Những mùa hạ thân thương

Mùa hạ, mùa của phượng đỏ và bằng lăng tím; mùa của tiếng ve và những cơn mưa rào chợt đến chợt đi… Mùa hạ về đồng nghĩa với ba tháng hè được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái bên bạn bè đồng trang lứa, sống cùng làng, cùng xóm… Tuổi thơ ai cũng vậy, được nghỉ hè - chỉ nghĩ đến thôi cũng háo hức lắm rồi. 

Mùa hạ của tuổi học trò xưa chưa có điện thoại thông minh, chưa có internet, chưa có trò chơi điện tử… nhưng vẫn thật vui; đôi lúc có tranh cãi, có giận hờn nhưng vẫn gắn kết, hòa đồng, nhiều tiếng cười giòn tan, rộn rã.

Những mùa hạ thân thương
NaN

Hạ về, nhớ những trưa hè nắng nóng như đổ lửa, tiếng ve kêu khắp làng trên xóm dưới, trong khi người lớn mệt mỏi tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi lúc buổi trưa thì lũ trẻ chúng tôi lại thầm thì, khẽ khàng rủ nhau trốn ngủ, đầu trần đi bắt ve, hái ổi… Trẻ nhỏ, trốn được ra khỏi nhà là mải vui, hò hét, tranh luận, nói cười vang cả một khoảng không. Nhiều hôm đang chơi bỗng giật mình khi thấy bóng bố mẹ tay cầm chiếc roi tre réo tên nơi đầu ngõ… Bao năm qua rồi nhưng vẫn nhớ bộ que chuyền được chặt từ những cành tre nhỏ, nhờ ông vót nhẵn; bóng tung là những quả bưởi non vừa tay hái ngay trong vườn nhà. Chỉ với mười que tre và quả bưởi nhỏ vậy mà ngày ngày lũ con gái mải chơi quên cả giờ về nấu cơm và quét dọn nhà cửa. Đám con trai nghịch ngợm hơn, chơi trò đánh khăng, đánh đáo… Hết chơi chuyền, đánh khăng, đánh đáo lại chuyển sang các trò: Trồng nụ trồng hoa, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, nhắm mắt trốn tìm…Toàn những trò chơi dân gian gần gũi, thân quen nhưng đầy hấp dẫn và vui vẻ nên bọn trẻ tham gia mỗi lúc một đông. Chiều chiều, lũ trẻ rủ nhau ra triền đê, đứa tìm cỏ gà cùng nhau thách đấu, đứa chạy thả diều cao vút trên tầng không, nhóm rủ nhau chơi đá bóng trên bãi cỏ xanh mướt… Trong ánh hoàng hôn đỏ rực nơi cuối trời, tiếng hò hét, nói cười xao động khắp triền đê dài quanh co, tít tắp... Thích nhất là khi đêm về, bọn trẻ í ới, háo hức rủ nhau cùng ra sân đình vui sinh hoạt hè. Dưới sự hướng dẫn của các anh chị phụ trách, bọn trẻ cùng tập văn nghệ, tập đội hình đội ngũ, chơi các trò chơi dân gian... Nhiều tối, buổi sinh hoạt đã kết thúc từ lâu nhưng lũ trẻ vẫn nán lại sân đình chơi thêm, tới khi bố mẹ gọi về đi ngủ vẫn còn luyến tiếc hẹn nhau - mai nhé. 

Mùa hè, sau bao ngày mong đợi, khi những cơn mưa rào bất chợt tuôn rơi, lũ trẻ lại rủ nhau chạy tắm mưa hết nhà này sang nhà khác. Mưa càng to, càng thích. Đầu tóc, mặt mũi, quần áo ướt mèm, nước mưa quất vào người ran rát... mặc kệ, bọn trẻ vẫn rủ nhau đi bắt cá rô đồng lách, bắt cua bò lên nơi góc ao, trên bờ ruộng, thậm chí ngay cả trong sân nhà... Mùa hạ, khi những cơn bão đi qua, chẳng biết tới nỗi lo “thắt ruột thắt gan” của người lớn, bọn trẻ í ới gọi nhau đến những nhà trồng cây ăn quả để... nhặt quả rụng. Ăn thì ít, nghịch ngợm, ném nhau thì nhiều... Cứ như vậy, mỗi khi xuân qua, hạ đến, bọn trẻ lại được đắm mình trong những kỳ nghỉ đầy sôi động, gắn kết và sẻ chia. Đến khi thu về, lại náo nức cùng nhau cắp sách đến trường trong niềm vui được gặp lại bạn bè, thầy cô giáo cũ. Đêm đêm, lại thao thức, miệt mài bên trang vở tới tận khuya... 

Đi qua những mùa hạ thân thương, các thế hệ trẻ nối tiếp nhau dần khôn lớn, trưởng thành, rời xa mái trường, xa vòng tay bao bọc, chở che của ông bà, bố mẹ. Giữa bộn bề biết bao lo toan của cuộc sống thường nhật những ký ức tươi đẹp, trong sáng của tuổi thơ mãi là những kỷ niệm khó quên trong tâm tưởng mỗi người. Vào những dịp hội trường, hội khóa, bạn bè lâu ngày mới có dịp gặp lại, dù mái tóc đã điểm bạc, những nếp nhăn hằn sâu trên khóe mắt, gương mặt … nhưng khi ôn lại chuyện xưa, mọi người đều chung một mong muốn, được lần nữa trở về với tuổi thơ yêu dấu, với những mùa hạ ngập tràn tình yêu thương. 

Vĩnh Linh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.