu và tốc độ phát triển du lịch hiện nay, những năm tiếp theo, nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế và nhiều bất cập: Chưa bảo đảm về số lượng, chất lượng và bất hợp lý về cơ cấu. Đề án cũng chưa đưa ra con số cụ thể về đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch hiện nay ở Hà Nam; chưa có những đánh giá cụ thể về quy mô, chất lượng lao động và thực trạng đào tạo lao động du lịch ra sao... 

Tuy nhiên, đề án đã xác định rõ, “Đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh và các địa phương, phù hợp và thống nhất lộ trình của các quy hoạch, kế hoạch liên quan đã được phê duyệt, đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch Hà Nam từng bước trở thành “Điểm đến hấp dẫn”, thu hút các nhà đầu tư, lực lượng lao động, du khách trong và ngoài nước đến sinh sống, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm du lịch”. 

Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực du lịch Hà Nam phấn đấu đến năm 2025 có trên 75% nhân lực phục vụ du lịch được đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ, chuyên môn du lịch, trong đó có 4.500 người có trình độ cao đẳng trở lên, 3.000 người có trình độ trung cấp, 4.600 người có trình độ sơ cấp, 9.900 người có trình độ dưới sơ cấp. Đặc biệt, 100% các xã, thôn, làng có hoạt động du lịch cộng đồng được triển khai đào tạo, tập huấn, hướng dẫn làm du lịch. 

Về vấn đề này, ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chia sẻ: Luật Du lịch có quy định về sự tham gia và trách nhiệm phát triển du lịch của cộng đồng, nhưng để phát huy tốt vai trò của họ cần có giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện địa phương. Kể cả doanh nghiệp lẫn người dân, ứng xử trong du lịch là điều quan trọng, yếu tố dễ bị bỏ qua và ít được chú ý ở nhiều nơi. Vì thế, ngay từ đầu, nếu biết khơi dậy nét văn hóa ứng xử của nhân dân trong tiếp đón và phục vụ du khách thì du lịch bước đầu đã phát triển đúng yêu cầu bền vững. 

Thứ hai, chúng ta có cơ chế, chính sách, quy định như thế nào cho người dân các địa phương phát triển du lịch tham gia các hoạt động phát triển du lịch một cách bài bản, có liên kết, có sự gắn kết, thống nhất và hướng về lợi ích chung, đó là gìn giữ môi trường, gìn giữ di sản, phát huy truyền thống, tập tục văn hóa đẹp của địa phương. Mỗi người dân đều có vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường du lịch hấp dẫn.

Cái khó hiện nay đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch Hà Nam  là hoạt động đào tạo về du lịch ở các cơ sở dạy nghề còn thiếu bài bản, chưa hấp dẫn lao động tham gia học nghề, chưa gắn kết các chương trình đào tạo với doanh nghiệp để thực hành. Đề án phát triển nguồn nhân lực được chính thức triển khai, với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước trên 4 tỷ đồng, từ doanh nghiệp và các nguồn khác trên 8,7 tỷ đồng, hy vọng những hạn chế này sẽ được khắc phục và Hà Nam sẽ có một đội ngũ lao động phục vụ du lịch chuyên nghiệp, bài bản, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp “không khói”.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy