Vui buồn shipper

Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các loại hình kinh doanh, mua sắm online cũng nở rộ, kéo theo đó là một số nghề, công việc mang tính “ăn theo”, khá phổ biến. Trong đó, nghề giao, chuyển các loại hàng hóa được giao dịch, mua bán trên mạng (hay còn gọi là ship hàng) đang thu hút rất nhiều người trẻ tham gia.

Làm nghề  giao hàng, các shipper luôn mong gặp được những khách hàng tử tế, thân thiện.

Những người giao hàng, chuyển hàng đó thường được gọi chung bằng một cái tên cũng khá “Tây” là shipper. Kỳ thực, đây chỉ là một nghề tự phát của xã hội hiện đại nhưng lại mang tới không ít cơ hội việc làm cho nhiều người mà không cần phải bất cứ thứ bằng cấp, chuyên môn gì. Chỉ với sức khỏe tốt, sự cần cù, chịu khó, những shipper không quá khó để có thu nhập ổn định.

Bùi Hùng Dũng (nhà ở phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) học xong THPT nhưng không thi đại học vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Là thanh niên nên Dũng như nhiều bạn trẻ khác, không muốn gắn mình với một công việc gò bó, nhàm chán nào đấy mà muốn vừa kiếm được tiền, vừa được đi đây, đi đó. Và, shipper được Dũng lựa chọn vì cho rằng đây là nghề phù hợp với sở thích và nhu cầu của mình. Dũng chọn đi giao hàng cho hệ thống Giao hàng tiết kiệm - một hệ thống giao hàng nhanh, an toàn, được nhiều chủ hàng dùng để gửi hàng cho khách.

Mặc dù không cần bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn gì nhưng trước khi nhận việc, Dũng và các nhân viên mới sẽ được người của hệ thống huấn luyện về nghiệp vụ giao hàng và một số kĩ năng cần thiết trong ứng xử với khách hàng. Tất nhiên, việc làm nghề cũng được ký kết hợp đồng, tính phần trăm lợi nhuận sau giao hàng với đơn vị sử dụng lao động. Công việc của Dũng khá bận rộn.

Dũng chia sẻ: Hàng ship có nhiều loại, giá phí ship cũng nhiều mức, dao động từ 20.000-50.000 đồng/bưu kiện. Giá trị hàng hóa đi ship thông thường là vài trăm nghìn, món cao là vài triệu. Bất kể hàng hóa gì, giá trị bao nhiêu nhưng bắt buộc shipper phải bảo đảm giữ gìn hàng hóa nguyên vẹn, đưa tới tận tay người nhận. Làm nghề tới nay cũng gần 3 năm, nếu chăm chỉ, chịu khó, mỗi tháng em cũng có một khoản thu nhập kha khá, đủ để trang trải cuộc sống.

Được biết, bên cạnh sự ra đời của một số hệ thống giao hàng chuyên nghiệp, các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT cũng thành lập bộ phận chuyển hàng theo nhu cầu người bán, giao hàng tận tay cho người nhận. Trên địa bàn thành phố Phủ Lý và các huyện, Viettel đã xây dựng được các chi nhánh chuyên nhận và giao hàng online với sự tham gia của một “đội quân” shipper khá chuyên nghiệp.

Do địa bàn nhỏ, đường phố không nhiều, việc giao hàng của các shipper ở tỉnh ta tương đối thuận lợi. Đặc thù công việc phải đi lại nhiều, không kể nắng mưa, nên phần lớn shipper đều là nam giới. Nhiều shipper luôn gặp may bởi được nhận gửi các đơn hàng tới các “mối ruột”, không sợ bị “bom” hàng, không sợ bị gây khó dễ khi giao hàng… Hiện nay, một số cơ sở kinh doanh ăn uống đã tổ chức luôn dịch vụ ship đồ ăn, thức uống theo địa chỉ cho khách.

Chị K.A, chủ một quán trà sữa có tiếng ở thành phố Phủ Lý, cho biết: Bây giờ khách hàng đúng là thượng đế, nhiều khi ngại ra quán nên gọi điện gọi đồ là chúng tôi sẽ phục vụ tận nơi. Quán có hai nhân viên, ngoài việc phục vụ khách tại chỗ còn kiêm thêm nhiệm vụ shipper. Lúc nào khách đông, tôi cũng phải trực tiếp đi đưa hàng cho khách.

Rõ ràng công việc shipper khá hấp dẫn vì không bị bó buộc thời gian, có thu nhập khá, song đây cũng là một nghề luôn tiềm ẩn không ít rủi ro cùng những câu chuyện mà chỉ người làm nghề mới biết.

Tôi có cậu em họ đang học đại học năm thứ 2, theo trào lưu cũng “đầu quân” làm shipper ngoài giờ học cho một hệ thống giao hàng ở Hà Nội. Mới đi làm được vài tháng nhưng “viễn cảnh” về nghề shipper dễ kiếm tiền đã không còn hấp dẫn nổi cậu ta nữa. Đơn giản vì trong vòng vài tháng đó cậu ta đã đen đủi dính vài “phốt”.

Lần thì mất đến cả chục cuộc gọi điện hẹn giao hàng cho khách mà không thấy nghe máy, hoặc có nghe nhưng không nhận hàng với cả tỉ lý do cười ra nước mắt. Vài lần phải vòng vèo dăm ba lần đưa hàng tới địa chỉ như trong mê cung mà khách vẫn bùng không ra mặt nhận đồ. Có lần ship đồ ăn nhưng gặp phải vị khách khó tính kiên quyết không nhận đồ, báo hại cậu ta phải xoay xở xử lý mớ đồ ăn đó.

Trên các trang mạng giờ đây người ta không khó để bắt gặp những status  (trạng thái, tâm tư) của các chủ hàng hay các shipper than thở về cảnh bị khách “bom” hàng, bùng không nhận đồ đã đặt.

Chị Minh, một chủ cửa hàng chuyên bán hàng quần áo cao cấp Quảng Đông, cho biết: Với những đơn hàng online mua đồ có sẵn tại cửa hàng mà bị “bom” thì còn đỡ vì dù sao đó là hàng đã được chúng tôi trực tiếp nhập về. Còn mệt và khó chịu nhất là với những đơn hàng order (đặt hàng không có sẵn), lấy về để ship nhưng khách không nhận. Khổ cho các bạn shipper đi đến vài lần, hẹn lên hẹn xuống cũng không gặp được khách để giao hàng…

Bản thân các shipper khi bước chân vào nghề cũng đã tự trang bị cho mình một số kinh nghiệm nhưng nhiều khi vẫn bị rơi vào những tình huống oái oăm, vừa mất công, mất sức, vừa ức chế tâm lý. Vì thế, dù là người nhận hàng hay đưa hàng, người ta vẫn mong nhận ở nhau cái Tâm.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy