Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về truyền thông chính sách

Chiều 24/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị về “Truyền thông chính sách: Nhận thức – Hành động – Nguồn lực”. Dự hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan báo chí địa phương; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ.

Hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa (XHCN), nền dân chủ XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển. Vì vậy, mọi chính sách đều phải lấy người dân làm trung tâm, hướng tới người dân, bảo đảm cho nhân dân được sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Công tác xây dựng chính sách phải hướng tới người dân, đồng thời người dân phải được tham gia vào xây dựng chính sách nói chung, đặc biệt là chính sách pháp luật với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về Truyền thông chính sách Nhận thức – Hành động – Nguồn lực
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị Ảnh baochinhphu.vn

Mục tiêu của hội nghị “Truyền thông chính sách: Nhận thức – Hành động – Nguồn lực” cần đạt được là đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông chính sách. Để mọi chính sách, pháp luật đến được với người dân, giúp người dân hiểu rõ về chính sách, từ đó tự giác tham gia vào xây dựng, hoàn thiện chính sách; tham gia vào tổ chức thực hiện, phản biện chính sách và được hưởng thụ từ chính sách.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ở nước ta, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách hiện nay được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông luôn phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt công tác chủ động truyền thông chính sách trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương ở vị trí trung tâm trong công tác chỉ đạo điều hành, với hàng trăm hội nghị trực tuyến toàn quốc để chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục phát triển kinh tế. Hệ thống báo chí, truyền thông cũng góp phần hết sức to lớn vào việc truyền đi kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về Truyền thông chính sách Nhận thức – Hành động – Nguồn lực
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Tuy nhiên, cũng theo kết quả khảo sát do Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành tại 59 cơ quan là Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác truyền thông chính sách: 40/59 cơ quan khảo sát chưa có đội ngũ truyền thông chuyên trách (chiếm tỷ lệ 68%); một số Bộ, ngành, địa phương không thành lập cơ quan chuyên trách về truyền thông mà giao chức năng này hoặc cho Văn phòng, hoặc cho Vụ Tuyên truyền, Vụ Pháp chế, hoặc giao Sở Thông tin và Truyền thông kiêm nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về Truyền thông chính sách Nhận thức – Hành động – Nguồn lực

Cả nước hiện có 9.793 đài truyền thanh cấp xã/10.599 xã, phường, thị trấn, với 13.853 nhân sự, phát huy hiệu quả rất lớn trong công tác truyền thông chính sách, cảnh báo và ứng phó với các tình huống khẩn cấp (mưa bão, lũ lụt, cháy nổ, dịch bệnh...), hoặc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các sinh hoạt chính trị quan trọng (bầu cử, đại hội Đảng các cấp....). Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của hệ thống thông tin cơ sở phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền nhìn chung còn nghèo nàn, hạn chế, chưa đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ.

Lực lượng báo chí - truyền thông chính thống vẫn đóng vai trò chủ lực trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn (kinh tế báo chí khó khăn do nguồn thu quảng cáo, dịch vụ giảm mạnh; nguồn lực đầu tư để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ…).

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, cơ quan thông tấn, báo chí, lãnh đạo các địa phương đã cùng thảo luận về vai trò, trách nhiệm, thực trạng và bàn các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông chính sách như: Cần cấp bách thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách như một nhiệm vụ, chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, từ đó định hình bộ máy chuyên trách và hình thành vị trí việc làm phù hợp cho công tác truyền thông của cơ quan nhà nước. Phải có công cụ, phương thức đo lường, đánh giá được hiệu quả truyền thông chính sách qua các phương thức (báo chí, thông tin cơ sở, truyền thông xã hội, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước…) để thấy rằng có cách làm hiệu quả, không hiệu quả.

Nhà nước có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng. Các bộ, ngành, địa phương ban hành quy tắc ứng xử, quy trình truyền thông chính sách; Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ truyền thông của các bộ, ngành và địa phương trong công tác truyền thông chính sách, kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí, kỹ năng xử lý thông tin và ứng phó với khủng hoảng truyền thông trên không gian mạng. Đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác truyền thông chính sách…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện Kỷ yếu hội nghị. Sản phẩm từ Hội nghị sẽ là một văn bản với hình thức, nội dung phù hợp và kết quả quan trọng là làm sao thống nhất nhận thức, hành động cho đúng, cho trúng, có hiệu quả, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, nhân dân.

Thủ tướng một lần nữa khẳng định: Truyền thông chính sách là một phần quan trọng của truyền thông Nhà nước nói chung và truyền thông Chính phủ nói riêng; Là một khâu quan trọng trong quá trình ban hành chính sách. Một trong những mục tiêu quan trọng của truyền thông chính sách là phải xây dựng được niềm tin của người dân với Chính phủ về việc xây dựng, ban hành, thực thi chính sách. Công tác truyền thông phải được tiến hành một cách khoa học, bài bản (có chất liệu, có số liệu, bám sát thực tiễn, linh hoạt, sáng tạo, chủ động…); tăng cường thông tin chính thống, kịp thời; phải ứng phó phù hợp, hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh; không để xảy ra khủng hoảng truyền thông…

Trong thời gian tới, nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao cho Chính phủ, các địa phương rất nặng nề, khắc phục hậu quả dịch bệnh, thích ứng, phù hợp, linh hoạt với bình thường mới. Khó khăn, thách thức đan xen với thời cơ và thuận lợi đòi hỏi công tác truyền thông phải phân tích rõ, nhận biết đầy đủ thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức. Quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo Nghị quyết Đại hội XIII về công tác truyền thông, các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Phải xác định truyền thông chính sách là trách nhiệm của mọi cơ quan, đơn vị, các địa phương trong xây dựng, phổ biến, tổ chức thực hiện, để đánh giá mọi chính sách trước khi đưa đến với nhân dân theo tinh thần “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Công tác truyền thông phải thực hiện trước, trong và sau khi ban hành chính sách. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý vào dự thảo chính sách. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các kênh truyền thông đại chúng, mở rộng các kênh truyền thông gắn kết với nhân dân; Phát huy vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong truyền thông chính sách gắn với đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đẩy mạnh tính sáng tạo, chủ động, bám sát thực tiễn trong truyền thông chính sách. Nâng cao nhận thức, hành động quyết liệt, nỗ lực, cố gắng trong làm tốt công tác truyền thông chính sách với người dân. Đổi mới tư duy, cách làm, cách nghĩ, cách tiếp cận các vấn đề của truyền thông chính sách. Cung cấp thông tin trung thực, khách quan, bảo đảm sát thực.

Tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong công tác truyền thông. Tạo động lực, cảm hứng cho mọi người tham gia vào công tác truyền thông một cách tích cực, chủ động. Truyền thông chính sách phải góp phần đánh giá chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách theo nhiều chiều khác nhau; Đồng thời gắn với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; Nâng cao tính sáng tạo, dân chủ trong hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; Minh bạch hóa và giải trình các chính sách của Đảng và Nhà nước trong thực tiễn cuộc sống…

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.