Giao thừa nơi đầu sóng

Với Trường Sa, Tết thường đến sớm. Trong tâm niệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân trên quần đảo Trường Sa, khi có tàu từ đất liền chở lá dong, quất cảnh, hoa tươi, heo, gà… tới đảo, lúc ấy là Xuân đến, ngày ấy là Tết về.

May mắn được theo tàu ra công tác tại đảo đúng dịp vận chuyển nhu yếu phẩm cuối năm, chúng tôi được đặt chân tới 6 hòn đảo và trải nghiệm phong vị của những cái “Tết sớm” khó quên cùng quân, dân Trường Sa.

Tuần tra chiều cuối năm. Ảnh: Phan Giang

Trường Sa - nơi mùa Xuân đến sớm

“Có bánh chưng là có Tết”, những ngư dân chân chất ở Trường Sa nói với chúng tôi như vậy. Bởi lẽ, tàu Hải quân gửi nhu yếu phẩm dịp Tết mang theo lá dong để gói bánh chưng, đi hơn 10 ngày trên biển, bảo quản kỹ lưỡng lắm mới giữ được màu xanh. Nên lá dong tới đảo lúc nào, nhà nhà nổi lửa gói bánh chưng, bánh tét đón Tết luôn lúc ấy. Tết ở trên đảo đến sớm cũng bởi lẽ đó.

Tới thăm nhà anh Khai, chị Trang (xã Song Tử Tây) mới thấy cảnh tất bật đón Tết của gia đình xã đảo thú vị thế nào. Chị Trang cùng mấy đứa trẻ đang dỡ gói đồ được chuyển từ đất liền tới, có áo dài truyền thống mới tinh, cho cậu con trai một bộ màu xanh, bé gái một bộ màu hồng. Đứa nhỏ thì lăng xăng với mấy cuốn sách khoa học thiếu nhi, còn đứa lớn chạy đi thử áo dài. Chị Trang vừa cười vừa trách yêu: “Ôi con đã cao thế này rồi, quần theo bộ thành cộc tớn”. Thử áo dài xong xuôi, cả ba mẹ con cùng vào bếp phụ bố gói bánh chưng, bánh tét. Lá dong sáng nay được bộ đội chia, cộng thêm nắm lá bàng vuông to bản hái hôm qua, mấy tàu lá chuối bánh tẻ cắt sau vườn… thế là đủ một nồi bánh chưng, bánh tét, lại thêm cây giò. Không chỉ ở các hộ dân mà những đơn vị bộ đội và lực lượng công tác trên đảo đều đã bắt đầu chuẩn bị gói bánh chưng đón Tết. Ở đảo Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, gói bánh chưng còn được tổ chức thành cuộc thi để so tài nhanh tay, khéo léo của những người lính hải quân. Trong cuộc thi, từ lá dong tới lá bàng vuông, lá chuối, lá dừa… đều được lính đảo khéo vận dụng tạo nên những chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt, mang những đặc trưng riêng có của Trường Sa.

Trước đó, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khắp huyện đảo Trường Sa đã bắt đầu hối hả với công việc chuẩn bị vui Xuân, đón Tết. Mọi công việc như quét sơn, trang trí nhà cửa, chỉnh trang khuôn viên cây cảnh, chuẩn bị mâm ngũ quả, các tiết mục văn nghệ cho đêm giao thừa… đều được quân và dân chung tay chuẩn bị. Điều khiến chúng tôi ấn tượng khi đến thăm quần đảo Trường Sa là những khuôn viên cây cảnh, hoa cảnh được cắt tỉa gọn gàng, đẹp mắt. Đảo Sơn Ca xinh đẹp như một công viên xanh giữa đại dương, bởi lẽ đâu đâu cũng ngập tràn sắc hoa. Những chậu hoa giấy được tạo kiểu con nai, xe đạp, trái tim… khéo léo, đẹp mắt. Hoa loa kèn, hoa hồng… đua nhau khoe sắc. Những vườn phong lan được chăm sóc kỳ công trổ hoa đúng dịp xuân về. Mấy chậu quất cảnh vừa được chở từ đất liền ra, quả xanh quả vàng trĩu cành, rung rinh đón Tết. Khắp nơi đều khoác lên mình tấm áo tươi mới và sắc màu, Xuân đã tới sớm ở quần đảo Trường Sa.

Thi gói bánh chưng trên đảo Sơn Ca. Ảnh: Khánh Chi

Hoan ca nơi sóng cả

Ở mỗi đảo nổi như Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, chúng tôi có điều kiện lưu trú lại trên đảo hai ngày một đêm. Và chính một đêm quý giá ở trên đảo lại là đêm giao thừa sớm với cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và là đêm giao thừa đặc biệt với các vị khách của đảo. Đều được tổ chức với hình thức giao lưu văn hóa, văn nghệ nhưng ở mỗi đảo lại là một đêm giao thừa đặc trưng, khác biệt và lưu giữ những ấn tượng rất riêng. Đêm giao thừa ở hội trường đảo Nam Yết có lẽ làm các chiến sỹ trên đảo và thành viên đoàn công tác nhớ nhất. Chỉ trước đó vài giờ đồng hồ, khi đoàn công tác đang triển khai nhiệm vụ trên đảo, máy bay trinh sát của nước ngoài tiếp cận gần khu vực đảo, toàn đảo báo động tác chiến phòng không. Toàn bộ quân số của đảo Nam Yết vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Nhiều thành viên đoàn công tác đi Trường Sa lần đầu, cũng là lần đầu tiên trải nghiệm tình huống khẩn cấp ấy. Thế nên ít người ngờ được, chỉ sau vài tiếng đồng hồ, các cán bộ chiến sỹ, thành viên trong đoàn công tác lại có một đêm giao thừa giản dị mà thân tình, ấm áp. Những phóng viên nữ thướt tha trong tà áo dài truyền thống, gửi đến các chiến sỹ hải quân đang công tác trên đảo Nam Yết chút hơi ấm đất liền qua những bài hát gợi nhớ quê nhà: Quê hương, Tình ca mùa xuân, Ngày mai anh lên đường…

Đảo Sơn Ca là nơi đêm giao thừa được tổ chức ở “sân khấu ngoài trời” hết sức đặc biệt. Trước công viên mang tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giữa những tiếng gầm gào của trăm ngàn con sóng lớn thi nhau vỗ vào rặng san hô, gió biển cuộn vù vù khiến âm thanh phát qua loa tiếng được tiếng mất, nhưng mỗi lời ca cất lên đều chứa chan niềm tin yêu, chân thành và đam mê. Những người lính áo trắng vui tươi, lạc quan và đầy tình yêu thương nơi hải đảo xa xôi như hát hộ lòng chúng tôi: “Phía xa xa chân trời nghìn trùng sóng gió/ Có những con người thay chúng ta đang vượt qua ngọn sóng/ Vươn tới chân trời/ Giữ lấy nơi biên cương chưa bình yên của mọi người/ Ngoài kia không có ngọc lan, không tiếng chim hót ngày nắng hồng, không hẹn hò và không đón đưa/ Những trưa, chiều về không tiếng hát/ Chỉ có gió sương trên cánh tay những người tuổi trẻ/ Đang kề bên nhau, vì non sông mãi yên bình...” (lời bài hát Nơi ấy là Trường Sa của nhạc sĩ Xuân Nghĩa).

Ở Trường Sa, mùa Xuân luôn đến sớm. Ở Trường Sa, giao thừa luôn có tiếng hoan ca. Nhưng cũng chính ở Trường Sa có những con người ngày đêm kề bên nhau, tập trung cao độ với nhiệm vụ, vững vàng tay súng, vì bình yên của Tổ quốc. Mùa Xuân ở Trường Sa, mùa Xuân ở đất liền nhờ cánh sóng con tàu, nhờ tiếng hát vút cao mà trở nên gần gũi, thiết tha hơn.

Nguyễn Khánh

Khánh Chi

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy