Hai mươi năm sống ở thành thị, quả thực tôi chưa bao giờ được ngắm trăng thu, được chơi Trung thu, được thao thức vì tiếng trống ếch thùng thình tan vào trăng huyền dịu. Hai mươi năm ấy, trăng Thu chỉ lung linh trong nỗi nhớ, nằm trong nhà mà lòng thấy chơi vơi…
Nhưng Thu nay khác rồi! Sau hai năm dịch bệnh Covid bủa vây, cuộc sống con người có những lúc chìm vào yên lặng, giờ bật lên như chiếc lò xo bị nén, cảm giác ai cũng náo nức, cũng muốn ùa vào nhau để đẩy cuộc sống lên cao.
Ngay từ những ngày đầu tháng Tám âm lịch, tôi đã nghe thấy tiếng gió thu đuổi lá chạy trên hè phố, một cảm giác bâng khuâng. Trời đổi màu, một thứ màu tê tái, ai đa cảm sẽ thấy lòng se sắt, nhớ vu vơ một tiếng thì thào.
Không gian ấy gợi nỗi niềm “Thương nhớ Mười Hai”, “cái buồn mùa thu lê thê, cái buồn mùa thu tê mê, cái buồn mùa thu não nề nhưng không ray rứt đến mức làm cho người ta chán sống. Ấy là vì gió thu buồn nhưng trời thu lại đẹp, đẹp nhất là trăng thu, đẹp đến nỗi làm cho người ta buồn nhưng vẫn muốn sống để hưởng cái bàng bạc trong khắp trời cây mây nước – nếu chết đi thì uổng quá”
Cả ký ức về trăng thu tỏ mờ trong óc, “trăng dãi lên đường thơm thơm; trăng cài trên tóc ngoan ngoan của những khóm tre xào xạc; trăng thơm môi mời đón của dòng sông chảy êm đềm”. Thứ trăng quê ngọt ngào mà xa lắc. Mấy chục mùa hồng, mùa cốm, ai đã đi đón hứng những ánh trăng trên vạt cỏ mềm ven đê rào rạt gió? Ai đã đứng đợi ai bên lũy tre làng đêm hội trống quân? Ai đã vương vấn ai khi giã bạn đêm về, tiếng hát chìm vào dòng trăng…
Mấy chục năm ở thành phố không có trăng thu. Bởi những ngọn đèn đường lấp lóa. Bởi những cột đèn cao áp chói lóa. Bởi những vội vã của bàn chân đón đưa con học hành ca kíp… Chẳng ai đang chạy xe giữa phố lại dừng lại ngửa mặt lên trời tìm ánh trăng thu. Làm thế xa lạ với mọi người, xa lạ với chính những đứa con thành phố hôm nay.
Vậy là chỉ trời thu, gió thu, màu của mùa thu bàng bạc, tê tái là thấm được vào da, vào thịt, đi vào mắt, làm cay cay sống mũi.
Rồi một buổi tối, trên con phố quen của Phủ Lý, tiếng trẻ con hò reo trong tiếng nhạc rước đèn trung thu len vào từng con ngõ. Xem kìa! Ánh sáng đèn trung thu lấp lánh đủ màu. Đàn gà chơi trăng… người già trẻ em đi theo náo nức, nhiệt tình. Rất nhiều người chưa kịp ăn tối. Rất nhiều người vừa mới đi làm, đi học về, gặp đoàn người rước đèn trên phố là hòa vào tự nhiên, quên cả đói, quên cả lối về nhà!
Lạ thật! Trong dòng người rước đèn đó, có những người bao nhiêu lâu rồi chẳng nói với nhau, chẳng thể gặp nhau để cùng hưởng thụ một thứ niềm vui tập thể từng có trong quá khứ… giờ vai chen vai, nói cười “như chưa hề có cuộc chia ly”. Người Kim Bảng, người Bình Lục, người Lý Nhân, người Duy Tiên, người Thanh Liêm và người Phủ Lý….trong giây phút này bỗng là người một nhà, nói cười với nhau yêu thương, trìu mến.
Hội rước đèn Trung thu của thành phố kéo dài từ đầu tháng Tám đến qua Rằm. Chẳng năm nào như thế! Những đứa trẻ thành phố chưa một lần sống trong không khí hội hè của mùa thu truyền thống, dưới trăng thu bày đặt nhiều hoạt cảnh sinh động của cuộc sống đời thường nhưng chứa đựng những khát vọng và niềm tin của con người với cuộc sống, thì ở thu này, chúng được hòa mình vào dòng chảy văn hóa truyền thống.
Một thế giới cổ tích, thần thoại hiện về trong mắt trẻ thơ. Những em bé đi tìm cô Tấm, trông ngóng chị Hằng, đợi chờ chú Cuội; Ai ưa điển tích thì chờ đón “cá chép chơi trăng”, hy vọng tới mùa thi sẽ đỗ cao. Những cô bé hai má hồng như trái đào non mắt lấp lánh nhìn mâm cỗ Trung thu được bày đặt, sắp xếp, cắt tỉa khéo léo thành hình các con thú từ những trái bòng, trái bưởi…
Chỉ khác với lũ trẻ chúng tôi ngày trước, nhìn thấy bánh Trung thu, trẻ con bây giờ dửng dưng, không tha thiết! Cuộc sống vốn đã đủ đầy, những đồ ăn thức uống với nhiều đứa trẻ không còn là thứ hấp dẫn, chứa đựng sự háo hức nữa!
Không khí hội hè trên phố mùa thu ở Phủ Lý cuốn hút người ta đến lạ lùng. Ai đã nghĩ ra những hoạt động này để từ người già đến trẻ em và cả nam thanh nữ tú bỏ những thói quen buổi tối, ra đường, hòa vào không khí của mùa thu, Trung thu tràn ngập hạnh phúc như thế? Ai đã làm cho những người như tôi sau mấy mươi năm sống ở thành phố bỗng nhớ lại mình từng là một đứa trẻ nông thôn, có một tuổi thơ và một ký ức mùa thu rạo rực?
Phố đi bộ ở thành phố tôi Thu này như thế!
Giang Nam