Mỗi lần có dịp về vùng nông thôn công tác, vô tình bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ vẫn còn nhen bếp nấu cơm bằng củi khô trên chiếc kiềng ba chân tôi lại nhớ đến những vẫn thơ dung dị, chân thực mà hết sức cảm động trong bài thơ “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt: “… Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa/ Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ/ Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm/ Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi/ Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui/ Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ… Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”.
Tôi lại nhớ về quê tôi - vùng đồng chiêm thanh bình, yên ả; nơi trước kia, hàng ngày bà nội tôi luôn dậy từ sớm tinh mơ nhóm lửa đun nước hãm trà xanh rồi ủ vào chiếc giỏ tích đan bằng nan tre xinh xắn.
Ngày trước, bếp lửa (đun bằng củi, rơm rạ, lá khô...) là hình ảnh gần gũi, thân quen, gắn bó chặt chẽ trong cuộc sống hàng ngày của người dân quê. Lam làm, chịu thương chịu khó, các bà, các mẹ dậy từ rất sớm để lo việc nhà, việc đồng áng. Mỗi sớm thức dậy, nhìn thấy ánh lửa bập bùng trong chái bếp nhỏ, bóng bà lúc mờ, lúc tỏ trên bức tường ám mầu khói lòng tôi thấy yên tâm và đầy ấm áp. Đánh răng, rửa mặt xong, chạy vào chái bếp, bà đã chuẩn bị sẵn bữa sáng cho tôi ăn trước khi tới lớp. Bữa sáng ngày ấy đơn giản lắm. Hôm thì củ khoai, bắp ngô, hôm thì cơm nguội rang, hôm thì bát xôi lạc nóng hổi, thơm ngát… Sáng nào thức dậy, thấy bếp vẫn sáng lửa, nhưng không thấy bóng bà, tôi lo lắng: chắc bà bị mệt, bị ốm rồi!. Thương bà, hôm đó, cùng bạn bè tới trường nhưng trong lòng tôi canh cánh nỗi buồn lo.
Mùa hè đến, mỗi lần vào bếp nấu cơm, đun nước… là mỗi lần áo bà, áo mẹ ướt đẫm mồ hôi. Trong tiết trời nóng bức, oi nồng, bếp lửa làm cho chái bếp thêm phần ngột ngạt, thêm phần nóng bức. Đã quen với nỗi nhọc nhằn, vất vả, không một lời ca thán, sáng, trưa, chiều tối bà và mẹ vẫn thay nhau vào bếp nhen lửa lo những bữa ăn cho gia đình. Sau này lớn lên, mỗi lần nhớ lại hình ảnh bà và mẹ ướt đầm mồ hôi nhen lửa trong bếp giữa trưa hè nắng đổ tôi mới thực sự cảm nhận rõ được tình yêu thương, sự hy sinh thầm lặng mà sâu sắc của bà, của mẹ dành cho những người thân yêu trong gia đình.
Mùa đông đến, ngoài trời mưa phùn gió bấc lạnh đến “cắt da cắt thịt”, đi học về, thích nhất được sà ngay vào bên bếp lửa, hơ đôi tay lạnh cóng trên ngọn lửa bập bùng reo vui tí tách. Thương con trẻ háu đói, bà thường vùi trong tro hồng mấy củ khoai dành cho cháu mỗi khi đi học về. Nhìn cháu vừa thổi, vừa bóc, vừa ăn, vừa suýt xoa bà mỉm cười hạnh phúc. Sau bữa cơm chiều, tối đến, mẹ thường xuống bếp nấu cám cho lợn, bà cũng xuống cùng. Hai người tâm sự nhỏ to bên bếp lửa ấm áp mặc gió bấc ngoài trời ào ạt thổi. Nhiều hôm học xong sớm, tôi cũng chạy xuống bếp ngồi giữa bà và mẹ; kể cho bà và mẹ nghe chuyện bạn bè, thầy cô ở trường, ở lớp; trước khi đi ngủ không quên “vòi quà” cho bữa sáng mai.
Ngày nay, ở nông thôn chỉ còn rất ít gia đình giữ lại bếp củi để đun khi có việc cần. Bếp ga, bếp điện, bếp từ thay thế bếp củi, giúp các bà, các mẹ đỡ vất vả hơn khi lo chuyện cơm nước cho gia đình. Nhưng hình ảnh bếp lửa sẽ mãi còn in đậm trong tâm khảm, trong trái tim của những ai đã từng vất vả, yêu thương, gắn bó một thời… “Giờ cháu đã đi xa/ Có ngọn khói trăm tầu/ Có ngọn lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả/ Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở/ Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...” – Bài thơ “Bếp lửa”, nhà thơ Bằng Việt.
Bà tôi về với tiên tổ đã lâu. Nhưng thỉnh thoảng, khi chiều xuống, nhất là trong những chiều đông lạnh, tôi lại bâng khuâng nhớ về quê hương, lòng tự nhủ, ngày ấy, giờ này bà đang nhen lửa nấu cơm.
Phạm Hiền